Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là gì?
kiến thức chung
Trào lưu văn học quan trọng của văn học châu Mĩ La-tinh, xuất hiện vào những năm 60 của thế kỷ XX. Các nhà văn của trào lưu này thường mượn những truyền thuyết dân gian cổ xưa để tạo ra các huyền thoại mới về hiện thực xã hội châu Mĩ La-tinh. Các tác phẩm vừa có những cảnh tượng li kì, hư ảo, vừa có những chi tiết và hoàn cảnh hiện thực, gây cho người đọc cảm giác về các hiện tượng nghịch lí. Nguyên tắc sáng tác của nhà văn là “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực”. Để gây hiệu quả hoang đường, các tác giả thường sử dụng hình tượng biểu trưng, ngụ ý, liên tưởng, ám thị, phóng đại, khoa trương, người và hồn ma bất phân, trật tự thời gian bị xáo trộn, thực và ảo hòa quyện. Lăng kính huyền thoại đã giúp các nhà văn vạch trần hiện thực đen tối, tàn bạo của các chế độ độc tài, phê phán tình trạng khép kín văn hóa, đoạn tuyệt giao lưu. Trào lưu văn học này vừa kế thừa các truyền thống văn học cổ điển của người Anh-điêng, vừa dung hợp các phương pháp biểu hiện của huyền thoại và nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa phương Tây. Họ thường dùng hồn ma vạch mặt bọn chủ trang trại tàn bạo, mượn thần linh chỉ trích, chế giễu bọn độc tài bất lực, đần độn ; thậm chí mượn phù thuỷ trêu chọc các nhà thống trị. Dòng văn học này có ý nghĩa nhận thức và chiến đấu cao, có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Các tác giả tiêu biểu của trào lưu văn học này có thể kể G. Mác-két (Cô-lum-bi-a), Hoan Run-phơ và Các-lốt Phu-en-tex (Mê-hi-cô), Hô-xê Đô-nô-xô (Chi-lê).
Nội dung liên quan
Phạm Phú Quốc