[Chiêm tinh học cơ bản] Phần 1: Tại sao Chiêm Tinh lại đúng?

  1. Tâm linh

  2. Chiêm tinh

Chiêm tinh học không phải là một môn khoa học, mà là một môn huyền học, nghiên cứu tinh tượng trên bầu trời nhằm mục đích áng chiếu tác động của chúng xuống con người trên Địa Cầu. Một câu nói rất nổi tiếng, “As above, So below” (Trên sao, dưới vậy) nhằm khái quát mục đích tối thượng của Chiêm Tinh. Chiêm Tinh học chưa bao giờ tự nhận mình là một môn khoa học, nên việc ai đó mạo xưng hoặc phỉ báng Chiêm tinh phản khoa học (pseudo science) là một điều vô lý. Chiêm tinh là huyền học, tức là môn học vấn nghiên cứu về những điều thần bí mà con người hiện vẫn chưa có lời giải đáp. Tiến bộ hơn các môn huyền học khác, Chiêm tinh học đã phần nào áp dụng phương pháp thống kê để chứng minh sự chính xác trong luận đoán của nó. Rất nhiều chính trị gia, kinh tế gia đều sử dụng chiêm tinh để luận đoán các khả năng trong tương lai. J.P. Morgan, ông trùm phố Wall, từng phát biểu “Triệu phú thì chẳng đoái hoài gì đến Chiêm tinh đâu, nhưng tỷ phú thì lại có đấy”. Nhà phân tâm học nổi tiếng Karl Jung, cũng là một cây đa cây đề trong Chiêm tinh học thuật, đã áp dụng những lý thuyết phân tâm học để luận đoán chiêm tinh, góp phần khai sinh ra chủ lưu phái của Chiêm tinh học hiện đại, đó chính là Chiêm tinh học tâm lý. Thuở gần cuối đời, Karl Jung mới tỏ ra hứng thú với Tarot, tuy nhiên ông đã mất quá sớm để có thể đóng góp thành tựu thực chất cho Tarot như những gì ông đã làm cho Chiêm Tinh. Tuy nhiên, việc áp dụng lý thuyết “Vô thức tập thể” cũng như những “nguyên mẫu” của Karl Jung cũng phần nào lý giải được phương thức hoạt động của Tarot, tôi sẽ biên một bài lý giải cụ thể sau.

LỊCH SỬ CỦA CHIÊM TINH

Chiêm tinh học được cho có nguồn gốc từ nền văn minh Lưỡng Hà, sau đó du nhập theo con đường dẫn lưu văn hóa, để phái sinh thành nhiều nền Chiêm tinh khác nhau, có thể kể đến Chiêm tinh Ai Cập, chiêm tinh Ấn Độ (Vedic), chiêm tinh Hy Lạp, Tinh tượng thuật Trung Hoa cổ. Theo thời gian, nhiều nền Chiêm tinh bị tuyệt diệt, nhiều truyền thừa bị đứt đoạn, tài liệu thì thất lạc. Nhân loại xem Adolf Hitler là nhà độc tài, diệt chủng, nhưng nền Chiêm tinh phương tây hiện đại ngày nay mang ơn của Hitler. Như chúng ta đã biết, Hitler là một người rất duy tâm, từng đến gặp bà tiên tri Vanga để nhờ xem bói. Với mong muốn dùng Chiêm tinh để tiên đoán vận mệnh, Hitler đã chiêu mộ nhà chiêm tinh Thụy Sĩ, Karl Ernst Krafft, đã thành lập một hội đồng nghiên cứu chiêm tinh, truy nguyên các tài liệu bị thất lạc một phần, bổ sung, sửa chữa… Chính công trạng của Krafft đã đặt nền móng cho nền Chiêm tinh hiện đại ngày nay. Nếu phe Nazi có Krafft, thì bên phe đồng minh cũng chiêu mộ một nhà chiêm tinh để “đấu tay đôi” với trận doanh chiêm tinh của Hitler. Sự tình rất là thú vị, tôi sẽ thuật lại câu chuyện này sau.

TỪ THUYẾT ĐỊA TÂM, HỆ QUY CHIẾU TROPICAL, TRỤC NGHIÊNG CỦA TRÁI ĐẤT, ĐIỂM XUÂN PHÂN VÀ HIỆN TƯỢNG TUẾ SAI

THUYẾT ĐỊA TÂM

Trước khi Galileo khám phá ra Trái Đất xoay quanh mặt trời, chúng ta vẫn luôn cho rằng Mặt trời xoay quanh trái đất. Đó chính là khái niệm Địa tâm mà Chiêm tinh học hiện đại vẫn đang sử dụng. Xem trái đất là trung tâm, và mặt trời là quy chiếu xoay xung quanh trái đất, nhằm tính toán các tọa độ các vì sao, từ đó suy ra ảnh hưởng của chúng đối với con người, quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay Chiêm Tinh vẫn lấy thuyết Địa Tâm làm căn bản, trong khi ai ai cũng biết chính Trái Đất mới quay quanh Mặt Trời chứ không phải Mặt Trời quay quanh Trái Đất. Các nhà Thiên Văn học nông nỗi, học hành chưa đến nơi đến chốn thường vịn vào đó để báng bổ Chiêm Tinh là pseudo science. Thực ra, lý do Chiêm Tinh vẫn sử dụng hệ Địa Tâm không phải là Chiêm Tinh không thừa nhận khám phá của Galilleo mà bởi vì Chiêm Tinh áp dụng một hệ quy chiếu hoàn toàn khác - hệ quy chiếu Tropical. Trong đó sử dụng khái niệm về Đường Hoàng Đạo hay Mặt phẳng Hoàng Đạo - đường đi biểu kiến của Mặt Trời xung quanh Trái Đất chứ không phải Chiêm Tinh thực sự chối bỏ sự thực. Điều này sẽ được giải thích ở bên dưới.

Mục đích của Chiêm tinh cuối cùng vẫn là luận đoán về con người thông qua các vì sao, thế nên Chiêm tinh học áp dụng thuyết địa tâm, với Trái Đất (tượng trưng cho bản thân chủ lá số) là trung tâm, và các hành tinh quay quanh Trái Đất, mỗi hành tinh có một tác động riêng biệt đến chủ lá số.

Theo quy chiếu Địa tâm, Mặt trời quay quanh trái đất một lần mỗi năm. Hành trình của mặt trời quanh trái đất là một đường tròn hẹp, gọi là đường hoàng đạo, và nó sẽ lần lượt đi qua 12 cung hoàng đạo. Khi Mặt trời bắt đầu một hành trình mới của nó tại chòm Bạch Dương, thì điểm đó chính là điểm Xuân Phân đối với bán cầu Bắc, và là điểm Thu Phân đối với bán cầu Nam. Ngược lại, khi Mặt Trời đi vào cung Thiên Bình vào tháng 9, bán cầu Bắc sẽ vào Thu Phân, bán cầu Nam sẽ vào Xuân Phân. Vào thời điểm Xuân (Thu) Phân, ngày và đêm có độ dài bằng nhau.

KHI CHIÊM TINH HỌC VÀ THIÊN VĂN HỌC CÒN SONG HÀNHTrước hết, cần nhắc đến khoảng thời gian khi Chiêm tinh học và Thiên văn học còn song hành với nhau. Khi nhắc đến điểm Xuân phân, cả Thiên Văn và Chiêm Tinh đều nhắc đến việc Mặt Trời không những bắt đầu đi vào chòm sao Bạch Dương (0o đến 30o trong bảng đồ sao) mà còn đề cập đến việc Mặt Trời đi vào cả chòm sao Bạch Dương nữa. Tuy vậy, Chiêm tinh học là một môn học khá thực dụng, do đã cơ bản khám phá được các hành tinh trong Thái Dương hệ, đã phần nào đầy đủ để khái quát lên các năng lượng hành tinh chủ yếu tác động đến con người nên Chiêm Tinh học đã không còn song hành với Thiên Văn học nữa. Khi nhà Thiên Văn nói đến một chòm sao, họ chỉ định về các ngôi sao hợp lại thành chòm sao trên bầu trời. Còn khi các nhà Chiêm Tinh đề cập về một chòm sao, thì ý họ đang nói về một cung hoàng đạo trên vòng tròn hoàng đạo, chi phối những đặc tính, biểu tượng và những đặc tính riêng của nó. THIÊN VĂN HỌC VÀ CHIÊM TINH HỌC SỬ DỤNG 2 HỆ QUY CHIẾU KHÁC NHAUTừ thời điểm Thiên Văn học ly khai Chiêm Tinh, cả 2 môn học vấn này đã sử dụng 2 hệ quy chiếu hoàn toàn khác nhau. Chiêm Tinh phương Tây sử dụng hệ quy chiếu Tropical zodiac - tức lấy mốc sự di chuyển tương quan giữa Trái Đất và Mặt Trời làm mốc. Nếu nhìn từ Trái Đất, thì Mặt Trời sẽ di chuyển một lộ trình hình tròn xung quanh Trái Đất (quỹ đạo biểu kiến của Mặt Trời quanh Trái Đất), đó chính là đường Hoàng Đạo hay mặt phẳng Hoàng Đạo (ecliptic). Chia đều đường Hoàng Đạo thành 12 cung, mỗi cung 30 độ. Sự tương quan này không hề thay đổi từ xưa đến giờ. Hàng năm cứ khoảng ngày 21/3 thì chúng ta có thời điểm Xuân Phân (Spring Equinox) khởi đầu ở cung Bạch Dương, 23/9 thì Thu Phân (Autumn Equinox) khởi đầu cung Thiên Bình, 21/6 là Hạ Chí (Summer Solstice) đánh dấu khởi đầu cung Cự Giải và 21/12 là Đông Chí (Winter Solstice) là khởi đầu cung Ma Kết.https://cdn.noron.vn/2021/12/13/17057226233982932-1639328492.png

Chiêm tinh Vedic của Ấn Độ sử dụng hệ quy chiếu Sidereal - lấy mốc để lập bảng đồ sao dựa trên vị trí thực của các chòm sao trên trời. Lấy Trái Đất là tâm, vị trí thực của các chòm sao trên Trời luôn có sự thay đổi chậm rãi do ảnh hưởng của hiện tượng Tuế Sai (precession - được đề cập phần bên dưới). Tưởng tượng Trái Đất là một con quay khổng lồ với trục là đường nghiêng nối từ Nam Cực đến Bắc Cực. Do hiện tượng Tuế Sai, theo thời gian xoay tròn, thì trục của Trái Đất ngày càng thay đổi dẫn đến biến động vị trí của các chòm sao khi nhìn từ Trái Đất. Dĩ nhiên sự thay đổi này rất là lâu, khoảng 2150 năm. Hiện tại, chênh lệch vị trí giữa hành tinh tính theo hệ tropical và cũng hành tinh đó nhưng tính theo hệ sidereal là -25 độ. Ngoài ra, còn có một hệ quy chiếu, chính là hệ quy chiếu mà Thiên Văn học đang sử dụng, chính là hệ astronomical zodiac.

https://cdn.noron.vn/2021/12/13/65582762516701693-1639328584.png

Thiên Văn học càng ngày càng phát hiện ra các hành tinh, thiên thể, hệ ngân hà mới, nhưng Chiêm Tinh chỉ sử dụng 10 hành tinh cơ bản trong Thái Dương hệ. Tuy nhiên, vẫn có những lưu phái Chiêm tinh học lần mò đến các thiên thể nhỏ hơn trên bầu trời, chẳng hạn như Chiron, Eris, Ceres, Palas, Juno, Vesta… để kết hợp luận đoán, nhưng theo tôi, thì trường phái đó đang bỏ gốc lấy ngọn. Những thiên thể đó đa phần cách xa Trái Đất, kích thước khá nhỏ, không đủ để tác động đến con người một cách phổ quát như các hành tinh lớn được. Ngoài lưu phái sử dụng phối hợp các thiên thể, hay dân trong ngành còn gọi là “đập đá”, chúng ta còn có những lưu phái sử dụng lý thuyết La Hầu, Kế Đô, được du nhập từ Chiêm Tinh Vedic của Ấn Độ, hoặc lưu phái sử dụng các Arabic Parts (điểm toán học Ả Rập), hoặc trùng hợp hay vô tình, mà trường phái Chiêm Tinh thần học (Horary Astrology) lại có phương pháp “Cung vị điệp dụng” khá giống như trong Tử Vi của Trung Hoa. Bấy nhiêu cũng đủ đầy để thấy được tính thực dụng của Chiêm Tinh học, bạ gì hữu dụng cũng đều thu nạp lấy.

Theo thường thức đã biết, Trái Đất thực tế không dựng thẳng mà xoay theo một trục nghiêng (đường nối thẳng từ Nam Cực đến Bắc Cực). Vào thế kỷ II TCN, nhà thiên văn người Hy Lạp Hipparchus đã phát hiện ra hiện tượng tuế sai (precession of the equinoxes). Cụ thể, Hipparchus phát hiện rằng, trục nghiêng của Trái Đất đang dần dần lệch khỏi vị trí ban đầu một cách rất chậm rãi. Quý vị có thể mường tượng giống như việc con lắc bông dụ tuy đang quay nhưng trọng tâm của nó cũng thay đổi dần khi quay. Do đó, dần dần thì điểm Xuân phân (điểm mà quỹ đạo của Mặt Trời aka. đường Hoàng Đạo cắt ngang Xích đạo) sẽ dần diễn ra ở một chòm sao khác. Đó chính là tuế sai, các nhà thiên văn đã tính được rằng sau khoảng 2.150 năm thì điểm Xuân Phân sẽ dần chuyển cung, theo thứ tự ngược chiều Hoàng Đạo. Khái niệm thay đổi kỷ nguyên phát sinh dựa theo Thiên Văn học chứ không phải Chiêm tinh học. Khi mà điểm Xuân Phân bắt đầu tại một cung Hoàng Đạo mới, Trái Đất đã bước vào tân kỷ nguyên, suốt 2.150 năm tiếp theo, Trái Đất sẽ phát triển dựa theo tính chất năng lượng mà cung Hoàng Đạo đó đem lại.

(còn tiếp - xin vui lòng đón đọc phần 2)

Từ khóa: 

chiêm tinh

,

tâm linh

,

chiêm tinh

Thú vị quá, đón đọc bài viết phân tích những khám phá của Carl Jung với Tarot từ em :)

Trả lời

Thú vị quá, đón đọc bài viết phân tích những khám phá của Carl Jung với Tarot từ em :)