Câu chuyện học tiếng Anh của tôi

  1. Kỹ năng mềm

https://cdn.noron.vn/2020/09/01/8704136953893112-1598929269_512.jpg

Học tiếng Anh, giao tiếp được bằng tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh trong công việc và cuộc sống là một trong những mục tiêu mà mình đặt ra trong hành trình thay đổi bản thân năm 2020. Để hiện thực hoá được mục tiêu này mình bắt đầu đi tìm hiểu các chương trình học tiếng Anh, học hỏi kinh nghiệm và cả “nhờ vả” những người bạn học – dạy tiếng Anh của mình. Và rồi duyên lành đã cho mình được biết đến nhiều người bạn tốt, những người sẵn sàng làm mentor, support cho mình trong quá trình học với những phương pháp dạy học hiệu quả và chương trình, giáo trình phù hợp. Cho đến nay mình đã duy trì được việc học tiếng Anh hàng ngày hơn 5 tháng, trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: vui, buồn, hy vọng, thất vọng, nản chí, bế tắc…và cả niềm vui, niềm hạnh phúc với những kết quả bước đầu đã đạt được. Nhưng điều quan trọng nhất là mình đã tìm ra động lực, cảm hứng học tiếng Anh cũng như phương pháp, cách thức học phù hợp. Bài viết này mình muốn chia sẻ hành trình học tiếng Anh của mình với hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những bạn nào (và nhất là các bạn sinh viên) đang lo lắng, sợ hãi trước mỗi kỳ thi tiếng Anh hay cảm thấy loay hoay, bế tắc, không biết học tiếng Anh ra sao cho hiệu quả. Thông điệp mà mình muốn gửi gắm là: tiếng Anh không khó như bạn tưởng, chỉ cần bạn quyết tâm, kiên trì, đều đặn học mỗi ngày nhất định bạn sẽ có được “hoa thơm trái ngọt”. 

Trước đó mình đã học tiếng Anh như thế nào? 

Hành trình học tiếng Anh của mình bắt đầu từ khi năm lên lớp 6 cho đến tận bây giờ. Trong suốt hơn 20 năm đó mình đã học ở rất nhiều các lớp học, trung tâm khác nhau: từ các lớp học ở trường phổ thông (từ lớp 6 đến lớp 12) cho đến các trung tâm dạy tiếng Anh của người Việt và người nước ngoài, tham gia các chương trình luyện thi, ôn thi ở các cấp học (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ), tìm kiếm và học các thầy dạy có tiếng ở Hà Nội để học. Nhớ thời sinh viên qua lời giới thiệu của bạn bè mình đã từng đạp xe lên tận Đường Thành rồi qua Huỳnh Thúc Kháng để đi học tiếng Anh…Nhưng dù đầu tư rất nhiều thời gian, tiền của, công sức thì tiếng Anh của mình vẫn vô cùng lẹt đẹt, học rồi lại quên, không thể giao tiếp hay sử dụng được trong công việc và cuộc sống. Cú “sốc” gần đây nhất của mình là khi tham dự một hội thảo quốc tế với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nước ngoài khi mà ngôn ngữ sử dụng trong hội thảo 100% là tiếng Anh, mình đã không thể nghe được, không thể nói được, chỉ biết “cười trừ”, vỗ tay theo (thú thực khi đó mình cảm thấy thật bẽ bàng). Đó có lẽ là một trong những lý do/động lực đã thôi thúc mình cần phải học lại tiếng Anh ngay từ đầu (bên cạnh rất nhiều lý do khác). Mình bắt đầu hành trình học lại tiếng Anh bằng việc đi tìm nguyên nhân tại sao mình học kém tiếng Anh và lý do là: 

Mình đã coi tiếng Anh cũng giống như bất kỳ một môn học nào khác, học để đi thi lấy điểm số cao, lấy chứng chỉ, văn bằng xong rồi “đắp chiếu” để đấy đến khi hết hạn lại “hùng hục” học và thi (học theo thời vụ, học để đáp ứng nhu cầu trước mắt).

Mình thường chỉ tập trung học ngữ pháp, luyện thi, làm bài tập, để có thể vượt qua được các kỳ thi (học vì điểm số, học để lấy được văn bằng, chứng chỉ, chưa học đúng cái cần học khi học một ngôn ngữ) 

Có những khi mình đã “ngồi nhầm lớp”, trình độ không phù hợp khiến việc học nhanh chóng bị down mood và kết quả là mình bỏ cuộc giữa chừng. Minh chứng gần đây nhất là năm ngoái mình đã học một lớp ôn thi IELTS trong khi mình không có nhu cầu thi IELTS và cũng không phù hợp về trình độ, năng lực hiện có của bản thân. 

Mình nhận ra mình đã thiếu mục tiêu, động cơ học đúng và thiếu những người bạn đồng hành, những peer group để cùng nhau duy trì và thúc đẩy việc học tiếng Anh mỗi ngày. Và có lẽ còn vì nhiều nguyên nhân khác nữa mà mình không thể liệt kê hết ở đây. Sau một thời gian dài học tiếng Anh sai cách, trải qua nhiều kinh nghiệm xương máu và tốn kém không ít tiền của mà không đem lại kết quả như mong muốn, hiện nay mình có những thay đổi nhất định trong việc học tiếng Anh của bản thân. 

Những thay đổi trong việc học tiếng Anh hiện nay của mình 

Khác với hành trình học tiếng Anh của mình trong suốt khoảng thời gian qua, hiện nay mình được tiếp cận một phương pháp học hoàn toàn khác biệt. 

Luyện khí để có âm lực tốt, giúp phát âm và nói tiếng Anh chuẩn 

Có thể nói, đây là lần đầu tiên mình được học tiếng Anh một cách đặc biệt nhất, khác lạ nhất từ trước đến nay. Trước khi vào học phần âm từ, trước các buổi học mình sẽ cần phải luyện tập các bài khí hay áp dụng Pranayama (kỹ thuật yoga) để có âm lực tốt. Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên và không hiểu phương pháp gì “kỳ vậy”? Học tiếng Anh chứ đâu có phải học khí công hay yoga gì đâu mà luyện khí? Lúc đầu mình cũng thắc mắc y chang như vậy nhưng dần dần mình mới hiểu ra là phương pháp này để giúp mình có được sức khỏe tốt, âm lực khỏe thì mới có thể nói tiếng Anh hay và chuẩn theo đúng người bản xứ được. Vậy nên trước khi bước vào mỗi buổi học bọn mình thường dành chút ít thời gian luyện khí, giúp giảm sự căng thẳng, mệt mỏi để có thể học tốt hơn, hào hứng hơn. 

Những thay đổi trong việc nhìn nhận về tiếng Anh

Với quan điểm học ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất, coi tiếng Anh như một ngôn ngữ chứ không phải công cụ, mình học với một tâm thế chủ động, say sưa tìm tòi, khai thác để hiểu được vẻ đẹp của ngôn ngữ, những sắc thái biểu cảm trong đó. Với sự giúp đỡ của các bạn mentor mình ý thức được khi học ngôn ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng không nên coi nó chỉ đơn thuần là phương tiện giao tiếp, là vỏ ngôn ngữ thuần tuý mà ngôn ngữ còn chứa đựng ý nghĩa, cảm xúc, năng lượng của bạn trong đó. Chính vì vậy khi tiếp cận ngôn ngữ không chỉ hiểu nội dung thông tin trên bề mặt của nó mà cần hiểu về thông tin ẩn đằng sau đó. Cũng như khi nói bạn cần cần thể hiện ngôn ngữ như bạn đang “hát” vậy (bởi ngôn ngữ chính là âm nhạc) thông qua ngữ điệu, nhấn nhá, nhịp lên xuống, cao độ, tốc độ, cường độ…(nghĩa là cần ý thức được vai trò của ngữ điệu trong cách nói). Mình được hướng dẫn cách làm thế nào để “hát” một ngôn ngữ và luyện tập đều đặn hàng ngày. 

Thay đổi trong cách tiếp cận, phương pháp học 

- Cách học từ vựng hiệu quả: Từ vựng là một trong những phần quan trọng khi học tiếng Anh. Nó như những “viên gạch” để bạn xây nhà vậy. Nếu không có một lượng từ vựng kha khá “đút túi” thì bạn khó có thể nghe, nói, đọc, hiểu được. Nhưng học từ vựng thế nào cho hiệu quả và không bị học “vẹt” (nhớ máy móc rồi lại quên). Khác với cách học từ vựng thông thường (từ mới, giải nghĩa, đặt câu với nó) trước đây, mình được biết đến cách để xây dựng từ vựng: ngoài việc ghi nhớ nghĩa thông thường cần đào sâu hơn về từ với các sắc thái ý nghĩa khác nhau, các hoàn cảnh sử dụng khác nhau, mở rộng từ trên phương diện từ trái nghĩa, đồng nghĩa…Nó không chỉ giúp mình ghi nhớ lâu hơn mà còn giúp mình cảm nhận được sự đa dạng của tiếng Anh, cách sử dụng ngữ nghĩa phù hợp với bối cảnh mà mình muốn sử dụng. Đồng thời mình cũng nhận thấy để có thể tiếp cận được ngôn ngữ mình cần phải “tắm ngôn ngữ” thông qua việc cảm nhận và trải nghiệm, sử dụng ngôn ngữ đó hàng ngày (với các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết).

- Luôn cần có sự kết nối với bản thân trong việc học: ghi nhớ những gì đã học được, thấy được những tiến bộ qua mỗi tuần học, nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cần cái gì để học, những vấn đề gặp phải khi học…Tất cả đều được cụ thể hoá lên một cách rõ ràng, chi tiết nhất để xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục. Thế nên với mình, khoá học tiếng Anh không chỉ dừng lại ở mục đích ban đầu là học và sử dụng tiếng Anh mà mình còn học được về phương pháp học, đặc biệt là sự chủ động khi học, phát huy khả năng tự học của bản thân. Học tập là một quá trình tích luỹ về lượng dẫn đến sự chuyển biến về chất. Việc học không chỉ diễn ra trong lớp học mà còn trong các hoạt động thường ngày, qua lắng nghe và quan sát với những người xung quanh. Mỗi người cần có khả năng tự học, tự soi chiếu việc học của bản thân. Chỉ có bạn mới hiểu được chính bạn đang cần gì, thiếu gì, phương pháp nào là phù hợp với bạn để giúp bạn tiến bộ hơn (qua cách ghi lại nhật ký hành trình học của mình để thấy được sự tiến bộ của bản thân cũng như những điểm chưa được cần thay đổi và khắc phục). 

Bạn sẽ luôn cần có những mentor nhiệt thành, tâm huyết và những người bạn đồng hành

Cho đến thời điểm này mình vẫn luôn thấy mình là người rất may mắn. May mắn vì mình được biết đến nhiều bạn tốt, sẵn sàng giúp đỡ mình khi cần. Và trong việc học tiếng Anh mình cũng có được những người bạn như thế. Đó là những mentor đầy nhiệt thành, luôn sẵn sàng hỗ trợ mình bằng nguồn lực hiện có cùng phương pháp dạy học rất hay và cực kỳ sinh động. Mỗi buổi học là cuộc đối thoại giữa người dạy và người học để khai thác các góc cạnh của vấn đề một cách thấu đáo nhất. Thế nên khi học mình sẽ không bị căng thẳng hay bị áp lực gì mà học như chơi, chơi như học, khiến quá trình học của mình đầy hào hứng. 

Và tất nhiên bạn không thể thiếu được những người bạn đồng hành. Khi học tiếng Anh mình có một nhóm bạn, những người bạn ở mọi miền đất nước (từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang…cho đến Đà Nẵng, Sài Gòn). Sáng nào cũng vậy, đúng 5h bọn mình lại lục đục hò nhau dậy học bài, cùng nhau đọc to những bài học tiếng Anh, chỉnh sửa cho nhau, chia sẻ với nhau những bí quyết học hay, những nguồn học liệu quý, những trang thông tin thú vị, bổ ích. Càng ngày mình càng thấm thía hơn câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Mình thầm cảm ơn các bạn bởi nhiều lúc nếu không có các bạn thì có lẽ “công cuộc” học tiếng Anh của mình đã lại “đứt gánh” giữa đường. Yêu lắm những người bạn của tôi!

Kiên trì, bền bỉ là chìa khóa quan trọng giúp bạn học được tiếng Anh

Học tiếng Anh cũng như học nhiều môn học khác, điều cần nhất là bạn cần có một ý chí, sự quyết tâm và kiên trì, bền bỉ. Học tập là một quá trình lâu dài “mưa dầm thấm lâu”, “tích tiểu thành đại”, “kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ”, là quá trình tích luỹ đủ về lượng sẽ tạo ra sự thay đổi về chất hay theo một cách nói ví von “đủ nắng hoa sẽ nở”. Thế nên việc học không bao giờ là nhanh chóng, dễ dàng. Bạn nên nhớ “dục tất bất đạt”, không có cái gì là “một đập ăn quan”, là có kết quả ngay được. Ví dụ để có thể nói đúng và chuẩn âm/ə/và/ɜː/trong tiếng Anh – một âm cực khó nhưng lại rất quan trọng trong tiếng Anh, mình đã mất hơn 1 tháng nhọc nhằn, vất vả, kiên trì, bền bỉ khổ luyện mới có thể phát âm chuẩn. 

Những kết quả bước đầu trong việc học tiếng Anh của mình

Qua hơn 5 tháng duy trì việc học tiếng Anh đều đặn mỗi ngày, mình nhận thấy mình đã có một số thay đổi nhất định trong ý thức, trong việc nhìn nhận về việc học tiếng Anh cũng như áp dụng những phương pháp học hoàn toàn mới cho bản thân, như: học ngôn ngữ có sự cảm âm và tái tạo như học hát vậy (có nghe – bắt chước theo – cảm nhận và thực hành), về cách học ngôn ngữ theo phương pháp “tắm ngôn ngữ” (mình chú ý hơn về việc sử dụng tiếng Anh khi nói, khi nghe được càng nhiều càng tốt trong cuộc sống hàng ngày) …Vì vậy, mình đến với tiếng Anh một cách tự nhiên, đầy hào hứng chứ không cứng nhắc, máy móc như trước (chỉ coi tiếng Anh là công cụ, phương tiện và chỉ tập trung học ngữ pháp, luyện đề thi).

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là mình đã tìm được cảm hứng, động lực để duy trì việc học tiếng Anh mỗi ngày. Mình cảm nhận được hạnh phúc thực sự của sự học, tìm thấy niềm vui khi biết thêm một lớp nghĩa mới của từ, khi đọc hiểu được một bài đọc hay khi nghe được người khác nói, không còn cảm giác trốn tránh hay “không biết nói gì”, cười trừ khi gặp người nước ngoài…như trước đây nữa. “Càng học càng thấy thích vì như kiểu người mù nhìn thấy ánh sáng, kiểu người chưa biết chữ giờ biết chữ” (trích “Nhật ký học tiếng Anh của tôi”). Qua hơn 5 tháng học tiếng Anh, hiện nay mình vẫn luôn thấy vui, thích thú, đam mê và hứng thú với ngôn ngữ này mà không hề cảm thấy nhàm chán hay mệt mỏi dù hàng ngày bên cạnh rất nhiều việc phải làm (công việc ở trường, việc gia đình…) mình vẫn dành 2 giờ để học mỗi ngày. 

Hành trình học tiếng Anh của mình sẽ còn rất dài, rất dài để có thể đi đến mục tiêu nhưng với những kết quả bước đầu đã có được (đặc biệt là niềm vui khi học tiếng Anh) cùng với cách tiếp cận, phương pháp học đúng, sự kiên trì, bền bỉ, quá trình học tập nghiêm túc với những mentor đầy nhiệt thành, tâm huyết, những người bạn đồng hành mình tin rằng mình sẽ luôn có được những bài học trên hành trình trải nghiệm học tiếng Anh đầy thử thách nhưng cũng rất tuyệt vời này. Đó là ý chí, là sự kiên trì, bền bỉ, kỷ luật, là niềm tin vào bản thân, là sự gạt bỏ cái tôi, sự sĩ diện, sự quyết liệt trong hành động, là kỹ năng quản lý thời gian, quản lý bản thân, tạo dựng và xây đắp các mối quan hệ… 

Cảm ơn các bạn đã đọc nhé. Mình hy vọng phần chia sẻ này của mình sẽ truyền được cảm hứng và phần nào giúp ích cho các bạn đã và đang trên hành trình học tiếng Anh. 

Từ khóa: 

tiếng anh

,

tự học tiếng anh

,

kỹ năng mềm

Là phải có hội học mới vui mới có động lực chị nhỉ.
Nhưng các thành viên trong hội đều phải cùng nhau nõi lực cố gắng thì mới có kết quả được, quả là một con đường đầy gian nan. Cảm ơn vì những chia sẻ đầy nhiệt huyết ạ.
Trả lời
Là phải có hội học mới vui mới có động lực chị nhỉ.
Nhưng các thành viên trong hội đều phải cùng nhau nõi lực cố gắng thì mới có kết quả được, quả là một con đường đầy gian nan. Cảm ơn vì những chia sẻ đầy nhiệt huyết ạ.

Giá như có được 1 chút chăm chỉ như bạn

Đọc xong thấy xấu hổ quá huhu

Đọc xong cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều. Cảm ơn chị!

Ngưỡng mộ chị quá!

Bài viết truyền cảm hứng quá. Cảm ơn chị đã chia sẻ!