Chọn phim cho mùa thu: Chuyện Tử Tế (1985)

  1. Phim ảnh

Tôi có một người bạn, chị có một album ảnh tên là “Tử tế ở đây, ở kia và ở khắp mọi nơi’. Chị, một con người hay nói hay cười, hồn nhiên và tin tưởng quá mức vào lòng yêu thương con người. Trong những lần chúng tôi uống bia cùng nhau, chị đã giới thiệu tôi về bộ phim chị thích nhất, “Chuyện Tử Tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy, về sau cũng trở thành bộ phim tài liệu mà tôi ưa thích.

“Từ rất xa xưa, ông cha bác có dạy rằng: Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của Quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chỉ hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - Người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm.'”

Có lẽ tôi cũng nên bắt đầu từ bộ phim này khi khởi sự giới thiệu cho ai đó về phim ảnh, một bộ phim phù hợp với tâm tư mình và cần thiết để lan truyền ngoài phạm vi điện ảnh. Chuyện Tử Tế được đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất năm 1985 nhưng bị cấm chiếu cho tới năm 1987. Bộ phim là phần tiếp theo của phim tài liệu Hà Nội Trong Mắt Ai (1982), phản ánh suy nghĩ của đạo diễn về xã hội Việt Nam thời kỳ bao cấp. Trong hồi ký của Trần Văn Thủy, ông kể rằng khi làm phim, anh em trong đoàn làm gì biết nấy, viết tạm một kịch bản sơ khởi với cái tên “Đi từ nỗi đau con người…” rồi nộp cho lãnh đạo hãng. Thế rồi cứ thế mà xách máy quay mà làm phim, kịch bản không có, mọi thứ dần hình thành trong quá trình làm và dựng phim. 

chuyen tu te


Vậy ‘tử tế’ được Trần Văn Thủy tìm kiếm như thế nào? Trong vòng 43 phút, Trần Văn Thủy đã đưa chúng ta đi từ nguyên nhân làm phim, cho đến đối thoại về định nghĩa tử tế và cũng từ đó mở ra những việc làm được cho là ví dụ của sự tử tế. 

Theo lời ‘dối dăng’ của một người bạn - nhà quay phim Đồng Xuân Thuyết muốn rằng mọi người phải làm một bộ phim nào đó về tình yêu thương giữa con người với con người. Trần Văn Thủy định bụng đi làm một bộ phim tử tế - tử tế dù là tương đối. Nhưng thế nào là tử tế? Trần Văn Thủy đã mang máy quay đi khắp nơi, vừa là người tham gia, vừa mô tả; ông hỏi mọi người về khái niệm ‘tử tế’. Ông giáo sư già mổ xẻ cấu trúc từ, chị gái ngoài phố chê bai từ ngữ cổ điển, người không biết trả lời, người mỉa mai châm biếm, “tử tế là cái gì đó tế nhị, có đi có lại”. 

chuyện tử tế


Sự tử tế tiếp theo, được Trần Văn Thủy bổ sung bằng những câu hỏi khác nhau, sao cho tránh sa đà luận bàn mổ xẻ từ ngữ mà tiến đến những bối cảnh cụ thể. “Ăn ở với nhau tử tế là lẽ thường tình, chỉ có người hủi mới không tử tế”. Thế nào là người hủi? Phải chăng người hủi không phải người tử tế? Cứ thế từ đó, xuyên suốt bộ phim tài liệu hành trình là những câu hỏi và câu trả lời được soi chiếu về sau trên những con người bình thường nhất của xã hội, qua thầy giáo dạy toán chuyển nghề bán rau, anh chăn vịt biến thành người qua phim, qua anh đạp xích lô, ông bác bơm xe đạp đầu ngõ. Tất cả, cuộc sống bao cấp hiển hiện trên những thước phim cùng với góc nhìn và lời bình của Trần Văn Thủy.

Không vòng vo, nói tránh, Trần Văn Thủy khẳng định rằng chuyện tử tế tuy còn nhiều, nhưng hầu như chỉ có ở những con người bình dị, không có quyền lực trong xã hội. Do đó, họ hay bị người có chức trách khinh miệt bằng những lời nói và hành động thiếu tử tế. Phim mở đầu và kết thúc bằng cái chết, như một vòng tròn không tránh khỏi của con người, nhắc nhở ta những sự thật mà ta thường (cố ý) quên đi. Cuối cùng, bộ phim đọng lại với lời sấm truyền của ông tổ của chủ nghĩa xã hội Karl Marx, “tất nhiên, chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình.”                                                                                                                                      

Ps: Nếu nói rằng phải chọn một bộ phim cho mùa thu, tôi sẽ hoàn toàn hoảng loạn. Không phải là tôi không có một bộ phim nào đặc tả mùa thu, tôi có nhiều là đằng khác. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ, mình phải đi đâu xa xôi để giới thiệu về một nền điện ảnh xa lạ trong khi Việt Nam mình vẫn có những đạo diễn tài năng. Nói về mùa thu trong tôi, đó là những ngày ta cần phải sống thật chậm, để chữa lành và để nghĩ mông lung. Đạo diễn Trần Văn Thuỷ là một đạo diễn tài năng, câu hỏi của bác tuy được đặt ra cách đây khá lâu nhưng lại đáng suy ngẫm hơn bao giờ hết trong xã hội hiện đại ngày nay. Vì thế, tôi gửi đến bạn một bộ phim về sự tử tế, để mong những ngày thu này, ta nghĩ nhiều hơn về chính ta và về những hành động của ta. 

👉

Link phim

Từ khóa: 

phim việt nam

,

chuyện tử tế

,

trần văn thủy

,

phim việt

,

phim ảnh