Chê bai tiền nhân có phải là giỏi?
Giang hồ nhàn thoại
1. Hồi lâu có thấy ông chú kia tự nhận là có tài làm thơ số 1 VN, ai không tin sẵn sàng thi thố. Chú này suốt ngày chê truyện Kiều, phân tích nhiều bài ngàn chữ... lại đòi đấu thơ với Nguyễn Du. Mình đọc thơ của chú viết, thấy cũng hay, mà không biết khác biệt ở chỗ nào. Mỗi chuyện chú đòi đấu thơ với cụ Nguyễn Du ấy là mình thấy hài quá trời. Một tác phẩm gần 200 năm tuổi rồi, một nhà thơ sống ở 200 năm trước, giờ này đem ra để chê bai, đòi thi nữa? Sao chú hông lùi thêm vài trăm năm, khi đó các cụ còn chưa biết chữ, chú biết quá trời chữ là chú khỏi thi luôn, trùm luôn!
2. Hôm qua là ngày sinh của cụ Trịnh Công Sơn. Cũng hồi lâu rồi, mình có đọc một số bài chê nhạc của cụ là đơn điệu về phần nhạc, có vài nốt lặp đi lặp lại, chỉ được phần lời khó hiểu vân vân... Tác giả lại còn dẫn ra nhiều nhạc sĩ cũng viết lời như cụ Trịnh, mà phần nhạc còn sáng tạo hơn. Nhìn chung câu hỏi cũng là không hiểu vì sao nhạc của cụ lại nổi đến vậy?!
3. Lại còn có hẳn một trào lưu chê bai, "sửa lưng" các giai thoại dân gian, truyện cổ tích, kiểu như chiếc giày của lọ lem như nào, Tấm trả thù như nào như nào.. Vụ này thì có điều hợp lí ở chỗ nếu dùng để dạy cho trẻ con thì nên biên soạn cho phù hợp với tâm lý xã hội hiện đại, cắt bỏ những chi tiết bạo lực, không nhân văn, vân vân..
Mình học Lý dở lắm, nhưng vẫn luôn nhớ là khi xem xét hay so sánh bất kỳ điều gì đều phải có một hệ quy chiếu nhất định. Dùng hai hệ quy chiếu khác nhau, hoặc không có hệ quy chiếu nào khi so sánh hai vấn đề theo hướng có lợi cho mình đơn giản là chuyện tào lao. Mọi thứ muốn hiểu đúng đâu chỉ có biểu hiện mà còn là bối cảnh xã hội và nhiều thứ khác..
Đời sau giỏi hơn đời trước là chuyện đáng mừng, đáng vui nhưng chê bai tiền nhân thì thật đáng cười vậy.
Hiểu biết và lý luận giỏi là tốt, nhưng cao hơn vẫn là chấp nhận. Chỉ ra điểm sai cũng giỏi đó, nhưng khó hơn vẫn là công nhận điểm tốt của nhau.
GATO thì ngon ngọt, ăn nhiều thì mất đẹp :))