Chúng ta còn được gặp cha mẹ bao nhiêu lần trong đời?

  1. Văn hóa

Ngày thường bận học, bận làm, ngày lễ, tết lại “bận” xả stress với những chuyến du lịch, hội ngộ bạn bè, nhiều người đang dần quên mất mình còn có một ngôi nhà, một quê hương để trở về.

Kỳ nghỉ lễ 2/9 vừa qua đi, nỗi buồn trên đôi mắt bà Trần Thị H. (Hà Tĩnh) lại thêm phần trĩu nặng. Vậy là thêm một dịp lễ trong năm, những đứa con, đứa cháu bà hằng mong vẫn cứ mải miết “bận” những chuyến du lịch không thể về thăm bà...

B1


Niềm mong mỏi con cháu trở thành nỗi buồn nhớ trong lòng Mẹ! (Ảnh minh họa Internet)

Bà H. có 4 người con, nhưng có đến 3 người xa quê lập nghiệp, chỉ duy có một người con gái ở gần chăm sóc bà. Ngày thường, các con, các cháu vì công việc bận rộn không thể vượt hàng trăm km về thăm bà. Thế nhưng, đến dịp lễ, tết, các con, các cháu vẫn cứ bận bịu không thể về quê. Niềm mong mỏi con cháu dần trở thành nỗi buồn nhớ của bà H.

“Chúng “bận” đi du lịch, xả stress sau những ngày làm việc mệt mỏi, đi để khám phá nhiều mảnh đất mới lạ. Nhiều lần muốn gọi các con, các cháu hay là về quê du lịch, nhưng sợ chúng phiền lòng nên tôi lại thôi. Mẹ thế nào cũng được, chỉ mong các con, các cháu vui vẻ” - bà H. chia sẻ.

Cũng bởi những lần “cố vui” như thế nên dù tuổi đã ngoài 90, có đến 25 đứa cháu (kể cả dâu rể) và 9 đứa chắt nhưng vẫn có những đứa cháu, chắt bà H. chưa kịp nhớ mặt. Bà cũng không trông mong còn có thể nhớ mặt hết tất cả các cháu bởi mắt không còn tỏ nữa. Bà H. chỉ mong, đến lúc hấp hối còn được một lần nắm tay tất cả con cháu.

B2


Trước khi nghĩ đến việc thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, hãy nghĩ đến cha mẹ già nơi quê nhà và hãy tự hỏi rằng: “Chúng ta còn được gặp cha mẹ bao nhiêu lần trong đời?”. (Ảnh Trần Tuấn Việt)

Cũng như bà H., bà Y. (TP Hà Tĩnh) dường như đã quen với những bận bịu vào dịp lễ, tết của con cái. Thế nên, những lúc nhớ con, nhớ cháu quá, bà Y. lại một mình ra TP Vinh (Nghệ An) để thăm con.

Bà Y. tâm sự: “Khoảng cách không xa nhưng ngày thường các con đi làm, đi học. Ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, tết, chúng chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, đi chơi đâu đó nên nếu nhớ con cháu tôi lại ra chơi”.

Nói là vậy, nhưng trong câu chuyện của mình, bà Y. vẫn nghẹn ngào bởi cách đây 4 năm, chồng bà đã ra đi mà không được gặp đầy đủ con cháu lần cuối. Trong sâu thẳm tâm tư, bà Y. cũng lo sợ, một ngày nào đó, mình cũng phải ra đi trong cô đơn, buồn nhớ như thế.

Chuyện như bà H. hay bà Y. là những câu chuyện tuy không mới, nhưng đáng buồn thay vẫn luôn hiện hữu. Guồng quay của cuộc sống và muôn vàn lý do không tên cứ thế cuốn những đứa con đi xa khỏi nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi có cha mẹ đang ngóng chờ mỗi ngày. Buồn hơn khi có những người trẻ vì mải vui chơi, thỏa mãn nhu cầu tinh thần của bản thân mà quên đi rằng, mình còn có nỗi đợi chờ của cha mẹ.

Để tránh những nỗi ân hận muộn màng, mỗi người nên học cách sắp xếp cuộc sống một cách hài hòa. Trước khi nghĩ đến việc thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, hãy nghĩ đến cha mẹ già nơi quê nhà và hãy tự hỏi rằng: “Chúng ta còn được gặp cha mẹ bao nhiêu lần trong đời?”.


Nguồn: baohatinh.vn

Từ khóa: 

văn hóa