Cấu trúc nhà ở của người Bru Vân Kiều?
văn hóa
Nhà của người Bru là nhà sàn hai mái, lợp bằng lá mây hoặc lá cọ, nhưng cũng có nơi (thường là nhóm Vân Kiều) nhà làm mái tròn. Kích thước ngôi nhà lớn hay nhỏ phụ thuộc vào gia đình giàu hay nghèo. Tuy nhiên, mọi ngôi nhà đều có 2 cửa chính, một chủ yếu dành cho nữ, một cho nam và khách nam. Cách bố trí trong nhà tuân theo một nguyên tắc nhất định.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Phạm Hoàng
Nhật Lê
Trước đây mình đã có dịp tham quan và tìm hiểu nhà của người Bru Vân Kiều trong một chuyến công tác. Chỗ mình đi là vùng núi Quảng Trị, đường đi hơi khó khăn một tí. Sau khi đi tham quan mình cũng phải viết báo cáo về người Bru Vân Kiều nữa, đề tài mình chọn cũng là cấu trúc nhà của người Bru Vân Kiều nữa. Mình cung cấp thêm một vài thông tin sau, hy vọng nó sẽ có ích cho bạn
Theo như mình tìm hiểu ấy thì người ta sẽ phải chọn vị trí đắc địa để dựng nhà sàn, thường thì sẽ ở nơi lưng tựa vào núi, mặt hướng ra khe suối. Núi được coi giống như bức bình phong che bão tố, còn suối giống như điều tiết sự sinh sôi. Người Bru Vân Kiều có một phong tục rất hay đó là khi đứng ở miếng đất ưng ý, gia chủ dùng 8 hạt gạo nếp thơm, tượng trưng cho 8 cột cái của ngôi nhà sàn, bỏ vào một đoạn ống nứa rồi đem chôn tận ba ngày. Khi làm việc này thì phải hết sức thành tâm, gạo sau khi đào lên mà vẫn y nguyên thì được phép dựng nhà, còn khi gạo bị sứt vỡ, mất mát thì phải bắt buộc tìm lấy một địa điểm khác. Đồng bào kỵ nhất làm nhà ngoảnh mặt ra hướng Tây, theo quan niệm là hướng của ma quỷ, hướng để chôn cất người chết...
Sau khi chọn được mảnh đất ưng ý thì họ sẽ tiến hành xây cất nhà cửa. Bản nào quần tụ dọc sông suối thì nhà sàn sẽ dựng theo thứ tự hộ trước, hộ sau ngay hàng thẳng lối, còn ở những vùng đất bằng phẳng thì trước hết phải ưu tiên nền đất cao ráo nhất để làm ngôi nhà cộng đồng, còn dân bản sẽ sống quây quần thành vòng tròn quanh mái ấm đó. Như người Kinh, đồng bào Vân Kiều cũng kiêng kỵ các nóc nhà "đấu" vào với nhau.
Lo xong nền nhà, họ sẽ tiếp tục chọn gỗ làm nhà. Ngoài việc không được động vào cây cối ở rừng ma, khi lấy gỗ ở bất cứ đâu cũng phải xin phép Giàng, trưởng bản và nhà chức trách. Cột thờ ma chính là bộ phận quan trọng nhất của ngôi nhà sàn nên được soi xét kĩ càng. Họ bổ một nhát rìu thật sâu vào cây gỗ được chọn rồi để qua đêm, nếu sáng mai rìu còn nguyên dạng trên cây là Giàng đồng ý, còn rơi xuống thì ngược lại.
Có cả việc xin thần linh báo mộng cho gia chủ những giấc mơ đẹp về cây gỗ sắp làm cột ma đó nữa. Nếu đêm ấy, giấc ngủ gặp ác mộng hay không mơ thấy gì hết thì họ sẽ bỏ qua cây gỗ đó. Đốn gỗ về làm nhà mà bị vướng vào loài cây khác đồng bào cũng bỏ cây gỗ lại ngay, bởi nếu mang về mọi việc sau này sẽ không được suôn sẻ.
Thời gian để dựng nhà sàn được đồng bào lựa chọn vào các ngày 5, 15, 25; 6, 16, 26 và 8, 18, 28 trong tháng. Có 3 tháng trong năm mà người Vân Kiều thường nhắc nhở nhau không nên dựng nhà: Đó là tháng giêng, xuân về, mùa lễ hội, tháng 8, vào mùa mưa bão và tháng chạp, thời điểm cần được nghỉ ngơi sau một năm lao nhọc. Nhà làm vào 3 tháng này sẽ bị thần linh quở mắng và không được đồng loại giúp sức.
Khi dựng nhà sàn, người Vân Kiều sẽ dựng cột thờ ma lên đầu tiên và đây sẽ là bộ phận bất di bất dịch dẫu ngôi nhà có nhiều lần sửa chữa sau này. Với kiến trúc 4 vài, 3 gian, họ dựng 2 vài giữa trước rồi mới đến 2 vài 2 đầu. Mái nhà sàn được đồng bào lợp bằng lá tranh, lá cọ. Tiếp đến là công đoạn đóng trần thượng, sàn gỗ để hoàn thiện ngôi nhà. 3 gian của ngôi nhà ứng với 3 buồng, trong cùng bên trái là buồng sinh hoạt của vợ chồng và con nhỏ, buồng giữa là của những đứa đã trưởng thành, còn buồng ngoài cùng bên phải là nơi nghỉ ngơi của ông bà.
Mỗi căn buồng đều được bố trí cửa chính dành cho đàn ông, còn lối đi của phụ nữ là cửa phụ. Cầu thang của ngôi nhà sàn bao giờ cũng đặt ở vị trí ngoài cùng bên phải, thuận tiện lên xuống cho cả khách và chủ. Đồng bào Vân Kiều bố trí 2 bếp lửa trong căn nhà sàn, một ở gian trung tâm để cúng tế, thắp hương, một ở chái bếp để nấu nướng. Dần dà bếp lửa ở gian giữa được đồng bào bỏ đi để thuận tiện hơn trong tiếp khách và sinh hoạt.
Có một điều mà người Vân Kiều rất kiêng kị đó là lời qua tiếng lại hay hỗn phép với thợ dựng. Lúc mình đi thì họ có kể rằng đã xảy ra trường hợp mâu thuẫn chủ - thợ mà cột thờ ma đã bị “bỏ bùa” do người thợ cả đóng đinh hoặc vấy bẩn lên đó, dẫn đến chủ hộ tán gia bại sản. Mình nghe xong mà nổi da gà luôn ấy.
Trước khi dọn về ở ngôi nhà mới, người Vân Kiều tiến hành nhiều lễ nghi bắt buộc trong đó có tục cúng trâu. Khi 2 đầu nóc ngôi nhà sàn được đồng bào gắn hai cái sừng trâu hướng vào nhau là khi đồng bào báo với tổ tiên mọi sự đã hoàn tất, cũng như xác tín rằng, từ đây ngôi nhà sàn này sẽ được Giàng bảo hộ, chở che nên hy vọng được bình an, vững chãi trước sức mạnh tự nhiên.
Nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều thể hiện phong tục dựng nhà độc đáo, nhà có cấu trúc đơn giản, dễ dựng lợp và vững chãi trước thiên nhiên khắc nghiệt, phù hợp với địa hình, môi trường vùng đồi núi, luôn bảo đảm tiêu chí “đông che, hè thoáng”. Ngôi nhà sàn chính là nét phong tục truyền thống tốt đẹp, là ý niệm tâm linh lâu đời, là yếu tố văn hóa tất yếu không thể đánh đổi của người Vân Kiều.
Mình thấy đây là một nét đẹp truyền thống của người Vân Kiều, không thể trộn lẫn với các văn hóa khác. Truyền thống này cần được biết đến rộng rãi hơn nữa. Ngoài ra thì mình cũng thấy người Vân Kiều cũng có những truyền thống vô cùng độc đáo khác như văn hóa thờ cúng này, trang phục hay các làn điệu ca hát cũng rất thú vị. Mình đi tham quan mà rất được mở mang tầm mắt luôn đó. Nếu được thì mình nghĩ bạn nên đến thăm nhà người Bru Vân Kiều một lần cho biết he😀