Cây sấu của ông bà nội
Đặt chân bước từng bước trở về lại ngôi nhà xưa yêu dấu, nơi lần đầu tiên tôi gắn bó ngay từ khi có mặt trên thế giới này trong một buổi trời đông lạnh giá buốt, gió đưa những ngón tay đan vào từng chân tóc. Căn nhà vẫn ở đó từ khi ông bà ra đi, nhưng bên trong đã trống rỗng chẳng còn gì, chỉ còn lại những bức bích hoạ từ xưa rất xưa ông nhờ hàng xóm vẽ lên để trang trí: hình cô gái bên gốc cây dừa, hình những chiếc thuyền trở về trong một buổi chiều hoàng hôn cam tím thinh tĩnh, hình cây đào hồng hồng, cây mai vàng ấm,…Tất cả được phủ lên một màu nâu của bụi bặm, của thời gian. Tới bây giờ, chẳng ai còn sử dụng ba gian nhà nhỏ ấy nữa, nó chỉ ở đó như một kỉ niệm đẹp trong trí nhớ, trong khối óc của mọi người.
Mọi thứ dường như trở lên mơ hồ, rồi vỡ oà khi biểu tượng của tuổi thơ tôi “cây sấu” đã bị đốn hạ. Chỗ ấy, nơi ấy, cây sấu vững chãi đã không còn, chỉ còn trơ trọi cái gốc to đùng với một khoảng không trống vắng. Cây vẫn còn đâu đó những dòng nhựa rỉ lại, đóng thành cục như một vết thương. Khoảnh khắc ấy, thời gian như dừng lại, mọi thứ dường như đứng im, trái tim tôi hẫng đi. Một sự mất mát to lớn đến mức bộ não của tôi căng ra nhưng lại chẳng nghĩ được gì, một khoảng trắng xoá. Giây phút tôi cảm thấy hồn mình “chết đi một nửa linh hồn”. Sờ vào gốc cây, tất cả mọi thứ như một thước phim quay chậm, tái hiện lại trước mắt tôi hết sức chân thực về cuộc sống, về tuổi thơ vài chục năm trước.
Khi tôi chừng ba bốn tuổi, tôi và bố mẹ sống chung với ông bà nội trong một ngôi nhà ba gian nho nhỏ với một chiếc sân cực bê tông rất lớn. Đầu hồi nhà là một cây sấu cổ thụ rất to, lũ trẻ chúng tôi chẳng biết cây sấu đã trồng được bao nhiêu năm, chỉ biết nó ở chỗ đó từ hồi các cụ, từ khi sinh ra cây sấu đã ở đó. Nó to, to lắm, thân cây to tới mức cả 2 đứa trẻ nắm tay nhau quàng qua cũng chưa hết được. Tôi vẫn thường lấy tay ôm lấy và dựa cả người vào thân cây to sụ, sần sùi theo năm tháng, cái cảm giác được dựa dẫm, cảm giác chắc chắn không thể nào lay chuyển được tạo ra một sự yên tâm và ấm áp, như một bảo vệ tuổi thơ của tôi vậy đó. Cây sấu như một người bạn vững chãi luôn ở bên cạnh tuổi thơ của chúng tôi, chứng kiến từng sự kiện trong thời thơ ấu đó.
Cây sấu có một tán lá to “thật là to”, nếu mọi người thường so sánh tán cây như một chiếc ô lớn thì có lẽ cây sấu của tôi phải giống như một chiếc khinh khí cầu khổng lồ khi nhìn từ xa, bởi nó lớn và toả tròn tán chứ không chỉ vẻn vẹn tán lá ở phía trên. Bóng của nó có thể bao chùm cả một nửa chiếc sân bê tông rộng của nhà ông bà. Nó cứ ở đấy như một chàng trai si tình theo đuổi một cô gái suốt bốn mùa: xuân, hạ, thu đông rồi lại xuân. Cứ thế hết năm này qua năm khác. Mùa hè tới, những tia nắng chào sân từ sáng sớm, chúng mang theo những hơi thở ấm áp, xua tan không khí lạnh lành vào buổi đêm. Chúng len lỏi qua từng kẽ lá, chiếu xuống sân tạo thành những hoạ tiết vui nhộn như dệt lên một tấm vải với nhiều hoa văn độc đáo. Niềm vui của lũ trẻ lúc ấy là lấy tay “tóm” những tia nắng chiếu dài như thể đã bắt được những tia nắng, cho chúng nhảy nhót vào trong lòng bàn tay. Chúng tôi, những đứa trẻ trải chiếu xuống sân, thảnh thơi, đứa ngồi, đứa nằm, rồi ngắm nhìn những hoa văn in trên sân, tưởng tượng ra đủ thứ đồ vật, con vật, sau đó lấy mảnh ngói đỏ vẽ ra hàng loạt những hình thù “chẳng ai hiểu là gì, chỉ chúng mới hiểu”. Mãi tới sau này, muốn tìm lại cái không khí ấm cúng ấy, muốn nhìn lại giai đoạn ấy một lần nữa cũng chẳng được. Mới quay mặt đi vài giây, ngoảnh lại đã là một khoảng thời gian quá dài.
Mùa xuân, lá sấu non mọc ra mươn mướt, nhìn vào màu xanh của lá cũng thấy được sự yêu đời, nhựa sống tràn trề tới tận từng gân lá. Lá sấu non chua nhưng ăn ngon lắm. Rửa sạch chấm với một tí muối bột canh thì chỉ có suýt xoa. Mùa lá mơn mởn ấy rồi cũng đến lúc chuyển sang các giai đoạn khác, mọi vật trên trần gian đều vận động, đó là quy luật. Những chiếc lá sấu dần chuyển sang vàng rồi rụng xuống, khô đi và thực hiện đủ hết các sứ mệnh của nó trên cõi đời. Những chiếc lá sấu khô vẫn cố gắng tạo mùn cho đất, tạo chỗ ở cho nhiều loại côn trùng nhỏ bên dưới. Lật đám lá rơi dưới đất ẩm ướt là cả một thế giới côn trùng thu nhỏ, chẳng biết loại nào với loại nào. Lũ trẻ thì cầm que chọc linh tinh, chúng chẳng biết sợ một chút nào cả. Một đàn kiến chạy tán loạn, một đàn côn trùng khác chẳng biết là gì cũng tan đàn. Thế mà, lũ trẻ lại khúc khích cười, chẳng hiểu chúng cười gì.
Mùa này, tiết trời mát mẻ, một chiều tình cờ lang thang trên phố, những cây sấu xếp hàng lại dựng lên trong tôi những tháng ngày xưa cũ. Mùa này, hoa sấu nhuộm trắng cả một góc trời. Còn trong kí ức chập chờn của tôi về thời thơ ấu, hoa sấu trăng trắng, xinh xinh rung rinh trong những đợt gió nhẹ lùa tới. Cả một khoảng trời hoa sấu tạo ra sự dịu dàng, lãng mạn cho cả một mùa. Hoa nhiều đến mức mỗi lần rụng xuống lại ào ào như những hạt mưa rào, nhanh chóng đến, đổ xuống trần gian rồi lại đi đâu mất.
“Mưa hoa sấu” làm những đứa trẻ vừa thích thú nhưng cũng cực lắm mỗi lần ông, bà quét sân. Ông nội, với bộ râu tóc bạc phơ, cái lưng dài và dáng người cao gầy lom khom cúi xuống quét tới cả nửa tiếng mới sạch hết cả một sân toàn hoa sấu. Nhưng cái mùi hoa dịu nhẹ, thư thái như làm tan đi cái sự mệt. Chậm lại một chút, khuôn mặt hiền từ với râu tóc bạc phơ ấy, nụ cười hiền hậu ấy, ánh mắt ấm áp ấy lại như hiện ra trước mắt của tôi. Đã nhiều năm thế mà khi hồi tưởng lại, từng chi tiết vẫn cứ sống động và chân thực như thế. Ông tôi mặc chiếc áo màu xanh thiên, chiếc quần nâu đã bạc phếch màu, cầm chiếc chổi que…Tất cả những kỉ niệm ấy tôi chỉ biết cầm một sợi dây, bó chặt lại rồi kéo mạnh về phía tôi để lưu giữ lại. Tôi không muốn một ngày nào đó, những bó kí ức ấy chợt biến mất. Rồi tôi sẽ là ai? Cảm xúc ấm áp của tôi sẽ đi về đâu. Sự trống vắng càng ngày càng rõ nét theo từng con chữ…Tôi nhớ những ngày tháng ấy quá.
Mùa sấu tới, cây sấu đầy ắp quả, kết thành từng chùm, từng chùm. Bọn trẻ đứng dưới chỉ biết nhìn lên cao, rồi chờ đến lúc ông bà gọi người mua sấu tới hái thì đứng dưới mót. Hoặc cứ đến cuối mùa, những quả sấu còn xót lại, chín mọng, vàng ươm rơi xuống gốc. Mấy đứa nhỏ lại nhặt lên, nhờ ông cắt ra rồi chấm muối, chấm đường. Ngon lắm! Vị ngọt ngọt chỉ hơi hơi chua một tí,một thức ngon lịm tim. Thứ quả ngòn ngọt, chua chua ấy như một thức quà xa xỉ thời kỳ khó khăn khi mà có đủ gạo ăn thôi cũng là một vấn đề.
Gốc cây sấu chứng kiến biết bao trò vui của những đứa trẻ, nào là chơi đồ hàng lấy gốc sấu làm nhà, nào là chơi nhảy dây buộc dây vào gốc sấu…Chúng tôi và cây sấu đã tạo ra những khoảnh khắc đẹp trong đời nhau như thế. Cây sấu chẳng khác gì một người bạn tuổi thơ, chứng kiến chúng tôi, những đứa trẻ dần dần lớn lên. Nó cứ đứng đó mãi đến sau này, khi chúng tôi dần lớn lên, đi học và bắt đầu cuộc sống của tôi. Nó vẫn đứng chờ chúng tôi ở đó, cùng với ông bà nội. Bây giờ, tất cả những hình ảnh về cây sấu, về ông bà nội đã thuộc về ký ức mất rồi. Cây sấu vẫn đang làm nhiệm vụ của nó ở một nơi khác. Nó vẫn vững chãi và rắn rỏi…bên cạnh ông bà.