Chuẩn mực của tập thể
Nam Khang, sống tại Trung Quốc. Năm 1999 Nam Khang gặp và yêu một người, năm 2002 hai người sống chung với nhau rất hạnh phúc nhưng không kết hôn hay làm lễ cưới. Năm 2006, người yêu Nam Khang kết hôn với người khác, nỗi đau không nói nên lời ấy được Nam Khang thể hiện qua tùy bút “Em Đợi Anh Đến Năm 35 Tuổi”.
Năm 2008, Nam Khang gieo mình tự vẫn sau khoảng thời gian dài chiến đấu với bệnh trầm cảm. Năm đó Nam Khang 28 tuổi.
Nếu đọc tới đây mà bạn nghĩ tôi đang kể một câu chuyện ngôn tình theo mô típ đại chúng, lâm li bi đát nào đó thì nhầm rồi. Thế chẳng có gì đáng để nói cả. Nam Khang thật ra là một người đàn ông. Mối tình của anh với bạn trai là một mối tình đồng tính.
Trong xã hội hiện nay thì tình yêu đồng tính là chuyện rất bình thường. Nhưng vào thời điểm năm 2006, nhiều nơi trên thế giới, đồng tính là bệnh, đó là tình yêu bị dư luận lên án, kì thị và ghê tởm. Bạn trai Nam Khang không dám thừa nhận mình là người đồng tính đã cố gắng đi lấy vợ, kết hôn một cách bình thường. Nam Khang cũng vì sợ điều tiếng xã hội mà không dám công khai giới tính của mình cũng không dám níu kéo người mình thương yêu. Dư luận tập thể đã giết chết bao tình yêu như vậy đấy.
Tại sao lại như vậy?
Một thí nghiệm đơn giản,được tiến hành vào thập niên 1950 bởi nhà tâm lý học huyền thoại Solomon Asch, cho thấy cách mà áp lực người xung quanh có thể bẻ cong các cảm nhận thông thường. Một đối tượng được cho xem một đường thẳng vẽ trên giấy, và kế nó là 3 đường thẳng khác được đánh số 1, 2 và 3 một đường ngắn hơn, một đường dài hơn, và một đường cùng kích thước đường kẻ ban đầu. Anh hoặc cô ta phải chỉ ra đường thẳng nào trong 3 đường trên tương ứng với đường thẳng ban đầu. Nếu người này ở một mình trong phòng, anh ta đưa ra đáp án chính xác vì nhiệm vụ này rõ ràng là khá dễ. Giờ khi có 5 người khác bước vào phòng anh ta; họ đều là các diễn viên, mà đối tượng không được biết. Lần lượt từng người đưa ra đáp án sai, bảo rằng “đáp án 1”, dù rõ ràng đáp án đúng phải là đáp án 3. Rồi tới lượt đối tượng nghiên cứu trả lời lại. Trong 1/3 số trường hợp, người trả lời sẽ trả lời không chính xác để khớp với những trả lời của người khác.
Con người, nhìn chung cảm thấy lo lắng, khó chịu khi có sự khác biệt giữa bản thân họ với môi trường ngoại cảnh. Và thế nên để chấm dứt sự khác biệt đó họ sẽ tìm cách hòa giải (hay đồng hóa) bản thân với môi trường xung quanh.
Xã hội, môi trường xung quanh mỗi cá nhân dựng lên những thứ chuẩn mực quái thai để ép con người ta phải thực hiện làm theo nó. Đó có thể là chuẩn mực quy định như thế nào mới là tình yêu đích thực, quy định như thế nào là thành đạt, như thế nào là hạnh phúc. Hay đó là những chuẩn mực quy định người như thế nào mới là giỏi giang, mới là có tài, có ích cho xã hội. Hoặc cũng có thể đó là chuẩn mực để xét đoán xem đó có phải là người tự tin, giỏi giao tiếp, ăn nói.
Mỗi con người khi sinh ra đều có những hoàn cảnh, suy nghĩ, khát khao riêng để trở lên xuất chúng và đặc biệt. Xin đừng đánh đồng họ vào những chuẩn mực khiên cưỡng quá mức của tập thể. Cuộc đời vốn dĩ ngắn ngủi, con người ta đừng nhất thiết sống để làm vừa lòng người khác. Điều đó không đáng một chút nào. Hãy nhớ các chuẩn mực được tạo ra bởi con người thì cũng có thể hoàn toàn bị phá bỏ bởi con người.