Cảm nhận về nghệ thuật và nghệ sĩ trong bộ phim Poetry
kiến thức chung
Bộ phim xoay quanh những biến cố bất ngờ ập tới nhân vật chính Mija khi bà đã ở độ tuổi ngoài 60. Hình ảnh một người đàn bà lớn tuổi nhưng dáng dấp và cách ăn mặc rất thanh lịch, miệng luôn nở nụ cười và nói “như một chú chim sẻ”, cuộc sống của bà sẽ thật yên bình nếu như bà không bị mắc căn bệnh mất trí nhớ của tuổi già và đối mặt với hậu quả nghiêm trọng mà cậu cháu trai gây ra. Điều Mija yêu thích nhất có lẽ là đến lớp học làm thơ, bà là người yêu cuộc sống yêu cái đẹp và luôn thích mình trông thật xinh đẹp. Bà tìm tới lớp học làm thơ cũng chính vì bà muốn lưu giữ những từ ngữ trong trí nhớ của mình. Mija là người chăm học, đối với bà việc giảng dạy của thầy giáo có vẻ chỉ là những lý thuyết khó thực hành, bà tự đi tìm cho mình cảm hứng và ghi chép ại nó rất cẩn thận. Như đã nói ở trên, nghệ sĩ không phải là một người nổi tiếng, nghệ sĩ có thể là chính mỗi chúng ta. Một nhà văn trước khi trở nên nổi tiếng cũng đã từng sáng tác những tác phẩm đầu tay, cũng phải đi lấy cảm hứng, quan sát cuộc sống cũng như nhân vật Mija vậy. Chi tiết đầu tiên mà người thầy dạy trong lớp học thơ đó là một quả táo, chúng ta không chỉ nhìn và quan sát quả táo mà còn phải cảm nhận quả táo ấy bằng cách thưởng thức nó. Trong suốt bộ phim, dù lúc vui hay lúc buồn, Mija vẫn luôn không người quan sát cuộc sống, rồi tự đặt câu hỏi cho bản thân mình như: “Lũ chim đang hót, chúng hót điều gì?”, “quả mơ rơi xuống đất, bị chà đạp để đến với cuộc sống mới”,… Đạo diễn đã rất khéo léo khi đặt nhân vật vào hầu hết là những cảnh quay với thiên nhiên. Suốt bộ phim, chúng ta chỉ thấy nhân vật chính luôn chỉ có một mình, không ai quá hờ hững với bà nhưng cũng chẳng có một người bạn thân, kể cả cô con gái vẫn thường xuyên liên lạc với bà qua điện thoại. Không gian của bộ phim đã tác động mạnh mẽ đến nhân vật, nếu câu hỏi là Mija có thật sự là một người nghệ sĩ, thì câu trả lời sẽ là có. Thường cuộc sống của người nghệ sĩ sẽ rất sóng gió, nhờ thế mà họ từng trải để cảm nhận về nghệ thuật. Ở độ tuổi xế chiều, Mija hoàn toàn đủ hiểu biết về cuộc sống, nhưng có lẽ cuộc sống lại không muốn hiểu cho bà. Một con người dù đã già nhưng vẫn luôn lạc quan và yêu cuộc sống, yêu những đóa hoa và đam mê thơ ca như bà lại gần như phải thay đổi chính mình khi trải qua những khó khăn trong cuộc sống.
Đối với Mija, cảm hứng sáng tác là vô cùng quan trọng, bà không coi trọng những nhà thơ chỉ sáng tác những thứ thô tục, không tôn trọng cái đẹp tự nhiên, bà coi đó là một sự sỉ nhục thơ ca. Khi chưa thể sáng tác được bài thơ cho riêng mình, Mija không ngừng tìm tới những người thành công để học họ kinh nghiệm sáng tác, nhưng dường như tất cả câu trả lời ấy đều làm bà không mấy hài lòng, bà vẫn tiếp tục nhìn ngắm cuộc sống bằng sự cảm nhận của một người nghệ sĩ.
Để đến khi kết thúc khóa học của lớp học làm thơ, chỉ có một mình Mija sáng tác được bài thơ của riêng mình. Đúng vậy, nghệ thuật chẳng ở đâu xa, nghệ thuật chính là sự tái hiện lại đời sống dưới bàn tay nhào nặn của người nghệ sĩ. Với Mija, mỗi một loài hoa đều có ý nghĩa riêng của nó, một loại quả đều có hương vị riêng đặc trưng, tiếng hót của con chim cũng sẽ mang một thông điệp, chỉ là con người chúng ta cảm nhận như thế nào về những cái riêng ấy. Có một phân cảnh Mija đi tới cây cầu bắc qua sông, bà nhìn xuống dưới như để tưởng nhớ thương xót cho cô bé 16 tuổi đã bị những đứa cháu của mình hại, vô tình chiếc mũ của bà bị thổi xuống dòng sông, bà không đi tìm lại chiếc mũ, mà cứ thể để những cơn gió len lỏi vào mái tóc của mình. Đôi khi quan sát thôi là chưa đủ, nhắm đôi mắt lại để xúc giác và thính giác của chúng ta cảm nhận được những chi tiết li ti nhất, lúc ấy, chắc hẳn Mija đã có cảm xúc riêng trong con tim bà. Bài thơ của Mija ở cuối bộ phim có thể chủa là một tác phẩm hay, nhưng sẽ là một tác phẩm chân thực. Cuộc sống này dù đang trẻ hay đã già cũng phải đương đầu với khó khăn trong cuộc sống, đóa hoa này đua nở khoe sắc thắm rực rỡ, rồi cũng sẽ đến lúc phải lụi tàn, quả mơ kia dù đã rụng hẳn xuống đất, nhưng sẽ thơm ngọt hơn bất cứ quả nào vẫn còn trên cành cây. Từ cảm xúc của bà rồi tới suy nghĩ của cô bé bất hạnh 16 tuổi, mỗi người có một cách nhìn đời khác nhau, nhưng với Mija, sáng tác ra được một bài thơ bà cần trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc, nhưng tất cả phải chân thực và đến từ cảm xúc.
Khi được hỏi khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời, có người là lúc sinh con, người thì là hạnh phúc trong tình yêu, người thì vui sướng khi mua được căn nhà riêng sau 20 năm sông dưới hầm mỏ,… nhưng Mija lại hoàn toàn khác, cảm nhận về khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bà cũng thật đơn giản và đặc biệt, bà hạnh phúc nhất khi bà bắt đầu biết nhận thức về cuộc sống, khi bà biết tiếng chị gái gọi mình và nhận thức được bà thật xinh trong chiếc váy thật đẹp. Có điều gì hạnh phúc bằng giây phút chúng ta biết cảm nhận cuộc đời, nếu không biết cảm nhận cuộc đời thì tất cả những niềm vui hạnh phúc sau đấy liệu có thể đến với chung ta được hay không? Ngay ở trong cách đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi của Mija đã thể hiện bà là một người vô cùng tinh tế, khác hẳn với những học viên khác trong lớp học.
Bỏ qua tất cả mọi điều liên quan tới việc bàn luận cách xử lý của Mija là đúng hay sai khi giải quyết tình huống theo hướng ấy. Chúng ta sẽ chỉ bàn tới những biến cố ấy tác động như thế nào tới tâm hồn nghệ sĩ của bà. Dù ở lớp làm thơ, hay khu xóm bà ở, bà đều không có một người bạn, ngay cả đứa cháu vẫn chơi cầu lông cùng bà trước sân nhà vẫn có thể bỏ đi khi bạn nó gọi điện, đứa cháu biết mình đã gây ra tội gì, nhưng không một lời giải thích với bà cũng không hề cảm thấy tội lỗi. Người con gái ở xa mà bà coi là “người bạn thân” bà cũng chẳng thể nói thật với con về tội lỗi của đứa cháu. Có lẽ,trong bộ phim này, Mija là một người già cô độc, một người nghệ sĩ cô đơn, trong bài thơ của bà chẳng nhắc tới đứa cháu hay cô con gái, mà tất cả đến cuối cùng ám ảnh bà vẫn là hình ảnh cô gái trẻ tự tử.
Sau tất cả, sóng gió cuộc đời tác động đến các tác phẩm của người nghệ sĩ, mỗi người nghệ sĩ lại chọn những cách riêng để giải quyết cuộc sống và truyền giọng điệu vào tác phẩm của mình. Mija là một người nghệ sĩ chân chính khi bà sống đúng với cảm xúc của mình. Điều quan trọng nhất đối với một người nghệ sĩ chính là cảm xúc, không có cảm xúc chúng ta sẽ chẳng sáng tác ra bất kể tác phẩm nào. Mija là một nghệ sĩ dạt dào tình cảm. Trong bộ phim này, nhân vật chính vốn đã là một người nghệ sĩ để truyền tải thông điệp đến với khán giả, nhưng nhân vật ấy cũng chính là người nghệ sĩ trong phim, cụ thể là một nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm. Việc tạo một nhân vật là nghệ sĩ để truyền tải suy nghĩ của nghệ sĩ cũng như thông điệp nghệ thuật là một cách làm vô cùng thông minh và chính xác, Mija là một nhà thơ nhiệp dư đã giúp người xem hiểu hơn hết về “poetry” nói riêng và về thi ca nói chung.
Mở đầu bộ phim đã là những hình ảnh trái ngược đến rùng rợn, bên bờ sông nước chảy êm đềm, trời nắng nhẹ, với lũ trẻ con đang vui đùa, thì từ xa chảy tới là xác cảu một thiếu nữ nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Hình ảnh ấy ngay lập tức đã tác động mạnh mẽ đến thị giác của người xem, đồng thời đưa họ vào mạch cảm xúc của bộ phim nhanh chóng.
Đạo diễn đã đặt bộ phim vào những chuỗi bối cảnh trái ngược giữa thiên nhiên và con người. Sự trái ngược bao giờ cũng tạo được hiệu ứng sâu sắc hơn những gì hài hòa đăng đối. Nhân vật chính của chúng ta với vẻ ngoài rực rỡ hơn những người già cùng lứa, nhưng lại có cuộc sống ảm đạm, không có bạn đời, đứa cháu thì hư hỏng, con gái sống xa nhà, ông già bị tai biến mà bà hàng tuần phải đến giúp việc cũng luôn tỏ ra khinh khỉnh với bà mà không hề có chút tôn trọng, con gái của ông ta ở tiệm tạp hóa cũng chẳng mấy tử tế khi không có ý quan tâm niềm nở tới bà, hay ông bố của một cậu con trai là bạn với Wook cũng vậy, dù nhiều lần sẵn sàng mang ô tô tới đưa đón bà cụ, nhưng không hề có nhã ý giúp đỡ khi bà không thể chi trả 5 triệu yên. Mija luôn yêu cuộc sống và mong những thứ tốt đẹp, nhưng mọi người xung quanh bà lại chẳng ai yêu thương và bầu bạn với bà. Không một người bạn và việc thường xuyên đặt nhân vật chính đứng giữa thiên nhiên đất trời làm cho nhân vật chính của chúng ta trở nên cô độc và bé nhỏ.
Bộ phim mang giá trị hiện thực sâu sắc, là lời lên án mãnh liệt với tình trạng chạy án và tự tử ở lớp trẻ trong xã hội ngày nay tại đất nước Hàn Quốc. Nếu Mija cảm thấy có lỗi với gia đình cô bé đã chết thì 5 ông bố còn lại lại tỏ ra rất dửng dưng và coi việc lấy tiền để bù đắp là hoàn tàn thỏa đáng cho tội lỗi không thể sửa chữa của con trai họ. Bộ phim vạch trần bộ mặt thản nhiên và cảm xúc vô cảm của con người trong cuộc sống xã hội hiện đại. Đồng tiền thể hiện đẳng cấp của con người và là công cụ để giải quyết mọi vấn đề. Không chỉ 5 ông bố như vậy, mà ông già bị tai biến cũng thế, ông ta có điều kiện để trả thêm tiền bo cho Mija nhưng chưa một lần nhìn bà với ánh mắt tôn trọng. Ông muốn bà giúp ông “được sống trở lại như một người đàn ông” rồi khi đưa cho bà 5 triệu yên cũng vẫn là ánh mắt khinh bỉ và coi bà là loại rẻ tiền không cần bận tâm tới. Đối với Mija kiếm tiền phải giữ được nhân cách và đồng tiền là mồ hôi công sức chính đáng, còn đối với tất cả các nhân vật phụ xung quanh, đồng tiền là công cụ và tình người là thứ gì đó xa xỉ không nhất thiết với họ. Cậu cháu trai dù biết bà già yếu cực khổ nuôi dưỡng mình nhưng vẫn bật nhạc cả đêm, đi chơi điện tử đàn đúm với bạn bè và ăn những món sang trọng như pizza mà không hề quan tâm bà mình đã trải qua những điều gì. Hiện tượng vô cảm trong xã hội Hàn Quốc là một tình trạng đáng báo động và đạo diễn Lee Chang Dong là một trong những người rung lên hồi chuông báo động ấy.
Những người đến lớp học làm thơ với mong muốn trở thành những nghệ sĩ nghiệp dư ban đầu tỏ ra thích thú và lắng nghe kĩ lời thầy giáo giảng, nhưng không hề suy ngẫm lời giảng đó phù hợp với mình không và kết thúc khóa học họ cũng chẳng có ý thức cần phải sáng tác một bài thơ cho xứng đáng với quỹ thời gian học của mình. Mọi người cười và khoái chí với bài thơ của một ông nhà thơ viết về những chuyện tục tĩu, mà chẳng ai nghĩ sáng tác thơ cần một thẩm mĩ văn học nhất định, chỉ mình Mija nói lên được suy nghĩ riêng của mình.
Bộ phim được quay trong thời tiết mùa hè gió mát, tràn ngập nắng, cây cối chim muông tươi trẻ, nhưng con người lại úa tàn và thiếu cảm xúc. Mija yêu các loài hoa, bà còn hiểu ý nghĩa của chúng, nhưng vị bác sĩ ở phòng khám lại đặt một chậu hoa giả bên cửa sỏ mà không biết ý nghĩa của những bông hoa ấy là sự đau khổ. Thiên nhiên đối lập hoàn toàn với con người, hoàn toàn là xứng đáng khi Lee Chang Dong nhận được giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất với “Poetry”. Những chi tiết nghệ thuật mà ông đặt cho bộ phim không hề quá cầu kì, những góc quay đơn giản đôi khi được lặp lại có chủ đích vẫn hoàn toàn có thể tọa nên một “Poetry” xuất sắc đầy tính nghệ thuật.
Thiên nhiên căng tràn sức sống, nhưng con người lại sống thiếu mục tiêu, trống rỗng và nhân vật chính của chúng ta rất khó khăn để tìm được cảm hứng sáng tác thơ cho mình. Có một triết lý có lẽ là sự tương đồng duy nhất giữa con người và thiên nhiên: hoa đẹp rực rỡ rồi cũng có lúc tàn, quả ngon tươi chin mọng rồi cũng bị chà đạp khi rụng xuống đất, con người rồi cũng sẽ chết đi dù họ có được một lần rực rỡ sống đúng với chính mình hay không.
Kết thúc bộ phim lại quay trở lại con sông nước trôi êm đêm ở đầu phim, và hình ảnh cô bé 16 tuổi trước khi vĩnh biệt thế giới này gợi cho người em nhiều cảm xúc và suy nghĩ lẫn lộn. Ta vừa cảm thấy oan ức cho cô bé, vừa cảm thấy bất công khi những người muốn sống đangở độ tuổi đẹp như hoa như ngọc lại bị ép chết, còn những người sống vô cảm thì cứ tiếp tục không cảm xúc hay suy nghĩ về những điều mình đã làm. Có lẽ Mija đã tìm ra được những điểm chung giữa bà và cô bé ấy, chỉ là bà thương tiếc cho cô bé phải chết ở độ tuổi quá trẻ, vì thế mà bà đã từng lén lấy đi bức ảnh cô bé trong buổi cầu nguyện siêu thoát của cô.
Nội dung liên quan
Mạnh Hà Hoàn