Cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân (work-life balance) - nên hay không?
Cân bằng công việc và cuộc sống, hay work-life balance, chắc chắn là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong xã hội hiện đại. Một người bình thường mỗi ngày cần phải làm việc 8 tiếng, thậm chí làm việc vào cuối tuần.
Nhưng liệu cách tiếp cận với công việc trên có thực sự tốt? Liệu chúng ta có nên cố gắng đạt sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Có rất nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này.
(Cpl.com)
Nhóm ủng hộ work-life balance
Nhìn chung, việc duy trì sự cân bằng giữa đời sống cá nhân và đời sống chuyên môn có thể giúp chúng ta:
1) Giữ sức khỏe
Việc ngồi làm việc liên tục 8 tiếng mỗi ngày và mỗi ngày trong tuần nhất định là có hại cho sức khỏe của chúng ta. Vì thế, làm việc trong thời lượng ít hơn (ví dụ: 4-6 tiếng/ngày) có thể tạo điều kiện để chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc bản thân (ví dụ: tập thể dục, ngủ nghỉ...)
2) Hâm nóng các mối quan hệ
Bạn có từng để ý và nhận ra rằng, thời còn là sinh viên, chúng ta có những mối quan hệ khá khăng khít với bạn bè xung quanh, nhưng khi ra trường và đi làm, dường như các mối quan hệ, không chỉ với bạn học cũ mà cả đồng nghiệp, cũng trở nên mờ nhạt hơn? Một phần lý do là vì chúng ta không còn nhiều thời gian để chăm sóc các mối quan hệ này.
Trong khi, con người chúng ta vốn là một loài động vật có tính xã hội (social animal). Việc phát triển và duy trì các mối quan hệ là vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta.
3) Trau dồi sự sáng tạo
Theo các chuyên gia, thời gian làm việc quá kéo dài sẽ gây mệt mỏi cho não bộ. Và một bộ não thiếu tỉnh táo sẽ khó có thể tư duy tốt và tìm ra các ý tưởng và giải pháp sáng tạo. Do đó, việc duy trì work-life balance là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với những người làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo.
(Mark Schaefer)
4) Độ nhảy việc của nhân viên giảm
Nhiều khảo sát cho biết tỉ lệ xin nghỉ việc của nhân viên thay đổi tỉ lệ nghịch với thời lượng làm việc. Ở những công ty áp dụng chính sách làm việc 4-6 giờ/ngày, điển hình là ở những quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch...tỉ lệ nhảy việc của người đi làm thấp hơn đáng kể so với những quốc gia khác.
5) Nhiều tiền hơn không có nghĩa là hạnh phúc hơn
Đây là một trong những yếu tố quyết định khiến một người cân nhắc việc duy trì work-life balance. "Nhiều tiền" và "giàu có", ngay cả trong xã hội đặt nặng vật chất như hiện nay, vẫn không thể giúp đánh giá độ hạnh phúc của một người. Để hạnh phúc, con người ít nhất cần duy trì 3 khía cạnh sau ở mức độ cao: sức khỏe, các mối quan hệ và tiền bạc.
(The Trinitonian)
Nhóm không ủng hộ work-life balance
Có thể nhiều bạn đọc sẽ bất ngờ, nhưng có nhiều người không ủng hộ việc thiết lập sự cân bằng này, một trong số đó là chị Thái Vân Linh - một trong các "cá mập" của chương trình Thương Vụ Bạc Tỉ đình đám.
Phong cách sống cân bằng này thường không được ủng hộ vì những lý do sau:
1) Thiếu phấn đấu - khó thành công
Đây là quan điểm được đồng tình bởi khá nhiều các nhà quản lý và CEO, hoặc những người "thành công" nói chung, bao gồm cả shark Linh. Cá mập này từng chia sẻ rằng đối với người đi làm trẻ tuổi, việc rời công ty trước 7h tối là điều không nên, vì nó sẽ hạn chế khả năng học hỏi và tích góp kinh nghiệm làm việc của chúng ta, dẫn đến việc bị tụt hậu trên con đường phát triển sự nghiệp.
2) Khó theo kịp các thời hạn (deadline)
Một trong những vấn đề thực tiễn đến từ việc duy trì work-life balance, trớ trêu thay, lại chính là việc các nhân viên khó có thể hoàn thành công việc kịp thời hạn. Bởi vậy, các nhà quản lý cho rằng, việc làm việc với thời lượng dài hơn sẽ giúp cải thiện vấn đề deadline này.
(The Black Box of Product Management)
3) Các nhân viên lười biếng là một vấn đề
Đối với những công việc cho phép người đi làm làm việc tại nhà, vốn cũng là một cách thức tạo ra sự cân bằng cuộc sống-công việc, nhưng nếu người đi làm lại là những người lười biếng, thiếu kỷ luật cá nhân (self-discipline), thì việc tạo ra một môi trường làm việc linh động chưa chắc đã là một giải pháp hiệu quả.
4) Sự cân bằng rất khó có thể đạt được
Một số người lại lập luận rằng, vì con người vốn là một sinh vật luôn thay đổi, không bao giờ có thể tồn tại trong một trạng thái cố định, cân bằng, nên việc cố gắng thiết lập và bám lấy sự cân bằng giữa đời sống chuyên môn và cá nhân cũng là một điều tương đối...bất khả thi.
Họ cũng cho rằng, việc làm việc với cùng một phong cách mà không thay đổi cũng làm cho chúng ta cảm thấy nhàm chán. Vì thế, việc xen kẽ những khoảng thời gian cân bằng với những khoảng thời gian làm việc tích cực, chăm chỉ sẽ là một giải pháp tốt hơn.
Cá nhân bạn đồng tình với quan điểm nào? Bạn ủng hộ hay không ủng hộ phong cách làm việc work-life balance?
Nguồn:
Trang Thục Văn
Hường Hoàng
Mình rất ủng hộ + ngưỡng mộ những người có thể work-life balance; đặc biệt nếu họ vẫn còn trẻ và độc thân.
Còn về cơ bản, với phụ nữ thì chuyện đó khó hơn nhiều nên work-life balance sẽ đến khi phụ nữ đã có gia đình; họ đặt vào tình thế buộc phải sắp xếp để cân bằng