Chúng ta có cần tham gia vào việc tái chế vỏ hộp sữa?

  1. Sức khoẻ

Tôi có biết một quán café nọ tên là

An Xanh 1958 – Learning Hub Café
(Sài Gòn), một trong những quán café thực hành sống xanh được thành lập từ năm 2018. Ở đây, An Xanh Café là cầu nối giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức, tổ chức với tổ chức. Như thế, qua vài lần gặp gỡ và trao đổi, tôi biết rằng An Xanh cộng tác cùng công ty bao bì Tetra Pak để trở thành một địa điểm thu gom vỏ hộp sữa đã qua sử dụng nhằm mục đích tái chế.

Nếu ai có quan tâm ít nhiều đến vấn đề môi trường, chắc hẳn sẽ biết đến hoạt động thu gom vỏ hộp sữa được phổ biến rộng rãi, đặc biệt trong khu vực trường tiểu học. Theo một bài báo của tạp chí The Guardian, chính công ty Tetra Pak là nguyên nhân của một trong số lượng rác thải lớn ở bờ biển và các thành phố với “hơn 8 ngàn bao bì được bán ra mỗi năm ở Việt Nam và chỉ vài phần trăm trên tổng số đó được tái chế.” Cuối cùng, ai đúng ai sai trong câu chuyện này? Hay đây không đơn giản chỉ là vấn đề đúng sai, trắng đen mà bên trong nó lại là một vấn đề khác nữa còn tồn tại?

vo hop sua


Tetra Pak là đơn vị nào?


Tetra Pak là nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm hàng đầu thế giới, một trong ba công ty thuộc tập đoàn tư nhân Thụy Sĩ Tetra Laval. Cùng với DeLaval - chuyên cung cấp thiết bị và hệ thống hoàn chỉnh cho ngành chăn nuôi bò sữa, và Sidel - chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ đóng gói thực phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình.

Năm 1994, Tetra Pak chính thức vào Việt Nam với sản phẩm giấy hộp (sữa) vuông và kết nối với các đối tác về sữa khác như Vinamilk, TH True Milk, Nestlé,…

Vào tháng 07.2019, nhà máy sản xuất giấy hộp tiệt trùng của Tetra Pak được chính thức vận hành tại Bình Dương. Theo ông Otso Toikka [1]- phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng Tetra Pak khu vực Thái Bình Dương, “Tiềm năng đầu tư tại Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng khiến Tetra Pak lạc quan có thể mở rộng công suất nhà máy từ 12 tỉ bao bì trong năm đầu tiên lên 20 tỉ bao bì/năm trong các năm tiếp theo, tương đương với các nhà máy lớn của chúng tôi tại Ấn Độ và Trung Quốc."

Quả thật vậy, nguyên nhân là vì thị trường tiêu thụ sữa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tại nước ta, giá trị thị trường sữa đã vượt mức 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 4.4 tỷ USD) trong năm 2017, tăng 10% so với năm 2016. Tiêu thụ sữa tăng trưởng 12% mỗi năm (giai đoạn 2015-2017), dự kiến từ nay đến 2020 tăng 9% mỗi năm. [2]


Về ‘trào lưu’ thu gom vỏ hộp sữa


Trong thời gian gần đây, vấn đề môi trường vẫn đang là đề tài được rất nhiều người quan tâm cũng như tạo sức ảnh hưởng lớn trong các hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội. Trong đó, Tetra Pak cũng là doanh nghiệp đi đầu trong vấn đề trách nhiệm môi trường nhằm giảm lượng ô nhiễm trong quá trình tham gia sản xuất với hình thức tái chế vỏ hộp sữa đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, Tetra Pak dự kiến phát triển thêm những giải pháp thay thế cho ống hút nhựa gắn trên bao bì đồ uống bằng ống hút giấy, nắp có dây hay giải pháp uống trực tiếp từ hộp giấy. Công ty dự kiến sẽ chi khoảng 100 triệu Euro trong vòng 5 năm tới và đi vào sản xuất ống hút giấy hàng loạt vào năm 2025. [3]

Trong vấn đề thu gom vỏ hộp sữa, công ty đã và đang hợp tác với các đơn vị trường tiểu học nhằm giáo dục và khuyến khích các em học sinh gấp, là phẳng và phân loại vỏ hộp giấy dùng 1 lần - đã qua sử dụng vào thùng rác tái chế. Kế hoạch đang được triển khai ở hơn 1.000 trường học ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Về cấu trúc vỏ hộp sữa [4], Tetra Pak có rất nhiều kích cỡ hộp sữa đa dạng với dung tích từ 200ml đến 1L chất lỏng. Theo đó, phần miệng hộp được thiết kế theo nhiều cách mở khác nhau như đi kèm với khe cắm ống hút hay có nắp nhựa. Ở Việt Nam, hộp giấy phổ biến nhất chính là hộp có dung tích 200ml với khe cắm ống hút và loại có dung tích 1L với nắp nhựa. Trong mỗi bao bì hộp giấy có 3 thành phần chính: 75% bìa giấy, 20% màng nhựa và 5% màng nhôm. Hiện nay, Tetra Pak đang hợp tác với hai đơn vị tái chế là Công ty Đồng Tiến ở Bình Thạnh (TP HCM) và nhà máy Thuận An ở Bình Dương.

Trong chuỗi tái chế bao bì, có 2 nhóm đối tượng chính mà Tetra Pak nhắm đến là người dùng và nhà máy tái chế. Trong đó, Tetra Pak tập trung khuyến khích người dùng nâng cao ý thức, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nhà máy tái chế tại Việt Nam.

Với người tiêu dùng, các điểm thu gom vỏ hộp sữa đã qua sử dụng được thành lập tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội. Hiện có 42 điểm thu gom tại các quận, huyện lớn. Bên cạnh đó, nhiều chương trình được tổ chức tại trường học để nâng cao ý thức cho học sinh, giúp các em hiểu rằng sau khi sử dụng thì bao bì có thể được tái chế, đồng thời hướng dẫn các em phân loại, làm sạch, gấp hộp...

Với bên tái chế, Tetra Pak tập chung đầu tư về mặt kỹ thuật để nâng cao năng lực tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế. Vỏ hộp sữa sau khi sử dụng xong sẽ được đưa vào một hệ thống để tách riêng các thành phần: sợi giấy làm giấy, vở, sổ; lớp màng nhựa và nhôm mỏng được tách để làm tấm lợp sinh thái hoặc tấm pallet... Một sản phẩm thành hình mới đây từ ván tái chế của công ty Tetra Pak là loại tủ đựng đồ cá nhân. Một chiếc tủ được sản xuất giúp hạn chế khoảng 24.000 vỏ hộp sữa (tương đương với 120 – 150kg) thải ra môi trường. [5]


Vỏ hộp sữa của Tetra Pak đang tàn phá môi trường?


Mới đây, báo The Guardian [6] đã đăng tải một bài viết do phóng viên trực tiếp điều tra về thực trạng sử dụng vỏ hộp đựng sữa của Tetra Pak tại Việt Nam và đưa ra những con số đáng kinh ngạc: Tại Việt Nam, Tetra Pak cung cấp khoảng 8,1 tỷ vỏ hộp sữa mỗi năm, tuy nhiên chỉ có khoảng 20% số này được tái chế, số còn lại “bị vứt khắp nơi trên bãi biển và các thành phố ở Việt Nam.”

Với gần 100 triệu dân số người Việt Nam, trung bình mỗi người tiếp nhận khoảng 80 vỏ hộp sữa trong vòng 1 năm. Trong bài báo với tạp chí The Guardian, Tetra Pak cho biết họ đang thu mua lại và tái chế 18.000 tấn bao bì giấy carton/năm, với ước tính khoảng 93.000 hộp sữa vứt đi/tấn. Điều đó có nghĩa là họ chỉ đang tái chế khoảng 20% sản lượng hộp xuất ra thị trường. Họ nói nhà máy tái chế chủ yếu là ở Đồng Tiến. Nhưng dù ở thời điểm tối đa, nhà máy Đồng Tiến chỉ tái chế được 5,5% mỗi năm trong tổng số hộp giấy Tetra Pak đã bán ra thị trường Việt Nam.

Phải nói, công nghệ tái chế ở Việt Nam được Tetra Pak nhận định “đang ở mức trung bình’ [7] – nghĩa là theo đúng như những dữ liệu nói trên, đầu vào sản xuất (vỏ hộp sữa) đang không đủ cho quá trình tái chế. Về bên phía đơn vị hợp tác tái chế - nhà máy Đồng Tiến cũng đồng ý rằng thời họ đang cố gắng hết sức để tái chế vỏ hộp sữa nhưng đầu vào không đủ.

Người dân Việt Nam đang tiêu thụ rất nhiều sữa, phần vỏ hộp sữa sau khi sử dụng thông thường được đưa hẳn vào thùng rác và đem đến những bãi rác thành phố. Thành phần này được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn dưới đất và đôi khi trôi dạt ở khắp nơi trên mặt đất và dưới biển.


Chúng ta có thực sự cần uống sữa?[8]


Cư dân mạng tranh cãi về ảnh hưởng xấu của tập đoàn Tetra Pak, người cho rằng Tetra Pak chỉ đang dùng việc tái chế như một cách xoa dịu cộng đồng người khác cho rằng Tetra Pak vẫn đang từng chút một tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường nói chung. Không nói đến việc ai đúng ai sai trong câu chuyện này, tôi tin câu hỏi ở đây không phải là "Tại sao chúng ta cần tái chế vỏ hộp/bịch sữa?" mà nên là "Chúng ta có cần uống sữa không?"

Thật không thể phủ nhận sức mạnh của quảng cáo đã mang lại cho chúng ta nhiều niềm tin phổ biến mà quên mất việc xem xét và nhận định lại sự đúng sai trong đó. Trên thực tế, độ tuổi tiêu thụ sữa tự nhiên (sữa mẹ) và tốt nhất là khoảng 1-6 tuổi và sữa bò hay sữa mẹ đều không phải thức uống tốt cho cơ thể người trưởng thành. Khi nhìn vào sự phát triển của tự nhiên, ta sẽ thấy chỉ những con vật mới sinh không lâu mới uống sữa. Sữa bò tự nhiên vốn dĩ dành cho bê con để tăng trưởng và phát triển, chỉ có con người tự động cho mình đặc quyền tiêu thụ sữa từ các loài động vật khác. Ở Việt Nam, đa số trẻ em đều bắt buộc phải uống sữa bò bởi người ta tin rằng sữa bò chứa nhiều dinh dưỡng, giúp trẻ cao lớn và thông minh hơn.

Khi liệt kê và so sánh các thành phần chất trong sữa bò và sữa mẹ, ta thấy một sự giống nhau về chất nhưng lại khác nhau về lượng. Thành phần chính của protein trong sữa bò là casein – một chất khó tiêu hóa với hệ tiêu hóa của người. Ngoài ra, trong sữa bò và sữa mẹ đều có chất lactoferrin, chất chống oxi hóa và tăng cường khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, hàm lượng lactoferrin trong sữa mẹ ở mức 0.15% còn trong sữa bò chỉ có 0.01%. Như vậy, cùng một thành phần sữa lại có hàm lượng khác nhau cho những đối tượng khác nhau, liệu chúng ta có vui vẻ cho trẻ con uống sữa bò thường xuyên.

Bên cạnh đó, lactoferrin có trong sữa bò là một chất kém bền với axit dạ dày, đặc biệt đối với dạ dày người trưởng thành. Điều này cũng xảy ra với lactoferrin trong sữa mẹ, tuy nhiên các em bé mới sinh vẫn có thể uống sữa mẹ là do dạ dày chưa phát triển hoàn toàn, do đó lượng axit dạ dày tiết ra rất ít, không triệt tiêu lượng lactoferrin trong sữa. Điều này cho thấy, dù có uống sữa bò chưa tiệt trùng hay uống sữa-người đi chăng nữa thì đây cũng không phải là nguồn thực phẩm thực sự phù hợp cho con người.

Một nhận định tiếp theo khi cho rằng sữa bò giúp trẻ cao lớn hay tăng cường canxi. Mọi người cho rằng việc cho trẻ con uống sữa sẽ giúp tăng cường canxi hay người lớn uống sữa để đề phòng bệnh loãng xương. Nồng độ canxi trong máu người ổn định trong khoảng 9 – lomg (loocc). Khi uống sữa bò, nồng độ canxi trong máu tăng lên nhanh chóng. Điều này làm cho trẻ phát triển xương tốt hơn, khiến trẻ cao lớn hơn. Tuy nhiên, việc ‘tăng nồng độ canxi trong máu’ lại gây bi kịch cho ta vì khi đó, cơ thể ta phải tự động điều chỉnh sao cho nồng độ canxi trong cơ thể quay lại giá trị cân bằng ban đầu; lượng canxi thừa sẽ được thận bài tiết qua đường nước tiểu. Nói cách khác, ta uống sữa để bổ sung canxi, đúng nhưng theo thời gian, nó lại làm giảm lượng canxi trong cơ thể. Còn về mệnh đề ‘uống sữa để thông minh hơn’, hiện tại chưa có bất kỳ một báo cáo xác đáng để chứng minh việc này.

Một vấn đề nữa mà tôi cho rằng là một đặc ân chính là những người không tiêu thụ được sữa. Lacotse là loại đường chỉ có trong sữa của động vật có vú. Một vài người có rất ít lượng enzyme lactase giúp phân giải đường lactose. Khi còn là em bé, hầu hết mọi người đều có loại enzyme này nhưng trong thời gian trưởng thành, lượng enzyme này ngày càng giảm. Khi cơ thể thiếu enzyme lactase, đồng nghĩa với việc không phân giải được lactose, khiến cho nhiều người uống sữa bị sôi bụng hoặc tiêu chảy.


Chúng ta có thể làm gì?


Mọi người tranh cãi vì vấn đề môi trường, thay vì chỉ nói đi nói lại rằng những hành động của ta chẳng mang bất cứ một thay đổi tích cực nào hay bài xích những cá nhân không có tinh thần chung về bảo vệ môi trường thì tại sao ta không tự mình tìm hiểu những vấn đề này. Tôi chọn chủ đề này vì tôi đã nghĩ về nó suốt một năm nay từ khi bản thân bắt đầu nhận biết về môi trường xung quanh. Tôi đã từng đồng tình lên án công ty Tetra Pak về việc sản xuất bao bì và cho rằng đây là một hình thức ‘greenwashing’ – marketing xanh nhân danh bảo vệ môi trường. Sau đó, khi nhận ra ý thức hệ của người dân Việt Nam không nằm ở việc tái chế mà ở việc tiêu dùng quá độ và dễ bị dẫn dắt.

Không thể chối bỏ thói quen uống sữa của người Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể trở thành những người mua hàng thông minh và biết cách hạn chế lượng rác thải cụ thể là vỏ hộp sữa ra môi trường.

Thứ nhất, bắt đầu tập cho trẻ ít uống sữa bò mà thay vào đó là sữa thực vật [9]. Sữa thực vật ra đời để giải quyết vấn đề cho những người mắc chứng không dung nạp được lactose trong sữa. Theo đó, phân khúc này bắt đầu phát triển đầu tiên với sản phẩm sữa đậu nành mà người tiên phong chính là công ty Vinamilk. Thêm vào đó, các sản phẩm sữa thực vật khác cũng phát triển đa dạng về thành phần như sữa bắp, sữa mè đen, sữa hạnh nhân,… Ngoài ra, gần đây trong khu vực thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều gia đình có truyền thống làm sữa đang quay trở lại. Các gia đình này tập trung vào sản phẩm sữa hạt và sữa đậu; thậm chí còn có dịch vụ trao đổi chai thủy tinh đựng sữa. Người sử dụng mua sữa bằng chai thủy tinh, sau khi sử dụng xong gửi trả lại cho người bán và nhận một đợt sữa mới. Hình thức kinh doanh này mới đầu hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, cần có sự tham gia và cộng tác của cả người mua lẫn người bán nhưng kết quả và ảnh hưởng mang lại cho sức khỏe người sử dụng và môi trường xung quanh thì rất lớn.

Thứ hai, chúng ta có thể bổ sung canxi và chất dinh dưỡng cho trẻ thông qua các loại thực phẩm khác, đặc biệt là cá. Hiện tại, cá vẫn đang là thực phẩm được chứng minh là mang lại hàm lượng canxi cao, giúp cho trẻ em không những có xương chắc khỏe mà còn thông minh hơn.

Thứ ba, ta cần phải hiểu rằng công việc tái chế là trách nhiệm của hai phía. Chính Tetra Pak là đơn vị đi đầu trong việc tái chế vỏ hộp sữa, chúng ta cần trân trọng điều đó. Do đó, tôi tin rằng việc tham gia tái chế vỏ hộp sữa vẫn là một hành động cần thiết. Tuy nhiên, nếu có thể, nên lựa chọn và sử dụng loại sữa hộp dạng lớn có dung tích 1L để giúp hạn chế nguyên liệu dùng cho sản xuất hộp sữa dạng nhỏ. Vỏ hộp sữa sau khi sử dụng xong cần được rửa sạch và để khô ráo trước khi mang đến các địa điểm thu gom vỏ hộp sữa tái chế.


Kết


Cuối cùng, câu chuyện môi trường đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn bao giờ hết, chứng tỏ vấn đề này thực sự cần kíp và thức thời. Giới trẻ hiện nay quan tâm nhiều hơn đến môi trường, nhưng đồng thời cũng có những cái nhìn chưa đủ sâu sắc vào trong vấn đề này. Mọi người tranh cãi nhau trên mạng xã hội, lên án những người vẫn đang dùng nhựa trong cuộc sống hằng ngày, tẩy chay những hành động không được cho là bảo vệ môi trường. Tôi tin, chúng ta chỉ đang nhìn vấn đề ở phần ngọn, vẫn chưa đào đủ sâu vào gốc rễ vấn đề. Thay vì tốn thời gian tranh cãi vấn đề đúng sai, ta có thể hiểu môi trường là một câu chuyện nằm trong vòng tròn kinh tế - chính trị - xã hội. Chúng ta đang bị chi phối bởi quá nhiều quyền lực vô hình, và cả thiên kiến của chính mình (cái mà ta hình thành nên gián tiếp qua xã hội). Do đó, một tư duy nhị nguyên đúng – sai, trắng – đen không thể hình thành với bối cảnh hiện tại, càng biết nhiều ta càng thấy mọi vấn đề trong xã hội này cần được tiếp nhận bằng nhiều ý kiến khác nhau. Bản thân ta lại càng phải hiểu rõ bản thân hơn bao giờ hết và hình thành nên những niềm tin đi từ giá trị cá nhân của ta.

Tôi từng ‘chiến đấu’ vì môi trường. Giờ đây, tôi ‘chiến đấu’ với bản thân tôi để ngăn mình không gây ra những hành động xấu vì môi trường.

Tham khảo:

[1]

https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/tetra-pak-van-hanh-nha-may-san-xuat-12-ti-hop-giaynam-6702.html

[2], [9]

https://thinkmarkus.com/nhung-xu-huong-chu-dao-thi-truong-sua-viet/

[3]

https://baodautu.vn/tetra-pak-huong-den-xay-dung-nen-kinh-te-tuan-hoan-it-phat-thai-carbon-d101790.html

[4]

https://www.tetrapak.com/packaging/tetra-brik

[5]

https://www.facebook.com/reformvietnam/posts/2278789769116085?__tn__=K-R

[6]

https://www.theguardian.com/environment/2018/dec/09/billions-discarded-tetra-pak-cover-vietnams-beaches-towns

[7]

https://vnexpress.net/kinh-doanh/ceo-tetra-pak-cong-nghe-tai-che-tai-viet-nam-o-muc-trung-binh-3942040.html

[8]

Sách Nhân Tố Enzyme – Hiromi Shinya.
Chương 1/Uống nhiều sữa bò dẫn đến loãng xương. Chương 2/ Sữa của bò vốn dĩ chỉ là đồ uống dành cho bê con.

 

Từ khóa: 

bảo vệ môi trường

,

tái chế vỏ hộp sữa

,

ô nhiễm môi trường

,

sản phẩm tái chế

,

sức khoẻ