Chúng ta có nên bỏ qua cảm xúc để tiến tới thành công hay không?
Nếu một người để cảm xúc lấn át quá nhiều thì thường không làm được việc gì lớn cả. Mà nếu chọn vô cảm để thành công thì chắc chắn nó sẽ đánh đổi rất nhiều. Vậy chúng ta có thực sự nên bỏ qua cảm xúc cá nhân để hướng tới sự thành công hay không?
thành công
,cảm xúc
,sự nghiệp
,tâm lý học
- Cảm xúc là nhân tố số 1 để thành công nhưng cũng là kẻ thù khiến bạn thất bại. Trong bán hàng con đường móc túi tiền nhanh nhất đến từ trái tim. Trong tình yêu là gia vị khiến cả hai yêu đắm đuối. Trong cuộc sống là chất xúc tác mãnh liệt, khiến bạn lạc quan, yêu đời hơn.
- Do đó, bạn phải kiểm soát, làm chủ cảm xúc như người cưỡi ngựa thuần phục ngựa hoang, chinh phục tính bương ngạnh của nó. Vì vậy không thể từ bỏ cảm xúc, nếu bỏ qua cảm xúc thì bạn đang đánh mất con người chính mình.
- Từ bỏ cảm xúc là nguyên nhân đẩy những mối quan hệ đến bờ vực thiếu cảm tình, khiến việc kết nối quan hệ nhạt nhòa. Kết quả là công việc trở nên ngày càng tồi tệ khi làm việc và gặp gỡ với đồng nghiệp, với bạn bè hay với khách hàng.
- Thực ra, mỗi người chúng ta là phiên bản khác nhau chứa EQ (cảm xúc) khác nhau, có người giàu cảm xúc hơn tức EQ > IQ, nhưng cũng có người nghèo EQ hơn tức EQ < IQ. Sở hữu EQ hơn cũng là lời nguyền để bạn phát triển nó, nhưng nếu bạn EQ kém hơn cũng là thách thức để bạn cải thiện.
- Ai cũng cố gắng che giấu cảm xúc thật, thay đổi cảm xúc thông qua vai diễn khác nhau, để làm việc thành công, rồi ở một nơi kín đáo xả cảm xúc thật.
- Có lúc ghét thằng sếp đến tận óc vì thói thiên vị nhưng cũng phải ngậm bồ hòn mỉm cười. Có lúc gặp khách khó tính phản hồi nghe rất bực, rất ghét chỉ muốn chửi, nhưng cũng phải vểnh cái tai nghe rồi xin lỗi. Chỉ có những lúc tâm sự mới thủ thỉ cảm xúc thật để mong muốn đồng cảm thôi.
- Theo mình muốn thành công nhiều và hơn nữa, nên điều khiển cảm xúc bản thân thật điêu luyện chứ không nên vô cảm.
__________________________________
Vĩ Content - Sứ Giả Content
👉Nhớ follow mình nhé. Cảm ơn bạn ^^
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Võ Thanh Vĩ
__________________________________
Vĩ Content - Sứ Giả Content
👉Nhớ follow mình nhé. Cảm ơn bạn ^^
Nguyenphuhoang Nam
Thử tưởng tượng nhé, chúng ta đang chạy và nhận thấy đôi tay hình như không đóng góp nhiều cho việc chạy như đôi chân. Nhưng liệu bỏ đi cánh tay có khiến chúng ta chạy nhanh hơn không bạn nhỉ? Và bỏ đi cánh tay, chúng ta chạy tới cái đích tạm gọi là "thành công" rồi, thì dùng cái gì để nâng cúp, để nhận phần thưởng?
Simple Man
Theo góc nhìn của mình thì đây là một câu hỏi mà không có câu trả lời đúng sai, mà phụ thuộc vào quan điểm và giá trị của mỗi người.
Một số người cho rằng cảm xúc là một rào cản cho sự thành công, vì chúng có thể làm mất tập trung, ảnh hưởng đến quyết định và hành động, gây ra xung đột và căng thẳng. Những người này thường coi trí tuệ (IQ) là yếu tố quan trọng hơn trí tuệ cảm xúc (EQ) trong công việc và cuộc sống.
Một số người khác lại cho rằng cảm xúc là một nguồn lực quý giá cho sự thành công, vì chúng có thể tạo ra sự động lực, sáng tạo, đồng cảm và hòa hợp. Những người này thường coi trí tuệ cảm xúc (EQ) là yếu tố quan trọng hơn trí tuệ (IQ) trong công việc và cuộc sống.
Mỗi chúng ta không nên bỏ qua cảm xúc hoàn toàn để tiến tới thành công, mà nên có sự cân bằng giữa trí tuệ và trí tuệ cảm xúc. Cảm xúc không phải là kẻ thù, mà là bạn đồng hành của con người. Chúng ta không thể loại bỏ hoặc phủ nhận cảm xúc của mình, mà chỉ có thể học cách hiểu và điều chỉnh chúng theo hoàn cảnh. Cảm xúc có thể giúp chúng ta biết được những gì mình muốn, những gì mình quan tâm, những gì mình giá trị.
Tuy nhiên, cũng không nên để cảm xúc chi phối hoàn toàn cuộc sống của mình, mà nên có sự kiểm soát và lựa chọn. Có những lúc chúng ta phải biết dừng lại, suy nghĩ và hành động theo lý trí. Có những lúc chúng ta phải biết từ bỏ hoặc hy sinh những gì mình muốn vì những gì mình nên làm.
Vậy nên, để tiến tới thành công, chúng ta nên có sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và trí tuệ cảm xúc. Chúng ta nên biết lắng nghe cảm xúc của mình, nhưng cũng không nên để nó làm mù quáng. Chúng ta nên biết thể hiện cảm xúc của mình, nhưng cũng không nên để nó làm tổn thương người khác. Chúng ta nên biết quản lý cảm xúc của mình, nhưng cũng không nên để nó làm mất đi bản sắc của mình. 😊
Vĩnh Luân
Cũng đúng...Bởi để khi để cảm xúc lấn ất vào công việc thì thường không đạt được độ hiệu quả cao bởi cách làm việc quá cảm tính.
Đối với người nhân viên, việc để cảm xúc chen lấn quá nhiều vào công việc sẽ khiến năng suất công việc không đều, vui vẻ thì lviec hiệu quả cao, đau buồn thì lviec hiệu quả thấp, người yêu chia tay -> không còn hứng làm việc. Khả năng tự ái rất cao. => Rất nguy hiểm
Đối với người lãnh đạo: điều khiển đội ngũ, doanh nghiệp không hiệu quả, thường tuyển theo mối quan hệ, cảm xúc cá nhân chứ không để ý nhiều đến trình độ, dễ bị lừa, thường mắng chửi nếu nhân viên không được việc, thiếu sự nghiêm túc trong công việc. => Càng nguy hiểm.
Thế nên ra ngoài đời, đã đi làm công ăn lương hoặc tự kinh doanh thì đều phải có sự kỷ luật và mạnh mẽ trong từng khuôn viên làm việc, qui định làm việc rõ ràng. Không để cảm xúc chen lấn vào công việc để đạt để hiệu quả cao nhất. Mà làm tốt thì chắc chắn không trước thì sau sẽ thành công mà thôi.
Gia Khánh
Thế thì không khác gì một con robot làm việc. Tôi chắc chắn nếu vậy thì bạn sẽ thành công trong sự nghiệp, chứ không thành công trong cuộc sống. Bạn làm tôi nhớ tới hình ảnh của những người giàu, ngồi trên đỉnh cao của thế giới nhưng đôi mắt họ không toát được vẻ có hồn nữa rồi.
Là tôi, tôi sẽ không lựa chọn điều đấy. Đúng, thành công có rất nhiều con đường, những phẩm chất thường được réo tên trên đỉnh cao thường là sự nỗ lực, chăm chỉ, kiên trì, kỷ luật, chịu khó, mạnh mẽ...Mọi người cố gắng để thêm vào cho mình những phẩm chất tốt và họ hạn chế đi những nhược điểm ở bản thân. Cảm xúc không phải là một nhược điểm, chỉ có mất kiểm soát cảm xúc mới là một nhược điểm, trong trường hợp nào thì mình cũng không nên bỏ qua nó. Việc bỏ qua giống như là để lại di chứng, một mầm mống bệnh chờ lớn để giết chết tinh thần của bạn vậy.
Vì thế việc bỏ qua cảm xúc là không cần thiết, dù có ở trường hợp nào, chúng ta đều nên quan tâm đến cảm xúc của mình và hành xử một cách văn minh, chuyên nghiệp nhất có thể.
Ngọc Cảnh
Trong một số trường hợp, việc bỏ qua cảm xúc trong công việc sẽ giúp bạn tiến tới thành công, danh vọng nhanh hơn. Bởi vì cơ thể ta cũng đều có một nguồn năng lượng hữu hạn, nếu cứ phân hàng nghìn thứ để nghĩ, nghìn việc để quan tâm thì khó mà có thể hoàn thành một công việc với hiệu suất cao. Tuy nhiên, bỏ qua cảm xúc hoàn toàn không phải là sự lựa chọn tốt trong tất cả các trường hợp đâu, thành công có nhiều lối đi mà, đâu chỉ có mỗi cách này.
Cảm xúc là một phần không thể tách rời của con người. Đồng thời, cảm xúc còn cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin, sự tín nhiệm, sự chiêm nghiệm và giúp chúng ta được hiểu và đồng cảm với người khác hơn. Nếu bạn bỏ qua cảm xúc, đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội tìm ra vấn đề, cơ hội phát triển bản thân.
Điều bạn cần là biết cân bằng cảm xúc, đừng để cái tôi lấn át quá nhiều trong công việc, biết kiểm soát và quan tâm, chăm sóc chính mình thì sẽ không bị burn out (quá tải, stress). Khi bạn làm được điều ấy thì không những thành công đến với bạn mà bạn sẽ còn cảm thấy hạnh phúc và trân trọng hiện tại hơn.
Chúc bạn ngày mới tốt lành!