[Chia sẻ - Giáo dục] Chuyện học tập trực tuyến
Trải nghiệm của tôi về các bước chuẩn bị, cảm nhận chất lượng và những điều nên lưu ý khi học tập trên các nền tảng trực tuyến/các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC- Massive Open Online Courses)
* Bài viết gốc đã bao gồm đường link đến các nền tảng học tập được nhắc tới
** Mục đích của việc chia sẻ các giấy chứng nhận là để đảm bảo tôi có trải nghiệm thực
Các bước chuẩn bị
1. Xác định mục đích
Dường như trong thời đại này mọi thứ đều thừa, chỉ có thời gian là thiếu. Vậy nên bạn cần suy nghĩ xem vì sao mình lại chọn hình thức học tập trực tuyến. Đừng vội quan tâm đến các giấy chứng nhận hào nhoáng sau khi hoàn thành khóa học. Bởi chúng có ích, nhưng ích lợi lớn nhất của chúng cũng chỉ dừng lại ở việc làm đẹp CV hoặc mang đến cho bạn những cơ hội. Quan trọng là để nắm giữ cơ hội ấy, bạn cần có thực lực. Muốn có thực lực, thì dĩ nhiên cần có thực học.
Tôi hi vọng chúng ta sẽ tiếp cận các khóa học trực tuyến với tinh thần thực học thay vì vừa làm việc riêng vừa tìm cách đi tắt cho khóa học mau chóng kết thúc để nhận phần thưởng. Hành vi ấy có phần đối phó, hơi láu lỉnh và thiếu chín chắn. Đừng quên học tập trực tuyến là tự học và tự học thì cần lấy tự giác là hàng đầu.
2. Chuẩn bị về trải nghiệm
Bạn có thể học tập trên các nền tảng học tập trực tuyến trong nước, sử dụng Tiếng Việt để làm quen trước. Tôi có trải nghiệm với hai nền tảng là cunghoc.edu.vn và edumall.vn.
Cunghoc.edu.vn là một nền tảng học tập miễn phí với các khóa học phù hợp với giáo viên và những ai quan tâm đến giáo dục. Đây là lựa chọn tốt để khởi đầu, vì tôi nhận thấy hệ thống bài giảng được trình bày một cách mạch lạc, đầy đủ. Nền tảng này cũng có các bài kiểm tra để bạn tự ôn luyện lại kiến thức sau mỗi học phần. Khi hoàn thành, bạn sẽ được cấp giấy chứng nhận bản PDF.
Cunghoc.edu.vn hoạt động miễn phí, nhưng nếu cảm thấy hài lòng thì bạn có thể ủng hộ bằng hình thức đóng góp theo số tài khoản được hiển thị trên website. Tôi đánh giá cao tính ứng dụng của khóa học “Học cách học” (Learning How To Learn), nếu ghé qua thì bạn đừng bỏ lỡ khóa học này nhé.
Edumall.vn là nền tảng học tập có trả phí dành cho người đi làm. Các khóa học trên nền tảng này cũng đa dạng lĩnh vực hơn. Nội dung khóa học được chia ra thành các học phần ở dạng video được ghi hình sẵn. Video có thời lượng ngắn nên người học sẽ ít khi cảm thấy chán và có thể chia ra để mỗi ngày học một chút. Tôi đã mua khóa học “Võ tự vệ - Tay không chiến đấu” trên nền tảng này. Nhưng sau khi hoàn thành khóa học (ở đây không có giấy chứng nhận), tôi quyết định liên hệ với giảng viên để theo học trực tiếp. Vì tôi nhận ra học kỹ năng vận động trên các nền tảng trực tuyến thì thường ít có cơ hội thực hành, không được người hướng dẫn chỉnh sửa các tư thế, động tác chưa đúng, thậm chí có thể tiềm ẩn nguy cơ chấn thương do tập luyện sai. Đây là điểm mà các bạn cũng nên lưu ý: khi học các kỹ năng vận động thì nên ưu tiên việc học trực tiếp.
3. Chuẩn bị về kỹ năng ngôn ngữ
Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau bàn đến việc học tập trên các nền tảng quốc tế. Các nền tảng này thường được giảng dạy bằng ngôn ngữ chính là Tiếng Anh. Nhưng trong phần bài giảng cũng có tùy chỉnh phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác. Tôi cũng thấy có khóa cung cấp phụ đề Tiếng Việt, nhưng nếu muốn làm bài kiểm tra để lấy giấy chứng nhận, bạn vẫn cần sử dụng Tiếng Anh. Có lẽ sẽ hiệu quả, tiện lợi hơn khi bạn sử dụng Tiếng Anh để hoàn thành khóa học.
Tôi nghĩ với năng lực Tiếng Anh ở mức A2 (CEFR – Khung Tham chiếu Ngôn ngữ Chung Châu Âu) trở lên là bạn có thể tự tin học tập. Để tích lũy từ vựng, bạn có thể sử dụng Duolingo, tôi thường hay dùng ứng dụng này để duy trì thói quen tiếp xúc với Tiếng Anh hằng ngày.
Để tự đánh giá, bạn có thể làm bài kiểm tra Tiếng Anh EF SET (miễn phí, có chứng nhận). Bài kiểm tra này chú trọng vào kỹ năng nghe – đọc, là hai kỹ năng chúng ta sẽ dùng nhiều nhất trong khi học trực tuyến. Trong quá trình học, tôi dùng thêm oxfordlearnersdictionaries.com để tra cứu từ vựng bản thân chưa nắm rõ.
Tôi nghĩ học tập trên nền tảng quốc tế cũng là cách tốt để các bạn thực hành, ứng dụng ngoại ngữ thay vì chỉ tập trung vào thi chứng chỉ ngoại ngữ với chi phí tương đối cao, ôn luyện căng thẳng gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.
4. Chuẩn bị về phương tiện
Để học tập trực tuyến bạn cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Bạn có thể dùng song song hình thức truy cập trực tiếp khóa học trên máy tính hoặc tải các app (ứng dụng) về điện thoại để học khi có thời gian trống. Nếu có thể thì bạn nên tắt các thông báo tin nhắn trong lúc học để khỏi bị phân tâm.
Hãy tích lũy những khoảng thời gian trống trong ngày để học tập, dù chỉ 5 – 10 phút cũng có thế giúp bạn hoàn thành những khóa học có thời gian từ 18 cho đến 25 giờ.
Nếu muốn có giấy chứng nhận trả phí từ các nền tảng học tập quốc tế, bạn nên chuẩn bị sẵn thẻ thanh toán quốc tế như Visa hoặc Master Card.
Cảm nhận chất lượng
1. Alison
Alison là nền tảng học tập trực tuyến của Ai-len. Trang cung cấp các khóa học miễn phí nhưng muốn có giấy chứng nhận thì bạn cần trả phí. Sau khi trả phí bạn sẽ có cả giấy chứng nhận và hồ sơ chứng nhận (định dạng PDF) từ Alison.
Tôi thấy các khóa học của Alison có hàm lượng tri thức cao, hệ thống lý thuyết tương đối dày nhưng được bố cục khoa học. Bạn nào thích đọc và có thói quen nghiên cứu học thuật thì đây sẽ là nền tảng phù hợp.
Trong hai khóa học tôi chọn, tôi không thấy sự xuất hiện của giảng viên nên điểm trừ của Alison có lẽ là khóa học sẽ không sinh động lắm.
2. edX
edX là nền tảng học tập trực tuyến của Hoa Kỳ. Ở đây cũng cấp khá nhiều khóa học có chủ đề công nghệ thông tin từ các cơ sở đào tạo tên tuổi. Vì công nghệ thông tin không phải là lĩnh vực tôi muốn đào sâu nên tôi chỉ tìm thấy khóa học “How to learn Online” phù hợp với mình. Nếu muốn bắt đầu hành trình học tập trực tuyến, có lẽ bạn nên ghé edX trước để học khóa học này.
Các video bài giảng của edX có sự xuất hiện của giảng viên nên bạn sẽ cảm thấy bài học sinh động hơn. Kết thúc khóa học, nếu muốn có giấy chứng nhận thì bạn cần trả phí.
3. Udemy
Trong quá trình tự học về hai chủ đề là: bảo đảm an toàn cho trẻ em trên Internet và phòng chống hành vi bắt nạt ở trẻ em, tôi tìm thấy hai khóa học khá phù hợp với nhu cầu của bản thân trên nền tảng học tập trực tuyến Udemy (Hoa Kỳ).
Ưu điểm của các khóa học này là tinh gọn, giản lược lý thuyết, chia sẻ kinh nghiệm xử lý tình huống và kỹ năng thực hành cụ thể. Người học có thể chủ động về thời gian, lịch học, tốc độ học, cách học với chi phí phù hợp.
Với Udemy, bạn sẽ cần trả phí trước để mua khóa học. Chi phí này sẽ bao gồm nội dung khóa học và giấy chứng nhận sau khi bạn hoàn thành khóa học. Các khóa học của Udemy khá ngắn gọn và đa dạng ngành nghề, nên nếu không cẩn trọng bạn có thể sa đà vào việc mua rất nhiều khóa học nhưng không sử dụng hết hoặc sử dụng không hiệu quả.
Ngoài ra Udemy thường xuyên có các đợt giảm giá khóa học nên nếu kiên nhẫn bạn có thể mua được các khóa học với chi phí thấp hơn so với giá hiển thị ban đầu.
4. Coursera
So với Alison, edX, và Udemy, tôi cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành khóa học trên Coursera (Hoa Kỳ). Coursera cung cấp khóa học ở nhiều lĩnh vực đến từ các trường Đại học trên thế giới. Việc học tập ở Coursera có lẽ quy củ hơn với sự xuất hiện của các nhiệm vụ như làm bài tập trắc nghiệm, chia sẻ cảm nhận, kiểm tra hoàn thành học phần cũng thường xuyên hơn. Khi nộp bài, bạn cần cam kết là nội dung bài làm đó là của bạn, không sao chép ở bất cứ nơi nào khác.
Có một nhóm khóa học trên Coursera thuộc vào diện miễn phí (bạn nên đọc kỹ thông tin). Giấy chứng nhận từ các khóa học này có lẽ cũng miễn phí nếu như bạn hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ và thời hạn học tập.
5. Class Central
Từ Coursera, tôi khám phá ra thêm nền tảng Central Class. Đây là một nền tảng chuyên tìm kiếm các khóa học. Nếu bạn biết cách sử dụng, tôi tin Central Class sẽ là một công cụ rất hữu ích.
Những điều nên lưu ý
-Học tập trực tuyến yêu cầu tính tự giác và kỷ luật cao.
-Các khóa học trực tuyến không thể hoàn toàn thay thế những giờ học tập trực tiếp với giáo viên, giảng viên hoặc người hướng dẫn của bạn.
-Bạn có thể trở nên hăng hái trong việc tích đầy các khóa học để thu thập thật nhiều giấy chứng nhận. Điều này mang lại cảm giác phấn khởi trước mắt nhưng về lâu dài là phù phiếm.
-Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học sẽ không có giá trị tương đương như chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn.
-Cân đối chi phí và thời gian, bởi bạn có thể sẽ cố gắng học nhiều hơn so với khả năng của bản thân. Điều này sẽ sinh ra tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc giữa chừng.
-Ngoài việc học, đừng quên tự tạo ra cơ hội để bản thân thực hành những điều đã học càng nhiều càng tốt.
-Duy trì việc tự học và học tập suốt đời, luôn sẵn sàng cập nhật những hình thức học tập bạn cảm thấy phù hợp với bản thân thay vì chạy theo số đông hoặc một hình thức học tập cố định.
-Nếu mở thẻ giao dịch quốc tế để thanh toán học phí, bạn đừng quên bảo mật thông tin (bạn cũng có thể tạm khóa thẻ khi không có nhu cầu sử dụng).
Thay cho lời kết
Động lực để tôi tìm hiểu các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) chính là các bạn học sinh, sinh viên mà tôi cùng đồng hành. Tôi nhận thấy các bạn đều có tiềm năng học tập nhưng hầu hết không được hướng dẫn cách học, bồi dưỡng tinh thần tự học và có quyền tự chủ đối với việc học của bản thân.
Sự học của các bạn thường diễn ra một cách thụ động, dạy gì học đấy (hệ lụy là bảo sao nghe vậy, ít biết sàng lọc) gắn với kết quả thi cử (và đương nhiên sẽ bị chính kết quả thi cử ấy giới hạn, đóng khung với các quan niệm "giỏi" - "dốt"). Nếu luôn học tập trong tâm thế bị động như vậy, tôi nghĩ rất khó để có thể nâng cao học lực.
Khóa học trực tuyến đại chúng mở sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong việc học tập, nâng cao tinh thần tự học với thời gian linh hoạt, chi phí tối thiểu (thậm chí là hoàn toàn miễn phí).
Tôi tin các khóa học trực tuyến sẽ đóng góp những giá trị nhất định cho hoạt động tự học, tự giáo dục của mỗi cá nhân trưởng thành. Đối với trẻ em (đặc biệt là trẻ dưới 13 tuổi), tôi vẫn bảo lưu quan điểm là không nên để các em tự do, tiếp cận sớm với các hoạt động trực tuyến- kể cả đó là hoạt động học tập trực tuyến.
Tuy nhiên, tôi nghĩ các khóa học không phải là vạn năng, mà người học cần cẩn trọng suy nghĩ và linh hoạt khi vận dụng. Một số khóa học sẽ trở nên bổ ích, hấp dẫn hơn nếu chúng ta đã tích lũy được trải nghiệm thực tế hoặc từng tìm đọc các cuốn sách căn bản trong cùng chủ đề.
Kết thúc khóa học không có nghĩa là chúng ta đã hoàn thành khóa học đó, mà nên học lại khi có thời gian. Bởi nếu không ôn tập thường xuyên thì chúng ta sẽ quên rất nhanh những điều chúng ta đã học. Hầu hết các khóa học này không giới hạn số lượt truy cập khi bạn đã trả phí. Là freelancer, tôi cảm thấy hài lòng với hình thức học tập linh hoạt này bởi nó giải quyết nhu cầu học tập liên tục của tôi mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm.
Trên đây là những trải nghiệm của cá nhân tôi, mong rằng sẽ có đôi chỗ hữu ích với các bạn. Nếu biết đến những nền tảng học tập hoặc phương thức học tập nào khác hữu ích, mong rằng bạn cũng sẽ mở lòng và chia sẻ đến cộng đồng.