Câu hỏi dạy học hiểu văn bản trong môn ngữ văn
kiến thức chung
Lí luận giáo dục hiện đại nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách là người tham gia chủ động, trực tiếp vào quá trình dạy học để tìm kiếm kiến thức và lĩnh hội kỹ năng dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhưng để người học có thể phát huy tối đa vai trò của mình thì các nhà giáo dục phải xây dựng được một môi trường giáo dục giúp học sinh có thể sử dụng năng lực tư duy ở mức tối đa. Môi trường ấy sẽ được xây dựng bằng các hoạt động tương tác giữa giáo viên với học sinh và giữa học sinh với nhau mà hệ thống câu hỏi là công cụ quan trọng để “kích hoạt” và dẫn dắt những hoạt động tương tác đó. Việc sử dụng câu hỏi trong những tình huống dạy học nhất định sẽ đòi hỏi học sinh phải vận dụng các thao tác tư duy như phân tích, so sánh, phán đoán, suy luận, đánh giá và giải quyết vấn đề. Qua quá trình giải quyết vấn đề, học sinh vừa lĩnh hội kiến thức, hình thành kỹ năng vừa rèn luyện tư duy.
Vì câu hỏi có một vai trò quan trọng như thế nên có thể nói chất lượng cũng như khả năng thành công của một bài học và một giờ dạy sẽ được quyết định chủ yếu qua hệ thống câu hỏi. Bài học ấy, giờ học ấy đã thật sự phát huy được tính tích cực của người học hay chưa; mục đích của bài học ấy, giờ học ấy có hướng đến phát triển năng lực hay không, về căn bản là do hệ thống câu hỏi quyết định. Do đó, khả năng thành công của việc thay đổi chương trình theo hướng tiếp cận năng lực sẽ phụ thuộc nhiều vào nhận thức về bản chất và mục đích của hệ thống câu hỏi cũng như năng lực thiết kế những câu hỏi này của các nhà biên soạn sách giáo khoa và giáo viên đứng lớp.
Câu hỏi dạy đọc hiểu văn bản cũng chịu sự chi phối từ những nguyên tắc chung khi thiết kế câu hỏi trong dạy học, chẳng hạn như phải phát triển được năng lực tư duy của người học theo 6 mức độ trong thang nhận thức của Bloom (1951): nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, tổng hợp, đánh giá. Tuy nhiên câu hỏi trong dạy đọc hiểu còn phải thể hiện đúng đặc trưng môn học của mình. Nói cách khác, hệ thống câu hỏi đọc hiểu phải phản ánh đúng bản chất của giờ đọc hiểu văn bản.
Có nhiều quan niệm khác nhau về khái niệm đọc. Ví dụ như:
– “Đọc là tiến trình tạo nghĩa từ văn bản viết. (…) Trong quá trình tạo nghĩa từ văn bản, người đọc kết hợp những gì họ biết về thế giới, về đề tài của văn bản, về cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản, và cái cách mà ngôn ngữ nói có liên quan đến những ký tự, từ ngữ, yếu tố hình ảnh và những kí hiệu trên trang sách.”
– Đọc là “thăm dò, thám hiểm những chân trời/ cách hiểu có sẵn. Đó là sự khám phá những cảm xúc, những mối quan hệ, lý do/ động cơ, những phản hồi, gợi nhớ lại những gì ta biết về con người, về cuộc đời. (…) Như vậy, qua quá trình đọc (thậm chí là sau khi chúng ta đóng quyển sách lại) ý tưởng, suy nghĩ của chúng ta về văn bản vẫn thay đổi và nảy sinh.” Dù có nhiều cách hiểu khác nhau về hoạt động đọc nhưng các quan niệm ấy vẫn có những điểm chung. Chẳng hạn như hầu hết đều xác định người đọc không chỉ có vai trò giải mã ý nghĩa kí gửi trong văn bản mà còn giữ vai trò kiến tạo nghĩa(tạo ra nghĩa mới) cho văn bản. Để thực hiện vai trò trên, sự tương tác giữa các yếu tố như người đọc, văn bản và bối cảnh xã hội của hoạt động đọc phải được tổ chức trong quá trình đọc. Trong đó, kiến thức nền được đặc biệt chú ý, vì đây là mối dây liên kết cơ bản giữa người đọc và văn bản tạo nền tảng để người đọc đi sâu vào văn bản và cũng là để kích thích hứng thú, sự quan tâm của người đọc với văn bản.
Câu hỏi trong giờ dạy đọc hiểu văn bản phải được xây dựng trên cơ sở quan niệm như vậy về bản chất của hoạt động đọc. Ví dụ như câu hỏi phải tạo điều kiện để học sinh thực sự trở thành người chủ động giải mã ý nghĩa cũng như khuyến khích các em kiến tạo nghĩa cho văn bản. Hoặc hệ thống câu hỏi ấy phải tạo ra được môi trường tương tác giữa các yếu tố như văn bản, người đọc và bối cảnh xã hội của hoạt động đọc; phải khơi gợi được kiến thức nền trong quá trình đọc. Nếu được thiết kế đúng theo tinh thần đó thì hệ thống câu hỏi mới có thể trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho học sinh cũng như giúp các em hình thành năng lựcChuẩn đầu ra của chương trình giáo dục được xây dựng theo định hướng năng lực là năng lực cho người học. Đối với những bài học đọc hiểu văn bản thì năng lực chính cần hình thành và phát triển cho người học là năng lực đọc hiểu. Năng lực này sẽ là trục định hướng cơ bản trong quá trình thiết kế bài học, chi phối việc lựa chọn đơn vị kiến thức và nội dung sẽ được khai thác ở văn bản theo hướng minh họa và làm rõ cho qui trình vận dụng một năng lực cụ thể vào quá trình đọc hiểu. Hệ thống câu hỏi đọc hiểu văn bản của sách giáo khoa California đã được thiết kế theo tinh thần đó.
Mỗi bài đọc hiểu trong sách giáo khoa California đều định hướng hình thành và rèn luyện cho học sinh một kỹ năng nhất định và gần như toàn bộ nội dung bài học, đặc biệt là hệ thống câu hỏi sẽ hướng đến việc rèn luyện kỹ năng ấy theo cách cho thấy rõ việc sử dụng kỹ năng đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả đọc hiểu. Các phần của bài học liên kết với nhau theo trục chính là năng lực cần hình thành cho người học qua bài học ấy. Do đó hệ thống câu hỏi đọc hiểu của họ cũng tập trung hướng đến việc phát triển năng lực đọc hiểu cho người học. Ở đây, trong phạm vi của một bài báo, chúng tôi sẽ phân tích sự thể hiện đặc điểm này qua hệ thống câu hỏi của một bài học cụ thể:
Trong bài “The most dangerous game” (Richard Connell), năng lực chính cần hình thành cho người học là năng lực dự đoán, vì thế nội dung ở phần Literary Focus (Tiêu điểm văn chương) của bài học này là “Những dấu hiệu của sự báo trước”: “…đó sẽ là những đầu mối gợi ý về những sự kiện sẽ xảy ra ở phần sau của câu chuyện.” Sau đó ở mục Reading Skills (Kỹ năng đọc), sách giáo khoa hướng đến việc rèn luyện cho người học năng lực giải mã những dấu hiệu báo trước để hình thành năng lực dự đoán về những sự kiện sẽ xảy ra trong quá trình đọc. Việc rèn luyện này được rải đều ở cả ba chặng của quá trình đọc: Trước khi đọc, Trong khi đọc và Sau khi đọc, và hệ thống câu hỏi hướng đến việc phát triển kỹ năng cũng được thiết kế ở cả ba chặng ấy. Cụ thể như sau:
– Trước khi đọc, mục Reading Skills (Kỹ năng đọc) đã đưa ra những hướng dẫn người đọc sử dụng kỹ năng dự đoán trong suốt quá trình đọc như sau: “ … Sự dự đoán là một loại suy luận được thực hiện dựa trên những chứng cứ. Một số chứng cứ mà người đọc có thể dựa vào đó để đưa ra những dự đoán là: những manh mối mà người viết đã tạo ra, những trải nghiệm của người đọc về cuộc sống, những hiểu biết của người đọc về cách phát triển của những câu chuyện.
Trước khi bạn bắt đầu đọc một câu chuyện phiêu lưu nổi tiếng, hãy đọc nhan đề của nó một lần nữa. Bạn đoán xem nhan đề của câu chuyện có thể mang ý nghĩa gì. Hãy so sánh sự dự đoán của bạn với những bạn khác cùng lớp. (Bạn có thể có bao nhiêu sự suy luận khác nhau về ý nghĩa của từ “game”?). Sau đó, khi bạn đọc, hãy dừng lại ở những chỗ có ký hiệu hình quyển sách mở cuối mỗi đoạn và tiếp tục dự đoán.”
– Trong khi đọc: những câu hỏi ở phần này không có mục đích kiểm tra kết quả đọc hiểu mà thường là những câu hỏi có tính chất hướng dẫn người đọc sử dụng kỹ năng đã được xác định ở phần Reading Skills (Kỹ năng đọc) vào việc giải mã ý nghĩa của văn bản. Do vậy, những câu hỏi này được xem như những ví dụ minh họa để người đọc nhận biết cách vận dụng cụ thể kỹ năng vào quá trình đọc hiểu. Chẳng hạn như: “Hòn đảo ấy vốn có tiếng xấu từ trước. Bạn đoán xem nó đóng vai trò gì trong câu chuyện này?” “Những nhận xét của Zaroff về người Cossack cho chúng ta biết anh ta sẽ cư xử như thế nào ở phần sau của câu chuyện?” “Bạn đoán xem trò chơi nguy hiểm nhất ở đây là gì.” “Hãy suy nghĩ về những thông tin được thể hiện ở phần đầu của câu chuyện. Zaroff làm sao có thể tìm được người để săn đuổi?” “Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của Zaroff?” “Zaroff sẽ nhận ra Rainsford trên cây hay không?” “Bị mắc kẹt giữa một bên là người săn đuổi trí mạng và một bên là biển, Rainsford nhảy xuống. Trò chơi như vậy có kết thúc không? Ai sẽ là người thắng cuộc?” lớn đây đều là những câu hỏi mở. Những câu hỏi dạng này có tác dụng kích thích khả năng dự đoán của người đọc và làm tăng sự hứng thú đối với việc đọc văn bản. Không những thế, chúng còn hướng dẫn người đọc biết cách sử dụng và phát huy năng lực dự đoán trong suốt quá trình đọc. Mục đích chính của hệ thống câu hỏi này rõ ràng hướng đến việc hình thành và phát triển kỹ năng chứ không chỉ hướng đến việc tìm hiểu nội dung của văn bản.
– Sau khi đọc: những câu hỏi được dùng cho giai đoạn Sau khi đọc trong sách giáo khoa California được biên soạn tập trung ở phần Literary Response and Analysis (tạm dịch là Sự phân tích và phản hồi văn chương) với những nội dung cụ thể như: Reading check (Kiểm tra đọc), Interpretation (Hiểu), Evaluation (Đánh giá) và Writing (Viết). Hệ thống câu hỏi ở phần này được thiết kế theo đúng mục đích của từng tiểu mục nhưng vẫn hướng đến việc phát triển năng lực cho người học.
Ở phần Reading check (Kiểm tra đọc), câu hỏi chủ yếu được dùng để kiểm tra mức độ đọc kỹ, đọc chi tiết, chứ chưa phải là mức độ hiểu của người đọc, do đó mức độ đánh giá chỉ dừng lại ở việc nhận biết và tái hiện. Đây sẽ là yêu cầu tiên quyết đưa đến việc hiểu nội dung của văn bản. Có một điều đáng lưu ý là hệ thống câu hỏi ở phần này thể hiện tính tích hợp khá rõ với chủ điểm của từng chương sách. Trong sách giáo khoa California, ở từng chương học sinh được làm quen với những kiến thức lý luận văn học cụ thể, việc lựa chọn văn bản để giảng dạy ở chương đó cũng phải hướng đến việc minh họa cho sự thể hiện của đơn vị kiến thức ấy. Đối với sách giáo khoa California, những hiểu biết về đơn vị kiến thức ấy phải được cung cấp song song cùng với việc trang bị cho người học kỹ năng sử dụng kiến thức phục vụ cho quá trình đọc hiểu. Đó cũng là một trong những mục đích hướng đến của chương trình theo định hướng phát triển năng lực.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Công Bạch Hà