Chiến Tranh Nam- Bắc Triều. Kỳ III: Mất Nhân Tâm, Vua Uy Mục Ôm Hận.
Link youtebe video phần 2- Cảm ơn các bạn Noron đã làm giúp mình video này:
Ngày mồng 8 tháng 11 năm 1509, từ thành Tây Đô, Giản Tu công Lê Oanh dấy binh ra bắc thảo phạt vua Uy Mục, đồng thời cho người gửi hịch đi khắp nơi. Khi nghĩa quân tiến tới châu Cầu thì đụng độ quan quân triều đình do Đông Nham bá Lê Vũ cầm đầu. Trận chiến diễn ra trong hơn 1 tuần lễ thì nghĩa quân đại thắng, Lê Vũ và hai tướng bị chém đầu tại trận. Thắng lợi lớn đầu tiên giúp cho tinh thần binh sĩ lên cao, quân Giản Tu công thế tiến như chẻ tre theo hai đường thủy bộ tiếp tục ngược dòng sông Hồng, nghĩa quân tiến đến các xứ Bảo Đà (nay thuộc Thanh Oai, Hà Tây) , Nhân Mục (làng Mọc, Hà Nội), xã Hồng Mai (Hà Nội) thì gặp các đạo Kinh Bắc và Hải Dương dựng trại kình chống nên đành dừng lại. Hay tin Lê Vũ bại trận, quân thảo phạt áp sát Đông Kinh, một luồng không khí u ám, khủng bố bao trùm khắp kinh thành, dân chúng lũ lượt bồng bế nhau về những vùng quê để tránh nạn binh đao, vua Uy Mục phải hạ lệnh giới nghiêm mới thôi. Lũ ngoại thích thường ngày vốn quen lộng hành nay cũng co vòi rụt cổ, nhiều kẻ lấy cớ cáo ốm không vào chầu, vun vén vàng bạc châu báu cho bản thân. Triều đình nhà Lê vốn đã điêu tàn qua cơn lốc trả thù của vua nay lại càng thêm hiu quạnh, bên cạnh vua trẻ không còn ai hỗ trợ, vị hoàng đế trở nên đơn độc hơn bao giờ hết, và thất bại của Lê Vũ chỉ khiến con thú trong ông ngày càng trở nên điên cuồng hơn.
Vua tức khắc ra lệnh đem Cẩm Giang vương Lê Sùng, Mục Ý công Lê Vinh và Dục Cung công Lê Quyên là ba người anh em ruột của Giản Tu công Lê Oanh đang bị giam trong ngục thất mang ra giết sạch. Giết xong những người họ hàng này, vua Uy Mục ngày càng trở nên nghi kỵ, ông lệnh cho quan túc vệ Mạc Đăng Dung phòng vệ nghiêm ngặt nội cung, lại hạ lệnh giới nghiêm hoàng thành, thân thích, nô tỳ của các nhà quan lại, quyền quý không được phép tự do đi lại. Đội quân bại trận dắt díu nhau trở về được nhà vua sắp xếp lại thành các đội mới, lại cho người đi bắt bọn tráng đinh để bổ sung quân số. Nhưng trai tráng rủ nhau trốn đi hết nên vẫn còn thiếu rất nhiều, vua liền lệnh lấy vàng bạc tiền của ban cho tù nhân bị giam ở ty Ngũ hình mỗi người 3 quan, lại hứa hẹn nếu lập công sẽ tha tội, rồi xung bọn ấy vào trong quân ngũ. Tiếc rằng lũ tù nhân nhận tiền liền ai trốn về nhà nâý, vua cho người đi lùng bắt mãi không được nên đành phải thôi. Rơi vào thế bí, vua sai Trung sứ và Hoa văn học sinh mỗi ty 2 người mang sắc phù đến các đô ty vùng Tây Bắc Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Băng cho nhận sắc, kháp phù, bắt mỗi trấn lấy 5.000 thổ binh đưa về kinh chống giặc. Nhà vua lại cho gọi các đạo quân Kinh Bắc, Hải Dương đang đương cự với giặc ở mạn Nam rút về bảo vệ kinh thành.
Thống lĩnh các đạo Kinh Bắc, Hải Dương là tướng ngoài mặt trận, vốn muốn tiếp tục cự địch nhưng nhà vua liên tiếp gửi sứ giả đến thúc giục khiến họ đành phải tuân theo lệnh. Nhân tối mùa đông đen như mực, người ngựa chân đeo nịt, cuốn cờ bịt trống, lặng lẽ nhổ trại hành quân rút về ngay trong đêm. Sáng ra, quân khởi nghĩa cho người thám thính thì chỉ còn bãi đất trống với những vật dụng bị bỏ lại nằm chổn chơ. Trịnh Duy Sản nắm bắt tình hình, nhanh chóng lệnh cho quân sĩ nai nịt gọn gàng, tổ chức một cánh quân cơ động do Sản trực tiếp chỉ huy lên đường truy đuổi theo quân Lê, còn Nguyễn Văn Lang ở lại bảo vệ Lê Oanh dẫn quân theo sau hỗ trợ. Quân nhà Lê trên đường rút lui vội vàng, không kịp tổ chức các đội quân bọc hậu, trinh thám đầy đủ nên nhanh chóng bị quân Sản bắt kịp. Với sĩ khí đang lên cao, dù có quân số ít hơn nhưng ưu thế và sự chủ động hoàn toàn thuộc về quân Duy Sản, nghĩa quân liên tục chia làm các mũi nhọn thọc sâu vào đội hình, khiến quân Lê bị chia cắt thành những mảng nhỏ, đầu đuôi không liên lạc được với nhau, việc chỉ huy hoàn toàn bị cắt đứt. Quân Lê lúc này chỉ còn chống đỡ một cách bị động dựa trên kinh nghiệm trận mạc, tuy nhiên, sĩ khí quân Lê đã xuống rất thấp, sau một thời gian ngắn thì đã có người bỏ chạy. Có người đầu tiên thì sẽ nhanh chóng có người thứ 2, thứ 3, hiệu ứng nhanh chóng lan ra toàn quân, tướng lĩnh nhà Lê thi nhau hò hét ngăn cản nhưng không được, đà sụp đổ của quân Lê là không thể ngăn cản. Cuối cùng, cuộc giao tranh diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi đã kết thúc với thắng lợi rực rỡ cho quân Trịnh Duy Sản, hai đạo Kinh Bắc, Hải Dương kẻ chết người đầu hàng nhiều không kể siết, cánh cổng tiến vào Đông Kinh đã mở toang cho nghĩa quân. Trịnh Duy Sản cho binh sĩ nghỉ ngơi, kiểm kê chiến lợi phẩm, chờ quân Giản Tu công Lê Oanh đến tụ hội.
Ngày 27 tháng 11, khi đã chuẩn bị đầy đủ, toàn quân do Duy Sản chỉ huy dưới lá cờ thảo phạt tiến sát bao vây thành Đông Kinh. Lúc này, triều đình nhà Lê và dân chúng vẫn chưa hay tin hai đạo Kinh Bắc, Hải Dương đại bại, nên tất cả hoàn toàn bị bất ngờ khi thấy quân thảo phạt xuất hiện. Ngoài thành dân đen ai ai cũng sợ hãi, vợ chồng con cái bồng bế nhau trốn chạy cả, Nguyễn Văn Lang phải hạ lệnh cho binh sĩ giương cao ngọn cờ thảo phạt, cấm phóng hoả cướp bóc để trấn an dân chúng nhưng lúc này phố xá đã trở nên hoang vắng. Trong hoàng cung, vua Uy Mục và quần thần bối rối không biết làm gì hơn ngoài việc cho người đóng chặt cổng thành cố thủ chờ cứu viện. Nhưng sứ giả chạy trạm đi gọi binh các xứ Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang mới đi được hơn một ngày đường, nhanh cũng phải 3,4 ngày nữa mới dẫn quân về kịp, khiến tình thế kinh thành ngày càng nguy cấp. Trong khi đó, hoàng hậu Trần Thị Tùng và bọn ngoại thích vùng Nhân Mục quê vốn hưởng nhiều lợi lộc của nhà vua lại có toan tính khác, lợi dụng tình hình rối loạn chúng liền bỏ rơi vị vua trẻ, theo Cửa thành phụ chạy về phía Đông. Tiếc là ông trời có mắt, lũ gian thần phải gặp quả báo, khi chạy đến xã Hồng Mai thì bị quân khởi nghĩa chặn lại, cả lũ bèn chia nhau bỏ chạy toán loạn. Hoàng hậu Trần Thị Tùng cùng vài cung nữ, nội nhân thân tín trốn vào thôn xóm, thay quần áo dân thường, lấy bùn đất cải trang, rồi lánh vào một nhà dân bỏ hoang. Nhưng quân khởi nghĩa bắt được gia nhân qua đó biết được người bỏ trốn là gia quyến của vua nên truy lùng càng gắt gao, đường cùng hoàng hậu chạy vào miếu rồi thắt cổ tự tử, còn lũ tay chân kẻ bị bắt, người bị giết không ai chạy thoát cả.
Trở lại với cuộc chiến thành Đông Kinh, quân khởi nghĩa bao vây chặt như nêm, một con kiến cũng không lọt. Vua Uy Mục lệnh cho người canh giữ chặt cổng thành, chuẩn bị vũ khí, sắp xếp binh sĩ phòng thủ trên mặt thành, lại trực tiếp ra cửa Thanh Dương uý lạo các lực sĩ điện Kim Quang và tướng sĩ các vệ Cẩm y và Kim ngô, đem kiếm ban cho bọn Trình Chí Sâm, Lê Quảng Độ cùng nhau chống giặc. Tiếc là, Lê Quảng Độ trước bị Nguyễn Văn Lang thuyết phục đã đồng ý làm nội ứng, nay lại lấy điều hay lẽ phải để dụ Trình Chí Sâm theo về. Quảng Độ cho người ngầm thông tin với Nguyễn Văn Lang, chặt gậy làm cờ, bắn pháo làm hiệu, giả vờ cùng quân khởi nghĩa đánh nhau, rồi nhân lúc hỗn loạn mở cổng thành cho Duy Sản dẫn quân ùa vào. Quân khởi nghĩa khí thế vốn đã mạnh, quân Quảng Độ và Chí Sâm lại trở giáo khiến vua Uy Mục trở tay không kịp, vội dẫn theo vài kẻ thân tín chạy về phương Bắc. Cuộc chiến đã hoàn toàn ngã ngũ, quân khởi nghĩa làm chủ Kinh thành, một vài điểm quân Lê kháng cự lẻ tẻ nhanh chóng bị dập tắt. Vua Uy Mục chạy đến phường Nhật Chiêu ( nay là làng Nhật Tân) thì bị đuổi theo bắt được, trớ trêu thay người bắt vua Uy Mục không phải quân khởi nghĩa mà là vệ sĩ cũ của vua. Chúng liền đem vua nộp cho quân Giản Tu công đem về giam ở cửa Lệ Cảnh, hôm đó là ngày 28 tháng 11. Số phận vua Uy Mục rồi sẽ ra sao. Mời các bạn đón xem ở kỳ 4. ---- Hết kỳ 3.
Trung Nguyễn
Trung Nguyễn
2. Lê Vinh là Lê Quyên vốn chẳng có tước Mục Ý Công và Dực Cung Công; khi bị giết Lê Vinh là Tĩnh Lượng Công còn Quyên tuổi nhỏ nên chưa có tước phong. Sau này Tương Dực lên ngôi đã truy phong hai em thành Mục Ý Vương và Dực Cung Vương. Chắc có lẽ anh nhầm tước vương được truy phong khi mất thành tước khi còn sống.