Câu chuyện hoạt hình lồng tiếng và phụ đề Việt

  1. Phim ảnh

Câu chuyện lồng tiếng và phụ đề Việt trong các sản phẩm hoạt hình chiếu rạp luôn là một câu chuyện muôn thuở. Cả hai đối tượng yêu cầu dub và sub đều có lí do riêng của mình và dù không cùng phe với họ, ta vẫn phải tôn trọng điều đó khi những lí do đó không hẳn lí do cá nhân. Tuy nhiên trước khi bàn về lí do từ hai bên, chúng ta cần làm rõ một điều :

Đừng đánh đồng hay so sánh việc xem sub với “văn hóa ngoại lai” hay tự tôn dân tộc bởi nó không hề liên quan. Việc xem một văn hóa phấm tiếng nước ngoài tại Việt Nam không liên quan gì với việc không gìn giữ ngôn ngữ bản địa cả. Tại Mỹ, sau sự kiện vị đạo diễn người Hàn Bong Joon Ho chiến thắng Oscar với giải Phim Xuất Sắc nhất và đọc bài phát biểu cảm ơn với 96% tiếng Hàn thay vì tiếng Anh tại sự kiện lập nên bởi người Mỹ, rất nhiều vị người Mỹ da trắng tóc vàng mắt xanh đã gọi đây là “sự hủy diệt đến nước Mỹ”. 

Một thời gian sau bộ phim Parasite của ông cũng được công chiếu với định dạng phụ đề khắp nước Mĩ và ăn đánh giá 1 sao từ hằng hà sa số người xem 3 phút phim trong rạp vì “mình đâu có bỏ tiền để nghe tụi da vàng chém tiếng Tàu hay vì tiếng Mỹ đâu ?”. Và rõ ràng đấy là một sự nhảm nhí đến từ các bạn cho rằng tiếng Mỹ phải bao trùm quốc gia bản địa và việc học hỏi ngôn ngữ và văn hóa thế giới là không cần thiết. Điều này cũng tương tự với việc một số người "lên án" hành vi khán giả trong nước muốn xem phim Vietsub hơn Vietdub vì "sính ngoại". Việc đánh đồng giữa “xâm thực văn hóa” và “xem phim Vietsub” là hai khái niệm không liên quan và càng so đo thì càng trời ơi đất hỡi. Nên ở các phần tiếp theo, chúng ta sẽ không nhắc đến khái niệm đó nữa.

Đầu tiên, hãy nói đến đối tượng khán giả bởi đây là mấu chốt chính trong việc phân loại đối tượng xem vietdub - vietsub

Phim hoạt hình lồng tiếng Việt thường hướng đến khán giả trẻ em nhiều hơn người lớn, khi trẻ em phần lớn khi xem phim đều không thể đọc hoặc đọc chữ chậm, gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận nội dung. Trong khi đó, lượng người trẻ hay thanh thiếu niên lại ưa chuộng việc xem phụ đề hơn kể cả khi họ đang nghe một ngôn ngữ lạ hoắc như Nhật hay Pháp. Việc phân loại hầu như rất rõ ràng.
Phim : Doraemon
Nếu nói về sự tiện lợi, tất nhiên là vietdub tiện lợi hơn rồi đúng không ? Nhất là khi mọi người có thể tập trung vào phần hình ảnh và tận hưởng nội dung. Trong khi đó, khi bạn xem vietsub thì độ tập trung cần cao hơn để vừa xem nội dung vừa lướt phụ đề mà không bỏ lỡ các chi tiết quan trọng. Việc xem phim phụ đề có thể cải thiện khi người xem đã dành thời gian làm quen, nhưng rõ ràng nếu nhân vật đang nói một ngôn ngữ bạn không biết thì vẫn ít nhiều gây ảnh hưởng việc tiếp nhận thông tin nội dung khi bạn đọc chữ không kịp, nhìn không rõ chữ và các vấn đề tương tự về mặt thị giác. Nên nói về việc tiện lợi thì rõ ràng, vietdub thắng.

Nhưng tất nhiên, sự tiện lợi đó cũng chỉ là phần trên của tảng băng trôi. Bây giờ ta sẽ đến với những lí do chính khiến cộng đồng xem phim lớn tuổi không mặn mà với phim lồng tiếng nữa :

1. Văn hóa ngôn ngữ

Phim : Sen to Chihiro no Kamikakushi
Rất khó để có thể giải thích chính xác nhất nhưng hãy hiểu nó như việc bạn đang xem một anime đậm chất Nhật Bản nhưng nhân vật đang nói tiếng Anh hoặc chúa Jesus đang giao tiếp với một con chiên tóc vàng mắt xanh bằng tiếng Việt ấy. Rất chéo ngoe và đôi lúc lại kệch cỡm, đúng không ?

Với các bộ phim đề cao tính văn hóa trong ngôn ngữ thì việc lồng tiếng sẽ làm mất đi kha khá chất phim. Trẻ em thì có thể sẽ không để ý nhưng những người xem phim với yêu cầu cao hơn thì sẽ không cảm thấy giọng lồng tiếng Việt đáp ứng đủ nhu cầu nội dung họ cần. Đặc biệt là với các nội dung mang tính bản địa, sắc tộc, hay còn nói tóm gọn là sự đa dạng trong ngôn ngữ nói. Tiếng Việt hay một ngôn ngữ bất kì khác đều không thể truyền tải sự đa dạng đó được. Điều này cũng áp dụng với các nền văn hóa bản địa.

Phim : Spiderman into the Spiderverse

Các ý nghĩa tên riêng và văn hóa không phải điều có thể dịch qua tiếng Việt, kể cả các câu đùa chơi chữ. Ừ thì phần dịch thuật có thể ít nhiều truyền tải  các câu đùa ấy (với việc thay đổi các thông tin về văn hóa đại chúng) nhưng cốt lõi về một nền văn hóa quốc gia khác biệt thì không thể dịch hoàn toàn qua tiếng Việt được. Khi ấy phim vietdub với tính chất tiện lợi cũng như một dạng “mì ăn liền”, có thể giúp người xem hiểu về tình tiết phim nhưng khó có thể đào sâu vào chi tiết. Còn vietsub có thể giúp người xem lưu tâm và ghi nhớ kĩ hơn, dễ dàng giúp khán giả tò mò và dễ dàng trong việc tìm hiểu.

2. Chất giọng lồng tiếng

Phim : Boboiboy The Movie 2
Công việc lồng tiếng tại Việt Nam ngày càng phát triển, đó là điều chắc chắn. Với cá nhân người viết từng trải nghiệm bản phim lồng tiếng ba lần với ba movie khác nhau vào năm ngoái (Bí Kíp Luyện Rồng: Vùng Đất Bí Ẩn, Upin & Ipin: Truyền Thuyết Thần Đao, BoBoiBoy 2: Cuộc chiến Ngân hà), công việc lồng tiếng phim của Việt Nam đã phần nào thỏa mãn những khán giả khó tính nhất khi có thể thể hiện rõ những cung bậc cảm xúc cần thiết của nhân vật và có chất giọng trùng khớp với chất giọng diễn viên lồng tiếng gốc. Các fan của Boboiboy với sự khắt khe cao với bộ phim họ trông chờ cũng công nhận bản lồng tiếng Việt rất chất lượng. Và khi các cá nhân này so sánh phim vietdub với bản tiếng Malaysia, fandom phải gật gù rằng chất giọng bản vietdub có chút “nhỉnh” hơn cả bản giọng gốc. Tuy nhiên phần lồng tiếng vẫn có vài hạt sạn dễ dàng bị chỉ điểm, và chúng cũng là những khuyết điểm chung của các bản lồng tiếng hoạt hình :

- Giọng hét của các diễn viên lồng tiếng khá chói, trong các phân cảnh hành động, khó có thể tách nghĩa câu nói các nhân vật khi họ hét lên với tông giọng cao.

- Một số dịch thuật về ngôi xưng và các chi tiết nhỏ bị sai. Công nhận rằng thật khó để phân biệt được ngôi xưng của các nhân vật khi họ đều “I-you”, “Watashi-anata” hay “Aku-kau. Dù vậy, những người biên dịch hoàn toàn có thể, nếu không muốn nói là bắt buộc, phải tìm hiểu kỹ các yếu tố văn hóa, cốt truyện... trước khi biên dịch. Trong những bộ phim thuộc các franchise dài hơi, những hạt sạn này ít nhiều ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim nữa.

Còn lại thì khó có thể phê bình thêm. Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề nữa trong chất giọng lồng tiếng. Đó là cá nhân diễn viên góp giọng.

Phim : Toy Story 4

Một ví dụ cho điều này là phim Toy Story 4. Trong bản gốc, cặp đôi tấu hài Bunny & Ducky được cặp đôi tấu hài Jorden Peele và Keegan-Michael Key “Key & Peele” lồng tiếng. Và với những người yêu thích phim hài Mỹ, cặp đôi này là một nhân tố quan trọng thúc đẩy họ ra rạp. Tại Việt Nam, cặp đôi Thỏ Vịt được góp giọng bởi cặp diễn viên Quang Trung và Xuân Nghị. Tuy cả hai diễn viên Trung-Nghị đều rất nổi tiếng và thành công trong công việc lồng tiếng, vẫn sẽ có một lượng khán giả mong muốn được nghe giọng của cặp đôi Key & Peele.

Trường hợp này diễn ra khi Hollywood ngày càng mời các ngôi sao nổi tiếng lồng tiếng phim hoạt hình để kéo các fan hâm mộ. Tại Việt Nam, các studio lồng tiếng cũng áp dụng điều này. Tuy nhiên, rất khó để có thể tìm được những cá nhân sánh tầm với những ngôi sao tầm vóc thế giới như Miley Cyrus, Selena Gomez, Justin Timberlake, Keanu Reeves, Scarlett Johansson, Jack Black,… hay thậm chí là Red Velvet.

3. Văn hóa đại chúng trong phim

Một yếu tố “nhỏ mà không nhỏ” ở các bộ phim chuyển thể, phim theo phần hay phim thuộc các franchise nổi tiếng,… chính là yếu tố văn hóa đại chúng của phim. Trong thực tế, Hollywood ngày càng lạm dụng các thể loại phim ăn theo vì lí do doanh thu và chèo kéo cộng đồng hâm mộ, góp phần tạo nên các nền văn hóa dựa trên franchise/series/movie như Harry Potter, Lord Of The Ring, Game Of Throne,… Những bộ phim hoạt hình cũng không nằm ngoài luồn sóng đó, gây ảnh hưởng đến nhu cầu và số lượng khán giả xem phim.

Ví dụ, nếu một khán giả xem hình ảnh này với dòng thoại “Đã từng có rồng khi tôi còn là một cậu bé”, họ sẽ cảm thấy câu thoại đó hay, và chỉ thế.

Phim : How To Train Your Dragon : The Hidden World

Điều đó cũng xảy ra với các fan trung thành của loạt phim Bí Kíp Luyện Rồng/How To Train Your Dragon. Vì bản chất, đó là một câu nói tiếng Việt, và những văn hóa phẩm mà các fan hâm mộ tìm đến với franchise đều thuộc tiếng Anh. Cho nên, khi nghe nhân vật nói những lời thoại tiếng Việt, dù là tiếng mẹ đẻ, các fan vẫn thấy điều đó không khác gì họ đang nghe một ngôn ngữ không khớp với tinh thần họ trong phim vậy.

Ở chiều hướng ngược lại, nếu fan nghe thấy câu “There were dragons when I was a boy” từ đoạn này, trên lí thuyết thì cùng nghĩa với câu tiếng Việt, nhưng nó lại nó thể làm họ bật khóc.

Lý do là bởi câu tiếng Anh ấy chính là câu mở đầu và kết thúc series bộ sách gốc của franchise. Nó là tinh thần của một văn hóa đại chúng không được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Thậm chí kể cả khi rộng rãi, chưa chắc người biên dịch phim đã hiểu ý đồ sâu xa của câu nói ấy để sao chép câu tự thoại từ sách để giữ tinh thần gốc.

Cho nên, với một cộng đồng với sự hiểu biết và yêu thích một franchise/series/movie ở mức độ nhất định, các văn hóa phẩm lồng tiếng sẽ là lựa chọn cuối cùng của họ. Thậm chí một số cá nhân sẽ lựa chọn không xem bản lồng tiếng vì sự tôn trọng với tinh thần gốc của bộ phim họ thích.

Phim : My Hero Academia The Movie : Two Heroes

Có thể nói mục văn hóa đại chúng chính là kết hợp của hai phần văn hóa và nội dung lồng tiếng phía trên. Tuy rằng trên lí thuyết, văn hóa đại chúng trong điện ảnh chỉ ứng dụng cho một số trường hợp phim nhất định, nhưng nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu phim. Bởi lẽ, khi một bộ phim đã đủ lớn để có một nền văn hóa riêng, cộng đồng hâm mộ của bộ phim đó ắt phải rất đông, không phân biệt thể loại và hình thức điện ảnh.

Kết.

Bài viết này được viết để lí giải lí do tại sao những người xem hoạt hình có xu hướng chọn vietsub hơn vietdub, nhưng không có chủ đích dìm hàng phim lồng tiếng. Dù gì thì có cầu mới có cung. Quan trọng là nếu bạn thích xem vietsub hay vietdub, vẫn hãy hiểu và tôn trọng cho đối tượng còn lại.

Phim : Trolls : World Tour

Qua ba trải nghiệm xem phim năm ngoái, cá nhân người viết cũng công nhận rằng các nhà chiếu phim cũng nên tìm hiểu thêm về khách hàng xem phim để chia số lượng suất chiếu sub dub hợp lí. Về phía các studio lồng tiếng cũng nên dần học hỏi và tự phát triển chính mình bởi dù các phim lồng tiếng cũng đã có sự phát triển rồi, nhưng vẫn còn kha khá khuyết điểm cần trao dồi thêm. Những khán giả chúng ta cũng nên có sự thoải mái và chấp nhận các phim lồng tiếng Việt (nếu cảm thấy xứng đáng) vì ít nhất nếu một lĩnh vực của quốc gia phát triển, thì chính quốc gia ấy cũng đã phát triển rồi.

Từ khóa: 

hoạt hình

,

lồng tiếng

,

phụ đề

,

phim ảnh