Chuyện anh tù binh Mỹ đối mặt với các tay súng Việt Nam
...Chiều hôm ấy, họ tiếp tục lên đường, càng đi sâu vào rừng theo hướng trại tù binh. Trong trí óc Ramsey, việc biện minh bằng vấn đề địa chính trị mà dựa vào đó Hoa Kỳ đưa quân sang Việt Nam với danh nghĩa ngăn chặn sự bành trướng của Trung Hoa đã "biến thành tro". Anh thấy hình như Hoa Kỳ không cần đi tìm xa hơn, bởi kẻ thù cộng sản Việt Nam của họ đã dựng lên hàng rào tự nhiên ngăn chặn, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á." *** "Ramsey* rơi vào một cuộc phục kích của 4 Việt cộng cách trung tâm làng và đồn lính Mỹ không đầy một cây số. Người lái xe Việt Nam bị một phát đạn vào chân, mất hết can đảm và dừng xe lại. Ramsey cũng có thể thoát khỏi cuộc phục kích. Anh mang theo một trong những súng tiểu liên mới tự động AR – 15, hai băng đạn và mấy quả lựu đạn nhưng không biết làm thế nào vì không hề được luyện tập kỹ thuật bộ binh. Anh bắn qua cửa xe để tự bảo vệ nhưng phí thì giờ và đạn. Một viên đạn Việt cộng làm thủng bình dầu diezen dưới chân, bắn tung lên mặt làm anh như mù. Ramsey bám vào điều mình biết tốt nhất, tiếng Việt Nam 'Tôi đầu hàng!'. Anh hô lên, vứt bỏ súng và xuống xe. Thân hình anh khổng lồ, càng cao hơn khi giơ hai cánh tay lên đầu. Người lái xe được thả ra. Vết thương ở đùi không nặng, anh ta trở về ngay đêm ấy để báo cáo việc Ramsey bị bắt. Những người cầm tù Doug Ramsey, những nông dân khoảng 20 tuổi, rất thỏa mãn vì bắt được địch nên hầu như thân mật với anh, hỏi “ đầu hàng “ dịch ra tiếng Anh là gì. Họ dẫn anh đến làng gần nhất. Thái độ của nông dân đối với anh rất khác nhau. Ấp của họ bị Sư đoàn 25 của Chinh [Phan Trường Chinh, Đại tá Sư trưởng Sư 25 VNCH] đốt cháy. Ramsey đã thấy những ấp bị đốt sau vụ cháy một thời gian lâu, có vẻ như một thị trấn cổ bỏ hoang chỉ còn những đổ nát cháy sém. Nhưng cảnh hoang tàn ở đây còn bốc khói và rõ ràng những người dân vừa mới về để xem nhà cửa ra sao. Trẻ con gào khóc, người già nhìn ngó, lắc đầu không tin được. Đàn bà tìm trong đống tro còn bốc khói, cố vớt vát một số dụng cụ nhà bếp hoặc vật nhỏ gì đó còn sót lại. Qua câu chuyện nghe được, Ramsey hiểu là nông dân đã mất hết. Họ không được báo trước và không có đủ thì giờ mang vật gì đi theo. Lính Quân lực Cộng hòa đốt hết lúa gạo không chôn giấu, giết trâu bò và gia súc khác, vứt xác xuống giếng làm ô nhiễm nguồn nước. Lễ Tết cổ truyền còn hai ngày nữa sẽ đến và nông dân tự hỏi bây giờ làm thế nào để tổ chức được. Nếu Ramsey còn tự do, cảnh này chắc chắn sẽ làm anh quay lưng lại hoàn toàn với cuộc chiến tranh này. Tình trạng là tù nhân làm lu mờ vấn đề lương tâm nhưng anh vẫn bị tác động. Anh buồn nôn và tự cảm thấy giận dữ bị phản bội và dù sao cũng có phần trách nhiệm. Mười lăm ngày trước đây, trong một cuộc hội ý về đợt hành quân này ở tổng hành dinh Sư đoàn 25, anh đã nêu lên việc làm thiệt hại dân chúng và sự phá hoại nhà cửa là vô ích. Viên trung tá Mỹ cố vấn của Chinh xác định với anh sẽ không có sự phá hủy vô cớ. Chinh ngồi bên cạnh không phát biểu gì phản đối. Ramsey thấy cảnh này thật chán ngán. Nếu đấy là cái giá để giữ gìn 'lối sống Mỹ', anh không muốn mình là một trong số người tham gia. Ramsey cũng lo sợ. Một số nông dân trong ấp tập hợp xung quanh anh đòi giết anh. Bốn anh Việt cộng ngăn họ lại. Các anh nhắc lại Mặt trận dân tộc giải phóng tôn trọng đường lối chính trị nhân đạo và khoan hồng đối với tù binh. Ramsey nghĩ những người Việt cộng muốn bảo vệ chiến tích của mình nhưng hình như họ rất có ý thức nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chỉ đạo của phong trào. Họ quở trách một người đứng tuổi đã nhổ vào Ramsey, nói Ramsey không phải là lính của toán đã phá hủy nhà cửa trong ấp mà là một viên chức dân sự bị bắt khi áp tải chở gạo cho những người tị nạn. Một nông dân hỏi anh làm việc ở cơ quan nào. Ramsey: "AID!" [Cơ quan viện trợ phát triển Mỹ, thường là bình phong cho các hoạt động do thám, cố vấn chính sách cho quân đội Mỹ]. Những chữ cái Việt ấy có nghĩa theo tiếng Pháp cũng như tiếng Anh. "AID" - Người nông dân kêu lên. "Anh nhìn quanh xem !". Ông đưa ngón tay chỉ những nhà cửa cháy sém, hết nhà này đến nhà khác. "Đấy là AIDE (sự giúp đỡ) của người Mỹ !". Người nông dân nhổ nước bọt và bỏ đi... Cả ngày hôm sau, Ramsey ngủ với chân bị xiềng, trong một hầm chống bom đào dưới một căn lều thông tin của du kích. Đêm đến họ lại đi. Nửa đêm Ramsey thấy hai quả pháo hoa phía xa, nghĩ rằng mình vừa chứng kiến buổi khai mạc lễ Tết ở Trảng Bảng. Nhưng mặt trời lên trên đồng bằng Tây Ninh trong bình minh chỉ cho anh thấy họ đi về hướng tây bắc thị xã Tây Ninh. Sáng hôm ấy, ngày 20 tháng Giêng, họ tiếp tục đi ban ngày vì có lệnh ngừng bắn, du kích Việt cộng cảm thấy không bị đe dọa bởi máy bay tấn công. Đến trưa, Ramsey tiến tới bức tường cây to lớn, dấu hiệu cho thấy đã hết đất trồng trọt và bắt đầu vào dãy núi Trường Sơn. Anh sẽ đứng trước những đau khổ ghê gớm của trại tù binh trong rừng nhiệt đới: run rẩy và sốt nóng của hai loại bệnh sốt rét thông thường, sự co giật và hôn mê của bệnh đau óc, chứng co cơ đau đớn và sưng phù chân tay vì bệnh phù thũng, chứng kiết lỵ, rắn hổ mang ban đêm cuộn tròn dưới chỗ nằm trong nhà, việc di chuyển bắt buộc khi có cuộc tấn công, nỗi sợ hãi bị bom B-52 của chính quân đội mình... Nhưng Ramsey không có một ý nghĩ gì về những cái đang chờ anh khi cả toán dừng lại trên bờ một ngọn suối trong rừng để tắm và ăn uống. Những người lính cởi trói cho anh để cùng bơi với họ. Thử trốn thoát là một điều không thực hiện được và Ramsey đành ngồi nghỉ, hưởng nước mát sau một đợt đi bộ lâu. Ba người lính đã đối xử nhân đạo với anh, thậm chí thân mật với một tù binh chiến tranh. Hôm trước, người trưởng đoàn có tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn, cho anh bánh nếp ăn dọc đường. Buổi sáng, họ dừng chân trong một trang trại vắng để Ramsey nghỉ ngơi và cùng ăn lễ Tết. Người trẻ nhất, một thanh niên nông dân 16 tuổi đã tác động đặc biệt đến Ramsey. Chàng trai to cao so với người Việt, nhanh nhẹn và rõ ràng thích cuộc sống chiến đấu của du kích. Vào rừng, anh nhắm bắn một con chim cắt trên cành cây làm thịt cho bữa ăn tối. Lòng tự hào giỏi săn bắn của anh ta làm Ramsey vui thích. Có vẻ anh học không nhiều nhưng thông minh và học thuyết chính trị anh tiếp thu được không lấn át bản tính tò mò và thân thiện. Có lúc anh chuyện trò nhiều đến nỗi người toán trưởng quở mắng anh quá thân mật với tù binh. Ramsey bèn nghĩ ông toán trưởng đã không hiểu chàng trai tuyên truyền có lợi như thế nào đối với một người Mỹ trước đây chỉ gặp quá nhiều sinh viên tinh hoa của các trường đại học Sài Gòn, những chàng trai vô lại trên đường phố, những lính trẻ say rượu và vô trách nhiệm của quân đội Sài Gòn. Sau khi tắm xong, chàng trai hỏi Ramsey vì sao người Mỹ sang đánh nhau ở Việt Nam. Anh nói về lý do chung nhất: sự cần thiết ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc, điều mà anh cho rằng một nông dân trẻ Việt Nam có thể hiểu dễ dàng nhất. Anh giải thích nếu cuộc chiến tranh này chống lại quyền lợi trước mắt của dân tộc Việt Nam thì về lâu dài Hoa Kỳ làm lợi cho họ bằng cách ngăn chặn Trung Quốc xâm chiếm nước họ và phần còn lại của Đông Nam châu Á. Sự giải thích của Ramsey có vẻ vừa làm khó chịu vừa kích động chàng trai; anh trả lời điều đó thật vô nghĩa. Nếu người Mỹ ghét hoặc sợ người Trung Quốc đến thế, tại sao họ không sang đấy đánh nhau? Ở Việt Nam không có quân lính Trung Hoa. Những lính nước ngoài ở Việt Nam là người Mỹ và đồng minh của họ như Nam Triều Tiên [Những sư đoàn đầu tiên của Nam Triều Tiên sang tham chiến ở Việt Nam theo một hiệp ước giữa Seoul và Washington đến vào cuối năm 1965]. Thực ra những người cuối cùng dẫn dắt lính Trung Hoa đến Việt Nam là những người Mỹ, đã để Quốc dân đảng Trung Hoa chiếm đóng miền Bắc vào cuối Thế chiến hai. Bây giờ Hoa Kỳ lại hình dung có thể đưa quân lính Đài Loan đến tham chiến với họ ở miền Nam. Những người Việt Nam sẽ không bao giờ cho phép lính nước ngoài chiếm đóng đất đai họ. Chàng trai nói: "Chúng tôi không sợ chế độ Trung Hoa hiện tại tấn công hoặc xâm lược chúng tôi. Nhưng nếu mọi việc trong tương lai thay đổi và một chính phủ mới dám thử …". Anh kể lại người Việt Nam đã đánh đuổi những cuộc xâm lược của Trung Hoa trong những thế kỷ trước đây. Ramsey cố giải thích lý do người Mỹ xem những người cộng sản Việt Nam như những quân cờ của trò chơi Trung Hoa. Toán trưởng và người lính thứ ba ngắt lời anh và khẳng định anh đã lầm. Chỉ bản thân việc Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa không có nghĩa là điều đó nói lên việc họ đang thống trị nước Việt Nam. Người Việt vốn không tha thứ một sự thống trị nào của nước ngoài cho dù là hệ tư tưởng nào và nhất là hệ tư tưởng của Trung Quốc. Ba người bèn ngược lại dòng lịch sử. Ramsey thán phục về những sản phẩm ấy của một phong trào cộng sản chối bỏ những tàn tích mới của "chế độ phong kiến" vừa say sưa nêu lên những nhân vật của quá khứ phong kiến của họ. Tinh thần dân tộc của họ thật ghê gớm, rất khác với thái độ của những người Sài Gòn mà anh đã biết. Bằng một cách nào đó họ sung sướng với nhiệm vụ đánh thắng Hoa Kỳ ngày nay. Khi những người Mỹ mất hết hy vọng và về nước, những quốc gia đe dọa gần hơn sẽ không dám tiến hành việc mà nước tư bản mạnh nhất trong lịch sử đã làm không được. Họ tin tưởng vào khả năng của mình xứng đáng với tổ tiên trong cuộc chiến tranh chống Mỹ này. Chiều hôm ấy, họ tiếp tục lên đường, càng đi sâu vào rừng theo hướng trại tù binh. Trong trí óc Ramsey, việc biện minh bằng vấn đề địa chính trị mà dựa vào đó Hoa Kỳ đưa quân sang Việt Nam với danh nghĩa ngăn chặn sự bành trướng của Trung Hoa đã "biến thành tro". Anh thấy hình như Hoa Kỳ không cần đi tìm xa hơn, bởi kẻ thù cộng sản Việt Nam của họ đã dựng lên hàng rào tự nhiên ngăn chặn, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
" EDIT TỪ: Chiến tranh Việt Nam tư liệu và sự thật