[Chia sẻ] Chuyện AI và tuổi trẻ

  1. Giáo dục

  2. Tâm sự cuộc sống

Trước khi bắt đầu, tôi xin bày tỏ rằng bản thân không được đào tạo chính quy về công nghệ thông tin, không làm việc trong lĩnh vực thiết kế, lập trình máy tính và chỉ là một người thỉnh thoảng mới dùng Chat GPT.

Như vậy, những điều tôi chia sẻ trong bài viết này có thể còn thiếu sót, chủ quan khi bàn đến Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). Điều tôi mong muốn chia sẻ trong bài viết này là mối quan hệ giữa AI và những bạn trẻ tôi đang đồng hành trong vai trò cố vấn. Những bạn trẻ ấy (và bạn bè đồng trang lứa của các em) sẽ là tương lai.

Sau một thời gian Chat GPT xuất hiện, tôi nhận thấy các bạn học sinh của mình có những thái độ khác nhau (cũng giống như người lớn) khi tiếp cận với AI. Có bạn rất quan tâm, sử dụng AI thường xuyên, có bạn không quan tâm lắm, coi đó chỉ như một trò chơi và cũng có bạn không chia sẻ nhiều về việc bản thân có sử dụng AI hay không.

Giống như chiếc điện thoại thông minh, điều tôi quan tâm không phải là ngăn cấm hay kiểm soát các em. Mà chúng ta cần có sự hướng dẫn, tìm hiểu xem các em dùng những thiết bị công nghệ ấy vào mục đích gì. Bởi để trẻ em tự do giao lưu, ăn ngủ với một thiết bị thông minh hơn các em không phải lúc nào cũng mang lại giá trị tích cực cho hoạt động giáo dục, phát triển nhân cách.

Điểm đáng lưu tâm là trong quá trình sử dụng các thiết bị công nghệ, hầu hết các bạn trẻ đều nghĩ chúng tiện lợi, dễ sai bảo mà không biết bản thân các em thực ra lại đang bị điều hướng đến những hành vi tạo ra giá trị cho nhà sản xuất- cái “được” phô bày rất rõ trong khi cái “mất” bị giấu nhẹm đi.

Ví dụ như việc bỏ tiền ra mua một chiếc điện thoại đắt tiền, phí thuê bao internet, mua sắm đồ đạc, đồ ăn, đặt vé cho các dịch vụ giải trí đều được cha mẹ chi trả. Thế nên chủ nghĩa tiêu dùng và tính vị kỷ đi vào tận tâm trí các em ngay từ khi còn nhỏ và rất khó thay đổi được điều này khi đã trưởng thành.

Trong cuốn “Trí tuệ giả tạo - Internet đã làm gì chúng ta”, tác giả Nicholas Carr đã phân tích não bộ của người dùng bị cải tạo từ từ khi tiếp cận internet và đảo ngược quá trình này hầu như là bất khả thi.

Weizenbaum tin rằng điều mang tính người nhiều nhất là điều ít có thể tính toán nhất của chúng ta - các kết nối giữa tâm trí và thể xác, những trải nghiệm hình thành nên trí nhớ và tư duy, khả năng cảm nhận đồng cảm. Nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt khi ngày càng thân thiết với máy tính hơn - khi chúng ta trải nghiệm phần lớn cuộc sống thông qua những ký hiệu kỳ quặc xuất hiện trên màn hình - là chúng ta sẽ bắt đầu mất đi tính người của mình, hy sinh những phẩm chất giúp phân biệt con người với máy tính. Theo Weizenbaum, điều duy nhất để tránh khỏi số phận đó là phải có nhận thức và lòng dũng cảm không cho máy tính tham gia vào phần lớn các hoạt động tinh thần và trí tuệ của chúng ta, đặc biệt là “những nhiệm vụ đòi hỏi sự suy xét” (trang 238, 239).

Điều quan trọng nhất tôi nghĩ các bậc cha mẹ nên lưu tâm khi để con tiếp xúc với AI là nhân tính. Nếu để AI can dự quá nhiều vào quá trình con trẻ trưởng thành, một người bạn ảo luôn sẵn sàng, luôn ở đó để phục vụ mọi nhu cầu của trẻ trong khi cha mẹ thì bận rộn, xa cách thì sẽ rất khó phát triển nhân tính của các em (viễn cảnh đáng sợ hơn là các em sẽ cảm thấy nhân tính chỉ là khái niệm nào đó mơ hồ, vô ích).

Tiếp theo, sự thiếu cân bằng giữa các năng lực cảm xúc xã hội và suy nghĩ kiểu công thức cũng là một điểm khiến tôi băn khoăn. Tôi nhận thấy ngày nay một số bạn trẻ thông minh, khôn khéo hơn khi cần đạt mục đích nhưng cũng trở nên thô lỗ, ngang bướng hơn khi mọi việc không như ý. Ranh giới giữa “nên” và “không nên” dần dần bị xóa nhòa với những quyết định “lợi” hay “bất lợi”. Lối sống thiên về vật chất được củng cố trong khi đời sống tinh thần thì héo mòn.

Nếu ngẫu nhiên trò chuyện với một bạn trẻ trong khoảng từ 13 đến 18 tuổi, bạn sẽ bất ngờ nhận ra hiểu biết của các bạn này thường vượt xa những gì người lớn mong đợi (hoặc dám thừa nhận). Những chủ đề liên quan đến tiền bạc, sex, chạy chức chạy việc, hối lộ tham nhũng, sử dụng chất kích thích v.v. không hề lạ lẫm trong những cộng đồng riêng tư hay những nhóm chat kín online.

Giờ đây, có thêm sự hỗ trợ từ AI, một người trợ lý tài giỏi với kho dữ liệu khủng nhưng không chịu giới hạn về đạo đức, sẽ có thêm nhiều cộng đồng như vậy xuất hiện, tạo ra thêm những cá nhân phát triển lệch lạc bên trong, thiếu hụt kỹ năng sống với vẻ bề ngoài khép kín mà cha mẹ vẫn thường nhầm lẫn là hiền lành, hướng nội.

May mắn là cũng có những bạn trẻ, những gia đình rất quan tâm đến việc sử dụng công nghệ của con và dù còn nhiều khó khăn, họ vẫn đang từng bước giúp con em mình đi đúng hướng trong thời đại số. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy các bậc cha mẹ này thường có đặc điểm sau:

-Bận rộn nhưng không coi đó là lý do để trì hoãn việc giao tiếp, giáo dục con (họ dành ra tối thiểu 30 phút 1 ngày để trò chuyện, lắng nghe con. Xin lưu ý là họ không dùng 30 phút này để áp đặt ý chí của mình lên con cái).

-Suy nghĩ kỹ lưỡng khi thưởng cho con các thiết bị công nghệ. Vấn đề không phải là tiền bạc, mà các bậc cha mẹ này hiểu rõ: nếu có thêm thiết bị công nghệ thì họ cần dành thêm thời gian cho con (thường là gấp đôi). Không phải như một số bậc cha mẹ hay lầm tưởng là giao cho con “bảo mẫu” điện thoại, máy tính thì mình sẽ rảnh rỗi hơn.

-Giúp con tận hưởng cuộc sống ở mức con xứng đáng, không phải ở mức con muốn. Nếu mọi sự trên đời này đều như ý, mọi ước mong điều được toại nguyện ngay từ khi còn nhỏ thì dễ hình thành ở trẻ xu hướng vị kỷ, yếu đuối, tham lam và thiếu ý chí vươn lên.

-Theo dõi sát sao việc thu chi của con (thường đề nghị con lập sổ chi tiêu hoặc lập bảng tính excel). Lại một lần nữa, vấn đề không phải là tiền bạc mà cha mẹ rất sáng suốt khi theo dõi cách tiền bạc tác động đến tính cách của con. Tiền bạc là một phần quan trọng của đời sống. Nhưng chúng không nên được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Và nếu công nghệ khiến con cái họ tiêu xài phung phí hơn trong khi chưa làm ra tiền, chưa hiểu được giá trị của đồng tiền thì họ sẽ có biện pháp can thiệp.

-Không giả định mình hoàn toàn hiểu con, cũng như không bao giờ cố chấp nghĩ rằng con sẽ không bao giờ lớn.

Còn đối với những bạn trẻ ít bị tác động bởi AI, tôi nhận thấy các em thường có đặc điểm sau:

-Không né tránh AI nhưng không hùa theo bạn bè sử dụng AI mọi nơi, mọi lúc.

-Có tính cách độc lập, sở thích gắn liền với đời thực (như đọc sách, chơi thể thao, nhạc cụ, vẽ tranh, lắp ghép mô hình, tìm hiểu thiên nhiên, chơi với động vật).

-Không cô đơn trong chính căn nhà của mình. Biết nghĩ đến người khác, có ước mơ và thích giúp đỡ mọi người.

-Dùng bàn tay cho nhiều mục đích, hoạt động phong phú thay vì lúc nào cũng lăm lăm trên tay chiếc điện thoại (tôi tin mối liên hệ giữa bàn tay và não bộ, nếu bàn tay được sử dụng nhiều hơn thì não bộ thường phát triển hơn).

-Nhu cầu vật chất không quá cao, biết đủ (ít ham muốn đồ hiệu, hàng hóa xa xỉ, thức ăn cao cấp, thiết bị điện tử đắt tiền v.v.).

Nếu cho rằng phát triển AI là tất yếu thì hoạt động giáo dục để thế hệ trẻ biết cách chung sống, khai thác giá trị tích cực từ AI cũng là tất yếu. Bởi mỗi thế hệ, mỗi nan đề và tôi tin vai trò của thế hệ trước là hỗ trợ, hướng dẫn thế hệ sau đi theo con đường bền vững.

Trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi nghĩ có lẽ các bậc cha mẹ sẽ không muốn ra đi trong vòng tay của một AI. Dù đó là phiên bản VIP PRO gói cao cấp đã được con trả phí, lập trình để tiễn biệt những cá nhân cận tử dựa trên cơ sở dữ liệu phong phú. Mà họ muốn được thấy con mình trưởng thành, nhân ái và hiện diện cạnh bên để nói lời từ biệt.

Còn đối với các bạn trẻ, dùng AI cũng không có gì là sai, nếu như các bạn không đánh mất đi bản sắc cá nhân, vẫn chịu khó học hỏi, rèn luyện để không trở thành một công cụ trong tay công cụ.

Để kết lại bài viết, tôi nhờ Chat GPT tạo giúp một hình ảnh mang chủ đề “AI và tuổi trẻ” xem sao? vì tương lai là câu chuyện của các bạn, tôi không nên dài dòng bàn luận thêm.

* Thời điểm tôi đăng bài, Noron chưa hiển thị hình ảnh. Mong bạn đọc thông cảm.

Từ khóa: 

chia sẻ

,

ai

,

tuổi trẻ

,

giáo dục

,

giáo dục

,

tâm sự cuộc sống