Cho biết những đặc trưng cơ bản của tiếng trong tiếng Việt và cho ví dụ
kiến thức chung
a. Tiếng vừa là âm tiết, vừa trùng với hình vị
Có nhiều nghiên cứu về hình vị, theo đó cũng có nhiều những quan niệm về hình vị,cùng quan điểm với Nguyễn Tài Cẩn, trong Dẫn luận ngôn ngữ học định nghĩa về hình vị: “Hình vị là đơn vị nhở nhất có nghĩa và (hoặc) có giá trị (chức năng) về mặt ngữ pháp”. Trong khi đó Phan Thiều lại quan niệm “Hình vị là đơn vị hai mặt, có đầy đủ tính chất tín hiệu. Đã là tín hiệu thì cái quan trọng, về mặt chức năng là phần nội dung biểu đạt, nó quyết định sự tồn tại của bản thân tín hiệu”.Còn Ju. X. Xtêpanov trong Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, từ phương diện cấu tạo, đưa ra định nghĩa: “Hình vị là lớp các hình tố tương đồng mà mỗi hình tố lại gồm nhiều âm vị nhánh và được gặp trong một vị trí nhất định nào đó”. Tóm lại, dù định nghĩa hình vị ở góc độ và phương diện nào thì các nhà ngôn ngữ cũng dễ thống nhất với nhau ở những đặc điểm của hình vị: Hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị gốc để tạo thành từ. Hình vị được cấu tạo bởi các âm vị. Hình vị là đơn vị không độc lập về cú pháp.Ý nghĩa tồn tại ở dạng tiềm năng (không được dùng trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu).
Còn âm tiết là gì, trả lời cho vấn đề này không chỉ có một, bởi lẽ âm tiết có thể được nhìn nhận từ nhiều bình diện khác nhau. Từ bình diện cấu âm mà xét, ấm tiết đã được “cắt nghĩa” bằng học thuyết về độ vang và học thuyết về độ căng cơ. Từ bình diện cấu trúc và chức năng, có thể định nghĩa: Âm tiết là đơn vị của lời nói bao gồm ít nhất một nguyên âm là hạt nhân và một phụ âm hoặc tổ hợp phụ âm đứng trước, hoặc đứng sau, hoặc đồng thời vừa có đứng trước, vừa có đứng sau hạt nhân đó. Nói tiếng trùng với âm tiết bởi vì mỗi tiếng bao giờ cũng phát ra một hơi và có mang một thanh điệu nhất định, tức là trùng với âm tiết.
Bàn về ranh giới hình vị và âm tiết, từ trước tới nay có hai khuynh hướng rõ rệt: Thứ nhất, ranh giới hình vị trùng với ranh giới âm tiết. Tiêu biểu gồm các tác giả như M.B.Emeneau, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp, Đinh Văn Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Lưu Vân Lăng, Nguyễn Văn Tu, Lê Văn Lý… Thứ hai, ranh giới hình vị không hoàn toàn trùng với ranh giới âm tiết. Tiêu biểu là các tác giả như L Thompson, Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Kim Thản…. Trong bài viết này, chúng tôi theo quan điểm của khuynh hướng thứ nhất, tức là ranh giới của hình vị trùng với ranh giới âm tiết. Trong tiếng Việt, âm tiết bằng với tiếng. Tuy nhiên, về mặt thuật ngữ ngôn ngữ học, âm tiết không cần chứa nghĩa, còn hình vị phải có nghĩa (hoặc tiềm ẩn nghĩa).Tuy nhiên không phải âm tiết nào cũng là từ và hình vị. Những âm tiết vô nghĩa không thể được coi là từ, càng không thể được coi là hình vị. Đối với người Việt, tiếng là đơn vị dễ nhận diện nhất. Và tiếng (hình vị) chính là đơn vị trực tiếp cấu tạo từ tiếng Việt.
Như vậy, nếu coi tiếng là đơn vị phát âm tự nhiên nhỏ nhất thì tiếng trùng với âm tiết, còn nếu coi tiếng là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa thì tiếng trùng với hình vị. Như cách nói của Nguyễn Tài Cẩn: “Mỗi tiếng trong tiếng Việt, đứng về mặt ngữ âm chính là một âm tiết, mà đứng về mặt ngữ pháp chính là một hình vị.”
Ví dụ: cửa, rộng, ăn, ga, nhà, ghế…
b. Tiếng là vị trí trung gian giữa hình vị và từ
“Từ là đơn vị tồn tại hiển nhiên nhất trong ngôn ngữ.” Tuy nhiên, cho đến nay, trong ngôn ngữ, các định nghĩa về từ đã được đề xuất khá nhiều, song, tất cả đều có những điểm không đủ hoặc không bao hàm được hết được. Có một số những quan niệm về từ đã được đề xuất như: “Từ là một tổ hợp âm có nghĩa”, “Từ là một tổ hợp âm phản ánh khái niệm”, “Từ là đơn vị có khả năng tiềm tang trở thành câu”, Từ là tín hiệu ngôn ngữ với một khái niệm”,… Và một trong những quan niệm thường gặp và thường được sử dụng là: “Từ là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa của ngôn ngữ có khả năng hoạt động độc lập, tái hiện tự do trong lời nói để xây dựng nên câu.”
So với hình vị và từ của ngôn ngữ Ấn Âu thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng rằng tiếng trong tiếng Việt là một loại đơn vị không hoàn toàn giống từ mà cũng không hoàn toàn giống với hình vị của các ngôn ngữ này. Tiếng là một loại đơn vị lưng chừng ở giữa.
Trước đây có nhiểu quan điểm nhầm lẫn giữa từ và tiếng. Sự nhầm lẫn ấy không phải là không có nguyên do, những tiếng độc lập, có nghĩa, thường được coi là từ: từ đơn tiết. Ví dụ: nhà, cửa, cây, hoa, lá, đang, sẽ, mở,… chúng có thể được gọi là tiếng, cũng có thể được gọi là từ, các cách gọi tuy khác nhau nhưng đều được chấp nhận. Vì vậy có thể nói đây đúng là những đơn vị có hai mặt: vừa có đặc trưng của một đơn vị gốc, vừa có đặc trưng có thể vận dụng độc lập của một từ.
Còn những tiếng không độc lập thì được xử lý khác nhau. Chúng mặc dù không vận dụng độc lập được nhưng chúng cũng không phải là cách biệt hoàn toàn so với từ y như hình vị ở nhiều ngôn ngữ khác. Chúng vẫn có những nét rất gần gũi với các từ đơn tiết. Về mặt vỏ vật chất, chúng cũng làm thành một âm tiết ý như ở các từ đơn tiết. Chúng tuy không phải là từ , nhưng đằng sau chúng luôn có một từ tiềm tàng. Ví dụ: đẽ không phải là một từ vì nó không cónghĩa, nhưng với tiếng đẽ đó chũng ta có thể hoàn toàn liên tưởng tơi từ đẹp đẽ, như vậy có thể coi đẹp đẽ chính là từ tiềm tang của đẽ. Hình vị Ấn Âu không dễ dàng mà lâm thời trở thành từ được bởi chúng thiếu những đặc trưng cơ bản của từ như hình thái, khả năng gia nhập từ loại,.. Do vậy các ngôn ngữ Ấn Âu giữa từ và hình thái có một sự ngăn cách rõ ràng thậm chí đối lập rõ ràng. Còn đối với loại tiếng không độc lập ở tiếng Việt, chúng chỉ thua từ đơn tiết ở chỗ thiếu tính độc lập hoặc vừa thiếu tính độc lập, vừa thiếu ý nghĩa. Nhưng chỉ cần một điều kiện văn cảnh nào đó cho phép là có thể đem ý nghĩa và tính độc lập phục hồi cho chúng, làm cho chúng lâm thời bước vào cương vị của một từ đơn tiết. Và ngay cả khi chưa đem ý nghĩa và tính độc lập phục hồi cho chúng, chúng vẫn có khả năng tự tạo cho mình một cái vỏ bên ngoài y như một từ thực thụ. Ví dụ: chóc trong có thể là một tiếng trong chim chóc và cũng có thể được đặt trong không có một con chim một con chóc nào cả, trong ví dụ này, từ chóc trong không có một con chim một con chóc nào cả đứng hoàn toàn độc lập và cũng kết hợp với số từ và loại từ con như chim là một danh từ thực thụ. Còn với các tiếng có tiếng không độc lập: kỳ, quốc, sơn, thủy, ngữ… cũng có đặc trưng cơ bản nêu trên. Nghe kỳ, quốc, sơn, thủy, ngữ… ta có thể phân được ngay đó là loại từ gì – danh từ. Đây cũng là điểm hình vị tiếng Việt khác hẳn với hình vị Ấn Âu, bởi vì không bao giờ có thể quy định từ loại cho hình vị Ấn Âu.
Như vậy, có thể kết luận: Tiếng là hình vị nhưng là một loại hình vị đặc biệt, chưa đối lập hẳn với từ; một số rất lớn còn là từ, một số tuy không phải là từ nhưng cũng chưa xa cách hẳn với từ, mà còn mang nhiều cái dáng dấp, nhiều cái phẩm chất, nhiều cái khả năng của một từ.
c. Tiếng là đơn vị tự nhiên nhất với người Việt
Nếu như trong các nước Ấn Âu, từ là đơn vị tự nhiên nhất, thì trong tiếng Việt, chính tiếng mới là đơn vị tự nhiên dễ dàng nhận diện được. Tiếng là đơn vị hiển nhiên trong khi nói và viết (khi viết, người ta viết rời từng tiếng - chữ). So với từ, tiếng là đơn vị cơ bản hơn, tồn tại một cách thực hơn trong đầu óc người Việt. Về ngữ pháp, tiếng cũng được xem là đơn vị cơ sở của ngữ pháp học. Tiếng là điểm mốc đầu tiên từ đấy bắt đầu quá trình tổng hợp và là cái điểm mốc cuối cùng đến đấy chấm dứt quá trình phân tích của ngữ pháp học. Trong ngôn ngữ Việt, tiếng trùng với âm tiết, trùng với hình vị nên còn được gọi là hình tiết hay từ tố. Đơn vị cơ sở để cấu tạo từ là hình vị. Trong các ngôn ngữ biến hình, hình vị có thể chia thành căn tố và phụ tố. Từ của tiếng Việt, trong cấu tạo, không có căn tố và phụ tố. Tài liệu vật chất trực tiếp hay là đơn vị cơ sở của cấu tạo từ Việt là tiếng, tức là những âm tiết được sử dụng trong thực tiễn ngôn ngữ Việt. Đối với người Việt, tiếng là đơn vị dễ nhận biết nhất. Từ ghép nói chung, phần lớn là đơn vị hậu kì mới, sản sinh sau, chưa hình thành được bản sắc thật rõ ràng, bởi vậy mà đôi khi ta gặp khó khan trong việc xác định nó.
Để lấy ví dụ cho sự tự nhiên của tiếng đối với người Việt, ta xét phát ngôn Cháu nó mới nói được hai tiếng “bà” và “mẹ”, trong phát ngôn này, chúng ta có thể nói phát ngôn gồm 10 âm tiết hoặc 10 tiếng, nhưng không ai nói Cháu nó mới nói được hai âm tiết “bà” và “mẹ”, mặc dù “bà” và “mẹ” khi phân tích về mặt phát âm là 2 âm tiết.
Có thể nói rằng, so với từ hay cách gọi âm tiết, hình vị, thì tiếng chính là đơn vị hiển nhiên hơn, tự nhiên hơn, quen thuộc hơn, tồn tại một cách thực hơn trong đầu óc người Việt.
d. Tiếng là đơn vị đơn giản nhất về mặt tổ chức
Khác với từ ghép hay đoản ngữ là những kiểu đơn vị phức hợp do nhiều tiếng kết lại mà tạo thàn, có những đường ranh giới tách chúng ra thành bộ phận và giwuax những bộ phận này bao giờ cũng có thể phát hiện ra được một loại quan hệ ngữ pháp này, hoặc một loại quan hệ ngữ pháp nọ. Tiếng là một đơn vị không có tổ chức bên trong: mỗi tiếng làm thành một chỉnh thể “dùng nguyên một khối”. Phân tích tiếng, các nhà ngữ pháp học không bao giờ có thể phát hiện ra được một đường rạn nứt bên trong nào có khả năng giúp họ cách ly được bộ phận này ra khỏi bộ phận khác. Xé nhỏ tiếng thì chúng ta chỉ có thể thu được những bộ phận chỉ có giá trị đơn thuần ngữ âm học mà thôi. Xét về mặt ngữ pháp, mỗi tiếng là một chỉnh thể, không thể tách thành những bộ phận nhỏ hơn nữa. Ví dụ, với tiếng ba đứng dưới góc nhìn của ngữ âm học, ta có thể tiếp tục tách nó ra thành những âm vị: ba = b + a, nhưng b và a chỉ có giá trị về mặt ngữ âm chứ không có giá trị về mặt ngữ pháp, bởi vậy mà chúng chỉ là hai âm vị chứ không phải là hai hình vị. Và nếu nhìn dưới mặt ngữ pháp học thì ba không thể phân tích thành những thành tố nhỏ hơn được nữa, bởi vì ba là một khối hoàn chỉnh, không có tổ chức nội bộ.
Trong ngữ pháp học, câu được tạo nên từ từ, từ được tạo nên từ tiếng, như vậy tiếng là đơn vị cuối cùng có thể tìm ra được, và sau nó không còn có thể phân tích thêm được. Tiếng chính là cái cột mốc đầu tiên từ đấy bắt đầu quá trình tổng hợp và là cái điểm mốc cuối cùng đến đây phải chấm dứt quá trình phân tích của ngữ phối cùng đến đây phải chấm dứt quá trình phân tích của ngữ pháp học. Vì vậy có thể nói rằng, tiếng chính là kiểu đơn vị tối đơn giản, đơn vị tế bào về mặt ngữ pháp.
e. Tiếng có giá trị về mặt ngữ pháp
Trong tiếng Việt, mỗi tiếng bao giờ cũng có tác dụng giúp ta giải thích được, phân tích được cải tổ chức bên trong của những đơn vị trực tiếp lớn hơn nó. Bởi vậy, bằng những đường ranh giới ngữ pháp, mỗi tiếng có thể tách rời ra khỏi những tiếng ở bên cạnh nó.
Ví dụ với những tiếng có nghĩa không độc lập như đại, biểu: đại có nghĩa là lớn hoặc thay thế, biểu có nghĩa là bày ra ngoài, đại biểu có nghĩa là người được bầu ra để thay mặt cho số đông (như vậy, ở đây, đại thuộc nghĩa số 2, thay thế), và đại biểu ở đây khác hẳn so vơi đại bác (cỗ pháo lớn) hay biểu hiện (tỏ ra bên ngoài). Bởi đại và biểu là những tiếng tự thân nó mang ý nghĩa nên đã thể hiện rõ ràng khả năng giải thích mặt ngữ nghĩa.
Ví dụ với những tiếng không có nghĩa, không độc lập như: nhen, nhắn. Khác với ví dụ đại , biểu ở trên nhen, nhắn là những tiếng tự thân không mang ý nghĩa nào rõ rệt cả, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta mặc định chúng không có khả năng giải thích mặt ngữ nghĩa, khi đặt chúng bên cạnh những từ khác ta sẽ thấy được khả năng đó. Chẳng hạn, ta ghép chúng với nhỏ, như vậy lần lượt ta sẽ được nhỏ nhen, nhỏ nhắn. So sánh hai từ này với nhau ta dễ dàng nhận ra được sự khác biệt, nếu nhỏ nhen là từ thường được dùng để miêu tả về tính con người mang ý nghĩa là hẹp hòi, hay chú ý về những việc nhỏ nhặt về quyền lợi trong quan hệ đối xử, thì nhỏ nhắn lại là từ thường hay được dùng để miêu tả vẻ bề ngoài vủa sự vật, con người mang ý nghĩa là nhỏ và trông cân đối, dễ thương.
f. Sự chi phối của tiếng đối với truyền thống ngữ văn học Việt Nam
Trước hết, về truyền thống văn học, chúng ta viết rời từng khối một: Trong tiếng Anh, mỗi từ đơn âm tiết như (to) meet, không có nghi ngờ gì về biên giới của âm tiết, nhưng khi xuất hiện dưới dạng meeting thì biên giới của âm tiết đã thay đổi, âm t cuối trong meet lại chuyển làm âm đầu của ting. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ Việt lại không như vậytrong tiếng Việt, các âm tiết được phát âm tách nhau rất rõ ràng. Ví dụ: trăm – năm – trong – cõi – người – ta… Mỗi khúc đoạn âm thanh này là một âm tiết, dứt khoát và chuẩn xác, không thay đổi. Mà theo như đặc trưng đã trình bày thì tiếng trùng với âm tiết, mỗi tiếng bao giờ cũng phát ra một hơi, nghe thành một tiếng, mỗi tiếng bao giờ cũng viết rời thành một chữ. Trong chữ viết, từ chữ Nôm trước kia đến chữ Quốc ngữ hiện nay, mỗi tiếng bao giờ cũng viết rời thành một chữ. Bởi vậy, đối với người Việt, khi đứng trước một câu văn hay câu thơ, muốn xác định có bao nhiêu tiếng là điều không khó khăn gì. Ví dụ như câu ca dao:
Thuyền về có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Chúng ta có thể dễ dàng xác định được câu ca dao trên có 14 tiếng: có thể xác định bằng cách phát âm (phát thành 14 hơi) hay bằng cách nghe (nghe thành 14 tiếng), cũng có thể xác định bằng cách đếm thanh điệu (3 thanh ngang + 4 thanh huyền + 4 thanh sắc + 3 thanh nặng = 14 thanh).
Ngoài ra, theo Nguyễn Tài Cẩn, chúng ta còn có nhiều truyền thống khác như, làm thơ thuận nghịch độc, đặt câu đối, làm văn biền ngẫu, chúng ta cũng có truyền thống nói tắt theo kiểu rút gọn lại một âm tiết chứ không nói tắt theo kiểu dựa vào những chữ cái đầu hay những âm đầu. Ví dụ: Danh từ nói tắt thành danh chứ không phải DT, Việt Nam nói tắt thành Việt chứ không phải VN,… Các cách viết như DT hay VN chỉ thường được dùng trong văn tự. Chúng ta cũng có thói quen sử dụng lỗi nói lái, lối chơi chữ bằng cách lâm thời đổi nghĩa, thêm nghĩa. Ví dụ: quốc gia -> cuốc ra, Oét mô len ->Vét mồ lên,… Và Nguyễn Tài Cẩn cho rằng, những truyền thống đó đều là những hậu quả xa xôi đẻ ra do các đặc điểm của cái đơn vị gọi là “tiếng”.
Nội dung liên quan
Khuê Tùng