[Chia sẻ] Hạnh phúc đến từ sự trân trọng
Con người luôn khao khát và hướng đến hạnh phúc. Bởi hạnh phúc là sự bình an, tươi trẻ bên trong tâm hồn- khác với những niềm vui nhất thời phụ thuộc ngoại cảnh. Có lẽ, chúng ta không cần quá cầu kì trong quá trình kiếm tìm hạnh phúc. Bởi hạnh phúc chỉ đơn giản đến từ sự trân trọng những gì ta đang có.
Người bạn đời
Khi cùng chung sống, ai cũng có niểm tin hoặc chí ít là mong muốn về một tổ ấm viên mãn bên người bạn đời. Đó là nguồn động lực để vợ, chồng cùng cố gắng vun vén cho đời sống gia đình được ngày càng tốt lên.
Những mơ ước về một căn nhà đầy đủ tiện nghi, “có nếp, có tẻ” sắm sửa phương tiện đi lại cho khỏi mưa nắng và những chuyến du lịch cứ lần lượt trở thành sự thật. Ở thời điểm ấy, đáng nhẽ đời sống sẽ rất hạnh phúc. Song nhu cầu của con người luôn mang tính phồn sinh nên lại thêm khao khát mới xuất hiện. Hạnh phúc cứ tạm đợi nhé! Thêm cái này, nốt cái kia thì chúng ta mới thật sự hạnh phúc.
Bữa cơm đầm ấm cứ thưa thớt dần, thay vào đó là những buổi đi tiếp khách của chồng và những ngày đi tìm địa điểm, nguồn hàng kinh doanh của vợ. Tất bật xuôi ngược cả ngày dài, khi họ quay về bên nhau thì lại thấy hình ảnh của nhau như càng thêm xa lạ. Tại sao người chồng của mình không tinh ý, hỏi han xem ngày hôm nay của mình thế nào? Tại sao người vợ không tâm lý bớt chút thời gian pha cho mình ly nước chanh?
Những ấm ức dần dà chuyển thành nói xa, nói gần. Nói gần nói xa cuối cùng lại thành ra nói thật với nhau một cách phũ phàng đến độ lời qua tiếng lại.
Trong mâu thuẫn, sự so sánh lại bắt đầu hiện lên. Ai cũng nhìn vào mặt tiêu cực của người trong cuộc và lấy mặt tích cực của một người ngoài cuộc xa lạ để phân bua, nào là: anh A vừa kiếm tiền giỏi vừa khéo chiều vợ con, nào là cô B xinh đẹp, khéo léo. Thâm chí, cơn giận còn xui khiến óc tưởng tượng hư cấu đến mức: anh C kiếm được bao nhiêu tiền là về đưa cho vợ hết, bản thân không giữ một đồng hay cô D dù bận cả ngày những vẫn một mình đảm đương việc nhà, thâm chí còn giục chồng đi nhậu với bạn bè cho khuây khỏa v.v…
Sự thiếu trân trọng lẫn nhau khiến tình nghĩa cứ thế phai nhạt theo năm tháng.
Cha mẹ và con cái
Trong thời hiện đại, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đôi khi cũng thiếu vắng sự trân trọng, đồng lòng. Thậm chí, còn xa cách đến mức độ không những không hiểu mà cũng không có nhu cầu tìm hiểu lẫn nhau.
Cha mẹ mong con cái sinh ra khỏe mạnh, được khỏe mạnh thì mong con thông minh. Con thông minh thì phải cố cho học thật nhiều để cái thông minh ấy khỏi lãng phí, để người khác biết đến và để… cha mẹ mát mặt cho bỏ công sinh thành, nuôi dạy. Dạo qua những trang mạng xã hội của các bạn trẻ, chúng ta dễ dàng đọc được những câu chuyện mở đầu với cụm từ “Con nhà người ta” ghép với vế sau toàn những: “học giỏi xuất sắc”, “Ielts chín chấm”, “đi du học Châu Âu”, “làm trưởng phòng lương tháng ngút ngàn”, “lấy chồng/vợ nhà mặt phố, bố nhờ cậy được” v.v… Nồng nặc những so sánh, hơn thua mà chẳng có mấy chút yêu thương, trân trọng.
Ngược lại, cũng có những “cậu ấm, cô chiêu” cho rằng bạn bè mình thế kia thì cha mẹ cũng phải có trách nhiệm chu cấp cho mình được thế này, cho “bằng bạn, bằng bè”. Chẳng buồn bận tâm đến gia cảnh hay việc mình chưa tự làm ra tiền, các em vô tư đòi sắm những chiếc điện thoại đời mới nhất, những chiếc xe êm ái nhất và những bộ quần áo thời thượng nhất. Có lẽ, quán ăn ngon nào các em cũng biết, quán cà phê “view đẹp” nào cũng từng “Check-in” song hiếm khi các em quan tâm đến cha mẹ đôi khi chỉ dám gọi xuất cơm bình dân giá vài chục nghìn trong những quán ăn chật hẹp, với mong muốn tích góp cho con “bằng bạn, bằng bè”.
Sự thiếu trân trọng lẫn nhau khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ thế gia tăng theo năm tháng.
Trân trọng là hạnh phúc
Khi mọi điều tốt đẹp đến quá nhanh, người ta quên đi mất bài học về sự trân trọng. Những điều bình dị, tưởng chừng giản đơn như sống dưới một mái nhà đủ cha, đủ mẹ hay có người bạn đời hiền lành, chăm chỉ với những đứa con lành lặn, ngoan hiền đôi khi lại là mơ ước xa vời của rất nhiều người.
Trong lúc tư tưởng thực dụng, lối sống quay cuồng bởi cảm giác thiếu thốn khích lệ người ta tiến về phía trước thì cũng tức là nó đang đồng hóa hạnh phúc với ham muốn. Về bản chất, hai điều này hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc là biết trân trọng sự đủ, còn ham muốn thì không bao giờ là đủ.
Sự dư thừa về vật chật không thể sánh được với niềm hạnh phúc khi có bậc cha mẹ luôn yêu thương, biết dạy dỗ ta nên người, có chồng/vợ chung thủy dù ở mọi hoàn cảnh thăng trầm hay những đứa con hiếu thảo, lương thiện.
Ngay lúc này, thay vì để cho tâm trí lang thang, so sánh với những ảo ảnh, chúng ta hãy nhìn vào thực tại để thêm gắn bó, yêu thương những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình.
“Hãy nhớ rằng, đôi khi không đạt được điều mình muốn cũng là một sự may mắn tuyệt vời”.
Trích lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ mười bốn- Ngài từng nhận giải Nobel vì hòa bình vào năm 1989.
chia sẻ
,hạnh phúc
,phát triển bản thân
,nguyễn phú hoàng nam
,phong cách sống
Mình cũng luôn nghĩ hạnh phúc luôn tồn tại quanh ta, quan trọng là bản thân mỗi người có biết cảm nhận hay không mà thôi.
Nguyễn Giang Ngân
Mình cũng luôn nghĩ hạnh phúc luôn tồn tại quanh ta, quan trọng là bản thân mỗi người có biết cảm nhận hay không mà thôi.
Phạm An Nhiên
Mình rất thích đọc những bài chia sẻ thế này của bạn. Cảm giác rất nhẹ nhàng, ý nghĩa!
Vũ Thảo Linh
Mình cũng luôn trân trọng hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt xung quanh mình 💕