CASSINI-HUYGENS sứ mệnh bất tử?
Ngày 15 tháng 10 năm 1997 tàu Cassini-Huygens được phóng lên quỹ đạo, chính thức bước vào con đường chinh phục Sao Thổ và các vệ tinh của loài người. Cassini- Huygens là một dự án tàu không gian robot được hợp tác giữa NASA/ESA/ASI.
Dự án này sử dụng năng lượng hạt nhân bao gồm hai module chính là tàu quỹ đạo Cassini (do NASA phát triển) được đặt tên theo nhà toán học, thiên văn học, kỹ sư và nhà chiêm tinh học người Pháp gốc Italia Giovanni Domenico Cassini và tàu thám hiểm Huygens (do ESA phát triển) được đặt tên theo nhà toán học, thiên văn học và vật lý học người Hà Lan Christiaan Huygens. Cassini-Huygens được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Titan IV (do Lockheed Martin sản xuất). Sau khoảng thời gian 7 năm chu du trong vũ trụ, ngày 1 tháng 7 năm 2004 con tàu này đã đến được quỹ đạo của Sao Thổ, chính thức bắt đầu công cuộc nghiên cứu hành tinh khí khổng lồ này.
Ngày 25 tháng 12 năm 2004, lúc 2:00 UTC tàu thám hiểm Huygens tách ra khỏi Cassini bắt đầu tiến vào vệ tinh Titan của Sao Thổ để tiến hành nghiên cứu. Module Huygens đã bắt đầu chạm vào được khí quyển của Titan và dần đặt chân xuống vệ tinh này vào ngày 14 tháng 1 năm 2005. Tại đây, nó liên tục gửi những thông tin quý báu mà nó thu thập được về Trái Đất bằng điều khiển từ xa.
Module Cassini tiếp tục cuộc hành trình quanh Sao Thổ của mình cho đến ngày 22 tháng 4 năm 2017, một quyết định đầy táo bạo được NASA đưa ra, họ bắt đầu cho Cassini thực hiện nhiệm vụ cuối cùng đó là tiếp cận Sao Thổ. Bốn ngày sau, Cassini đã bắt đầu lần tiếp cận đầu tiên của mình vào khoảng không giữa các vành đai Sao Thổ, các nhà khoa học dự đoán sẽ cho Cassini thực hiện khoảng 22 chuyến hành trình như vậy. Ở đây, Cassini sử dụng đĩa anten của mình như một tấm khiên che chắn cho máy ảnh và các thiết bị phía sau (với tốc độ trên 123.000 km/h thì một hạt bụi cũng đủ phá hủy những thiết bị tinh vi trên tàu).
Ngày 15 tháng 9 năm 2017 tàu Cassini bước vào chuyến phiêu lưu cuối cùng của mình trước khi bổ nhào xuống bầu khí quyển dày dăc của Sao Thổ với tốc độ trên 125.000 km/h và ra đi sau một màn tỏa sáng không thể rực rỡ hơn. Sau gần 20 năm thực hiện nhiệm vụ của mình và 13 năm bay vòng quanh Sao Thổ, Cassini-Huygens đã thực hiện toàn vẹn những sứ mệnh mà nó được giao phó. Với hơn 450.000 tấm ảnh được chụp lại và hàng loạt những thông tin khoa học quý báu về Sao Thổ, Cassini đã ra đi trong niềm tự hào về một chuyến đi vĩ đại trong công cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại.
Tác giả : Trần Nhuận Trọng Hiếu, bài viết có tham khảo từ Wikipedia và sử dụng các bức ảnh từ NASA.