Chèo-Tuồng-Cải lương - Nghệ thuật sân khấu Việt Nam

  1. Văn hóa


chèo

Sân khấu biểu diễn chèo

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng được hình thành từ truyền thống văn hóa dân gian lâu đời mang đậm chất địa phương bản địa. Văn hóa Việt Nam là một chỉnh thể phức hợp gồm nhiều nền văn hóa vùng miền. Các loại hình văn hóa có thể có nguồn gốc từ văn hóa dân gian như chèo, hát quan họ, đối,... Một số nền văn hóa ảnh hưởng từ các nền văn hóa bên ngoài du nhập vào như: cải lương, tuồng.

Những loại hình văn hóa như chèo, tuồng, cải lương,... qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển dù mang đậm chất địa phương của từng vùng nhưng khái quát chung vẫn mang đậm chất văn hóa dân gian Việt Nam.

Chèo: Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền dân gian lâu đời nhất của Việt Nam. Theo sử ghi lại thì Chèo được hình thành vào thế kỷ thứ 10 (thời nhà Đinh) do vũ ca Phạm Thị Trân sáng lập.

Đặc điểm của chèo: phát triển mạnh ở vùng phía bắc Việt Nam; các điệu chèo được hình thành từ các làn điệu dân ca;hình thức biểu diễn của chèo là sự kết hợp giữa ca, múa điệu bộ, diễn xuất,... ; chèo được trình bày theo lối kể chuyện. Nội dung được xây dựng từ những truyện cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn,...nhằm chuyển tải đến khán thính giả những thông điệp tốt đẹp của cuộc sống hoặc cách đối nhân xử thế.

Các vở chèo nổi tiếng: Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính, Kim Nha, ...

Sân khấu biểu diễn chèo đa dạng: sân đình, sân khấu chuyên nghiệp, các lễ hội ở một số đền chùa,...

Quy mô lớn nhất của các đơn vị nghệ thuật Chèo là Nhà hát Chèo rồi đến Đoàn Chèo, một số tỉnh chỉ biên chế đội hoặc tổ Chèo thuộc đoàn nghệ thuật.

Các đoàn chèo sau khi phát triển đủ điều kiện, UBND tỉnh sẽ ra quyết định thành lập nhà hát Chèo. Một nhà hát Chèo có thể có nhiều đoàn chèo như Nhà hát Chèo Hà Nội có 3 đoàn, các nhà hát khác thường có 2 đoàn.

Ở Việt Nam hiện có 18 đơn vị chèo chuyên nghiệp gồm 11 nhà hát chèo và 4 đoàn chèo và 3 đội chèo thuộc đoàn nghệ thuật. Ngoài ra còn có các làng chèo và câu lạc bộ chèo đang phát triển rộng khắp cả nước (chủ yếu đa số tại miền bắc).

301px-Tuồng_SH!

Hình ảnh trích đoạn Kim Lân thượng thành (tuồng San Hậu thành)

Tuồng: loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát kịch hát ở Việt Nam. Tuồng có nhiều cách gọi như hát bộ, hát bội,... Tuồng được khởi xướng thời nhà Tiền Lê và có sự giao thoa, tiếp thu cách biểu diễn và hóa trang của hí kịch bên Trung Hoa. Tuy nhiên, lối hát tuồng du nhập vào nước ta khi nào thì hiện tại vẫn chưa xác định thời gian cụ thể.

Đặc điểm của Tuồng: các nghệ nhân biểu diễn phải hóa trang hoặc mang mặc nạ thể hiện đặc trưng nhân vật như: trung, gian, nịnh, hề, tướng,... Ngoài ca thì tuồng còn phải nói lối (hình thức ca - nói), cách đi đứng, ra bộ phải chuẩn xác cho từng thể loại nhân vật. Nội dung của tuồng mang đậm đề tài cung đình thường nói về lòng trung can, mưu mô tranh quyền đoạt vị,... Hình thức trình bày theo một câu chuyện có nội dung nhất thống.

Các tuồng nổi tiếng như: San Hậu thành, Đào Tam Xuân, Phụng Nghi Đình, Hồ Nguyệt cô hóa cáo,...

Tuồng cũng được biểu diễn ở sân đình, trong các lễ hội Kỳ Yên ở các đình làng, đôi khi cũng có tư nhân mướn đoàn hát tuồng về biểu diễn tại nhà thì thường có thêm cái trống lèo hoặc thẻ tre để khi có tới cao trào hoặc diễn viên có những câu hát hay thì đánh tưởng thưởng hoặc ném thẻ để tính tiền thưởng khi vãn tuồng.

Ngày nay, nghệ thuật sân khấu truyền thống Tuồng có 07 đơn vị phân bố ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, trong đó có 04 nhà hát, 01 Đoàn nghệ thuật và 02 đoàn nghệ thuật trực thuộc nhà hát gồm:

  • Nhà hát Tuồng Việt Nam;
  • Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế.
  • Nhà hát Tuồng Đào Tấn;
  • Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh
  • Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội Tp. HCM
  • Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa;
  • Đoàn Tuồng thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa
tải xuống (1)

Hình ảnh bìa vở cải lương Tiếng trống Mê Linh

Cải lương: loại hình kịch hát hình thành ở miền nam Việt Nam dựa trên cơ sở đờn ca tài tử, dân ca vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ và sau này ảnh hưởng thêm lối diễn xuất của thoại kịch phương tây. So với chèo, tuồng thì cải lương xuất hiện muộn hơn. Năm 1920 lần đầu tiên cụm từ cải lương được đưa lên sân khấu do đoàn hát Tân Thịnh.

Đặc điểm của cải lương: các nhân vật ca, diễn xuất (khóc, cười, gằn,...biểu hiện rõ nét đúng tâm trạng của nhân vật). Nội dung cải lương phong phú bao gồm cả thể loại của chèo, tuồng và cả những vở miêu tả cuộc sống hiện tại. Trang phục của cải lương thì phong phú gồm các loại trang phục cung đình, dân gian, hiện đại,... Cải lương thì nghệ sĩ chỉ hóa trang, trang điểm chứ không vẽ mặt như tuồng. Đặc trưng của cải lương là ca kịch (tức tác giả soạn lời ca chứ không sáng tác nhạc mà nhạc là các điệu lý, bài bản có sẵn). Dàn nhạc của cải lương gồm dàn nhạc cổ (đàn bầu, đàn tranh, đàn kìm,đàn cò,..) và dàn nhạc tân (bộ hơi là dàn kèn, trống jazz, piano, guitar thường và guitar phím lõm).

Các vở cải lương nổi tiếng: Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt, Tiếng Trống Mê Linh, Bên Cầu Dệt Lụa,...

Các nghệ sĩ cải lương tụ lại thành gánh hát sẽ đi phục vụ ở những làng xóm nhất là sau mùa thu hoạch, biểu diễn ở các lễ hội hoặc khi có yêu cầu ở các địa phương do tư nhân mời về. Ngày nay thì có các nhà hát cải lương tập trung các đoàn cải lương trong cùng một địa phương như nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hoặc các đoàn cải lương tỉnh, thành như đoàn cải lương Hậu Giang, đoàn cải lương Bạc Liêu,...

Trên đây là những chia sẻ về 3 loại hình nghệ thuật sân khấu biểu diễn của Việt Nam. Nếu có gì sai sót hoặc chưa đầy đủ mong sự đóng góp của các bạn trong diễn đàn. Bài viết có sự tham khảo một số nguồn và hình ảnh trên mạng.

Từ khóa: 

chèo

,

cải lương

,

văn hóa dân tộc

,

đặc trưng văn hóa

,

tuồng

,

văn hóa