[Chia sẻ] Chuyện hạnh phúc
Hạnh phúc đến từ bên trong, không phải hoàn toàn từ bên ngoài. Nhưng bất hạnh cũng đến từ bên trong, không phải hoàn toàn từ bên ngoài. Suy nghĩ này của tôi không đến từ cuốn sách triết học nào cả, mà đến từ những giờ học với các bạn học sinh.
Một số bạn có nuôi mèo. Trong giờ học, thỉnh thoảng các bạn ấy lại nhìn sang chú mèo rồi ao ước: ước gì mình được là mèo, không phải đi học, được tự do vui chơi, ăn ngủ, không phải áp lực thi cử. Mới đầu, có lẽ bạn và tôi sẽ nghĩ rằng mong ước đó thật trẻ con, đáng yêu. Nhưng nếu suy ngẫm thêm, chúng ta có thể thấy ít nhất một vài lần trong đời, ta cũng từng ước ao trở thành “ai đó” khác với chính mình. Đó có thể là một cánh chim tự do, một chú cá bơi lội tung tăng hoặc một siêu mẫu xinh đẹp, nghệ sĩ nổi tiếng, chủ tịch thành đạt, đại gia giàu có.
Liệu chúng ta có thể thực sự hạnh phúc khi cố trở thành người khác? Tôi nghĩ câu trả lời là không. Chối bỏ bản thân là con đường nhanh nhất đi đến sự đau khổ, là cạm bẫy ngụy trang thành lối thoát hấp dẫn với những “lời nói dối cuộc đời” (bạn có thể tìm hiểu thêm về trường phái tâm lý học cá nhân của bác sĩ, chuyên gia tâm thần học Alfred Adler). Nếu muốn bắt đầu tìm hiểu về trường phái này với lối tiếp cận nhẹ nhàng, ít hàn lâm, bạn đọc cuốn “Dám bị ghét” của Kishimi Ichiro và Koga Fumitake.
Trong bộ phim “Loài mèo trả ơn” (The Cat Returns), cô bé Haru cũng đi tìm một cuộc đời khác với cuộc đời đang có. Hành trình đến vương quốc loài mèo giúp cô nhận ra được vững tin vào bản thân quan trọng như thế nào. Kết phim, Haru đã khám phá và tận hưởng cuộc đời của chính mình thay vì so sánh, trốn chạy đến một miền mơ mộng. Một nữ sinh trung học hạnh phúc và hồn nhiên sống đúng lứa tuổi vẫn tốt hơn là một công chúa mèo với hàng đống tặng phẩm là cỏ bạc hà mèo, chuột, cá. Ngoài lề một chút là tôi xem bộ phim này vì khá thích giai điệu của bản nhạc “Become the wind”.
Bị cố định vào những kết quả sẽ khiến con người bị tách rời khởi quá trình- cũng chính là xa rời thực tại. Lối trốn tránh theo kiểu “nếu tôi trở thành…” hoặc “nếu tôi có…” mới dẫn đến “thì tôi sẽ…” khiến con người không bao giờ thực sự hạnh phúc. Thử tưởng tượng, nếu bạn mang tâm trí một con người trong lốt mèo, bạn sẽ di chuyển bằng tứ chi, ăn thức ăn khô, không bao giờ sử dụng nhà vệ sinh và thỉnh thoảng bị xách ngược lên để cưng nựng, có thể bị loại bỏ, tỉa tót vài bộ phận trên thân thể theo ý thích của chủ nhân, đôi lúc bị cho vào lồng hay buộc dây vào cổ, bạn sẽ thực sự hạnh phúc chứ?
Nếu bạn trở thành người khác, bạn sẽ không thể hạnh phúc. Vậy nên cuộc sống hạnh phúc đơn giản là mình và vươn đến phiên bản hoàn thiện nhất của chính mình. Cần lưu ý thêm, tôi hoàn toàn không ủng hộ lối bao biện “là chính mình” để sống trì trệ với các thói hư, tật xấu. Bởi là chính mình mang sức mạnh của ý thực tự lập, tự trọng, trung thực và giàu sức sống. Đây là sự kết nối sâu sắc với bên trong để tạo nên sức mạnh nội tại, thay vì dăm bữa nửa tháng lại cần một người nào đó hay phải tìm đọc, xem thứ gì đó để “truyền cảm hứng”.
Cứ mỗi năm gần mùa thi, tôi lại nhận được và nhìn thấy những câu hỏi về việc nên chọn ngành học nào? nên học trường nào? có nên vào đại học hay không? tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các buổi tư vấn, hướng nghiệp, ngày hội tuyển sinh cũng được tổ chức rầm rộ. Nhưng tôi nghĩ nếu các bạn trẻ không là chính mình lúc ra quyết định, thì mọi lựa chọn đều là một sự nhầm lẫn đáng tiếc.
Hình như chúng ta thường hăm hở đặt mục tiêu nhưng lại quên kết nối mục tiêu ấy với giá trị cốt lõi của bản thân thì phải? cuối cùng không đạt được mục tiêu thì đau khổ, mà đạt được mục tiêu rồi cũng cảm thấy trống rỗng. Chẳng hạn như một con người đầy hoài bão và năng lực lại phấn đấu để có đời sống an nhàn hoặc một con người không chịu đựng được áp lực, làm việc thiếu cẩn trọng mà vẫn cố ngoi lên làm quản lý- thực sự rất đáng tiếc.
Hạnh phúc đến từ bên trong, đau khổ đến từ bên trong. Bạn có thể học hành rất cao, đạt được nhiều thành tựu, gặp được các cơ hội tốt, nhưng nếu không thực sự hiểu và trân trọng bản thân mà vẫn khắc khoải muốn trở thành ai đó khác, thì bạn sẽ rất khó để cảm nhận niềm hạnh phúc khi sống trọn vẹn trong thực tại.
Hãy để chú mèo vui sống đời mèo, còn bạn là một con người: Can đảm làm người nhưng đừng quên hạnh phúc khi làm người, bạn nhé.
chia sẻ
,chuyện hạnh phúc
,tâm sự cuộc sống
,noron
,nguyễn phú hoàng nam
,tâm sự cuộc sống
"Hạnh phúc đến từ bên trong, không phải hoàn toàn từ bên ngoài. Nhưng bất hạnh cũng đến từ bên trong, không phải hoàn toàn từ bên ngoài."
Câu mở đầu "triết học" phết. Hay!
Lê Minh Hưng
"Hạnh phúc đến từ bên trong, không phải hoàn toàn từ bên ngoài. Nhưng bất hạnh cũng đến từ bên trong, không phải hoàn toàn từ bên ngoài."
Câu mở đầu "triết học" phết. Hay!