Chính sách phát triển quan trọng hơn quy hoạch đô thị?
Với “Chiến thắng của Đô thị”, Edward Glaeser không mong muốn giải quyết hết được các vấn đề mà đô thị hiện đại đang gặp phải mà ông muốn thông qua bài học của các đô thị trên thế giới để nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh táo trong chiến lược phát triển đô thị.
Trong thế kỷ XX, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và y học đã giúp dân số thế giới tăng chóng mặt. Từ sau Thế chiến II tới năm 1999, dân số thế giới đã tăng từ 2 tỷ người lên 6 tỷ người, và cũng chỉ mất thêm 20 năm để dân số thế giới đạt mốc gần 8 tỷ người.
Ít chiến tranh, ít bệnh dịch, 7 thập kỷ vừa qua nhìn chung là một thời kỳ khá thái bình cho cả thế giới. Chúng ta tích lũy nhiều hơn, xây dựng nhiều hơn, đặc biệt là có nhiều đô thị mới được hình thành hơn. Theo thống kê của Liên hợp quốc thì vào năm 2009, số dân thành thị với 3,42 tỷ người đã vượt qua số dân nông thôn với 3,41 tỷ người.
Để làm rõ tầm quan trọng của dấu mốc này, Giáo sư Kinh tế học Edward Glaeser từ trường đại học Harvard đã hợp tác cùng William Morris Endeavor cho ra mắt cuốn sách Chiến thắng của Đô thị (tiếng Anh: Triumph of the City) vào năm 2011. Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách này cũng đã được Book Hunter phát hành vào tháng 2 vừa qua. Tác phẩm đã được đón chào nồng nhiệt bởi đây là cuốn đầu tiên được dịch sang tiếng Việt của một học giả Âu – Mỹ đương đại về chính sách phát triển đô thị dưới góc nhìn kinh tế học.
Đô thị, theo Glaeser, là giải pháp duy nhất cho tăng trưởng dân số mạnh như hiện nay. Ông đã cùng các cộng sự của mình khảo sát mức độ sử dụng năng lượng (điện, xăng…) của cư dân sống ở các khu vực khác nhau và kết quả khiến nhiều người phải bất ngờ: Một ngôi nhà tách biệt đơn lẻ trung bình tiêu thụ nhiều hơn 88% so với một căn hộ trung bình trong tòa cao ốc có từ năm căn hộ trở lên. Một hộ gia đình trung bình ở khu vực ngoại ô tiêu thụ nhiều hơn 27% điện so với một hộ gia đình tương tự ở thành phố. (trích “Chiến thắng của Đô thị”, trang 279).
Như vậy, theo Glaeser, thay vì phát triển theo bề ngang, xây các ngôi nhà riêng lẻ tràn làn ở ngoại ô hay nông thôn để tận hưởng cảm giác “gần thiên nhiên” thì chúng ta nên xây dựng theo chiều dọc, sống quần tụ trong các nhà chung cư cao tầng ở thành phố. Tương tự như vậy, qua các cuộc khảo sát số liệu và chuỗi lập luận logic, ông đặt cho chúng ta một loạt các câu hỏi khác về giao thông vận tải, quy hoạch khu dành cho người nghèo, bảo tồn di sản…
Glaeser cũng cho rằng chính sách phát triển đô thị quan trọng hơn quy hoạch đô thị. Toàn bộ 9 chương của cuốn sách đều được tác giả tận dụng để đưa ra rất nhiều vấn đề mà quy hoạch đô thị không phải là chìa khóa để giải quyết. Ông đã đưa ra nhiều ví dụ để chứng minh rằng chính sách phát triển đô thị là yếu tố then chốt khiến một thành phố thành công hay thất bại.
Detroit nhờ ưu thế vị trí địa lý và những kỹ sư tài năng như Henry Ford đã trở thành một đô thị xe hơi giàu mạnh vào nửa đầu thế kỷ XX. Thế nhưng cũng bởi vì chính sách phát triển đóng kín và tập trung vào các tập đoàn xe hơi khổng lồ, kết hợp với chính sách thả lỏng cho sự phát triển công đoàn quá mạnh mẽ, Detroit đã phải trả giá bằng sự suy thoái của nó vào nửa sau của thế kỷ XX khi xe hơi của Hoa Kỳ không thể cạnh tranh được với xe hơi từ Nhật Bản về giá cả.
Ngành dệt may của New York cũng bị mất hơn ba trăm nghìn việc làm từ năm 1967 tới 1977 bởi sự xuất hiện của những khu sản xuất công xưởng rẻ tiền hơn trên thế giới. Nhưng New York đã nhanh chóng thay đổi chính sách phát triển sang hướng đầu tư cho tri thức để trở thành một trung tâm đầu não về tài chính của thế giới. Còn rất nhiều câu chuyện thành công cũng như thất bại của các đô thị được Glaeser đưa ra trong cuốn sách.
Với “Chiến thắng của Đô thị”, Edward Glaeser không mong muốn giải quyết hết được các vấn đề mà đô thị hiện đại đang gặp phải mà ông muốn thông qua bài học của các đô thị trên thế giới để nhắc nhở chúng ta cần phải tỉnh táo trong chiến lược phát triển đô thị. Điểm mấu chốt của Đô thị không phải là các kiến trúc mà là con người. Cần tập trung đầu tư vào phát triển con người thì đô thị mới có thể thành công, nói một cách khác, chính sách phát triển đô thị đúng đắn phải tạo ra một môi trường tốt cho người dân ở đó không chỉ sinh sống mà để lao động và sáng tạo.
Trong bối cảnh Việt Nam đô thị hóa hàng loạt hiện nay, “Chiến thắng của đô thị” là một trong những cuốn sách đáng tham khảo dành cho các nhà báo, nhà hoạt động chính sách và quy hoạch đô thị. Và có lẽ đã đến lúc, Việt Nam xem xét vấn đề đô thị không chỉ ở khía cạnh quy hoạch mà với cái nhìn chính sách phát triển.
San San
Nguồn: