[Chia sẻ] Chuyện người lớn tuổi, trẻ em và Internet
Ngày nay, bất kể ai trong độ tuổi lao động, dù ở các ngành nghề với đặc thù khác nhau cũng phần nào tham dự và thụ hưởng ích lợi từ Internet. Họ có lý do chính đáng, cần thiết để sử dụng Internet như công cụ lao động. Tuy nhiên, người dùng cần có ý thức tự chủ của riêng mình để tránh lạm dụng Internet.
Tôi kính trọng người lớn tuổi bởi sự thông thái của họ và tôi trân trọng trẻ em, bởi sự thông minh của các em. Những phẩm chất ấy là tài sản rất đáng quý với cộng đồng. Nhưng tôi cảm nhận vốn liếng ấy đang bị đe dọa bởi thói quen lạm dụng Internet. Đây là nhận thức chủ quan theo trực giác, từ những điều tôi quan sát, trải nghiệm của tôi trong thực tại mà chưa kèm theo nghiên cứu xã hội học minh chứng hay số liệu thống kê cụ thể. Chia sẻ ban đầu này nhằm giúp những bạn đọc thích chi tiết, dữ liệu chính xác đỡ mất thời gian đọc nếu e ngại bài viết là tập hợp của các suy đoán thiên về cảm tính.
Bài viết của tôi nhằm bày tỏ mối băn khoăn trước sự tổn thất về phẩm chất và tri thức của cộng đồng, không phải để phê phán người lớn tuổi hay trẻ em. Người lớn tuổi và trẻ em là đối tượng nhạy cảm, dễ tổn thương nhưng lại nắm giữ cùng lúc cả quá khứ và tương lai của xã hội. Họ cần được bảo vệ. Tôi lo ngại khi chúng ta nhận thức được rõ ràng một vấn đề, thì các động tác muộn màng (thường kèm theo sự rườm rà) chỉ là phân tích, rút kinh nghiệm và khắc phục hậu quả- nếu có thể.
Người lớn tuổi và Internet
Người lớn tuổi nhập cuộc chậm hơn nhưng hăng say không kém gì những người trẻ tuổi trong thế giới Internet. Bởi họ có nhiều thời gian trống hơn, khát khao khám phá thứ gì đó mới để khiến bản thân trẻ trung hơn và có nhu cầu kết nối dồi dào hơn.
Quan sát những người lớn tuổi biết đến công nghệ, tôi hiếm khi thấy ai có thể tự chủ trước công nghệ nếu như không gặp phải các vấn đề về sức khỏe buộc họ phải dừng lại. Với chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng thường trực trên tay, họ có thể dùng nó triền miên hằng giờ đồng hồ mà không cần lo ai nhắc nhở- trong gia đình truyền thống, hiếm ai dám nhắc nhở các bậc cao niên về nền nếp sinh hoạt, vì sẽ bị quở mắng là “trứng khôn hơn vịt”.
Mục đích sử dụng các thiết bị công nghệ của người lớn tuổi cũng rất thú vị: họ xem các bản tin, sử dụng mạng xã hội, chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh, xem phim, đầu tư, chữa bệnh v.v. Nhưng hầu hết, thông qua quan sát thao tác của họ, tôi nhận thấy họ ít khi có sự sàng lọc và hầu như tin mọi điều họ xem, nghe thấy trên mạng. Có thể người lớn tuổi giàu vốn sống trong đời thực, nhưng trên thế giới Internet, họ là những người dùng trong sáng nên thiếu kỹ năng trầm trọng.
Do đó, họ có thể xem những bản tin thiếu chính xác. Đặc biệt là càng lớn tuổi người ta lại càng ham mê xem chính trị, những tin tức tiêu cực về chính trị trong nước và thế giới để…phê phán. Khi sử dụng mạng xã hội, họ cũng có xu hướng khoe khoang, so sánh nhiều hơn- điều này cuối cùng chỉ biến họ thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo, biết cách lấy lòng để tư lợi. Việc chụp ảnh và chỉnh sửa ảnh có thể ngốn của họ hàng giờ đồng hồ, họ không sai. Nhưng tôi nghĩ những năm tháng cuối đời dành cho hình ảnh không hẳn là đặc tính khôn ngoan thường thấy ở lứa tuổi này.
Hoạt động xem phim cũng có điều đáng để suy ngẫm, khi người lớn tuổi bị cuốn vào các bộ phim dài lê thê với những tình huống kịch tính, thiếu nhân văn nhưng thừa sự xấu xa, bon chen về cuộc đời. Sẽ có những người lớn tuổi có nhu cầu sinh lý, ham muốn cao còn chủ động tìm kiếm và xem các bộ phim khiêu dâm. Điều này về lâu dài, lặp lại thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi của họ.
Việc tin theo các lang băm trên mạng để rồi tiền mất tật mạng cũng đã có, hoặc vì ham kiếm thêm tiền, đem tiền tiết kiệm ra chơi chứng khoán và tiền ảo cũng không phải chưa từng có. Nhưng đến lúc này, vì thể diện người lớn tuổi đành ngậm ngùi nuốt cay đắng vào trong và trở nên gắt gỏng để che giấu nỗi bất an, tiếc của trong lòng.
Người lớn tuổi là vốn quý của cộng đồng. Bởi họ chứa đựng rất nhiều kinh nghiệm sống, vốn hiểu biết phong phú và sự thông tuệ năm tháng đã bồi đắp cho họ. Nhưng nếu không thể mang tinh hoa ấy tiếp nối đến thế hệ sau, mà chìm vào việc lạm dụng Internet thì tổn thất gây ra sẽ rất lớn.
Với cá nhân họ, tổn thất sẽ thể hiện rõ ở sức khỏe thể chất, tinh thần khi ngồi, nằm hàng giờ ôm điện thoại, máy tính. Với cộng đồng, thì thế hệ tiếp nối sẽ không có cơ hội được lắng nghe người lớn tuổi chia sẻ, trao vốn sống. Nếu không có người lớn tuổi hỗ trợ định hướng với phẩm chất mẫu mực, sự thông thái để làm gương sáng chỉ đường, người trẻ sẽ dễ dàng mất phương hướng, mắc phải những sai lầm đáng tiếc trong đời.
Một số bài viết về chủ đề này:
https://vtv.vn/xa-hoi/nguoi-cao-tuoi-thich-dung-mang-xa-hoi-nhieu-nguy-co-rinh-rap-20230920124729702.htm
https://vnexpress.net/khi-nguoi-gia-me-internet-4364274.html
https://www.qdnd.vn/y-te/tin-tuc/nghien-internet-lam-giam-kha-nang-giao-tiep-xa-hoi-735880
https://nguyenphuhoangnam.com/chia-se-nguoi-lon-tuoi-theo-duoi-thoi-dai-so/
Trẻ em và Internet
Trẻ em ngày nay lớn lên với Internet. Nhận thức của trẻ đến từ Internet do đó, không thể trách các em khi các em các thấy khó khăn khi đối diện với các vấn đề của đời thực.
Ngay từ thuở bế ẵm, tôi đã thấy các em được ru ngủ và và vỗ về bởi các thiết bị công nghệ. Các em được Internet lập trình ngay từ bé dại. Lớn hơn một chút, ngoài các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ, vệ sinh các em cảm thấy cần Internet.
Hành vi đòi hỏi được sử dụng Internet của một đứa trẻ có gì khác thường so với đòi hỏi những thứ khác? Nếu suy ngẫm kỹ về hành động này, tôi tin cha mẹ sẽ không còn dám bất cẩn trao điện thoại hay máy tính cho con em để đổi lấy những phút yên bình với giá cực kỳ đắt đỏ. Vì nếu tiếp cận sớm với Internet, trẻ sẽ coi Internet là một phần có thực trong cuộc sống. Não bộ còn non nớt sẽ liên tục bị kích thích bởi âm thanh và hình ảnh từ thác thông tin mà Internet mang lại sẽ khiến các em không bao giờ còn lấy lại được năng lực nhận thức chân thực về thế giới nữa.
Cuốn sách “Trí tuệ giả tạo – Internet đã làm gì chúng ta” (The Shallows) của tác giả Nicholas Carr đã phân tích sự tác động của công cụ đến cách con người tư duy. Bước vào Internet là bước vào thế giới của sự phân tâm và đa nhiệm. Làm sao có thể chỉ trích trẻ em thiếu tập trung, thiếu mục tiêu và ý chí khi bộ não của các em đã được Internet cải tạo để luôn làm nhiều việc và ở cùng lúc nhiều nơi?
Tôi cảm thấy rất thương các bạn học sinh của mình trong lúc dạy học. Bởi các bạn phải vật vã đấu tranh giữa việc tập trung và nắm vào chiếc điện thoại. Những lúc giải lao, thấy các bạn vồ vập lấy điện thoại, ngốn ngấu nhắn tin và đọc tin nhắn rồi tủm tỉm cười một mình với đôi mắt vô hồn, tôi lại càng thương các bạn hơn.
Các em có rất nhiều điều cần làm, cần nói trên Internet: như giải trí, tương tác trên mạng xã hội với bạn bè và người thương, họp nhóm, thảo luận bài tập về nhà, mua sắm v.v. nhưng khác với người lớn tuổi, các em rất sành sỏi và thông thạo thế giới này. Nhưng các em thường hay quên một điều, Internet cũng thông thạo về các em, về sở thích, thói quen và mối liên hệ của các em. Những thông tin ấy sẽ được bóc trần và rao bán hoặc được dùng để điều hướng tư duy, tình cảm của các em.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Trẻ em hôm nay thuộc về Internet thì thế giới ngày mai cũng sẽ thuộc về Internet. Sẽ càng ngày càng hiếm những đứa trẻ hồn nhiên, sống đúng lứa tuổi. Thay vào đó, trẻ sẽ đánh mất tuổi thơ của mình trên Internet, cuộc đời các em cũng sẽ bị cuốn theo vòng xoáy dó thác thông tin Internet mang lại. Để rồi bản thân các em khó nhận ra mình là ai, đang kiếm tìm điều gì trong đời. Có lẽ, các em sẽ mở Google lên để thay thế rồi thẫn thờ đợi câu trả lời.
Một số bài viết về chủ đề này:
https://vtv.vn/xa-hoi/tre-em-nghien-mang-xa-hoi-nhung-he-luy-khon-luong-20220916110208987.htm
https://tuoitre.vn/tre-em-viet-dung-internet-qua-muc-cha-me-phai-lam-sao-20230612230157302.htm
https://dangcongsan.vn/y-te/nghien-game-internet-co-the-gay-roi-loan-tam-than-642723.html
https://nguyenphuhoangnam.com/chia-se-mot-tam-hon-giua-hai-the-gioi/
Thay cho lời kết
Tôi không cảm thấy vui khi viết bài này. Nhưng nhận thấy đây là việc cần thiết, dù rằng hành động còn rất bé nhỏ, bài viết còn chưa chỉn chu thì tôi cũng mong mình đã không hờ hững trong việc nâng cao nhận thức để bảo vệ nhóm đối tượng dễ tổn thương là người lớn tuổi và trẻ em.
Cám dỗ và lợi ích của Internet không nhỏ. Nhưng nếu muốn phát triển bền vững, tôi nghĩ chúng ta cần nhìn nhận và đưa Internet về đúng vị trí công cụ của nó.
Thông tin tham khảo cuối:
https://marketingtrips.com/news/leader/bill-gates-internet-chi-giup-mot-luong-lon-nhung-nguoi-dien-tim-thay-nhau/?fbclid=IwAR2axQy4rA_w5oZci1GljUXVnL6bnZ3SlVsM5denPKKHKwStwgPDNshSbT8
(Bài viết Tiếng Anh: