Càn Long và ân sủng với Quang Trung?

  1. Lịch sử

Theo truyền thống, khi gặp vào gặp hoàng đế, bất cứ ai cũng phải quỳ 3 lần và rập đầu 9 lần, không bao giờ có ngoại lệ. NHƯNG riêng lễ "bão kiến thỉnh an" thì đích thân hoàng đế sẽ bước xuống ngai vàng đi ra khỏi cung và ôm lấy người đặc biệt, đồng thời ôn tồn hỏi han. Trong đời Càn Long, vốn là nhà vua trị vì lâu nhất lịch sử Trung Quốc (kém mỗi ông nội Khang Hy), chỉ có 3 đại nhân vật nhận được vinh dự to lớn này, đồng thời được treo chân dung trong Tử Quang Các (Hall of Military Merits).

Người đầu tiên là Triệu Huệ, danh tướng của Bát kỳ Mãn Châu hùng mạnh. Chính Triệu Huệ là người đi chinh phạt Tân Cương khổng lồ của người Hồi, sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa, bắt sống Đại Hãn Dawachi, gần như diệt chủng toàn bộ dân tộc của họ. Chiến công này gian khổ đến mức, có 3 tháng bị vây đánh, binh lính của ông phải ăn thịt người để tồn tại. Khi ông chết, vua đến tận nhà phúng điếu. À, xin nói thêm, Triệu Huệ cũng là người bắt được Hàm Hương dâng Càn Long. Nàng Hương phi lừng danh với mùi thơm quyến rũ cả bướm (Hoàn Châu cách cách Tiểu Yến Tử nghịch ngợm lấy gì đó bôi lên người để bắt chước, sau bị nguyên bầy ong bu lại đốt 😂).

Người thứ hai là A Quế, cũng một danh tướng khác của Bát kỳ Mãn Châu. Công trạng thì vô số, ông đánh khắp thiên hạ. A Quế bình định được Y Lê, Đài Loan, Kim Xuyên, Turkestan, Nepal. Càn Long ra tận cổng thành ôm và dẫn vào hoàng cung đãi yến tiệc. 16 cảnh trong chiến dịch đánh Tây Vực của A Quế được khắc bản để lưu truyền đời đời. Sau trở thành "Bộ trưởng quốc phòng" Đại Thanh. Ngay cả trùm cuối như Hoà Thân cũng không dám láo với A Quế. 😏

Người cuối cùng tất nhiên là Nguyễn Huệ, danh tướng xứ Quảng Nam, nhạc trưởng của một chuỗi các trận đánh liên hoàn từ Ninh Bình lên Lạng Sơn, bẻ gãy toàn bộ xương sống đoàn quân viễn chinh Đại Thanh năm ấy trong chưa đầy 1 tuần, khiến Càn Long không thể tin nổi là lại thua chóng vánh và chết nhiều tướng như vậy. Quang Trung cũng là vị quốc vương duy nhất của một nước phiên thuộc nhận được những đặc ân vượt bậc của triều đình Trung Hoa từ trước tới nay. Lá thư của Phúc Khang An gửi ông có ghi:

"Quốc vương ở đất Giao Chỉ xa xôi phương Nam chắc không thông hiểu cách thức thiên triều. Phàm bầy tôi vào triều cận hoàng đế thường là nghi lễ bình thời, còn như bão kiến thỉnh an ấy là vượt hẳn điển lệ. Trước đây chỉ có tướng quân Triệu Công khi bình định Hồi bộ trở về, và tướng quân A Công khi bình định hai Kim Xuyên xong, ca khúc khải hoàn vào triều kiến hoàng đế, hoàng thượng muốn tướng sĩ ra sức, khi đó mới cho thi hành đại lễ này.

Còn như ban cho đai màu kim hoàng thì cực kỳ phi thường. Đến ngự bút viết bằng chữ son, thuộc quốc lại càng khó được. Thế mà ngày nay quốc vương ở phương Nam mới thần phục mà mọi thứ đều được cả, thật khó gặp ai được vinh sủng đến thế.

Khi quốc vương khởi trình đi lên kinh đô có thể dùng đai màu đỏ, đợi đến khi triều kiến hãy thay đổi qua đai được thưởng. Còn như nhân sâm là kết tụ sơn xuyên linh tú của đất Thịnh Kinh, phẩm chất thật quý giá. Không phải chỉ hiếm có ở đất An Nam mà ngay trong nội địa cũng khó kiếm được.

Trước đây nghe nói cháu quốc vương là Nguyễn Quang Hiển tìm mua ở kinh đô, tôi đã định đợi khi ngài đến cận chúc sẽ thay mặt mà xin hoàng đế ban cho. Nhưng cứ theo lời bẩm của Tả Giang đạo mới hay quốc vương đã nhờ Nguyễn Hoành Khuông tìm mua rồi. Bản tước đường bộ mới lấy 4 lượng sâm chi đang dùng, phẩm chất chỉ là loại trung bình thôi, không được như sâm trong nội khố là thứ tuyển chọn hàng nghìn cân mới lấy được một.

Đến nay được hoàng thượng ban cho nhiều đến 1 cân! Quốc mẫu được ân tứ thấm đến, cả nhà được hưởng ơn trên, thật là vô cùng vô lượng. Quốc vương trong lòng thơ thới, khi vào triều cận không băn khoăn về chuyện ở nhà. Tâm thái thân vinh cũng đều do hồng ân ban cho. Phàm là phận bầy tôi ai ai cũng đều vui thích, huống hồ là người được hưởng thì còn biết như thế nào?

Quốc vương khởi nghiệp ở Tây Sơn, nay được phong tước chẳng khác nào xem mây thấy mặt trời. Đến triều kiến chúc thọ, thi hành lễ huân quý, thật vinh hạnh biết bao. Lại được quang sủng ân vinh đầy đủ, bản tước các bộ đường cũng được dự phần vào việc tao ngộ vui mừng của quốc vương.

Mưa thuận gió hoà, nay đã trọng xuân. Bấm đốt ngón tay, ngày quốc vương nhập quan chẳng còn mấy chốc. Bản tước các bộ đường đến cuối tháng Hai sẽ lên đường về phương tây, đợi ở cửa quan để gặp gỡ và tiếp đón ngài".

Từ khóa: 

lịch sử