Chức năng, nhiệm vụ của Lục phiên ở phủ chúa Trịnh.

  1. Lịch sử

1. Lịch sử hình thành và những đặc trưng cơ bản của Lục phiên.   

Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam đã từng tồn tại 4 hệ thống quan chế: Quan chế Hồng Đức (1471)

[1]
, quan chế Bảo Thái (1721)
[2]
, quan chế Gia Long (1804)
[3]
và quan chế Minh Mệnh (1827)
[4]
. Ở trong 4 hệ thống quan chế này, chúng ta đều thấy sự xuất hiện của các chức danh: Thượng thư (đứng đầu một bộ), Tự khanh (đứng đầu một tự), Cấp sự trung (đứng đầu một khoa); theo đó, dù là triều Hậu Lê hay triều Nguyễn thì đều xuất hiện các thiết chế: Lục bộ
[5]
(bao gồm: Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ, Công bộ), Lục tự
[6]
(bao gồm: Thái thường tự, Quang lộc tự, Thượng bảo tự, Đại lý tự, Hồng lô tự, Thái bộc tự), Lục khoa
[7]
(bao gồm: Lại khoa, Hộ khoa, Lễ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa).

Tuy nhiên, có một loại thiết chế mà chỉ riêng thời kỳ Lê trung hưng mới có, đó là Lục phiên ở phủ chúa Trịnh. Lục phiên chính thức xuất hiện vào năm 1718, dưới thời kỳ cai trị của chúa Trịnh Cương

[8]
. Và kể từ khi Lục phiên ra đời thì Lục bộ chỉ còn là hư vị, quyền lực thực tế đã chuyển hết về bên Lục phiên
[9]
; phần nào đó thì nó cũng thể hiện bản chất chính trị của thời kỳ này, khi vua Lê chỉ là hư danh còn quyền lực thật sự nằm trong tay chúa Trịnh, cũng như triều đình chỉ là hư vị còn phủ liêu mới là “trung tâm quyền lực” của Đại Việt.

Lục phiên (bao gồm: Lại phiên, Hộ phiên, Lễ phiên, Binh phiên, Hình phiên, Công phiên), đứng đầu một phiên là Tri phiên

[10]
; về tên gọi và cơ cấu tổ chức thì giống như Lục bộ bên triều đình. Về chức năng, nhiệm vụ thì “… Phàm chính sự trong [lục] cung và các việc tài chính, thuế má, quân sự, dân sự ở Thanh, Nghệ, Tứ trấn, các trấn ngoại phiên đều lệ thuộc [vào lục phiên]…
[11]
. Ở đây, chúng ta cũng thấy có sự xuất hiện của Lục cung
[12]
(bao gồm: Tả trung cung, Hữu trung cung, Đông cung, Tây cung, Nam cung, Bắc cung).

Về cơ bản thì Lục phiên đã thâu tóm và lấn át quyền lực của Lục bộ

[13]
(ví dụ, Hộ phiên có nhiệm vụ phát hành tiền – nhiệm vụ trước đây do Hộ bộ đảm trách
[14]
). Tuy nhiên, riêng đối với Lễ bộ và Hình bộ thì phủ liêu vẫn duy trì một số quyền lực mang tính tượng trưng
[15]
. Sở dĩ có việc này là bởi: Triều đại Hậu Lê lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, lấy Lễ trị làm phương thức trị quốc; còn Hình pháp là công cụ để Nhà nước thực thi quyền lực của mình đối với thần dân trong nước. Các chúa Trịnh thực hiện việc này, cốt nhằm để thể hiện mình vẫn là “bề tôi” của vua Lê, âu cũng là thể hiện một đặc trưng của thể chế “lưỡng đầu quyền lực” vua Lê – chúa Trịnh.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Lục phiên.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú không hề ghi chép về chức năng, nhiệm vụ của Lễ phiên. Có tài liệu ghi rằng, Lễ phiên lo việc nghi lễ, tế tự trong phủ chúa còn Lễ bộ lo việc nghi lễ, tế tự ở triều đình và trong cả nước

[16]
. Mình thấy rằng, quan điểm này cũng hợp lý vì nó thể hiện là chúa Trịnh chỉ nắm giữ “thế quyền” còn vẫn để cho vua Lê nắm giữ “thần quyền”; suy cho cùng thì việc này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cán cân quyền lực giữa vua Lê và chúa Trịnh cả.

Đối với 5 phiên còn lại thì chức năng, nhiệm vụ đã được chúa Trịnh Doanh định lại cụ thể, chi tiết vào năm Cảnh Hưng thứ 12 [1751]

[17]
, cụ thể như sau
[18]
:

+ Chức vụ của Lại phiên: Phụng mệnh giữ sổ thuế tô, dung thuộc về bản cung. Như có phụng mệnh tăng thuế hay giảm, cùng trừ miễn ngạch đinh điền cũ, hoặc do phụng chỉ, hoặc do công đồng bàn, đều ghi đủ nguyên nhân, dùng ấn của bản phiên đóng vào, nộp tại công điếm, so xét đích xác rồi mới được cải chính, để phòng lầm lẫn. Về việc phụng mệnh cấp nhiêu phu làm ruộng cho các quan chức nhỏ ở bản cung, cùng việc xét hỏi từ tụng, thì cứ theo lệ phụng hành.

+ Chức vụ của Hộ phiên: Phụng mệnh giữ sổ thuế tô, dung thuộc về bản cung. Như có phụng mệnh tăng thuế hay giảm, cùng trừ miễn ngạch đinh điền cũ, hoặc do phụng chỉ, hoặc do công đồng bàn, đều ghi đủ nguyên nhân, dùng ấn của bản phiên đóng vào, nộp tại công điếm, so xét đích xác rồi mới được cải chính, để phòng lầm lẫn. Về việc trưng thu các thuế ở tuần ty các xứ phải chiếu theo chỉ truyền năm trước, sức lại cho các nha dịch tuần ty tuân hành nhất luật. Hạng dân nội vi tử huyện nào đã bị điêu tàn mà nay mới phụng mệnh vào sổ thì các lệ đưa bài chạy trạm đều chiếu theo chỉ cũ lượng giảm, để tỏ rõ chính sách khoan hồng. Về các hạng vàng, bạc, tiền, gạo, ruộng dân, khi có phụng chỉ cấp cho ai, thì nên xét lường về vật dùng ra và về người được cho, nếu thấy phù phiếm không tiện thì cho được bày biện lại 2 – 3 lần để thôi việc cấp cho. Lại chiếu số trưng thu đồng niên nộp vào, cùng là mức chi dùng phát ra để xét lường mà tính toán trước, khiến quốc kế thường được dồi dào, chi dùng không thiếu. Ngoài ra, chia cấp khẩu phần về chế lộc, ruộng đất về liêm lộc, phụng cấp nhiêu phu làm ruộng cho các chức tiểu quan thuộc bản cung, cùng là xét hỏi kiện tụng và các công việc khác, thì cứ theo lệ phụng hành.

+ Chức vụ của Binh phiên: Phụng mệnh giữ sổ thuế tô, dung thuộc về bản cung. Như có phụng mệnh tăng thuế hay giảm, cùng trừ miễn ngạch đinh điền cũ, hoặc do phụng chỉ, hoặc do công đồng bàn, đều ghi đủ nguyên nhân, dùng ấn của bản phiên đóng vào, nộp tại công điếm, so xét đích xác rồi mới được cải chính, để phòng lầm lẫn. Về thuốc đạn, súng ống, chiêng trống, khí giới, các vật hạng cần dùng, đều phải xét lường nhiều hay ít, đủ hay thiếu, cũ hay mới, bền hay hỏng, hoặc bán ra, hoặc nấu chế, hoặc sửa chữa, đều cần chuẩn bị trước. Lại về việc thải lính già yếu, nã bắt lính trốn thiếu, đều cùng với quan Binh bộ, chiếu lệ chuyển sức cho trấn quan các xứ đúng kỳ dẫn giải, không được quen thói chậm trễ, cùng là xem lựa đúng hạng mà phát đi cho đủ ngạch binh. Về các thợ làm súng, thợ làm máy, cùng quân sở Lục hùng, cũng phải trông coi. Lại nhắc lại nghiêm ngặt về điều cấm bán [súng hay máy], cùng là xét rõ địa thế cho đặt trường sở, để có ngăn cách. Ngoài ra, chia cấp khẩu phần về chế lộc, ruộng đất về liêm lộc, phụng cấp nhiêu phu làm ruộng cho các chức tiểu quan thuộc bản cung, cùng là xét hỏi kiện tụng và các công việc khác, thì cứ theo lệ phụng hành.

+ Chức vụ của Hình phiên: Phụng mệnh giữ sổ thuế tô, dung thuộc về bản cung. Như có phụng mệnh tăng thuế hay giảm, cùng trừ miễn ngạch đinh điền cũ, hoặc do phụng chỉ, hoặc do công đồng bàn, đều ghi đủ nguyên nhân, dùng ấn của bản phiên đóng vào, nộp tại công điếm, so xét đích xác rồi mới được cải chính, để phòng lầm lẫn. Về việc thu tiền chuộc tội và tiền phạt, nên trừ một số đã được khoan miễn ra, còn hiện tại phải thu bao nhiêu án, thì chiếu lệ sai thu. Cuối năm cộng tất cả thu được bao nhiêu, khai thực và chua vào cạnh tờ khai, trong tờ ấy kể rõ lý do theo từng loại mà khải lên, nộp tại công điếm, để bằng cứ vào đấy mà gồm tính. Ngoài ra, chia cấp khẩu phần về chế lộc, ruộng đất về liêm lộc, phụng cấp nhiêu phu làm ruộng cho các chức tiểu quan ở bản cung, cùng là xét hỏi kiện tụng và các công việc khác, thì cứ theo lệ phụng hành.

+ Chức vụ của Công phiên: Phụng mệnh giữ sổ thuế tô, dung thuộc về bản cung. Như có phụng mệnh tăng thuế hay giảm, cùng trừ miễn ngạch đinh điền cũ, hoặc do phụng chỉ, hoặc do công đồng bàn, đều ghi đủ nguyên nhân, dùng ấn của bản phiên đóng vào, nộp tại công điếm, so xét đích xác rồi mới được cải chính, để phòng lầm lẫn. Về các xưởng công, thuyền công, và ván xe, ván tấm, mái chèo đã làm xong, mái chèo mới làm phác, cùng là các hạng mui thuyền, khung thuyền, bao lơn, cột buồm, phải xét rõ số năm dùng đã lâu hay mới, chất gỗ còn bền hay đã nát, như không thể sửa chữa được, không thể chèo bơi được, phải chiếu lệ đóng các thứ thuyền khác, làm các mái chèo khác, còn các vật liệu nào quan hệ về công tác, đều phải chuẩn bị hết thảy, đợi có sửa chữa xây dựng thì tức khắc cung cấp được ngay, [và] cốt được bền chắc. Ngoài ra, chia cấp khẩu phần về chế lộc, ruộng đất về liêm lộc, phụng cấp nhiêu phu làm ruộng cho các chức tiểu quan thuộc bản cung, cùng là xét hỏi kiện tụng và các công việc khác, thì cứ theo lệ phụng hành.


[1]
Phan Huy Chú – Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 538 – 539.

[2]
Phan Huy Chú – Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Năm, 2007, tr. 544 – 547.

[3]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 22 – 23.

[4]
Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 25 – 27.

[5]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 629.

[6]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 629.

[7]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện Sử học (dịch), Đại Việt sử ký toàn thư (trọn bộ), NXB Thời đại, 2013, tr. 626.

[8]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm(dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 76.

[9]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm(dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 76.

[10]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm(dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 76.

[11]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm(dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 76.

[12]
Quốc sử viện triều Hậu Lê – Viện nghiên cứu Hán Nôm(dịch), Đại Việt sử ký tục biên (1676 – 1789), NXB Hồng Đức, 2018, tr. 76.

[13]
Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2017, tr. 174.

[14]
Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2017, tr. 174.

[15]
Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2017, tr. 174.

[16]
Trường ĐH Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử Nhà nước và Pháp luật Việt Nam, NXB Công an nhân dân, 2017, tr. 174.

[17]
Phan Huy Chú – Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 577.

[18]
Phan Huy Chú – Viện Sử học (dịch), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr. 587 – 589.

Từ khóa: 

tinh hoa việt nam

,

bộ máy nhà nước

,

chúa trịnh

,

lục phiên

,

phủ liêu

,

lịch sử