Câu chuyện BẬT CAM hay KHÔNG BẬT CAM trong lớp học online
Covid 19 – đại dịch mang tính toàn cầu đã gây ra không ít xáo trộn trong cuộc sống của chúng ta. Một sự “bình thường mới”được hình thành với nhiều thay đổi trên mọi phương diện khác nhau của đời sống xã hội. Trong đó, một trong những thay đổi lớn là việc chuyển đổi từ hình thức dạy học trực tiếp trên lớp (offline) sang hình thức dạy học gián tiếp/trực tuyến (online) được áp dụng trên mọi cấp học từ tiểu học cho đến đại học, sau đại học, từ các lớp học chính quy (ở các trường học công lập, dân lập, quốc tế) hay cả các chương trình, giáo dục từ xa, các workshop, webinar…Dường như sau gần 2 năm ứng dụng mô hình dạy học trực tuyến trong một tình thế bắt buộc, mọi thứ đã trở nên ổn định, bắt kịp hơn với thời cuộc. Nhiều ý kiến khẳng định dạy học trực tuyến sẽ không còn là giải pháp tạm thời nữa mà chắc chắn sẽ trở thành hình thức dạy học mang tính lâu dài, phổ biến, kết hợp với dạy học trực tiếp (offline). Đi cùng với đó là những nội quy lớp học online được thiết lập với những yêu cầu mang tính bắt buộc, như: vào lớp đầy đủ, đúng giờ; quy định về việc bật cam, bật mic; tắt các tab/ứng dụng không cần thiết; xác nhận tên gọi, hình thức điểm danh, đánh giá… Sẽ chẳng có gì để bàn khi mọi thứ đã đi vào guồng quay và trở nên thuần thục, sáng tạo hơn trong mỗi lớp học, với sự kết hợp hài hòa, tương tác, kết nối giữa người học và người dạy…Tuy nhiên, có một vấn đề vẫn diễn ra trong các lớp học online hiện nay: câu chuyện bật cam hay không bật cam?
Tối chủ nhật tuần vừa rồi, tôi có tham dự cuộc họp phụ huynh đầu năm của lớp con gái. Gần như hơn nửa nội dung của buổi họp là cuộc thảo luận của giáo viên chủ nhiệm lớp và phụ huynh về câu chuyện bật cam. Cô giáo rất dõng dạc thống kê số lượng có bao nhiêu con trong lớp học không chịu bật cam trong lớp học với muôn vàn lý do khác nhau và coi đó như một hình thức cần thay đổi trong thời gian tới. Nếu các con vẫn không chịu bật cam khi vào học thì các giáo viên sẽ có biện pháp cưỡng chế, bắt buộc và nếu không tuân thủ sẽ trừ điểm hay cho ra khỏi lớp…coi như một tiêu chí đánh giá cho ý thức, thái độ của người học đối với môn học. Các phụ huynh xôn xao đồng ý và mong cô giáo quyết liệt hơn trong chuyện này để buộc “chúng phải học hành nghiêm túc”.
Ở một lớp học thêm nọ của con gái, câu chuyện bật cam/không bật cam lại tiếp diễn. Lần này là từ đề xuất của phụ huynh với mong muốn: cô giáo phải yêu cầu học sinh bật cam, phải sát sao, giám sát việc học của con cái họ…Cô giáo nọ ngậm ngùi đồng ý trước đa phần ý kiến từ phụ huynh.
Có lần tôi đã tham dự một webinar chia sẻ. Vị diễn giả yêu cầu tất cả người tham gia đều phải bật cam nếu không “cô ấy” sẽ cho out ngay ra khỏi phòng zoom với thái độ không thương tiếc. Nhiều người loay hoay không bật được cam phải “xin xỏ”, giải thích nọ kia mới được “vị diễn giả” đồng ý cho phép ở lại với lý do chính đáng.
Và còn rất nhiều lần tôi đã nghe đồng nghiệp khoe chiến tích “sinh viên phải bật cam, nếu không không cho điểm danh” như một hình thức răn đe đầy quyền lực từ phía vị thế của người thầy.
Mọi người nghĩ sao về điều này? Nên yêu cầu người học bật cam hay không bật cam? Là một giảng viên giảng dạy trong một trường đại học, công việc của tôi cũng có nhiều thay đổi trong bối cảnh của đại dịch Covid, trong đó có việc chuyển đổi từ hình thức dạy trực tiếp (offline) sang trực tuyến (online). Vậy trong những lớp học của mình tôi có yêu cầu sinh viên bật cam không?
Có thể nói, bên cạnh những thuận lợi của việc dạy học trực tuyến đem lại hiện nay như tiết kiệm thời gian đi lại, người dạy dễ dàng áp dụng các hình thức dạy học đa phương tiện trong các lớp học, người học có sự tập trung hơn vào bài học…thì nó cũng đã tạo ra không ít những rào cản. Việc dạy học chỉ tiếp xúc qua màn hình máy tính đã tạo khoảng cách không nhỏ giữa thầy và trò, đặc biệt là sự tương tác, kết nối. Nếu người giáo viên không có sự linh hoạt, sáng tạo trong việc thiết kế các hoạt động dạy học đa dạng, sinh động trên nền tảng online sẽ khiến cho lớp học trở nên nhàm chán, mệt mỏi, nặng nề. Do vậy, nếu người dạy và người học sẵn sàng hợp tác, chia sẻ, cùng bật cam để cô trò nhìn thấy nhau thì khoảng cách dường như được rút ngắn. Từ góc độ tương tác trong giao tiếp, điều này sẽ tạo ra sự hứng thú cho những người tham gia giao tiếp bởi việc giao tiếp, truyền tải thông tin không chỉ đến từ ngôn ngữ mà còn được xây dựng từ ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ, nét mặt (yếu tố phi ngôn ngữ). Ở phương diện này, tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn người học bật cam để tương tác tốt hơn với giáo viên, tạo nên không gian lớp học tích cực, sôi nổi (nhưng với điều kiện họ vui vẻ, sẵng sàng làm điều đó).
Tuy nhiên, nếu câu chuyện bật cam chỉ là hình thức mang tính răn đe, bắt buộc, là tiêu chí để đánh giá cho việc học/không học thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Bởi từ góc độ bản chất thực sự của giáo dục sẽ thấy giáo dục không thể bắt hay yêu cầu người học học bằng biện pháp cưỡng chế, bắt buộc hay những xử phạt mang tính trừng phạt, răn đe, dọa dẫm từ đặc quyền của người giáo viên. Đó là tư duy phản giáo dục, không đúng với bản chất của giáo dục, mang tính phiến diện, một chiều. Giáo dục thực sự là quá trình truyền đạt, giúp người học mở ra sự hiểu biết mới, khao khát, chủ động tìm tòi, khám phá tri thức học tập, giúp người học hình thành nhân cách, định hướng cuộc sống, có nhận thức, tư duy đúng, biết xây dựng ước mơ, mục tiêu, kế hoạch, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành người có ích và tự tin, đam mê…Và vì vậy, mỗi không gian lớp học cần tạo động lực, khơi gợi sự tò mò, hứng thú, khao khát được khám phá, được hiểu một tri thức mới, giúp tạo ra những thay đổi ở người học. Người giáo viên không chỉ là người có kiến thức, có kỹ năng sư phạm mà còn như người nghệ sĩ kiến tạo nên không gian lớp học thực sự tích cực, vui vẻ và truyền cảm hứng cho người học. Điều quan trọng mà mỗi giáo viên cần tạo ra cho mỗi lớp học, người học là niềm yêu thích, hứng thú với sự học. Và trên thực tế, vẫn có rất nhiều học sinh (vì một lý do nào đó) các em không bật cam nhưng các em vẫn chăm chú ngồi học, theo dõi bài học của giáo viên và ghi chép cẩn thận. Cuối kỳ các em vẫn hoàn thành các bài thi với kết quả cao và thành tích học tập tốt.
Thiết nghĩ, mỗi giáo viên thay bằng việc theo dõi, giám sát học sinh bật cam/hay không bật cam hãy suy nghĩ và tìm kiếm, thiết kế nên những hoạt động dạy học thông minh, những giờ học sôi nổi, hứng thú, lôi cuốn người học để “chúng” không còn màng tới những trò chơi hấp dẫn ngoài kia, để chúng cảm thấy yêu thích sự học, chờ đợi, mong ngóng để bước vào cuộc tìm kiếm tri thức mới cùng với sự dẫn dắt, đồng hành của người thầy. Mỗi bậc phụ huynh thay bằng đồng tính, hưởng ứng, đề nghị thầy/cô kiên quyết với việc bật cam/hay không bật cam của con mình hãy một lần lắng nghe để thấu hiểu con cái nhiều hơn, lý do con không muốn bật cam hay những tâm tư tình cảm, nỗi niềm của con trên hành trình học tập mà con đang đi. Chúng ta – hãy lắng nghe và thấu hiểu con hơn là răn đe, trừng phạt!
* Chú thích "Cam": Camera/video
dạy con online
,giáo dục
Bật cam sẽ giúp cho giáo viên tăng độ hứng thú khi truyền đạt kiến thức hơn, vì có sự tương tác với sinh viên và theo dõi được độ chú ý khi sinh viên, học sinh nghe giảng. Tưởng tượng lớp học hơn trăm người không ai bật cam, giáo viên sẽ như kiểu 1 mình tự nói với cái màn hình máy tính vậy, hiệu suất sẽ giảm đi rất nhiều.
Ngọc Cảnh
Bật cam sẽ giúp cho giáo viên tăng độ hứng thú khi truyền đạt kiến thức hơn, vì có sự tương tác với sinh viên và theo dõi được độ chú ý khi sinh viên, học sinh nghe giảng. Tưởng tượng lớp học hơn trăm người không ai bật cam, giáo viên sẽ như kiểu 1 mình tự nói với cái màn hình máy tính vậy, hiệu suất sẽ giảm đi rất nhiều.
Nguyễn Lê Khôi Nguyên
Nhiều bạn hỏng camera thì bật cam thế nào, nhiều lúc giáo viên cũng nên thông cảm cho học sinh
Hoa Tuyết
Em nghĩ có nhiều hình thức khác để kiểm soát thay vì cưỡng ép phải bật camera khi học