Chiến Tranh Nam-Bắc Triều. Chap II: Giản Tu Công Dựng Cờ Thảo Phạt
(Đọc lại Chap I: Vua Uy Mục - Nạn Nhân Của Cuộc Chiến Vương Quyền)
---
Dưới triều đại “vua quỷ” Uy Mục, phép tắc vẫn được giữ theo nề nếp từ thời Hồng Đức, nhưng lúc này bầu không khí trong triều lại rất ngột ngạt. Những mâu thuẫn tranh giành ngôi báu cuối cùng đã đưa đến một vị vua trẻ lòng đầy hận thù và lệch lạc về nhân cách. Mặt khác, vua lên ngôi vốn nhờ vào một tờ di chiếu, xung quanh không có một vị đại thần nào phò trợ hay giúp đỡ, phải một thân một mình loay hoay mò mẫm. Vậy thì một người trẻ tuổi còn non nớt, thiếu kinh nghiệm liệu có thể làm tốt chức trách của một vị vua hiền. Tấn bi kịch đến với nhà Lê là một điều tất yếu, theo một cách vô cùng tiêu cực, khi nhà vua sử dụng công cụ cổ xưa nhất trong chính trị để tiêu diệt đối thủ và dung dưỡng phe cánh cho mình, đó chính là "bạo lực". Những cuộc trả thù, bắt bớ liên tục xảy ra, những vị hoàng thân quốc thích không ủng hộ Uy Mục kẻ chết trong ngục, người bị đánh đập tàn nhẫn, nội bộ hoàng tộc run sợ, bất bình, nhiều người bỏ trốn đi. Ở trong triều nhà vua lại cho cách chức những vị đại thần uy tín, thay vào đó là lũ ngoại thích để xây dựng vây cánh. Được vua trẻ dung dưỡng, chúng tha hồ tác oai tác quái, chèn ép bá quan, ức hiếp bách tính, dân chúng vô cùng khổ sở. Điều này khiến cho quần thần ai cũng nguội lòng, kẻ về quê ở ẩn tránh thị phí, người có chí thì dựa vào gia tộc, lãnh địa để mưu nghiệp lớn.
Thế lực nổi lên mạnh mẽ nhất chống lại triều đình là Nguyễn Văn Lang, Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Duy Sản, Trịnh Duy Đại. Lang và Dụ là hai cha con, xuất thân từ dòng dõi khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn lại là họ hàng gần gũi với Trường Lạc thái hậu, có mối thù không đội trời chung với vua Uy Mục. Còn Sản và Đại vốn là hai anh em, có dòng dõi hậu duệ của khai quốc công thần Trịnh Khắc Phục, vốn bất mãn vì đánh mất quyền lực trong triều, nên khi triều đình vừa xảy ra xáo động, cả 4 người trước sau lần lượt chạy về quê hương. Gia tộc Trịnh, Nguyễn vốn là những lãnh chúa địa phương đi theo Thái tổ Lê Lợi chống Minh từ những ngày đầu, nhận được nhiều ơn mưa móc của vua Lê, dần dần trở thành danh gia vọng tộc, có uy tín và sức ảnh hưởng mạnh mẽ khắp vùng Hà Trung, Thọ Xuân. Một thoả thuận liên minh giữa hai gia tộc nhanh chóng được thiết lập, họ cho người tụ tập con em huấn luyện tổ chức thành quân đội, tích cực tích trữ lương thảo, bỏ tiền của xây dựng căn cứ địa bên cửa biển Thần Phù. Dân chúng trong vùng nghe tiếng rủ nhau theo về ngày càng đông, người góp gạo, kẻ ra sức. Trong đó phải kể đến những bậc hiền sĩ như Tả bộ thị lang bộ Lễ Lương Đắc Bằng. Đắc Bằng trước thi đỗ bảng nhãn, vốn nổi tiếng là người hay chữ, vì không đồng tình với vua Uy Mục nên nhân có tang mẹ liền từ quan về ở ẩn, nay cũng ra dốc sức. Nghĩa quân dần phát triển ngày càng lớn mạnh ra khắp vùng Thanh Hoa, tướng tài, trí sĩ đủ cả, chỉ còn thiếu "lá cờ danh nghĩa" để có thể danh chính ngôn thuận chống lại vua Uy Mục. Và rồi họ tìm được một vị tôn thất nhà Lê - đó là Giản tu công Lê Oanh, lúc này Oanh mới 13 tuổi.
Lê Oanh vốn là cháu nội của vua Lê Thánh Tông, khi Vua Uy Mục tàn sát tôn thất nhà lê thì Lê Oanh trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu. Lê Oanh nhanh chóng bị bắt giam, chịu khủng bố cả về tinh thần và thể xác, điều này quả thật quá sức chịu đựng của một cậu bé vốn quen sống trong nhung lụa. Chỉ cầu sao cho được sống sót, cậu liền nhờ người mang vàng bạc đút lót cho viên cai ngục. Nhận được tiền, lại thương xót cho đứa trẻ vô tội, cai ngục liền thả cho cậu chạy thoát. Ra khỏi ngục thì hung tin ập đến, cha cậu Kiến vương Lê Tân vốn đã mất từ năm Nhâm Tuất (1502) dưới thời vua Hiến Tông, Lê Oanh vốn sống cùng mẹ và anh em thì nay họ đều đã bị bắt giam hết, gia đình li tán mỗi người một nơi. Chỉ còn một mình, lại là tù nhân bỏ trốn, trong lúc đang mất phương hướng thì một gia nhân hiến kế cho Lê Oanh chạy về phương Nam, nương tựa vào nghĩa quân. Oanh liền gói ghém vàng bạc châu báu, cùng vài gia nhân trung thành nhân đêm tối trốn ra khỏi thành, lại cử người nhanh nhẹn đi trước bắt liên lạc với nghĩa quân. Việc này không thoát khỏi tai mắt của tay chân vua Uy Mục, một đội quân được lệnh đuổi theo buộc Lê Oanh phải chọn vùng núi sâu non cao để di chuyển. Quan quân truy đuổi gắt gao khiến Lê Oanh không thể ghé qua làng mạc để mua lương thực, vàng bạc châu báu trở nên vô dụng, gia nhân phải đào củ khoai củ ráy, nhiều khi còn nhịn đói mà chạy, khổ sở vô cùng. Gia nhân lần lượt hy sinh, kẻ bị thú dữ ăn thịt, người vì đánh lạc hướng quân Lê mà bỏ mạng, cuối cùng chỉ còn mình Lê Oanh là vượt qua được dãy núi Tam Điệp, chạy về hướng cửa biển Thần Phù. Lúc này địa hình dần bằng phẳng nên quan quân truy đuổi rất sát, Lê Oanh thúc ngựa đến rướm máu nhưng khoảng cách ngày càng bị rút ngắn. Trong lúc đang tuyệt vọng nhất thì đội quân do Nguyễn Văn Lang chỉ huy kịp thời tới ứng cứu, một cánh quân tách ra đánh cho quan quân bỏ chạy tan tác, còn Văn Lang đích thân tới bảo vệ cho Lê Oanh. Lần đầu tiên được thả lỏng tinh thần sau bao ngày phải căng sức trốn chạy, lại chịu quá nhiều biến cố trong một thời gian ngắn, Oanh òa lên khóc nức nở rồi lăn ra ngất ngay trên ngựa. Nguyễn Văn Lang vội cho người đưa Oanh về căn cứ Thần Phù, đồng thời báo ngay cho Trịnh Duy Sản, Lương Đắc Bằng.
Một cuộc họp chớp nhoáng được tổ chức ngay trong đêm, thủ lĩnh của nghĩa quân đều có mặt, bất ngờ là trong đó có sự xuất hiện Lê Tuyên - quan trấn nhậm thừa tuyên Thanh Hoa, hoá ra từ lâu ông này đã là tay trong, âm thầm hỗ trợ cho nghĩa quân. Tất cả nhanh chóng đi tới nhất trí ngay lập tức tổ chức khởi nghĩa dưới danh nghĩa Giản Tu Công Lê Oanh. Quân đội được giao cho tướng tài như Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ chỉ huy. Nguyễn Văn Lang vốn giỏi việc thao lược, ăn nói có nhiệm vụ làm thuyết khách, Lương Đắc Bằng nhậm việc thảo hịch hạch tội vua Uy Mục. Riêng phần Lê Tuyên ngay lập tức về thành Tây đô chấn chỉnh quân sĩ, tiêu diệt hết tay chân của nhà vua. Mọi người nhanh chóng trở về điều động binh sĩ, chuẩn bị cho cuộc chiến, một không khí sôi sục, hào hứng diễn ra khắp căn cứ địa Thần Phù, tiếng gõ búa, rèn sắt, tiếng người ngựa khuân vác diễn ra suốt cả đêm. Sáng hôm sau, nghĩa quân ai nấy áo giáp sáng loáng, cờ quạt phất phới, người ngựa đứng sắp thành hàng ngũ chỉnh tề. Phía trước Nguyên Văn Lang đã cho người dựng sẵn đài cao, Giản Tu Công Lê Oanh được nghỉ ngơi đầy đủ, thần sắc tươi tỉnh, dáng vẻ đẹp đẽ dễ nhìn, lúc nàu ngồi ghế thái sưu ở chính giữa. Hai bên tướng văn tướng võ chia nhau đứng thành hai hàng. Lúc này, Lương Đắc Bằng đứng ra lấy danh nghĩa Giản Tu Công đọc hịch hạch tội vua Uy Mục như sau: "Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, lần lữa mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khoé. Giết hại người cốt nhục, dìm hãm các thần liêu. Bọn ngoại thích được tin dùng mà phường đuôi chó ngang ngược làm bậy, người cứng cỏi bị ruồng bỏ mà kẻ đầu cá ẩn nấp nẻo xa. Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi. Vét thuế khoá từng cân lạng, tiêu tiền của như đất bùn, bạo ngược ngang với Tần Chính. Đãi bề tôi như chó ngựa, coi dân chúng tựa cỏ rác ngạo mạn quá cả Nguỵ Oanh. Huống chi lại xây cung thất to, làm vườn hoa rộng. Xua dân đi trồng cây, giẫm theo vết xe đổ chất gò Hoa Cương đời Tống; lấp biển xây cung điện, nối gót thói u mê xây cung A Phòng nhà Tần. Công trình thổ mộc xây lên rồi thay đổi, thay đổi rồi xây lên, dân Hải Dương, Kinh Bắc mệt mỏi, lao đao; tông thất xa hoa, kiêu căng lại ngang ngược, ngang ngược lại kiêu căng, cõi tứ tuyên phiên trấn xôn xao, rối loạn. Cư dân nhức óc, cả nước đau lòng."
Lời lẽ đanh thép lại vừa thống thiết khiến quân sĩ ai nấy đều sục sôi căm giận, sĩ khí lên cao, nhân đó mọi người ùa lên, 4 tay lực sĩ lấy tay làm kiệu, nâng Lê Oanh lên tôn làm minh chủ, giương cao ngọn cờ thảo phạt. Đoàn quân chính nghĩa hành quân hướng về thành Tây Đô- trung tâm của Trấn Thanh Hoa, trên đường đi Lương Đắc Bằng cho người đi phát hịch hạch tội khắp nơi, các lãnh chúa địa phương dẫn quậ theo về đông lắm. Khi về tới Tây đô thì Lê Tuyên đã người quét tước sạch sẽ, lại cho bày hương án, đích thân dẫn đầu quan lại, dân chúng ra trước cổng thành đón rước. Một buổi lễ long trọng được tổ chức, Giản Tu Công Lê Oanh khoác áo long bào, tuyên bố phế truất Uy Mục khỏi ngôi vua. Binh sĩ, dân chúng hò reo phấn khởi, ai nấy trong lòng vui như mở hội. Đã có được chính danh, tiếng tăm nghĩa quân nổi lên như cồn, Trấn Nghệ an nhanh chóng quy thuận. Phía Nam chỉ còn hai đạo Thuận-Quảng vẫn chưa thấy có động tĩnh. Tuy nhiên, có một sự việc làm thay đổi suy nghĩ của quan lại xứ Thuận- Quảng, đó là việc vua Uy Mục hạ lệnh đồ sát người Chăm, nguyên căn là từ việc các thổ dân người Chăm, nhân khi Đại Việt đang có nguy cơ nội chiến đã lén vượt biên về Phiên Lung-đất tổ người Chăm, lúc này chỉ còn là một xứ tự trị. Không may sự việc bị phát giác, vua Uy Mục sai Vũ Cảnh đến, chém sạch những kẻ có ý định vượt biên. Sự việc gây phẫn uất cho cả người Chăm lẫn quan quân người Việt đóng tại Thuận-Quảng, khiến hai đạo này quyết định quy thuận Giản Tu Công, như vậy từ vùng Thanh Hoa đổ vào đã hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của nghĩa quân. Mặt khác, Nguyễn Văn Lang lại thư cho tướng trấn thủ hoàng thành là Lê Quảng Độ, sau khi được phân tích rõ thiệt hơn, Quảng Độ đã đồng ý làm nội ứng.
Ngày 8 tháng 9 năm 1509, từ Tây Đô, nghĩa quân dưới danh nghĩa Giản Tu công khởi binh theo hai đường thủy bộ tiến quân Bắc tiến. Quân khởi nghĩa theo đường bộ hành quân không gặp sự kháng cự nào đáng kể, mãi đến châu Cầu (Phủ Lý) mới đụng độ quan quân triều đình. Vua Uy Mục khi biết tin phương Nam có loạn vội sai Đông Nham bá Lê Vũ làm chánh tướng, Ngự sử đài đô ngự sử Dương Trực Nguyên làm ký lục và bọn Hữu thị lang Phạm Thịnh, Trần Năng dẫn cấm quân và quan quân các vệ Thần vũ, Hiệu lực, Điện tiền đi chống giữ. Đây là ba đạo quân thiện chiến bậc nhất, lại nổi tiếng từ thời vua Thánh Tông, cùng ông "Nam bình Chiêm, Tây phạt Ai Lao", lập được nhiều chiến công. Về thế thì quân của Giản tu công yếu thế hơn vì họ chỉ là hương binh địa phương, kém cả về trang bị lẫn kinh nghiệm trận mạc so với đội quân triều đình chính quy thiện chiến, chẳng khác gì bầy cừu non chống lại đàn sói đói. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến Lê Vũ trở nên khinh địch, vốn theo kế hoạch quân Lê chỉ kình chống để chờ các đạo Hải Dương, Kinh Bắc kéo đến tiếp ứng, lấy ưu thế sức mạnh vượt trội mà đè nát đội quân non trẻ. Thì lúc này, Lê Vũ lại nóng vội lập công, sau vài ngày cầm cự đã cưỡi voi xua quân chủ đông tiến công vào doanh trại quân Giản Tu Công. Chỉ chờ có thế, Trịnh Duy Sản lệnh cho quân sĩ giả vờ yếu thế, để kéo quân Lê vào sâu trong lòng địch. Khi Lê Vũ và quan quân đang say máu thì lúc này cái bẫy mới sập xuống, một tiếng pháo hiệu nổ lên, chông sắt được kéo lên rào kín đường lui, nghĩa quân lại từ ba phía ùa đến bao vây quân Lê chặt như nêm. Dưới những hố cá nhân được ngụy trang khéo léo bằng cỏ, quân sĩ dùng câu liêm móc vào chân, vào cổ ngựa chiến kéo chúng ngã quỵ, tên ngầm được bắn lên khiến quân Lê chết như rạ. Nghĩa quân lại chia làm nhiều cánh quân do đích thân Duy Sản, Hoằng Dụ dẫn đầu liên tục xung kích, Lê Vũ và hai tướng khác bị chém chết ngay tại trận, quân Lê mất tướng nhanh chóng tan vỡ, mạnh ai nấy chạy. Trận chiến giằng co kéo dài gần 1 tuần lễ, đến ngày 23 tháng 11 thì kết thúc. Thắng lợi giòn dã khiến khí thế nghĩa quân lên cao ngất trời, đạo quân thủy sau khi đụng độ với quân triều đình ở gần núi Thiên Kiện, nay cũng kịp thời đến hội quân. Hai đạo thủy bộ tiếp tục ngược dòng sông Hồng tiến về uy hiếp Đông Kinh. Kết cục trận chiến thế nào, mời các bạn theo dõi tiếp chap 3 sẽ rõ !!!
Trung Nguyễn
Trung Nguyễn