Chiến tranh và hòa bình
Đây là một bộ tiểu thuyết gồm 3 tập của nhà văn Lev Nikolayevich Tolstoy. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh nước Nga nói riêng và châu Âu nói chung vào đầu thế kỷ 19. Cốt truyện xoay quanh ba chủ đề chính: Lịch sử, hiện thực đời sống nước Nga thời cận đại, các suy tư về cuộc sống và tình yêu.
Về lịch sử, chiến tranh và hòa bình bám sát các chi tiết của 2 cuộc chiến: Trận Austerlitz (còn được gọi là Trận Ba Hoàng đế) và Chiến tranh Pháp-Nga 1812. Tác giả quan niệm lịch sử không phải xoay quanh một vài nhân vật lãnh đạo nào đó. Lịch sử là tổng hợp động cơ và hành động của tất cả con người trong thời đại đó. Vì thế, tác phẩm không chỉ nêu các con số và kết quả các trận đánh. Nó đi sâu miêu tả tính cách, suy nghĩ, động cơ của mỗi con người cụ thể tham gia vào lịch sử.
Chỉ khi chú ý đến suy nghĩ của từng con người cụ thể đó, chúng ta mới hiểu vì sao trong trận Austerlitz (1805), liên quân Áo – Nga đã thua trận mặc dù có ưu thế lớn về quân số, còn trong chiến tranh Chiến tranh Pháp-Nga 1812, quân Nga đã giành chiến thắng mặc dù được đánh giá yếu hơn. Trong trận Austerlitz, những người tham chiến ở phía Nga, từ hoàng đế, tướng tá, đến binh lính đều tham gia với mong muốn tạo chiến công và danh tiếng cho bản thân. Đến khi bước vào cuộc chiến, đối mặt với các khoảnh khắc sinh tử, họ mới hiểu rằng những thứ bình thường họ vẫn nghĩ là rất quan trọng: Tước vị, huân chương, danh tiếng, thực ra không quan trọng bằng những điều giản dị: Được ngắm nhìn bầu trời, được sống, được trở về bên gia đình. Trong trận chiến Pháp-Nga bảy năm sau đó, quân Nga chiến đấu vì chính những điều mà họ nhận ra là quan trọng sau cuộc chiến lần trước, chiến đấu để bảo vệ những gì thân thuộc và quý giá nhất: Gia đình, quê hương.
Tác phẩm miêu tả nội tâm các nhân vật rất “người”. Mỗi nhân vật có diễn biến tâm lý đa dạng, đôi những suy nghĩ mâu thuẫn xuất hiện đồng thời trong cùng một nhân vật. Những mâu thuẫn này không làm tác phẩm trở nên rối rắm, khó hiểu, bởi vì đó là những mâu thuẫn thường trực trong chính bản thân mỗi người. Chúng ta thấy trải nghiệm sống phong phú của tác giả qua cách ông lột tả nội tâm các nhân vật. Anh em nhà Rostov, sau bao năm ngoan hiền và được ôm ấp trong một gia đình êm ấm, giàu tình cảm nhưng thiếu các kỹ năng quản trị, đã mắc những sai lầm rất con trẻ khi bước vào đời. Nicolas đã làm mất số tiền ngang với cả gia tài trong lần đầu tham gia đánh bạc, với suy nghĩ mình cần phải gỡ, với niềm tin rằng mình không thể đen mãi được. Cô em gái Natalia diu dàng, e thẹn thường ngày đã nhanh chóng phải lòng và quyết định cùng gã ăn chơi đào hoa Anatole cao chạy xa bay khi chỉ vừa mới bị anh chàng này quyến rũ, mặc dù cô đã đính hôn. Ở chiều khác, có những nhân vật rất từng trải, dường như đã hiểu thấu sự đời. Vị tướng Kutuzov, người có quan điểm để chiến thắng thì không cần ra quá nhiều mệnh lệnh. Chỉ cần bảo toàn binh sĩ, tránh tối đa các trận đánh không cần thiết. Phần còn lại thời gian và sự kiên tâm sẽ giải quyết.
Xuyên suốt cả tác phẩm, chúng ta thấy những suy tư đi tìm ý nghĩa cuộc sống của các nhân vật. Tác phẩm bàn nhiều đến những vấn đề căn bản trong đời sống con người: Cuộc sống, cái chết, tôn giáo, tình yêu, sự hy sinh.
review sách
,sách
Chị thấy những tác phẩm như thế này nó có giá trị trong mọi chiều ko gian thời gian - mọi thời đại ấy. Nhưng đôi khi tự hỏi các bạn 9X, các bạn cách mình một thế hệ liệu có dành thời gian để đọc tác phẩm nhân văn như thế này nữa ko nhỉ?
Hường Hoàng
Chị thấy những tác phẩm như thế này nó có giá trị trong mọi chiều ko gian thời gian - mọi thời đại ấy. Nhưng đôi khi tự hỏi các bạn 9X, các bạn cách mình một thế hệ liệu có dành thời gian để đọc tác phẩm nhân văn như thế này nữa ko nhỉ?