[Chia sẻ] Chuyện đêm
Tôi hiếm khi lang thang ngoài đường về khuya, lại càng hiếm khi đi cho tới sáng. Tuy nhiên, không có nghĩa là tôi chưa bao giờ trải qua quãng thời gian về đêm ở Hà Nội.
Vậy nên, tôi cũng gom góp được chút tư liệu- dù ít ỏi song vẫn là thực tế trong bài viết này. Vẫn như mọi khi, đây là góc nhìn cá nhân của tôi nên nó không dùng để thuyết phục hay định nghĩa đúng hoặc sai. Bạn đọc hãy vui vẻ tự quyết định lấy.
“Hà Nội đẹp nhất về đêm” bạn đã bao giờ nghe thấy câu nói này chưa?
Lần đầu tiên tôi trải nghiệm vẻ đẹp ấy là khi đang theo đại học. Tôi cùng hai người bạn nữa tham dự một cuộc thi chụp ảnh có đề tài về Hà Nội. Trong nhóm, thì tôi là thành viên mù mờ nhất về việc chụp ảnh. Do đó, tôi tham gia chủ yếu bởi sự háo hức, tò mò.
Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất sẽ chọn đề tài Hà Nội về đêm. Phương tiện chính là đi bộ. Cũng hay ho gớm? Vì lúc ấy chúng tôi đâu có bận tâm đến phân tích SWOT, tiêu chí SMART hay lập Check-list. Đi đâu, lúc nào, đi bằng cái gì, chỉ cần biết thế thôi. Giờ nghĩ lại đúng chất “nghệ sĩ bán nửa mùa” hay “một phần tư nghệ sĩ”.
Ba thanh niên đi bộ lững thững trong đêm, tiện đâu, chụp đó. Chúng tôi bắt đầu hành trình từ phố Bạch Mai, dọc theo phố Huế, dạo qua Bờ Hồ và phố cổ sau đó dành phần lớn thời gian ở trên cây cầu Long Biên.
Hình như trong chuyến đi, cả ba quên mất mục đích chính là chụp ảnh dự thi. Chủ yếu chúng tôi tận hưởng không khí dịu mát của đêm thanh vắng và chiêm ngưỡng diện mạo lạ lùng của một Hà Nội bí ẩn, không tấp nập như ban ngày.
Điều kì lạ là, việc múa may, nhảy nhót giữa cầu Long Biên rồi loay hoay tạo dáng để chụp phơi sáng hình ngôi sao năm cánh trước cửa Ô Quan Chưởng đến giờ vẫn hiện rõ trong kí ức của tôi. Dĩ nhiên, chúng chẳng liên quan gì đến chủ đề cuộc thi và cũng chẳng có tí “ạt” (art) nào trong đó cả. Chúng tôi chụp vì vui thích, sung sướng mà quên luôn cả việc chụp ảnh làm bài dự thi.
Cuối cùng, Ban tổ chức vẫn cấp cho hai trong số ba chúng tôi cái giấy chứng nhận đã tham gia. Chỉ tiếc là anh bạn còn lại không có giấy ấy, vì không trực tiếp đến nhận. Sau khi thấy tôi chìa tờ giấy ra, anh ấy chỉ buông một câu gọn lỏn: “Có giấy à? Sao ông không gọi tôi”. Mỗi thế thôi. Bạn tôi không quan tâm lắm đến giấy mà quan tâm đến việc khi vui, khi buồn người ta có thường nhớ đến nhau hay không. Sau này khi tôi hiểu ra, tôi đã tặng lại một điều khác tương xứng hơn với tấm lòng cao thượng ấy.
Nghĩ lại mới thấm, khi trẻ tuổi người ta tin rằng những mảnh giấy làm tăng giá trị bản thân mà chưa biết chẳng phần mềm nào thiết kế hạnh phúc, niềm vui và sự nhân hậu để rồi sau đó in ra giấy, đóng khung rồi trao cho ta cả. Mấy thứ đó không thể nằm im trên giấy.
Cũng trong thời sinh viên, chúng tôi cùng nhau thành lập một câu lạc bộ từ thiện nho nhỏ có tên là Niềm Tin. Lại có thêm những chuyến phát quà đêm cho người vô gia cư.
Chẳng có kế hoạch bài bản gì sất mà lỗi to nhất thuộc về người đứng đầu (xin các bạn bình tĩnh, người đó đang kì cạch gõ bài viết này đây). Thật mạo hiểm khi nhận trách nhiệm dẫn dắt một tổ chức trong khi chính bản thân mình cũng chưa biết sẽ dẫn dắt họ tới đâu. Nhưng đáp lại sự ngây thơ, bay bổng của tôi là sự tử tế, nhiệt tình đến từ các bạn trong câu lạc bộ.
Chúng tôi chưa đến đích, nhưng may mắn làm sao cũng đã có hành trình để nhớ về, để hoài niệm. Thỉnh thoảng, giờ gặp lại các cựu thành viên tôi vẫn thấy vô cùng ấm lòng khi được nghe những cảm nhận về việc tham gia câu lạc bộ là quyết định đúng đắn và khiến cho đời sinh viên của họ sôi nổi hơn (Hình như tôi lại tự “*** tinh thần” rồi nhỉ?).
Giờ ai cũng bận rộn với đời sống riêng, tôi mong họ đang mạnh khỏe, bình an và tùy nghi làm việc thiện theo tâm nguyện và khả năng của mình.
Những chuyến phát quà vào ban đêm trên xe máy thật hoang mang. Bởi vòng hết từ phố này sang phố nọ mới gặp được những người vô gia cư “chân chính”. Hà Nội trong đêm ấy mất hết vẻ nên thơ, mà chỉ có cái nghèo và ánh đèn đường nhợt nhạt.
Có những người say ngủ, chúng tôi đặt quà bên cạnh. Có những người còn thức, chúng tôi trao qua và được cảm ơn. Có những người còn thức- nhưng say xỉn và có vẻ nguy hiểm, chúng tôi trao quà…rồi chạy.
Tôi vẫn nhớ, trong nhóm khi ấy có bạn nữ hốt hoảng: “Ôi! Ôi! ông kia bị làm sao ấy, tớ sợ quá các cậu ơi!” sau đó chạy vù lên trước (bạn này trên lớp vốn rất bạo dạn, cá tính). Trong khi một bạn nam khác bình thản, mắt lim dim nói “Tôi cảm giác mình giống kiểu hiệp sĩ bí ẩn đang đi giúp người lương thiện” rồi xoay mình đi đầy kiêu hãnh sau khi phát quà (trên lớp bạn này là Bad Man, song bây giờ lại giống Bat Man). Hình như về đêm người ta mới bộc lộ tính cách đối lập thì phải.
Thực lòng mà nói, lúc ấy các bạn đều rất “ngầu”. Dù tất cả đều mệt ngoài sau một đêm mất ngủ, chạy xe lòng vòng từ phố này sang phố nọ với đôi mắt thiếu ngủ song vẫn cố ngóng kĩ từng vỉa hè, vườn hoa.
Vào những đêm lạnh cắt da cắt thịt ấy của Hà Nội, tôi cảm thấy tình người thật ấm áp.
Chuyện xưa luôn tốn giấy mực, nhưng vậy thì mới có hứng để bản đến chuyện nay. Về đêm, khi tôi ra đường thì thấy có không ít các thanh thiếu niên trên phố.
Đã có người từng hỏi tôi nghĩ gì về việc phát triển kinh tế về đêm ở Hà Nội, tôi chỉ trả lời rằng cần cân nhắc kĩ, nếu người lớn mất ngủ, thanh thiếu niên vui vẻ thức khuya thì lợi bất cập hại.
Khi nhìn các bạn trẻ (tức là tuổi đời còn rất trẻ, trẻ đến nỗi vẫn còn phải mặc đồng phục) lượn lờ trên phố, tụ tập hàng quán thì thấy cũng nhộn nhịp, nhưng điều tôi tự hỏi là tại sao các bạn ấy đang ở ngoài đường? Có lẽ nào, đã hết giờ gia đình và nhà trường có trách nhiệm rồi sao? Và đây là giờ phụ đạo của xã hội?
Nếu vậy thì các bạn ấy hăng hái học phụ đạo quá mà chưa biết rằng chi phí cho các bài học từ xã hội vốn không hề rẻ.
Hẳn ai có lương tâm, dù làm giáo dục hay không, cũng đều chạnh lòng khi thấy nhưng học sinh cấp hai, cấp ba đèo nhau không mũ, bạn trước văng tục còn bạn đằng sau gật gù hút veep (thuốc lá điện tử). Dạo qua những góc tối hơn, còn thấy dăm ba bạn đang giữ “gìn bản sắc” bằng thuốc lá, thuốc lào, thậm chí vẫn là cây điếu nhưng không nhồi thuốc lào mà nhồi một nhúm lá lấy ra từ một gói nilon nhỏ.
Từ bao giờ, cuộc sống về đêm là nơi những bạn trẻ dưới mười tám tuổi thuộc về vậy?
Tôi băn khoăn, vì đêm Hà Nội giờ đây khác đi rất nhiều so với những gì tôi từng biết, và thành phần tham gia nếp sống này cũng ngày càng trẻ hóa. Tôi mong gia đình của các bạn trẻ quan tâm đến con cái mình nhiều hơn, để tránh phải mở đầu câu chuyện bằng lời “Cháu nó ở nhà …” để kết thúc tương lai của các bạn ấy- trong khi vẫn còn trẻ.
Vũ Cris
Trần Đức Việt
Đúng là với mình, Hà Nội vẫn luôn đẹp nhất về đêm bạn ạ!