Câu chuyện dạy học - giả định bản thân trong "thế giới" của học sinh.
Điều trái lẽ nhất chính là trong khi tôi cố gắng đẩy kĩ năng ngôn ngữ và tư duy của học sinh tôi lên, thì đồng thời khiến bộ kĩ năng đấy bên tôi ngày càng mai một. Qua một khoảng thời gian dài đi dạy mới nhận thấy rằng những cố gắng nhằm nắm bắt và xử lý các sản phẩm ngôn ngữ nhiều thiếu sót và thô sơ của học sinh vô tình định hình tâm trí tôi đi theo một lối đi tư duy tương tự các bạn. Ấy tức là não bộ của tôi phải học cách giả định nó trong một lỗi sai hoăc một quy trình tư duy nào đấy, để từ đó nhận ra được vấn đề của học sinh là gì, ở đâu, và vì sao.
Cũng như cách ta thường nói "Hiểu địch mới đánh được địch", thì việc giáo dục kĩ năng và tư duy (trong bất cứ mảng ngành nào) cũng cần dựa trên tiền đề đó. Các khuôn mẫu tư duy và khung đánh giá kĩ năng được thiết lập sẵn có thể cho bạn một định hướng rõ ràng về việc dạy của mình; song, nó không thực sự giúp bạn hiểu được vấn đề cụ thể mà học sinh mình đang gặp nằm ở đâu, vốn không chỉ bị chi phối bởi kĩ năng và kiến thức đơn thuần, mà còn bởi tính cách, cảm xúc, môi trường sống của học sinh.
Lấy ví dụ về việc làm bánh, mặc dù bạn đã nắm đầy đủ các thao tác cần thiết để làm ra một chiếc bánh, đó không phải là cơ sở quyết định bạn sẽ thành công hay không. Một phần lớn quyết định một chiếc bánh ngon còn nằm ở nguyên liệu, không phải là giữa loại cao cấp hay thứ cấp, mà là cách bạn nắm được, ví dụ, loại bột mình đang làm là bột gì, đường nâu hay đường trắng, sữa tươi nguyên kem hay tiệt trùng, v.v. Tất nhiên so sánh việc giáo dục con người với việc làm bánh e rằng có chút khập khễnh, song cả hai điều này đều dựa trên các cố gắng vừa để:
(1) Thực hiện chính xác, nhưng linh hoạt, các quy tắc và phương pháp.
(2) Nắm bắt và thấu hiểu được đối tượng mà bạn làm việc cùng.
Chính vì vậy, dạy học không phải là thực hiện đầy đủ và hợp lý các thao tác giảng dạy, mà còn phải làm việc với tính cá nhân của mỗi học sinh (từ tính cách, thói quen tư duy, v.v.) trong khả năng và nguồn lực cho phép. Làm việc với tính cá nhân ở đây, nhưng tôi đã đề cập, là giáo viên giả định/đặt bản thân họ vào trong vị trí của học sinh và mô phỏng lại các bước đi tư duy của các bạn, tìm ra lỗi sai, liên kết các "bằng chứng", và "phá án". Cái khó ở chỗ, bản thân học sinh ít khi có đủ khả năng phản tư cũng như nguồn lực về kiến thức và kĩ năng để tự hiểu được vấn đề của mình. Và cuối cùng, sự giả định này xảy ra gần như liên tục đến mức dường như tôi cảm thấy rằng mình đang thực sự tồn tại và chật vật trong thế giới các lỗi sai đấy.
Âu cũng là chuyện đương nhiên, và cũng là một nỗi khắc khổ thường tình của đa phần những con người vừa muốn cống hiến trong việc giảng dạy, vừa muốn ngày càng trau dồi và phát triển kĩ năng chuyên môn của mình (Lưu ý ở đây là chuyên môn trong mảng ngành được giảng dạy, không phải là việc giảng dạy.) Phải công nhận rằng não bộ con người có khả năng thích nghi (adaptive) rất cao, tức là nó không ngừng tạo ra, làm lung lay đi, và củng cố các liên kết thông tin và xử lý thông tin mới trong quá trình tương tác với thế giới bên ngoài. Bạn làm một công việc gì càng nhiều, thì càng có nhiều liên kết thần kinh mới được hình thành và củng cố liên quan đến quá trình thực hiện, xử lý công việc đó. Điều này cũng như cách bạn luyện tập một trò tung hứng hay tập tính nhẩm nhân 2 chữ số.
Bản thân tôi thời gian đầu tập tành dạy học cũng có thể nói học hỏi được rất nhiều kiến thức chính quy, bên cạnh các kĩ năng sư phạm cần có. Tuy nhiên, các kiến thức này thường đã được trực giác hóa suốt khoảng thời gian tôi thực hành chúng, và sự học hỏi ở đây đơn thuần nằm ở việc tôi hệ thống hóa và công nhận sự tồn tại của chúng một cách chính thức hơn. Về sau, mặc dù cái niềm vui tự thân trong con đường giáo dục vẫn còn, tôi khó lòng thấy mình tiến xa thêm được bước nào xét về mặt tư duy, kĩ năng, và kiến thức khi thấy não bộ của mình hằng ngày "chấm mút" những đơn vị thông tin vô cùng đơn giản, thô sơ, chưa kể là nhiều thiếu sót. Dần dần, quái ác thay việc "chấm mút" đấy lại trở nên quen thuộc và "hợp miệng", vì thế mà những liên kết thần kinh vốn được thiết lập, rèn luyện và củng cố nhằm xử lý những đơn vị thông tin phức tạp hơn giờ trở nên vô dụng và mất/mờ nhạt đi. Hậu quả dễ thấy nhất là gần đây tôi ăn nói ít mạch lạc và rõ ràng hơn, đôi khi còn bị lắp bắp. Trong đa phần trường hợp, cách diễn đạt của tôi cũng trở nên đơn giản như cách học sinh tôi sử dụng. Trừ phi phải ngồi xuống và tập trung vào việc hình thành và sắp xếp các diễn đạt một cách ý thức hơn, thì các phản xạ ngôn ngữ tự nhiên lại không có giữ được sự mạch lạc và tinh vi như trước nữa.
Nhân dịp lần này trở về Huế và có sự cắt giảm đáng kể trong khối lượng công việc, tôi may mắn đã nhận ra (một lần nữa) vấn đề của mình và thật sự có nhiều không gian hơn để tập trung vào việc học và rèn luyện của bản thân mình. Đối với các giáo viên với mong muốn không ngừng trau dồi chuyên môn của mình, việc có những khoảng nghỉ trong hành trình dạy học để tự phản chiếu, thu nạp thêm kiến thức và rèn luyện bản thân là quan trọng vô cùng.
******
Painting: by JYLIAN GUSTLIN
Nguyenphuhoang Nam