Nhắc đến triều đại Lê Thánh Tông, bên cạnh những thành tựu lớn về đối nội mà vị vua này đã đạt được, người ta còn bàn luận không ít về đường lối đối ngoại đương thời của ông. Thành tích lớn nhất ở lĩnh vực này chắc chắn phải kể đến cuộc Nam chinh năm 1471, khi không chỉ đem về cho Đại Việt một vùng lãnh thổ mới rộng lớn mà còn triệt bỏ hẳn khả năng đối địch nước ta của vương quốc Champa. Tuy nhiên có một cuộc chiến khác diễn ra dưới thời Hồng Đức với quy mô lớn không kém, nhưng vì lí do chính trị mà hiện nay không được truyền thông đại chúng nhắc đến: chiến tranh Đại Việt - Lan Xang (1479-1480). Những nguồn tiếng Việt đề cập đến lần xung đột này hầu như chỉ có các bài viết trên internet, và đa số là đánh giá quá cao (overrated) chiến tích của quân đội nhà Lê trước người Lào, thậm chí là phóng đại quá mức với những tiêu đề kiểu như “Đại Việt cân cả Đông Nam Á”. Trong loạt bài này, người viết sẽ cố gắng cung cấp những thông tin về nguyên nhân, diễn biến và kết quả của cuộc chiến tranh này một cách chính xác nhất, để các bạn có đủ dữ kiện đánh giá thành bại của nó. Vì giới hạn của tư liệu, có khả năng trong bài không tránh khỏi sai sót, nên rất mong sự đóng góp của ý kiến của mọi người.
Kì 1: Quan hệ Việt-Lào từ thế kỉ XV trở về trước
Người Lào là một trong các sắc dân thuộc ngữ hệ Kra-Dai, có quan hệ gần với các dân tộc như Choang ở Quảng Tây, Tày và Nùng ở đông bắc Việt Nam, Thái ở tây bắc Việt Nam, và đặc biệt là người Thái Lan hiện đại. Trong quá trình thiên di, tổ tiên của các sắc dân này đã từ miền nam Trung Quốc tiến vào bán đảo Đông Dương, chiếm lĩnh miền núi Bắc Bộ Việt Nam và phần lớn lãnh thổ Lào và Thái Lan hiện đại. Đến khoảng đầu thiên niên kỉ thứ hai, một loạt thực thể chính trị Lào-Thái - gọi chung làmuang,mueanghaymường[1] - đã hình thành ở khu vực này, trải dài từ miền đông Myanmar ngày nay cho đến dãy Trường Sơn, và từ Vân Nam đến vịnh Thái Lan.
Các xứ mường Lào-Thái mang tính chất của một tù trưởng quốc (chiefdom), thường với trung tâm là một thành trì (xieng,chianghaychiềng) nơi tù trưởng cai trị và một số làng mạc (panhaybản) lệ thuộc trực tiếp xung quanh. Trong suốt một thời gian dài, đây là cấp độ chính trị cao nhất của người Lào-Thái tại Đông Dương. Tuy nhiên từ thế kỉ XIII bắt đầu có sự chuyển biến, khi một vài thực thể chính trị trong số này bắt đầu khuếch trương ảnh hưởng của mình lên các mường xung quanh, đặt tiền đề để xây dựng nên những nhà nước thực thụ về sau. Tại lưu vực sông Chao Phraya, Sukhothai và Ayutthaya nổi lên trở thành thế lực mới, thách thức ảnh hưởng của đế quốc Khmer đang trên đà suy thoái. Tương tự, ở miền bắc Thái Lan ngày nay, thủ lĩnh xứ Chiang Rai lập nên vương quốc Lan Na vào năm 1292. Riêng về phần các tiểu quốc Lào ở trung lưu sông Mekong, quá trình trung ương hóa này diễn ra trễ hơn, với sự xuất hiện của nhân vật Fa Ngum vào giữa thế kỉ XIV.
Theo sử Lào, Fa Ngum nguyên là con trai tù trưởng xứ Muong Swa (còn gọi là Xieng Thong, nay là Luang Prabang, Lào), về sau vì bị trục xuất khỏi bản thổ nên nương nhờ triều đình Khmer. Năm 1349, được sự hỗ trợ binh lực từ người Khmer, Fa Ngum phát động công cuộc bình định các mường Lào để giành ngôi vị cho mình. Ông lên ngôi vua vào năm 1353, chính thức mở đầu cho lịch sử của vương quốc Lan Xang [2]. Vì kinh đô đóng tại Muang Swa, nên sử sách Trung Quốc và Việt Nam còn gọi nhà nước này là “Lão Qua” (老檛). Bên cạnh việc cầm quân đánh dẹp, Fa Ngum còn thực hiện một số cải cách như xếp đặt bộ máy sơ khai của triều đình Lan Xang, ban hành các điều luật về hình sự và dân sự, cũng như đẩy mạnh truyền bá Phật giáo trong nước. Sau khi ông qua đời năm 1372, con trai là Samsenethai lên thay. Samsenethai thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Minh vào năm 1402 và được ban cho chức “Lão Qua tuyên úy sứ” (nhà Minh trên danh nghĩa coi Lan Xang là một “thổ ty” thuộc quản hạt của tỉnh Vân Nam, nhưng thực tế giữa hai bên chỉ có quan hệ triều cống) [3].
Sau giai đoạn tương đối ổn định dưới ba triều vua đầu tiên, nước Lan Xang rơi vào rối loạn với cái chết của vua Lan Kham Daeng (con trai Samsenethai) năm 1428. Nang Keo Phimphat – mà các nguồn khác nhau cho rằng là chị gái, em gái, vợ hoặc mẹ kế của Samsenethai [4] – thâu tóm quyền bính trong triều và liên tiếp lập nhiều vị vua bù nhìn lên ngôi để làm bình phong cho mình. Lan Xang chứng kiến 7 đời vua chỉ trong vòng 10 năm tiếp theo, mà 6 trong số đấy đều bỏ mạng dưới tay Nang Keo Phimphat, có người chỉ ở ngôi được vài tháng. Trật tự chỉ được lập lại khi các quý tộc Lan Xang lật đổ bà này vào năm 1438, và đến năm 1442 đưa một con trai còn sống của Samsenethai là Chakkaphat Phaen Phaeo lên ngôi. Đây cũng là vị vua sẽ phải đối đầu với cuộc xâm lược của Đại Việt sau này.
***
Sử sách Việt Nam bắt đầu ghi nhận tiếp xúc giữa nhà nước Đại Việt và các tiểu quốc Lào-Thái kể từ thời Lý. Trong thư tịch thời bấy giờ, tên gọi “Ai Lao” thường được áp dụng chung cho một loạt thực thể chính trị phân bố trải dài từ thượng lưu sông Đà cho đến vùng núi phía tây Thanh-Nghệ, mà thành phần sắc tộc trong đó ngoài Lào và Thái ắt hẳn còn chứa đựng cả các sắc dân phi Kra-Dai như Mường, Khmu,... Bên cạnh quan hệ thương mại và ngoại giao, xung đột quân sự cũng từng diễn ra giữa nhà Lý và các xứ Ai Lao này, như vào các năm 1048, 1159 và 1183. Đến triều Trần, xứ Ngưu Hống tại vùng lưu vực sông Đà (trung tâm là Mường Muổi, tức Thuận Châu, Sơn La ngày nay) trở thành điểm nóng về chiến sự, khi chứng kiến nhiều lần giao tranh giữa hai bên vào các năm 1294, 1297, 1298, 1301, 1329 và 1337. Miền tây Nghệ An cũng trở thành mục tiêu thân chinh của Trần Minh Tông vào những năm 1334 và 1335. Mục đích chính trị của Đại Việt lúc bấy giờ không chỉ nhằm vào lợi ích vật chất như đất đai hay của cải mà còn để thể hiện uy thế quân sự của bản thân và áp đặt ảnh hưởng lên các bộ tộc/tiểu quốc Ai Lao, thể hiện qua câu nói của Trần Nhân Tông năm 1290: “Giặc [Nguyên] vừa mới rút, ba cõi ắt cho rằng binh mã của ta đã chết cả, thế không lên nổi, sẽ khinh nhờn trong lòng. Thế nên phải đại cử để ra uy.” [5] Tuy nhiên các chiến dịch Tây chinh này nhìn chung không đạt thành công lâu dài. Chúng chấm dứt vào nửa sau thế kỉ XIV, trùng hợp với thời điểm Lan Xang ra đời [6], và Đại Việt đang phải đối phó với mối nguy lớn phía nam là Champa của Chế Bồng Nga.
Trong cuộc xâm lược Đại Ngu của nhà Minh những năm 1406-1407, và kế đó là thời kì thuộc Minh ở nước ta, người Lào cũng có sự can dự. Nếu thư tịch Trung Hoa ghi chép chính xác, thì Lan Xang đã hỗ trợ nhà Hồ chống xâm lược nhưng không thành công, và sau đó phải tiếp nhận một lá thư phản đối sặc mùi đe dọa từ Minh Thành Tổ [7]. Về sau các xứ mường ở vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An không ít lần trở thành nơi ẩn náu cho các thế lực kháng Minh như Trần Quý Khoáng, Phan Liêu và Lộ Văn Luật [8]. Lê Lợi, thủ lĩnh khởi nghĩa Lam Sơn và người sáng lập triều Hậu Lê, ngay từ buổi đầu dấy binh đã nỗ lực liên kết với các tù trưởng “Ai Lao” ở tây Thanh Hóa nhằm củng cố hậu phương cho mình, thậm chí không từ đến kế sách gian trá để đạt mục đích, như việc giả danh quan nhà Minh để ép họ phải cung ứng lương thực [9]. Tuy nhiên không phải mọi chuyện đều diễn ra êm thắm. Một tù trưởng là Mãn Sát quay sang hỗ trợ nhà Minh tấn công nghĩa quân vào các năm 1421 và 1422, nhưng cả hai lần Lê Lợi đều may mắn thoát khỏi vòng vây để rút về cứ địa. Về sau trong chiến dịch tiến đánh Nghệ An năm 1424, châu Trà Long (thuộc địa bàn các huyện Con Cuông và Tương Dương ngày nay) trở thành mục tiêu của Lê Lợi, và chiến thắng trước liên quân giữa nhà Minh và tù trưởng bản xứ là Cầm Bành đã mở đường cho nghĩa quân Lam Sơn nhanh chóng làm chủ toàn bộ xứ Nghệ, làm cơ sở đi tới thắng lợi toàn cuộc sau này.
***
Về danh nghĩa, các vua Lan Xang làm chủ một lãnh thổ rộng lớn bậc nhất ở Đông Nam Á đương thời, bao trùm toàn bộ nước Lào hiện đại, vùng cao nguyên Khorat của Thái Lan và một phần Việt Nam. Tuy nhiên thực tế lại khá phức tạp. Cuộc chiến của Fa Ngum chỉ dừng lại ở mức buộc các thủ lĩnh địa phương thần phục chứ không xóa bỏ quyền tự trị của họ, nên Lan Xang về cơ bản là một khối liên minh giữa các mường Lào, mà trong đó Muang Swa/Xieng Thong bấy giờ đóng vai trò lãnh đạo. Các chúa mường được toàn quyền xử lí vấn đề trong lãnh địa của mình và truyền lại ngôi vị cho hậu duệ, chỉ giữ quan hệ cống nạp với nhà vua Lan Xang và đóng góp binh lực khi có chiến tranh. Thể thức phân quyền này (được một số nhà sử học gọi là mô hình “mandala”) tồn tại phổ biến ở Đông Nam Á thời bấy giờ [10], và có thể so sánh với chế độ fiefdom ở châu Âu thời Trung Cổ hay các daimyo ở Nhật Bản. Trong trường hợp của Lan Xang, sợi dây liên kết giữa trung ương và địa phương đã được duy trì ổn định dưới ba đời vua đầu, nhưng khi triều đình Xieng Thong lâm vào nội loạn trong thập niên 1430, giữa lúc một thế lực cũ quay trở lại bàn cờ chính trị Đông Dương, ảnh hưởng của nhà nước này lên các mường Lào cũng bị đe dọa.
Ngay sau khi giành lại độc lập từ tay nhà Minh, chính quyền Đại Việt đã chú tâm đến việc khôi phục ảnh hưởng lên các tù trưởng vùng biên, mà trong đó địa bàn của người Lào-Thái ở miền tây cũng là đối tượng bị nhắm đến. Năm 1432, vua Lê Thái Tổ đích thân cầm quân tấn công Mường Lay (còn gọi là Mường Lễ hay châu Ninh Viễn, nằm trên địa bàn Điện Biên và Lai Châu ngày nay), với kết quả là cái chết của tù trưởng Đèo Cát Hãn và xứ này bị đặt dưới sự bảo hộ của triều đình Đông Kinh dưới tên gọi mới là “châu Phục Lễ”. Nhà Lê tiếp tục can thiệp vào tình hình chính trị Mường Lay năm 1448, qua việc dùng vũ lực lật đổ con trai Đèo Cát Hãn là Mạnh Vượng và thay thế ông này bằng tù trưởng mới thân Đại Việt. Tại miền tây Thanh Hóa, xứ Nam Mã (nằm ở thượng lưu sông Mã, trên địa bàn tỉnh Houaphan của Lào) cũng quay sang quy phục Đại Việt, và nhà Lê đã cử võ tướng trực tiếp đến quản lí quân sự vùng này vào năm 1435. Cũng trong năm này, triều đình Đông Kinh phát động tấn công châu Ngọc Ma (nay thuộc Bolikhamsai, Lào) vì cớ bất tuân phục, bắt sống tù trưởng Cầm Quý. Lê Thái Tông lại noi theo gương cha mình khi thân chinh vùng Thuận Mỗi (tức Mường Muổi hay Ngưu Hống xưa) vào năm 1441. Tuy nhiên vùng đất này vẫn chưa thần phục Đại Việt hoàn toàn, và đến năm 1467 lại liên kết với người Lào để xâm lấn lưu vực sông Mã, buộc nhà Lê điều binh đánh dẹp [11].
Ảnh: Lược đồ một số chiến dịch quân sự của Đại Việt ở biên giới phía tây vào đầu thời Lê.
Cũng trong giai đoạn này, sử sách Đại Việt ghi lại một sự kiện khá đáng chú ý vào năm 1434. Một thủ lĩnh người Lào là Côn Cô vì đối mặt với nổi loạn trong nước nên đã sai sứ đến cầu viện Đại Việt, xin phát binh giúp đỡ mình. Vì sự kiện này trùng hợp với giai đoạn biến động của Lan Xang (như đã nói ở trên), có khả năng “Côn Cô” là một trong các vua Lan Xang đương thời. Tuy nhiên cũng có thể ông này chỉ là một tù trưởng địa phương, không can dự đến cuộc tranh ngôi ở triều đình Xieng Thong. Trước khi viện binh Đại Việt đến nơi, Côn Cô đã bị sát hại, và người kế vị là Dụ Quần lại khiển sứ cầu hòa với nhà Lê [12].
Bằng vũ lực quân sự cũng như biện pháp ngoại giao, nhà Hậu Lê đã từng bước xác lập ảnh hưởng cho mình trên các xứ mường Lào-Thái. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu gọi quá trình này bằng những từ như “sáp nhập” hay “mở rộng lãnh thổ”. Cũng giống như Lan Xang, triều đình Đại Việt không thể thiết lập được bộ máy quan lại hoàn chỉnh tại vùng núi non hiểm trở này như đã làm ở miền xuôi, mà phải ủy thác công việc cai trị cho các tù trưởng thế tập bản xứ. Rất nhiều mường Lào đương thời duy trì quan hệ chư hầu kép với Đại Việt và Lan Xang, xưng thần nộp cống cho cả hai bên. Vùng ảnh hưởng của hai nhà nước vì thế cũng chồng lấn lẫn nhau, với những tranh chấp và xung đột cục bộ bất tận giữa các tù trưởng được bên này hay bên kia hậu thuẫn. Một trong những chư hầu kép ấy – Muang Phuan – sẽ trở thành nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xâm lược Lan Xang của Đại Việt năm 1479, cũng là lần chiến tranh lớn nhất giữa hai nước cho đến trước thời hiện đại.
Nói về nguyên nhân gây ra cuộc chiến với Đại Việt những năm 1479-1480, sử sách Lào chép rằng: Bấy giờ vua Lan Xang sở hữu một con voi trắng quý hiếm, mà trong quan niệm của các nhà nước Á Đông đương thời được coi là điềm lành báo hiệu thời thịnh trị. Đại Việt khi hay tin đã sai sứ đến đòi người Lào phải nộp voi cho mình [1] (có nguồn cho là nộp lông đuôi voi [2]). Tuy nhiên, tất cả những gì nhà Lê nhận lại là một chiếc hộp chứa đầy phân voi, một trò lừa được sắp đặt bởi phía Lan Xang, hoặc theo nguồn khác là bởi kẻ trung gian là tù trưởng xứ Muang Phuan [3]. Trước sự sỉ nhục ấy, Đại Việt đã quyết định phát binh đánh Lan Xang nhằm trả đũa. Vì sử sách Việt Nam hoàn toàn không đề cập gì về câu chuyện nói trên, độ xác tín của nó đến đâu còn là điều cần phải bàn cãi. Tuy nhiên, có bằng chứng chỉ ra rằng cuộc Tây chinh của Lê Thánh Tông là kết quả của một kế hoạch đã được ấp ủ từ lâu, chứ không phải phát sinh từ một cơn giận nhất thời.
***
Kỳ 2: Muang Phuan trong mối quan hệ với Đại Việt
Muang Phuan là một trong cácmườnghay tiểu quốc lệ thuộc nhà nước Lan Xang, với trung tâm nằm trên cao nguyên Xiengkhouang thuộc Lào ngày nay. Sử sách nước ta còn gọi xứ này là Mường Bồn (盆忙) hay Bồn Man (盆蠻) [4]. Với vị trí tiếp giáp Nghệ An, Thanh Hóa, vùng đất này đóng vai trò cầu nối quan trọng trong giao thông, thương mại và ngoại giao giữa hai phía Việt – Lào. Ghi nhận sớm nhất về tiếp xúc giữa Muang Phuan và nhà Lê là vào năm 1434, khi tù trưởng xứ này được tin quân Đại Việt tấn công vùng giáp giới mình là Ngọc Ma (nay thuộc tỉnh Bolikhamsai của Lào), nên sai sứ đến dâng lễ vật cầu hòa nhằm tránh vướng vào xung đột. Trong các năm 1448 và 1456, sứ giả Muang Phuan lại vào chầu vua Lê và được đáp lễ trọng hậu. Hành vi này không hiếm gặp ở các xứ mường Lào-Thái đương thời, khi nhiều thủ lĩnh địa phương trên danh nghĩa là chư hầu của quân chủ Lan Xang nhưng vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và cống nạp riêng với các nhà nước khác trong khu vực. Tuy nhiên không phải lúc nào mối quan hệ chư hầu kép ấy cũng được duy trì ổn định, vì tùy vào tình hình chính trị nhất thời, các thủ lĩnh bản xứ có thể ngả hẳn về một phía và cắt quan hệ với phía còn lại, tạo ra ngòi nổ tiềm tàng cho những xung đột quân sự.
Ảnh: Vị trí của Muang Phuan trong lãnh thổ Lan Xang đương thời (biên giới chỉ có tính tương đối)
Nếu chính sử nhà Lê ghi chép đúng, thì kế hoạch chinh phạt Muang Phuan đã được Lê Thánh Tông tính đến từ tận năm 1469, tức là mười năm trước khi phát động thực sự.Đại Việt sử ký toàn thưở phần về năm này có một câu rất đáng chú ý rằng: “Tháng ba, vua đến Bình Than,** **đi đánh Bồn Man” [5]. Câu này vừa đọc qua đã thấy được nhiều điểm bất hợp lí: Nếu Lê Thánh Tông cầm quân đi đánh một xứ ở biên giới phía tây như vậy, tại sao lại đến Bình Than, một địa điểm nằm ở miền đông đồng bằng sông Hồng? Tại sao sau câu văn này,Toàn thưhoàn toàn không ghi chép thêm gì khác về diễn biến chiến dịch “đánh Bồn Man” ấy? Và đến cuối năm sau (1470), Lê Thánh Tông lại tiến hành thân chinh Champa, thì liệu chỉ trong một thời gian ngắn như vậy triều đình nhà Lê có đủ khả năng thực hiện liên tiếp hai cuộc viễn chinh lớn hay không? Từ những điểm này, người viết cho rằng không có xung đột quân sự nào diễn ra giữa Đại Việt và Muang Phuan trong năm 1469 cả. Ghi chép củaToàn thưtại đây nên được hiểu là “Lê Thánh Tôngcó ý đánh Bồn Man”, và việc ông đến Bình Than nhiều khả năng là tổ chức diễn tập quân sự nhằm kiểm tra khả năng tác chiến của tướng sĩ (trường hợp tương tự từng diễn ra vào năm 1467 với các cuộc tập trận ở hạ lưu sông Hồng). Tuy nhiên kế hoạch Tây chinh này rốt cuộc đã bị tạm hoãn nhằm chuyển hướng sang mục tiêu lớn hơn là vương quốc Champa. Cũng trong năm 1471, khi Lê Thánh Tông còn đang ở mặt trận phía nam, tù trưởng Muang Phuan là Cầm Công đã sai sứ đến Đông Kinh nộp cống. Hành động này có thể được hiểu là biện pháp hòa hoãn của Cầm Công, sau khi được tin Đại Việt xuất binh tấn công một nước láng giềng cũng như đang nhòm ngó đến lãnh thổ của ông ta. Nhà Lê lúc bấy giờ vì đang bận rộn với tình hình Champa nên đã chấp nhận sự cầu hòa này, và dự định đánh Muang Phuan một lần nữa bị gác lại.
Tuy người Lào tránh được nguy cơ chiến tranh vào năm 1471, nhưng ta phải tự hỏi, lí do nào đã khiến Đại Việt nảy sinh thái độ thù địch với Muang Phuan như vậy? Về mặt kinh tế, cao nguyên Xiengkhouang không sở hữu nhiều tài nguyên giá trị đương thời như đất canh tác hay mỏ kim loại, thế nên mục tiêu mà nhà Lê theo đuổi ở vùng đất này ắt hẳn không phải lợi ích vật chất. Thành quả chủ yếu mà Đại Việt có thể đạt được từ việc xâm chiếm hay sáp nhập xứ này, là ảnh hưởng về chính trị. Để hiểu bản chất cuộc chiến tranh 1479-1480, phải xét đến nguyên nhân sâu xa là luồng tư tưởng chủ đạo đã dẫn dắt các chính thể Việt Nam suốt từ thế kỉ X, trong đó coi nước Việt là một thế lực hùng cường xưng bá tại phương nam tương tự Trung Hoa tại phương bắc, sở hữu ngôi vị hoàng đế và hệ thống chư hầu của riêng mình; đồng thời, những dân tộc “man di” láng giềng, mà trong quan niệm của tầng lớp trí thức Nho học bị coi là thấp kém hơn về mặt văn hóa, tất yếu phải chấp nhận thần phục trước Đại Việt. Các triều đại đi trước từ Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ cho đến đầu nhà Lê đã dần dần xác lập và mở rộng ảnh hưởng lên vùng ngoại vi xung quanh lãnh thổ cốt lõi của mình, đưa các thế lực thổ hào địa phương, tù trưởng biên viễn vào vòng “giáo hóa”. Đến thời Lê Thánh Tông, khi bộ máy hành chính trong nước đã đạt đến mức kiện toàn và quốc lực được tích lũy dồi dào sau nhiều năm hòa bình ổn định, nhà vua và triều đình tất yếu tính đến tham vọng lớn hơn. Muang Phuan sẽ là bước đầu trong công cuộc bành trướng ảnh hưởng của nhà Lê đến phía bên kia dãy Trường Sơn, đưa vị thế Đại Việt lên tầm một cường quốc khu vực. Chiến tranh với Champa đã khiến dự định này bị trì hoãn, nhưng cũng nhờ cuộc chiến ấy mà nhà Lê có thêm kinh nghiệm và sự tự tin về năng lực quân sự của bản thân. Đồng thời, thái độ bất lực của nhà Minh trong việc hỗ trợ Champa cho thấy Trung Hoa không còn khả năng can thiệp trực tiếp vào tình hình chính trị Đông Nam Á đương thời, mở ra cơ hội tiềm tàng cho Đại Việt hiện thực hóa giấc mơ bá quyền. Thập niên 1470 sẽ là giai đoạn để nhà Lê khôi phục và tích lũy nhân vật lực, để rồi một lần nữa tái khởi động kế hoạch Tây chinh năm xưa.
Ngày 26/6/1479, Lê Thánh Tông chính thức xuống chiếu phát động chinh phạt Muang Phuan. Trong lời chiếu, nhà vua liệt ra nhiều “tội trạng” của tù trưởng xứ này là Cầm Công như chứa chấp thành phần chống đối nhà Lê, chậm gửi con tin vào chầu, quấy nhiễu biên giới, bắt giết các tù trưởng thân Đại Việt,… Tuy nhiên đáng chú ý nhất là câu: “Chế hiệp Nguyễn Tử Nghi hơn vài mươi bọn, [Cầm Công] trăm cách chống đối mà không nghe; tông thần Vương Văn Đán hơn hai chục người, bỗng chốc đánh giết mà chẳng nể”, ngụ ý rằng đã có một số quan lại, tướng sĩ Việt bị phía Muang Phuan tấn công và giết hại trong thời gian gần đấy. Tại sao Cầm Công bỗng nhiên có hành động gây hấn như thế? Sử liệu cung cấp cho ta một manh mối quan trọng, là trước đó vào năm 1478, nhà Lê đã đặt ra thể lệ triều hạ mới dành cho các tù trưởng phiên trấn, buộc họ vào chầu hai lần mỗi năm, bỏ một lần sẽ bị tước quan tước, hai lần thì bị bắt giải về kinh xét xử. Lệ này có thể áp dụng lên những tù trưởng miền núi Bắc Bộ có quan hệ gần gũi với triều đình Đông Kinh, nhưng khó lòng có thể chấp nhận được với một thực thể chính trị biệt lập, mang thân phận chư hầu kép với cả Đại Việt lẫn Lan Xang như Muang Phuan. Từ dữ kiện này, người viết cho rằng quy định nhà Lê ban ra đã gây bất mãn với Cầm Công và đẩy ông này ngả về phía Lan Xang. Nhà Lê phản ứng bằng cách sai Vương Văn Đán đi sứ Muang Phuan, với Nguyễn Tử Nghi đem theo binh mã hộ tống, nhằm tra xét và bắt giải Cầm Công nếu cần thiết. Tuy nhiên đoàn khâm sai này đã bị chặn đánh và tiêu diệt. Sự việc này càng nghiêm trọng hơn với cái chết của một “tông thần” - quan viên có họ hàng với nhà vua - như Vương Văn Đán, điều không khác gì một cái tát vào mặt nhà Lê. Trả đũa bằng vũ lực quân sự là giải pháp duy nhất để bảo vệ cho không chỉ thể diện quốc gia mà cả vòng ảnh hưởng mà Đại Việt đã nỗ lực xây dựng tại khu vực. Đặc biệt hơn nữa, vì vốn nung nấu tham vọng bành trướng về phía tây từ lâu, Lê Thánh Tông không cam lòng với một chiến dịch giới hạn nhằm vào riêng Muang Phuan, mà quyết định phát động chiến tranh tổng lực. Ngoài bảnChinh Bồn Man chiếunói trên, nhà vua còn ban bố một chiếu chỉ thứ hai vào ngày 9/8 năm ấy -Chinh Ai Lao chiếu, là lời tuyên chiến trực tiếp gửi đến Lan Xang. Trong đó ông quy kết tất cả trách nhiệm của những xung đột Việt-Lào dưới thời Lê, từ chuyện của Muang Phuan cho đến cả việc người Lào tấn công nghĩa quân Lam Sơn năm xưa lên nước Lan Xang, và lấy danh nghĩa “đánh dẹp theo phép Xuân Thu” [6] để làm cớ động binh. Đây không chỉ còn là một xung đột nhỏ ở vùng biên nữa, mà sẽ trở thành cuộc viễn chinh có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam tính đến thời điểm bấy giờ.
Kỳ 3: Chiến tranh bùng nổ
Ngày 8/9/1479, Lê Thánh Tông chính thức hạ lệnh tấn công Lan Xang. Lực lượng viễn chinh được chia làm năm mũi, tiến đánh đồng loạt dọc theo toàn tuyến biên giới:
- Mũi thứ nhất do Chinh Di tướng quân Trịnh Công Lộ chỉ huy, từ phủ An Tây (Điện Biên ngày nay) tiến vào chiếm thượng lưu sông Nam Ou ở miền bắc Lan Xang;
- Mũi thứ hai do Du Kỵ tướng quân Lê Lộng chỉ huy, xuất phát từ châu Thuận Mỗi (Thuận Châu, Sơn La);
- Mũi thứ ba do Thảo Tặc phó tướng quân Lê Nhân Hiếu chỉ huy, theo đường phủ Thanh Đô (tây Thanh Hóa) đánh vào mặt đông bắc Muang Phuan;
- Mũi thứ tư và cũng là chủ lực do Chinh Tây tướng quân Lê Thọ Vực chỉ huy, đi đường Trà Lân (Tương Dương, Nghệ An) đánh thẳng vào mặt đông Muang Phuan;
- Mũi cuối cùng do Trấn Lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn chỉ huy, từ châu Ngọc Ma (đông Bolikhamsai, Lào) đánh vào đông nam Muang Phuan để chặn đường rút chạy của đối phương.
So với những lần viễn chinh từng diễn ra trước đó trong lịch sử Việt Nam như xung đột với Champa hay chiến dịch đánh Tống của Lý Thường Kiệt, quy mô của cuộc chiến này là chưa từng có. Toàn mặt trận kéo dài gần 400 km, diễn ra trên một địa hình vô cùng hiểm trở và khắc nghiệt, và một trong những thế mạnh của người Việt là thủy quân không thể phát huy tác dụng, Tất cả những khó khăn này đòi hỏi sự liên lạc và phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa các cánh quân, cũng như công tác chuẩn bị rất lớn về hậu cần. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà Lê Thánh Tông đã phải đợi tám năm trời trước khi tái khởi động dự định Tây chinh của mình.
Ước lượng về quân số hai bên trong cuộc chiến này là điều cực kì khó khăn. Do tác động bởi yếu tố tuyên truyền, việc phóng đại lực lượng thực tế để khuếch trương thanh thế bản thân là điều không hiếm gặp thời bấy giờ. Không may cho chúng ta, sử liệu về chiến tranh Đại Việt-Lan Xang cũng chịu chung số phận ấy. Có ba nguồn chính viết về vấn đề này gồm:
-Đại Việt sử ký toàn thưđưa ra con số 180.000 quân cho đợt tấn công thứ nhất của nhà Lê vào tháng 9/1479, và 300.000 cho đợt thứ hai vào đầu năm sau [1];
-Minh thực lụccho rằng Đại Việt có 60.000 quân trong đợt đầu, và 90.000 quân vào đợt hai [2];
- Sử sách Lào chép rằng phía Lan Xang có 200.000 quân [3].
Những con số hàng chục vạn của sử Việt và Lào dù lấy từ nguồn “chính thống”, nhưng cần được xem xét kĩ lưỡng dưới con mắt hoài nghi. Dựa trên danh sách các đơn vị quân sự dưới thời Hồng Đức, ta biết được biên chế trên lí thuyết của Đại Việt ở mức gần 170.000 binh sĩ [4], trong đó không phải tất cả là lính thường trực mà luân phiên chuyển đổi giữa tại ngũ và lao động sản xuất. Thế nên một đội quân viễn chinh tổng cộng 480.000 người (hoặc 300.000, tùy theo cách hiểu) nhưToàn thưchép là điều rất bất khả thi. Lập luận tương tự cũng có thể áp dụng với phía Lào. Mặc dù có lợi thế chiến đấu trên sân nhà nhưng việc huy động 200.000 quân chỉ trong thời gian ngắn của của Lan Xang cũng là điều không tưởng, đặc biệt là khi xét đến tính chất phân quyền cục bộ của nhà nước này. Con số duy nhất đáng tin cậy là về cánh quân phía bắc của Đại Việt. TheoToàn thư, cánh này có nòng cốt là 2.000 binh trích từ Đông quân phủ (một trong năm Đô đốc phủ thời Lê), cùng với một cơ số thổ binh vùng Hưng Hóa. Vì sử liệu cho biết rõ 2.000 người ấy được lấy từ những đơn vị nào [5], ta có thể tạm tin tưởng vào độ chính xác của ghi chép này. Như vậy binh lực cả cánh có lẽ chỉ vào khoảng 5.000-10.000, phù hợp với vai trò một mũi nghi binh. Dựa vào điểm đó, người viết tự ước lượng rằng quân số trên toàn tuyến của Đại Việt chỉ vào khoảng 50.000-70.000, và đợt tăng viện vào đầu năm 1480 sẽ thấp hơn mức đấy. Số liệu của nhà Minh, tuy về bản chất là lời đồn đại mà quan lại vùng Quảng Tây thu thập được, nhưng tình cờ lại nằm trong khoảng tương đối hợp lí. Còn về quân số phía Lào, do giới hạn của tư liệu nên không đủ dữ kiện để suy đoán.
So với quân mới trưng tập của các xứ mường Lào, quân đội Đại Việt có điểm mạnh về tổ chức và kỷ luật, những điều đạt được từ một máy quân sự quy củ dựa trên mô hình vệ-sở và Ngũ quân đô đốc phủ của nhà Minh. Kinh nghiệm chiến đấu từ cuộc Nam chinh 1470-1471 cũng đóng vai trò quan trọng. Trong hàng ngũ tướng lĩnh Đại Việt, người được giao trọng trách chỉ huy cánh quân chủ lực chính là Lê Thọ Vực, một cựu binh của chiến trường Champa. Và đặc biệt hơn cả, là Đại Việt hầu như áp đảo đối phương về công nghệ hỏa khí. Bằng chứng tư liệu cũng như hiện vật cho thấy mật độ phổ cập cao của hỏa khí trong quân đội nhà Lê đương thời [6]. Chúng ắt hẳn đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của Lê Thánh Tông tại thành Chà Bàn năm 1471, và giờ đây một lần nữa có cơ hội phát huy năng lực của mình trên đất Lào. Về phía Lan Xang, tuy kém hơn đối phương ở những mặt trên nhưng bù lại họ có lợi thế là thông thuộc địa hình và sở hữu nguồn hậu cần tại chỗ. Tượng binh Lào cũng là một lực lượng đáng gờm, rất hiệu quả trong việc càn quét và phá vỡ đội hình đối phương.
***
Chiến sự mở màn với các cuộc tấn công bất ngờ dọc theo biên giới của nhà Lê. Ba cánh quân phía nam, đặc biệt là cánh chủ lực dưới quyền Lê Thọ Vực, có nhiệm vụ tấn công mục tiêu chính là Muang Phuan. Sử sách hai bên đều không nói rõ diễn biến ban đầu tại mặt trận này, nhưng có thể suy đoán rằng thủ lĩnh xứ mường này là Cầm Công đã không thể đương đầu nổi sức mạnh của đối phương trên chiến trường mở, nên chọn giải pháp bỏ thành rút vào rừng núi để đánh du kích. Quân Lê vì vậy nhanh chóng giành được quyền kiểm soát phần lớn Muang Phuan. Khi tin cấp báo về cuộc xâm lược của người Việt truyền về triều đình Xieng Thong, vua Lan Xang là Chakkaphat liền ra lệnh tập hợp binh sĩ, sai con trai là Thao Konkeo đem đi tiếp ứng. Hai bên đụng độ nhau tại khu vực Cánh đồng Chum, một thung lũng lớn nằm về phía tây cao nguyên Xiengkhouang, nổi tiếng với di tích từ thời cổ đại là hàng nghìn khối đá được đẽo thành hình chum đựng nước.
Nhận thức được thế mạnh của người Việt, Thao Konkeo không liều lĩnh tấn công trước mà bố trí khinh binh mai phục hòng dẫn dụ kẻ địch vào nơi có địa thế thuận lợi cho mình, để rồi tung ra đòn quyết định. Tuy nhiên kế hoạch này đã không thành công. Quân Đại Việt phá vỡ được bẫy phục kích của đối phương và tiếp tục tiến lên, đánh thẳng vào nơi đóng quân của người Lào. Một trận đánh lớn nổ ra trên Cánh đồng Chum. Lan Xang tung mũi nhọn là lực lượng voi chiến vào cuộc, với hi vọng đập tan quân tiên phong của nhà Lê. Phía Đại Việt đáp trả bằng chính đội ngũ tượng binh của mình, tuy có số lượng ít hơn nhưng đủ sức chặn đứng đợt xung phong của địch, tạo cơ hội cho bộ binh tấn công bằng hỏa thương cũng như vũ khí lạnh. Chung cuộc, quân Lào không chống nổi sức công kích mãnh liệt ấy nên tan vỡ, nhiều tướng lĩnh chủ chốt đều tử trận. Bản thân Thao Konkeo cũng bị thương, định chạy về Xieng Thong nhưng vì thuyền lật nên chết đuối [7]. Được tin về thảm bại này, vua Chakkaphat vội vã bỏ kinh đô, theo sông Mekong chạy về Viang Chan. Quân Đại Việt nhân đó tiến vào chiếm đóng Xieng Thong, cướp bóc của cải trong thành.
Trong lúc đại quân nhà Lê tác chiến tại mặt trận phía nam, cánh phía bắc do Trịnh Công Lộ chỉ huy ngoài nhiệm vụ nghi binh cũng tiến hành bắt liên lạc với xứ Xa Lý (còn gọi là Chiang Hung hay Cảnh Hồng, nay là Tây Song Bản Nạp, Vân Nam, Trung Quốc) [8]. Đây là một trong những tiểu quốc lớn của người Thái ở vùng thượng lưu sông Mekong, được nhà Minh coi là một thổ ty lệ thuộc Vân Nam về danh nghĩa. Quân Đại Việt sau khi chiếm lĩnh lưu vực sông Nam Ou đã áp sát lãnh thổ Xa Lý, sai người đem sắc thư gửi cho xứ này để yêu cầu tham chiến cùng mình [9]. Ta không biết rõ liệu Xa Lý có chấp nhận phát binh tham chiến hay cung ứng nhân vật lực cho nhà Lê hay không, nhưng có thể cho rằng áp lực từ cánh quân của Trịnh Công Lộ ít nhất đã loại bỏ được một đồng minh tiềm năng của Lan Xang, khiến Xa Lý dù không đứng về phía Đại Việt thì cũng không thể hỗ trợ được người Lào.
Cũng trong giai đoạn đầu năm 1480, tình hình Muang Phuan có chuyển biến. Nhân lúc phần lớn quân Đại Việt di chuyển về tây, tù trưởng Muang Phuan là Cầm Công đã phát động một cuộc chiến tranh du kích sau lưng họ, đánh phá tuyến tiếp vận và liên lạc của nhà Lê. Khi Lê Thọ Vực báo tin thắng trận cho Lê Thánh Tông, người đưa thư của ông đã bị quân Muang Phuan chặn đánh dọc đường và để mất thư ấy. Nhằm loại bỏ mối đe dọa này, Lê Thánh Tông quyết định tung nốt quân dự bị vào cuộc. Một trong các đại thần chủ chốt đương thời của nhà Lê là Kỳ quận công Lê Niệm được giao cầm quân sang tăng viện cho chiến trường Muang Phuan và truy quét tàn dư địch. Tường thuật củaToàn thưcho thấy trong đợt tấn công này, phía Đại Việt đã tiến hành tiêu thổ trên diện rộng nhằm triệt hạ tất cả các căn cứ và nguồn lực tại chỗ của đối phương: thủ phủ của Muang Phuan (nay là Muang Khoun, Xiengkhouang) bị thiêu trụi, các thành trì và điểm dân cư khác lần lượt bị công hạ, và các kho tàng lương thực cũng trở thành mồi cho lửa. Sự cướp bóc và phá hủy mà người Việt gây ra dẫn đến một nạn đói lớn trong khu vực, mà hậu quả để lại nhưToàn thưviết, là trong số 90.000 hộ dân bản xứ trước cuộc chiến chỉ có vỏn vẹn 2.000 người sống sót. Quân Muang Phuan bị đẩy đến nước đường cùng, và nỗ lực kháng chiến của họ chính thức chấm dứt với cái chết của Cầm Công (có thể là vì bệnh tật hoặc bị giết).
Với việc quân chủ lực Lào bị đánh bại, Muang Phuan đã bình định và kinh đô của Lan Xang rơi vào tay người Việt, mục tiêu chiến thuật mà nhà Lê đề ra cơ bản đã thành công. Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn chưa dừng lại ở đây. Các nguồn thư tịch Trung Quốc và Thái Lan cho biết đã có một cuộc tấn công của Đại Việt vào vùng Nan thuộc vương quốc Lan Na (nằm trên miền bắc Thái Lan ngày nay) trong khoảng năm 1480. Sự tồn tại của cuộc tấn công nói trên có thể được chứng minh qua một hiện vật tìm thấy tại Lamphun (Chiang Mai, Thái Lan): nòng kim loại của một khẩu hỏa thương khắc dòng chữ Hán “Lôi Uy Tiền sở” (雷威前所) [10]. Đây nhiều khả năng là vũ khí của một đơn vị trong quân đội nhà Lê (Tiền sở thuộc vệ Lôi Uy) bị phía Lan Na thu được, cho thấy quả thực đã có xung đột giữa hai bên trong giai đoạn bấy giờ. Nguyên nhân của cuộc tấn công này là vì Lan Na đã che chở cho một con trai của vua Lan Xang tên là “Phách Nhã Trại” [11]. Các tướng lĩnh nhà Lê, hoặc vì muốn truy quét tàn quân Lan Xang, hoặc là bị thúc đẩy bởi khao khát chinh phạt đến mức tối đa có thể, đã quyết định tiếp tục tiến quân về tây. Tuy nhiên cuộc tấn công của họ vấp phải sự kháng cự quyết liệt. Theo tư liệu phía Thái Lan, vua Lan Na là Tilokaraj đã sai tướng đem 40.000 binh tập kích người Việt tại Nan, gây ra không ít tổn thất cho đối phương [12]. Trước tình hình thương vong vì chiến trận cũng như dịch bệnh, phía Đại Việt phải chấp nhận rút lui. Sử sách nhà Lê tuy không hề ghi nhận gì về trận đánh này, nhưng có chép rằng quân viễn chinh của mình đạt đến điểm xa nhất là “sông Trường Sa” tại biên giới Miến Điện [13], và trở về sau khi nhận được thư thông hiếu của người Miến. Lời tường thuật này có thể bắt nguồn từ việc nhầm lẫn giữa Miến Điện (tức vương quốc Ava đương thời) với Lan Na, cũng có thể là miêu tả về hoạt động của một cánh quân khác và không liên quan đến trận chiến tại xứ Nan; giả thuyết thứ hai này khó khả thi hơn, vì đòi hỏi quân Đại Việt phải đi vòng qua lãnh thổ một số tiểu quốc người Shan nằm giữa Lan Na và Xa Lý.
Mất mát binh lực kết hợp với những khó khăn về hậu cần khi đóng quân trên đất Lào đã khiến sĩ khí quân Lê xuống thấp. Nhân cơ hội này, một con trai của vua Chakkaphat là Chao Thenkham đã đem binh từ Dan Sai (nay thuộc Loei, Thái Lan) đến đánh úp đối phương nhằm giành lại kinh đô Xieng Thong [14]. Ta không rõ liệu cuộc phản công này là nguyên nhân trực tiếp khiến Đại Việt phải rút quân, hay là nó diễn ra khi tướng sĩ nhà Lê đang trên đường trở về nước, nhưng có thể chắc chắn rằng trong năm 1480 lực lượng viễn chinh đã rời khỏi Lan Xang, từ bỏ phần lớn những lãnh thổ mình chiếm được ngoại trừ Muang Phuan. Lê Thọ Vực có mặt tại triều đình Đông Kinh vào tháng 10 năm ấy, nên chắc chắn thời điểm rút quân phải diễn ra trước đó. Một số nguồn viết về cuộc chiến này, bao gồm Wikipedia, dựa theo thời điểm Lan Xang gửi thư báo tin cho nhà Minh mà cho rằng đến tận năm 1484 chiến sự mới chấm dứt là không chính xác.
Sau khoảng một năm giao tranh, chiến tranh Đại Việt-Lan Xang đã đi đến hồi kết.
Cuộc chiến này đã khiến cho Lan Xang bị tàn phá nặng nề. Quan hệ giữa hai nước càng thêm xấu đi, đẩy Lan Xang tới chỗ liên minh chặt chẽ hơn với các quốc gia của người Thái khác.Bồn Manlệ thuộc vàoĐại Việt, và từ đó về sau ít phụ thuộc vàoLan Xanghơn, đặc biệt là những giai đoạn Lan Xang suy yếu.
Trong khi đó, Đại Việt lại chịu thêm sức ép từ phía Đại Minh. Hoàng đế nhà Minh gửi thư trách hoàng đế Đại Việt về việc dấy binh đánh Lan Xang.Đại Việt sử ký toàn thưchép về việc này[4]như sau:
“ | Canh Tý, năm thứ 11[20],... Muà thu, tháng 8,... Ngày 27, nhà Minh có sắc văn đưa sang nói rằng: "Gần đây, được các quan trấn thủ và tổng binh Vân Nam, tâu rằng Quốc Vương An Nam vô cớ điều động binh mã đánh giết ở đất Lão Qua đến nay vẫn chưa lui quân, lại định đánh nước Bát Bách Tức Phụ (Lan Na[1]). Vậy tư cho Vương biết, nếu có phạm lỗi nói trên, nên gấp lui quân; nếu không, Vương phải sang báo ngay để triều đình truy xét kẻ báo cáo bậy trị tội theo pháp luật. | ” |
Để trả lời việc này (đánh Lão Qua), cùng hai việc tranh chấp biên giới phía bắc vớinhà Minhcũng năm đó, vua Lê Thánh Tông saiLương Thế Vinh,Thân Nhân Trungtheo kếLê Thọ Vựcmà soạn 3 bài biểu (công hàm) ngoại giao, rồi saiNguyễn Văn Chất,Doãn Hoành Tuấn,Vũ Duy Giáotrình cho vua nhà Minh, nhân dịp đi sứ tuế cống nhà Minh vào tháng 12 âm năm Canh Tý (1480).