Chọn người tâm sự: Lạc quan, bi quan hay trung lập?
Đã rất lâu rồi mình không viết được một bài tử tế. Hôm nay, thật ra chỉ là tình cờ xem clip dạy vẽ của một bạn trên youtube, vừa dạy vẽ vừa tâm sự này nọ, làm mình tự nhiên có hứng viết mấy dòng.
Đã bao giờ bạn đang ở trong trạng thái hoang mang, bế tắc, lạc lõng, cô đơn, ức chế... và rất rất muốn được tâm sự với ai đó? Có phim "Bi thương ngược dòng thành sông" kể về một cô nữ sinh là nạn nhân của bạo lực học đường, cô luôn là đối tượng bị bắt nạt, sỉ nhục, thậm chí đổ oan. Không ai hiểu và thông cảm cho cô, ngay cả những người cô tưởng là hiểu cô nhất. Nghe nói truyện còn có kết thúc bi thảm hơn phim rất nhiều. Vài người bạn của mình có đọc hoặc xem phim, ai cũng thấy mình giống nhân vật chính: cô đơn, lạc lõng, cảm thấy trên đời không có ai hiểu mình. Không ai thấy bản thân giống như những những người còn lại cả, nghĩa là chỉ biết nghĩ đến bản thân, hùa theo đám đông, không biết thấu hiểu và cảm thông cho người khác.
Mình là con gái, nên khi có chuyện buồn mình cũng hay tâm sự với một, hoặc vài người mà mình cho là đáng tin nhất. Không ít lần sau khi tâm sự chán chê, mình chỉ ước mình chưa từng nói gì hết. Nhưng không nói ra thì trong lòng sẽ cảm thấy rất khó chịu, tích tụ lâu ngày không thể giải quyết càng cảm thấy ức chế hơn. Đúng là trên đời có những người có thể tự giải quyết được vấn đề của mình, nhưng nhiều người thì không. Mình cần một người để sẻ chia, để tâm sự, để cùng mình tìm ra hướng giải quyết cho những vấn đề. Thế thì mình nên nói chuyện với ai đây, làm sao chọn lựa một ánh mắt trong hàng triệu ánh nhìn, một cái tên trong danh sách bạn bè dài lên tới hàng trăm, hàng nghìn người kia?
Tâm sự với một người tiêu cực khác?
Một người cũng tiêu cực như mình, nhiều khả năng là sẽ đồng cảm với mình hơn, ít ra là sẽ không chửi bới, mắng nhiếc, sỉ nhục hay kêu mình phải làm thế này thế kia. Đúng là nói chuyện với họ mình sẽ có cảm giác được an ủi phần nào, vì họ cũng có ít nhiều điểm tương đồng với mình, quan trọng hơn, mình có thể cùng họ nói xấu, đổ lỗi cho cả thế giới. Nhưng rồi sau đó thì sao? Mình lại quay trở lại với mệt mỏi, bế tắc, vấn đề của mình hoàn toàn không được giải quyết, thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn. Hai nguồn năng lượng tiêu cực cộng lại làm sao ra được cái gì khác hơn. Thử tưởng tượng xem, nếu hai người đó nói chuyện với nhau, câu chuyện có thể diễn biến như thế này:
Q: Tớ bị ám ảnh bởi những gánh nặng tâm lý. Gánh nặng vật chất thì đương nhiên là nặng nề nhưng gánh nặng tinh thần thì nó nặng gấp trăm lần vật chất. Điều làm tớ buồn nhất là về gia đình. Mỗi khi nghĩ về gia đình không có một chút nào vui. Những điều như vậy chẳng ai hiểu nổi. Xã hội thì cay đắng, gia đình thì buồn phiền. Tớ chẳng có chỗ nào dung thân. H: Cậu không có ai để chia sẻ. Nếu như có ai đó có thể đồng cảm với cậu thì tốt. Q: Tớ có một mâu thuẫn trong nội tâm. Tớ rất yêu thương con người nhưng lại sợ con người. Tớ thấy con người quá phức tạp và quá nhiều nhu cầu. H: Tớ cũng trải qua những suy nghĩ như của Q. Cậu thử đọc về HSP, người cực kỳ nhạy cảm xem. Cậu là một người sống nội tâm. Q: Tớ bị ám ảnh bởi quá khứ. Tớ đã dự liệu sẽ có ngày hôm nay. Những đổ vỡ trong gia đình sẽ dẫn đến những đổ vỡ trong cuộc đời tớ. Từ rất lâu rồi tớ đã dự liệu trước điều này. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng không tránh được kết quả ê chề như này hôm nay. H: Ừ đúng là vậy Q. Q: Dường như có một cái gì đó báo trước. H: Tác động tâm lý không ai hiểu được. Q: Nếu cậu là một đứa trẻ cậu sẽ thấy đứa trẻ đó hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Tớ sinh vào một nhà bất hạnh không có phúc phận. Điều này làm tớ buồn lắm. Giống như số mình bị trời đày vậy. H: Nó kiểu như cậu bị tâm lý tiêu cực trong gia đình "ám" vậy. Q: Có những khái niệm nói phải yêu thương gia đình v.v... Đối với tớ gia đình là một sự ám ảnh. Thà rằng mình sinh ra trong trại trẻ mồ côi không cha không mẹ không nhà không cửa, tốt hơn. H: Trong gia đình mà bố mẹ cãi vã ly dị, con cái bị ảnh hưởng nặng nề. Tớ hiểu phần nào. Nhưng chắc ở vị trí của cậu mới có thể rõ được. Q: Những người bất hạnh như tớ nhìn xã hội không vui, chả thiết tha gì, chỉ muốn được yên. Càng cố gắng hòa nhập càng thấy xa lạ, khoảng cách giữa người với người ngày càng xa. H: Thần kinh cậu và tớ phải phục hồi mới có thể giao tiếp. Q: Như có lần tớ đã nói với cậu. Càng sống tớ càng không hiểu gì về xã hội. Tớ thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, và hoàn toàn xa lạ. H: Đúng là vậy Q. Họ sống không có định hướng gì thì phải. Q: Làm sao tớ có thể tiếp tục sống nếu cuộc sống toàn là gánh nặng và không có niềm vui, cũng chẳng có ý nghĩa gì. Một người ở mặt trăng rơi xuống. Tớ không có nền tảng cả về vật chất lẫn tinh thần. Tớ ngày càng ý thức được rằng điều đó ảnh hưởng đến bản thân mình như thế nào.
Đây là một đoạn chat có thật của hai người trầm cảm (một trong hai là bạn trong facebook friendlist của mình)
Như vậy nghĩa là ta nên tiếp xúc với những người tích cực?
Không nên nói chuyện với người tiêu cực thì đúng rồi, vậy có nên nói với người tích cực, luôn luôn lạc quan, yêu đời trong mọi tình huống không, họ có giúp mình lạc quan giống như họ không? Theo mình thì cũng không luôn.
Chắc hẳn ít nhiều bạn đã từng đọc những status hoặc những bài viết của người lạc quan, yêu bản thân viết rằng hãy tránh xa những người có suy nghĩ tiêu cực, bi quan, vì có thể họ sẽ bị hấp thụ năng lượng tiêu cực của những người đó, vì vậy nếu thấy người nào hay than thở, buồn chán thì tốt nhất hãy tránh xa ra. Còn nếu người nào không tránh mình thì họ sẽ khuyên đủ thứ, "cậu nên làm như này", "cậu nên làm như kia", "tớ còn gặp phải nhiều chuyện rắc rối hơn cậu mà tớ vẫn vượt qua được bình thường", "đừng có làm như cậu sắp chết đến nơi vậy"... Họ chỉ đứng trên góc nhìn, lập trường của họ, và đưa ra những giải pháp phù hợp với vấn đề của họ, hơn là của người đang tha thiết kể lể, tâm sự kia. Người tích cực và người tiêu cực rất khó để đồng cảm với nhau, những người giống nhau họ mới đi cùng nhau.
Có bữa ăn cơm, bố mình bảo, con người là giống loài kỳ lạ. Khi mình có được thành công, người ta rất khó để chung vui, thậm chí còn ghét bỏ, mong mình sớm phá sản (nếu có sự nghiệp), sớm chia tay (nếu có người yêu/chồng/vợ)... Nhưng khi mình thất bại, gặp nạn, họ lại rất thích an ủi, giúp đỡ. Có khi điều họ thích thật sự, không phải là giúp đỡ, mà là cảm giác được ban ơn cho người khác, cảm giác được làm người tốt. Nói chuyện với những người này sẽ có cảm giác sai sai sao đó.
Thế thì biết nói với ai bây giờ đây?
Còn một người nữa...
Thế giới không phải chỉ có người tích cực với người tiêu cực. Còn một nhóm người nữa mà mình tin rằng họ là những người xứng đáng được bạn tin tưởng nhất. Đó là những người có tính cách trung dung, trung lập. Đó là những người sẽ có cái nhìn khách quan nhất về bạn và các vấn đề của bạn, không đánh giá, phán xét bạn hay dạy đời bạn. Những người này, nhiều khi chỉ mới nhìn họ thôi, tự dưng mình đã thấy vấn đề của mình được giải quyết phần nào rồi, cảm giác đó rất thú vị. Ở họ toát ra một thứ khí chất, năng lượng cực kỳ dễ chịu mà ở gần họ mình không còn cảm thấy lo lắng, sợ hãi hay bất kì cảm giác khó chịu nào như khi ở gần những người khác.
Tuy nhiên, người ở hai nhóm trên thì nhiều chứ nhóm này đếm ra không biết được mấy người. Những người thân thiết nhất, tiếp xúc, nói chuyện nhiều nhất thường là những người mà ta thấy họ ít hiểu mình nhất. Còn những người ta chẳng quen biết gì, có khi lại được nghe hết những chuyện thầm kín, những bí mật kinh khủng của ta. Thế nên mới có bài "Tâm sự cùng người lạ" của Tiên Cookie.
Họ là những người điềm đạm, có lập trường, chính kiến rõ ràng. Không buồn, không vui, không bị tác động bởi ngoại cảnh. Họ không đánh giá ai, cũng không sợ bị ai đánh giá. Nếu chưa có may mắn gặp được người như vậy, hay tìm kiếm họ với một thái độ chân thành, sẵn sàng học hỏi, mình tin là sẽ ổn hơn rất nhiều đấy.
tâm sự cùng người lạ
,tâm sự
,lạc quan
,bi quan
,trung lập
,phát triển sản phẩm
👍
Thin Duong
👍