[Chia sẻ] Chuyện hồ Tây
Hồ Tây có rất nhiều câu chuyện. Kể cả chuyện của riêng hồ Tây lẫn những câu chuyện mà hồ Tây từng được chứng kiến.
Dù tâm trạng ra sao thì đến với hồ Tây cũng đều nhận được sự đồng cảm.
Dù đi một mình, nhiều mình hay chỉ hai mình thì hồ Tây vẫn ưu ái tiếp đón.
Dù là hồ, song hồ Tây có khí phách của biển: bao la và không chối từ.
Chầm chậm chạy xe quanh hồ Tây có thể nhìn ngắm đầy đủ đời sống tinh thần muôn màu muôn vẻ của con người ở mọi lứa tuổi.
Khách sạn cao cấp, biệt thự bề thế xen kẽ những ngôi nhà bé nhỏ khiêm nhường càng làm cho việc lướt qua từng cung đường giống với lãng du quanh chiếc đồng hồ phẳng lặng mà năm tháng khắc vết trên từng công trình lớn, nhỏ.
Góc này thì một cậu bạn ngồi trên xe máy ăn bim bim một mình, góc kia thì có chàng trai ôm cây đàn lúng búng tiếng nhạc. Nơi sáng thì các đôi bạn chụp cho nhau những tấm ảnh thật đẹp như chính tình bạn họ đang có, còn nơi tối thì các đôi tình nhân thủ thỉ bên nhau thật sát (sàn sạt) như minh chứng cho tình yêu bền chặt.
Thỉnh thoảng cũng có một bóng hình đơn độc vừa lái xe vừa nghêu ngao hát hoặc ra hồ Tây chỉ để ngắm hồ. Lặng lẽ, cô liêu. Hồ Tây như thứ nước sốt bổ sung cho món chính là nỗi buồn thêm phần đậm đà.
Từng trải và vững vàng hơn là những người lớn tuổi. Họ thong dong đạp xe quanh hồ và trò chuyện. Họ quan tâm đến thể dục để nâng cao sức khỏe cho chính mình. Họ mong bản thân khỏe mạnh để có thể chứng kiến sự trưởng thành của những bạn trẻ khi biết cách làm chủ cảm xúc và vượt qua sự ủ rũ. Theo nghĩa tích cực, họ chứng minh cho người khác thấy, thay vì ngồi thẫn thờ thì hãy đứng lên và làm điều gì đó có ích.
Không lướt nhanh hào nhoáng như xe hơi hay rồ ga phấn khích như xe máy, chiếc xe đạp của người đàn ông và phụ nữ trung niên, thậm chí cao niên, ven hồ Tây luôn là bằng chứng sống động cho triết lý cần tiếp tục tiến lên trong cuộc sống, không cần quá nhanh, không cần quá khoa trương, cốt sao là đừng từ bỏ chặng đường mình đã chọn.
Ở hồ Tây thì ăn, uống cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Nếu đúng dịp quan trọng, có đông khách mời thì vào nhà hàng hoặc ăn Buffet Sen. Quanh hồ còn có cả Buffet chay cho ai thích an lạc thưởng thức. Ngoài ra, do xung quanh hồ nhiều người nước ngoài sinh sống, nên ẩm thực Âu - Á đủ cả.
Bún ốc, bánh tôm, bánh mì thịt xiên thơm phức cũng đủ ấm cái bụng nếu bạn tình cờ dạo chơi vào khi tối trời trở gió.
Trước đây, ngồi trên bậc thềm hướng xuống hồ Tây mát lạnh để uống bia, lai rai kèm ít đồ khô là một lạc thú. Còn lúc này, khi uống bia rượu phải hạn chế lái xe thì ngồi café, trà tây (các loại trà tên nghe kêu trong những quán trang trí kiểu cách) hoặc trà ta (trà đá) là lựa chọn thay thế.
Tuy nhiên, nếu tình cờ bạn ngang qua các quán bia hơi đèn đóm sáng trưng và tiếng cốc tách chạm nhau vọng theo âm hưởng hùng tráng kiểu “huynh đệ ơi…huynh đệ à” (có à, có ơi thì vẫn là huynh đệ ?!) bên bờ hồ lộng gió thì cũng không khỏi chạnh lòng tiêng tiếc.
Uống trà Ta ven hồ Tây thì chuẩn vị thanh cảnh. Nếu bạn cảm giác mệt nhọc quá sau một ngày dài thì có thể chuyển sang trái dừa tươi hoặc cốc nước mía- giá bình dân mà hương vị vẫn ngọt ngào.
Có lần, tôi từng chia sẻ với bạn mình rằng: “Người nào thích hồ Tây thì ít nhiều tâm hồn của họ sẽ có nét sâu lắng”.
Đó là nhận xét của tôi. Vì chủ quan nên nó không thể hoàn toàn đúng với tất cả mọi người, mà chỉ đúng với cá nhân tôi và những ai đã trải qua một cuộc sống như sóng trên mặt hồ, theo năm tháng tự nhiên gợi lên suy nghĩ ấy.
chia sẻ
,hồ tây
,nguyễn phú hoàng nam
,sáng tác
Cuối tuần mình thường hay cùng bạn bè lên hồ tây, rải chiếu ra ngồi làm vài lon bia cùng tán gẫu về công việc và gia đình. Cảm giác mỗi lần có cơn gió thổi qua từ mặt hồ là phiền muộn, mệt mỏi của mình được vơi đi phân nửa.
Giang Trúc
Cuối tuần mình thường hay cùng bạn bè lên hồ tây, rải chiếu ra ngồi làm vài lon bia cùng tán gẫu về công việc và gia đình. Cảm giác mỗi lần có cơn gió thổi qua từ mặt hồ là phiền muộn, mệt mỏi của mình được vơi đi phân nửa.