Cẩm nang chọn nghề: Đâu là nghề thực sự phù hợp với bạn? [Phần Cuối]

  1. Hướng nghiệp

Ciaooo! Thật là tội lỗi vì đã hứa hẹn sẽ đăng sớm nhưng rốt cuộc sau một tháng mình mới lại tiếp tục được Phần 5 của chuỗi Cẩm nang chọn nghề: Đâu là nghề thực sự phù hợp với bạn? của WaitButWhy, cảm giác như đã trải qua cả một đời người để dịch hết được bài này. Mình tự hỏi tác giả đã cảm giác thế nào sau khi viết hoàn thiện một nội dung để đời như vậy? Mình chỉ dịch lại thôi nhưng cũng đã thấy rất tự hào rồi...

Các bạn còn nhớ những khái niệm từ đầu đến giờ đã được tiếp cận qua loạt bài này không? Chiếc Hộp Mong Muốn cùng Con Bạch Tuộc Khao Khát, các anh chàng Xúc Tu, Kẻ Mạo Danh, Nhà Tù Chối Bỏ; Chiếc Hộp Thực Tế cùng những Ngôi Sao và cuối cùng là Bể Lựa Chọn với những mũi tên hướng nghiệp? Nếu không còn nhớ gì hoặc cảm thấy tò mò về nó thì hãy đọc lại những phần trước của bài trước khi bước vào Phần 5 nhé:

______

PHẦN 5 -LIÊN KẾT CÁC ĐIỂM VÀ HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Liên kết các điểm nối tới tương lai

Đã đến lúc chúng ta cùng lôi lại tấm Bản Đồ Sự Nghiệp mà tôi bắt bạn phải tạm cất đi ở đầu của bài viết, tấm bản đồ đã ghi sẵn những mũi tên hoặc có dấu hỏi chấm to tướng ấy. Nếu như trên đó đã vẽ sẵn từ trước những mũi tên hướng nghiệp, hãy xem thử lại Bể Lựa Chọn mà bạn vừa mới xây dựng được. Với mọi thứ bạn hiện đã có trong tay sau quá trình dài dằng dặc để khám phá bản thân, tấm Bản Đồ Sự Nghiệp cũ với những mũi tên cũ này còn hợp lý nữa hay không? Nếu vẫn hợp lý, thì chúc mừng nhé, bạn đã trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua đi tìm cái "nghiệp" của mình rồi đấy!

Nhưng nếu không thì sao? Đó là một câu chuyện buồn. Nhưng cuộc sống mà... trong cái rủi lại có cái may! Bạn hãy nhớ, chỉ cần phát hiện ra được những mũi tên đó là sai thôi cũng là một bước tiến rất lớn rồi, dù điều đó khiến bạn hoang mang giữa dòng đời đến mức nào.

roller-coaster-1-2-02

Dấu Hỏi Hoang Mang xuất hiện trên Bản Đồ Sự Nghiệp của bạn đánh dấu cú lao dốc lớn lao trong cuộc đời, cú lao của hai con tàu cao tốc: con tàu thấu hiểu bản thân và con tàu thấu hiểu thế giới. Một cú lao để đời và rất đúng đắn. Cú lao phá tan những mũi tên sai lầm của bạn để đến với đám đông hoang mang dưới đáy vực ở Thung Lũng Khủng Hoảng.

Và giờ đây với Dấu Hỏi Hoang Mang trong tay, bạn phải đi đến một quyết định khó khăn. Bạn cần chọn ra một trong những mũi tên hướng nghiệp có trong Bể Lựa Chọn để đi tiếp.

Đúng là khó khăn thật đấy, nhưng nếu nghĩ sâu hơn một chút thì cũng không đến mức quá khó như vậy đâu. Bạn nghĩ thử xem nhé:

Trước đây nhiều người cho rằng con đường sự nghiệp giống như một đường hầm tối dài 40 năm. Bạn chọn một đường hầm cho mình và một khi bạn đã vào, sẽ chẳng có lối thoát. Bạn làm việc cật lực trong lĩnh vực bạn chọn trong khoảng 40 năm rồi căn hầm khạc bạn ra khỏi họng nó để "tiễn" bạn về hưu.

tunnels-2-768x593

Nhưng sự thật không phải vậy đâu, con đường sự nghiệp không vận hành giống như một căn hầm dài 40 năm, chỉ trông có vẻ giống như vậy mà thôi. Nếu có chăng thì những nghề nghiệp truyền thống mà tôi có đề cập ở các phần trước có vẻ sát với căn hầm này nhất nhưng cũng chỉ là trong quá khứ.

Sự nghiệp của chúng ta ngày nay, đặc biệt là những ngành nghề mới xuất hiện, không giống như những căn hầm. Chính tầm hiểu biết hạn hẹp của chúng ta luôn cho rằng chúng giống nhau, khiến việc lựa chọn một con đường đúng đắn ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Khi cứ mãi nghĩ sự nghiệp của mình là một đường hầm không lối thoát, bạn sẽ gặp khủng hoảng lớn nhất là khi bạn còn không chắc chắn mình đang là ai, hay mình muốn trở thành ai sau vài thập kỷ nữa. Điều này dẫn tới suy nghĩ sai lầm rằng những gì ta làm sẽ thể hiện ta là ai, biến nỗi hoang mang của bạn trở thành cuộc khủng hoảng ngày càng lớn.

Khi cứ mãi nghĩ sự nghiệp của mình là một đường hầm không lối thoát, việc đưa ra lựa chọn đúng đắn trở nên khó khăn đến nỗi bạn cứ quẩn quanh trong hàng tá lựa chọn mà không biết phải làm sao. Đặc biệt đối với kiểu người cầu toàn, việc này với họ giống như rơi vào trạng thái hỗn mang.

Khi cứ mãi nghĩ sự nghiệp của mình là một đường hầm không lối thoát, bạn sẽ mất đi dũng khí để thay đổi, dù cả tâm hồn bạn đang cầu xin chuyện đó. Nó biến hành động chuyển ngành chuyển nghề thành một điều gì đó đầy rủi ro mà lại còn đáng xấu hổ, những người chuyển ngành chuyển nghề thành những kẻ thất bại trong sự nghiệp. Nhiều người sẽ cảm thấy họ đã quá già để đổi hướng hay bắt đầu một con đường mới mẻ hoàn toàn.

Tầm hiểu biết hạn hẹp của chúng ta luôn cố thuyết phục ta tin rằng sự nghiệp là đường hầm không lối thoát. Chúng khiến ta khao khát những điều ta không thực sự muốn, chối bỏ những khao khát sâu thẳm trong tâm, khiến ta lo sợ những điều không đáng sợ, tin vào những điều không chính xác về thế giới và tiềm năng của chính bản thân mình.

Bối cảnh ngành nghề hiện nay không phải là chuỗi những đường hầm tăm tối, nó là hệ thống phòng nghiên cứu khoa học siêu rộng, siêu phức tạp và thay đổi nhanh chóng mỗi ngày. Ngày nay công việc bạn làm không thể hiện bạn là ai, bạn chỉ là những nhà khoa học đang cày xới cật lực và cũng thay đổi phương pháp liên tục trong phòng nghiên cứu đó mà thôi. Ngày nay sự nghiệp không phải là một đường hầm, cũng chẳng phải một cái hộp, cũng chẳng có bất cứ nhãn mác nào cho nó cả. Sự nghiệp là một chuỗi những thí nghiệm khoa học kéo dài.

Steve Jobs từng so sánh cuộc đời như việc liên kết những điểm nối, bạn sẽ dễ dàng nhìn lại quá khứ để biết những điểm nối đã liên kết và đưa bạn đến hiện tại như thế nào, nhưng lại rất khó để tiếp tục kết nối đến những điểm khác để tiến tới trong tương lai.

Nếu bạn nhìn vào tiểu sử của các nhân vật mình luôn ngưỡng mộ, bạn sẽ thấy con đường họ đi giống như một chuỗi kết nối các điểm chứ không phải là một đường hầm thẳng và dễ đoán. Nếu nhìn lại chính mình hay bạn bè, có lẽ bạn cũng sẽ thấy xu hướng tương tự. Theo các dữ liệu cho thấy, trung bình một người trẻ chỉ duy trì một vị trí công việc trong khoảng 3 năm (những người lớn hơn thì có thể dành thời gian dài hơn ở mỗi điểm nối, nhưng cũng không dài đến mức 40 năm, tầm 10 năm là cùng thôi).

Như vậy, đánh giá sự nghiệp bằng việc liên kết một chuỗi những điểm được kết nối với nhau không phải là một mánh tôi đưa ra để lừa phỉnh tinh thần để giúp bạn ra quyết định dễ dàng hơn, mà nó thực sự chính là cách sự nghiệp của bạn vận hành. Ngược lại, việc coi sự nghiệp là một đường hầm dài đằng đẵng không những khiến bạn nhụt chí mà thực tế còn sai ác nữa.

Tương tự như vậy, bạn nên tập trung để tiến đến điểm nối kế tiếp của mình (gọi nó là điểm #1), đó là cách duy nhất để bạn tiến lên phía trước. Đừng lo lắng đến những điểm sau đó (điểm #2 trở đi), vì bạn chẳng có dữ kiện gì để suy nghĩ về nó khi điểm #1 còn chưa chạm được.

Trong khi tìm cách nối các điểm, bạn sẽ khám phá nhiều điều về bản thân mà trước nay bạn chưa từng biết. Bạn sẽ thay đổi từ chính con người ở hiện tại, chính Con Bạch Tuộc Khao Khát sẽ phản ánh sự thay đổi này. Bạn sẽ biết nhiều hơn về bối cảnh nghề nghiệp, về ván cờ cụ thể bạn đang chơi và trở thành một đấu thủ mạnh hơn rất nhiều. Và đương nhiên, bối cảnh đó, ván cờ đó, tự nó cũng thay đổi và phát triển.

Việc tiên đoán trước những điểm nối trong tương lai sẽ gặp phải nghe có vẻ nực cười. Những điểm nối #2, #4, #6 là nỗi lo của tương lai, cũng là của bạn nhưng là phiên bản thông thái hơn bây giờ. Vì vậy đừng để ý đến chúng, hãy để ý đến điểm nối #1 của bạn mà thôi.

Nếu chúng ta đóng vai là những nhà khoa học, còn xã hội là một phòng nghiên cứu rộng lớn, thì sơ đồ Venn giữa mong muốn và thực tế của bạn sẽ là một giả thuyết sơ bộ. Điểm nối #1 sẽ là cơ hội để bạn thử nghiệm nó.

Thử nghiệm giả thuyết được sử dụng nhiều trong các mối quan hệ hẹn hò. Nếu một cô bạn lúc nào cũng trăn trở về kiểu người mà cô ta muốn cưới nhưng lại chẳng chịu tìm hiểu ai thì bạn cần tuyên bố với cô ta rằng: "Cô nên đi ra ngoài kia và kiếm gấu đi, ngồi ở nhà thì không lấy nổi chồng đâu, hẹn hò đi rồi mới biết kiểu người nào sẽ hợp với mình". Chẳng hạn cô bạn đấy có buổi hẹn hò đầu tiên, sau đó về nhà và tiếp tục trăn trở không biết người đầu tiên đó có phải người cô ta muốn lấy chưa, bạn cần chỉnh tiếp: "Một người không ăn thua đâu, hẹn hò thêm vài người nữa đi rồi mới rút kinh nghiệm và quyết định được!!!".

Bạn có công nhận rằng cô bạn kia thật quá non nớt trong việc tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân mình không? Đừng có giống cô ta trong việc lựa chọn sự nghiệp cho mình nhé. Điểm #1 chỉ là một tình huống mới lạ để trải nghiệm, chỉ đơn thuần là buổi hẹn hò đầu tiên của bạn mà thôi.

Sau khi nghe những điều này, bạn có thấy nhẹ nhàng hơn trong việc lựa chọn mũi tên cho Bản Đồ Sự Nghiệp của mình không? Đó chỉ là mũi tên hướng tới điểm #1 mà thôi. Bạn hoang mang giữa hàng tá sự lựa chọn chỉ bởi vì bạn đang nhìn nó dưới con mắt của hồi xưa, nhìn sự nghiệp như đường hầm dài tăm tối không lối thoát. Nếu nhìn nhận theo hướng mới này, thì hiển nhiên quyết định lựa chọn con đường sự nghiệp hiện tại dù lớn đến đâu thì cũng có vẻ bớt áp lực hơn, đồng thời hấp dẫn và kích thích hơn.

Trên lý thuyết thì là thế. Giờ thì tới phần khó khăn hơn cả đây này!

Tạo bước tiến đầu tiên

Bạn đã tự khám phá, cân đo đong đếm, dự đoán và cân nhắc. Bạn chọn một điểm đến và vẽ một mũi tên. Đến giờ bạn cần phải nhấc tay động chân và tiến lên theo mũi tên đó rồi.

Chúng ta đều là những người dại cả, lại còn hay lo sợ. Chúng ta không ưng gì những thứ trơn trượt nhưng bước đi càng mạnh dạn, vững chãi lại càng dễ trơn trượt hơn cả. Nếu có bất kỳ sự trì hoãn đáng lo ngại nào xuất hiện trong bạn thì chắc hẳn nó sẽ xuất hiện vào lúc này.

Con Bạch Tuộc Khao Khát có thể giúp bạn đấy. Như ta đã đề cập ở đoạn trước, hành vi của bạn dù ở điểm nào thì cũng sẽ phản ánh những xúc tu của Con Bạch Tuộc. Nếu bạn đã quyết định sẽ đi một bước lớn của cuộc đời nhưng chần chừ mãi không bước nổi thì là do phần nào đó trong bạn đang không muốn di chuyển, và điều này được đặt ở tầng cao hơn trong hệ thống mức độ ưu tiên các khao khát. Có thể lý trí của bạn nói rằng bạn phải bước đi thôi, nhưng những khao khát khác thì đang biểu tình. Hãy nhớ, bạn chính là CEO của bản thân, và bạn không được để nhân viên của mình kiểm soát mình.

Để khắc phục điều này, hãy suy nghĩ như một cô trông trẻ. Trong lớp học, có một đám nhóc tì 5 tuổi đang phá phách và không chịu nghe lời bạn. Bạn cần phải làm gì?

Hãy tới nói chuyện với chúng nó, mấy đứa gây chuyện ấy. Chúng khó chịu, bất mãn, nhưng bạn có thể dỗ dành được. Hãy nói với chúng tại sao bạn lại để chúng ở tầng thấp hơn những đứa khác trên hệ thống ưu tiên. Mô tả cho chúng hiểu những gì bạn đã tìm được thông qua Chiếc Hộp Thực Tế. Hãy nhắc cho chúng nhớ những điểm nối cần được liên kết với nhau như thế nào và điểm #1 sẽ là điểm quan trọng ra sao. Cô trông trẻ thì cũng là nhà giáo mà, hãy tự xử đi!

Càng già dần, tôi càng nhận ra việc đấu tranh tư tưởng chiếm đến 97% khó khăn trong cuộc sống. Thế giới này đơn giản lắm, chỉ có bản thân bạn là phức tạp thôi. Nếu bạn thấy mình vẫn còn chần chừ không chịu triển khai kế hoạch, giậm chân tại chỗ, thất hứa với chính mình và để điểm #1 mãi mãi ở phía xa không chịu bước tới, thì hãy cố gắng trở thành một cô trông trẻ mẫu mực. Nếu không cuộc đời bạn sẽ còn bị dắt mũi bởi những đứa trẻ 5 tuổi lì lợm, vắt mũi chưa sạch, và bung bét hết. Tin tôi đi, tôi biết lắm mà!

Nếu trong thâm tâm bạn thực sự cần một bước nhảy sự nghiệp để tiến tới điểm nối mới, tôi mong rằng bằng một cách nào đó, bạn sẽ làm được.

Sau bước tiến đầu tiên

Nhảy tới một điểm nối mới là một cảm giác rất "Yomost!", nhưng cũng đi kèm những hỗn loạn đáng kể bên trong.

Trong thời gian đầu, bạn sẽ siêu lóng ngóng vụng về với những gì phải làm ở điểm nối mới. Bản thân bạn nghĩ rằng mình hoàn toàn hình dung được vấn đề, nhưng đến khi làm thì lòi cái ngu ra. Mọi nỗi sợ bạn đã cố gắng kéo xuống dưới các tầng thấp giờ sẽ biểu tình dữ dội hơn, xông ra đòi bạn để tâm đến chúng, cưu mang chúng. Những khao khát được bạn ưu tiên hơn thì bắt đầu cảm thấy không hài lòng vì chẳng thấy tiến triển gì rõ rệt, chúng đang băn khoăn không hiểu sự tồn tại của chúng có đúng là những gì bạn muốn hay không. Còn những khao khát bị bạn dìm xuống dưới bắt đầu trồi lên là lá la đòi đất diễn. Tình trạng này thật không hay chút nào.

Ngay cả khi mọi chuyện bạn làm đều suôn sẻ, rồi sẽ có lúc bạn chợt nhớ ra Con Bạch Tuộc Khao Khát là một sinh vật luôn luôn không thỏa mãn. Phần nào đó trong nó sẽ luôn cảm thấy bị bỏ quên, bị xâm phạm, và mỗi ngày trôi qua bạn đều sẽ nghe thấy nó gào lên về chi phí cơ hội cho việc bỏ qua những con đường không được lựa chọn, những lựa chọn mà ở một thế giới song song nào đó bạn đã chọn. Bạn rồi sẽ mãi nghĩ về những giả thuyết chúng đưa ra và lo lắng không biết mình đã bỏ lỡ những gì.

opportunity-cost-2

Đến khi bạn suy nghĩ thấu đáo hơn, bạn sẽ học được cách để chấp nhận Con Bạch Tuộc không mấy hạnh phúc của mình. Bạn để mặc cho nó rên rỉ, dễ dàng bỏ ngoài tai những lời mà bạn xác định sẵn là không cần quan tâm tới.

Con Bạch Tuộc khóc lóc, rên rỉ để nhắc nhở bạn rằng một hạnh phúc đơn thuần, tươi sáng không phải là một cái đích nên hướng tới. Khoảnh khắc bạn cảm thấy hạnh phúc chỉ là tạm thời, một ảo giác ma mị sẽ sớm kết thúc, y như kỳ nghỉ trăng mật đầy màu hồng ngay sau khi cưới, tuần đầu tiên đi làm ở chỗ mới hay cảm giác vượt chỉ tiêu KPI sau nhiều tuần bết bát chẳng hạn. Cảm giác đó huy hoàng y như lúc trọng tài thổi còi kết thúc trận chung kết và ta biết Việt Nam vô địch, rất tuyệt vời, phấn khích, bạn sẽ tận hưởng hết mình vì chiến thắng đó, nhưng cảm giác đó sẽ không kéo dài. Bạn có thể vui vẻ hô vang "Việt Nam vô địch!" ngày một, ngày hai, nhưng chẳng thể đi "bão" cả tuần sau đó.

Điều thực sự mỗi người chúng ta nên hướng tới là sự thoả mãn: thứ cảm giác hài lòng với con đường tốt nhất mà mình có thể lựa chọn, rằng những gì bạn đang làm chính là mảnh ghép cuối cùng mà bạn cảm thấy thật tự hào vì đã ghép xong nó. Chỉ có những kẻ ấu trĩ mới theo đuổi cảm giác hạnh phúc nhất thời. Người khôn ngoan hơn sẽ kiếm tìm cảm giác thoả mãn khi họ có những lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, biết được rằng họ có thể đạt được bất kỳ điều gì họ cần.

Người ta cứ nhắc nhan nhản về việc hãy luôn hiện diện và sống ở hiện tại. Thế nhưng luôn tồn tại một trạng thái rộng hơn: cảm nhận rõ sự hiện diện của bản thân trong suốt cuộc đời này. Nếu bạn đã tới được một điểm nối sự nghiệp mà ở đó bạn trung thực với bản thân, cảm thấy mình đang ở đúng chỗ rồi thì hãy ngừng suy nghĩ về kế hoạch sắp tới và bắt đầu thực thi ngay. Rồi sẽ đến lúc bạn cần dừng lại và nhìn tổng quan cả một bức tranh lớn lần nữa, còn bây giờ hãy cứ để bức tranh lớn đó sang một bên, bớt suy nghĩ lại và dồn hết năng lượng vào hiện tại. Đơn giản lúc này bạn chỉ cần cứ sống mà thôi.

Điểm nối tiếp theo?

Ở một vài điểm nào đó, bạn sẽ băn khoăn và hoang mang về bức tranh lớn của mình. Mỗi khi như vậy, bạn cần quay trở lại đánh giá và phân tích, xem điều gì đang khiến bạn băn khoăn như vậy.

Đôi khi, cái đích lớn nhất bạn hướng tới không phải là vấn đề. Chính người bếp trưởng bên trong bạn quyết định để tới cái đích lớn đó bạn cần thực hiện một bước nhảy vọt mạnh dạn, và bước nhảy đó mới là vấn đề hiện hữu. Trong trường hợp này, việc nhảy sang điểm nối tiếp theo thực sự cần tính kiên trì và quyết tâm của bạn. Đây là bước ngoặt lớn để bạn đạt được đích đến của sự nghiệp.

Cũng có đôi khi, bạn cảm thấy nghi ngờ chính đích đến mình đang hướng tới, rằng có khi nào mình nên thay đổi hướng đi hay không. Mỗi khi điều này xảy ra, bạn cần tìm hiểu xem cảm giác đó xuất hiện từ chính cái tôi khôn ngoan của bạn hay thực chất chỉ từ một nỗi khao khát âm ỉ nào đó đang mất kiểm soát do không được ưu tiên. Một điểm nối mới hướng tới một cái đích mới cũng có thể được xem xét, nhưng còn tuỳ xem bạn có thực sự cần nó hay không, hay đó sẽ là một quyết định sai lầm.

Những lúc đó, điều quan trọng là bạn cần đánh giá xem mình là kiểu người nào trong 3 kiểu dưới đây:

inertia-spectrum

Kiểu người phía bên trái là kiểu người ngại nhảy. Loại đi giày xi măng. Điểm yếu của họ là luôn chìm đắm quá lâu trong những điều sai lầm. Còn kiểu người bên phải thì luôn khoái nhảy, chân như gắn cánh, và điểm yếu của họ thì ngược lại, rất nhanh bỏ cuộc. (Bạn thực sự không nên sống như kiểu người bên trái. Các nhà tâm lý học cho biết những người như vậy rốt cuộc sẽ hối hận đến cuối đời vì cứ ngồi ì trệ một chỗ. Câu cửa miệng của họ là: "Ước gì tôi từ bỏ sớm hơn!" và lời khuyên mà họ đau đáu để đưa ra cho hậu bối đó là: "Đừng bao giờ chôn chân ở một công việc bạn không thích!").

Đây là lí do tại sao những mô hình đánh giá nội tại như tôi sắp nhắc tới dưới đây là rất quan trọng. Chúng cho bạn khả năng đánh giá xem mình có đang đưa ra những quyết định bốc đồng hay không. Câu hỏi ở đây là liệu bước nhảy đổi hướng bạn tính tới có phải là một quyết định bốc đồng hay thực sự là một bước phát triển cần thiết? Liệu những băn khoăn của bạn chỉ đơn giản là tiếng rên rỉ của con Bạch Tuộc khó chiều? Sự mệt mỏi vì con đường dài đằng đẵng bạn đang phải đi dù con đường đó vẫn đang đúng đắn? Hay thực sự bạn đã tìm ra những thông tin mới về bản thân và thế giới xung quanh đủ để bác bỏ những giả định ban đầu? Biết đâu có điều gì đó đã thực sự thay đổi, như những vòng lặp xanh hay vàng dưới đây:

venn-with-loop-small

Nếu cảm thấy mọi chuyện đã thực sự đổi thay, bạn nên quyết định phóng to góc nhìn hơn nữa, xem xét những vòng lặp lớn màu đỏ, vòng lặp quyết định việc thay đổi đích đến của bạn:

venn-with-big-loop-small

Nếu con đường sự nghiệp giống như việc kết nối nhiều điểm với nhau thì chúng ta cần phải ngày một khôn ngoan hơn khi ra quyết định nhảy từ điểm này sang điểm khác. Hãy bắt đầu từ việc nhìn lại quá khứ của mình. Học từ những quyết định trong quá khứ, với một cái đầu tỉnh táo, nhìn ra những gì cần khắc phục và phát huy, cũng giống như việc các cầu thủ xem lại chính những trận bóng mình từng chơi vậy.

Nhìn lại quá khứ của mình, tôi có thể thấy rất nhiều những bước nhảy và những điều chỉnh trên con đường sự nghiệp từ thời còn đi học. Một vài trong số đó tôi đánh giá là không được khôn ngoan cho lắm. Nhưng cũng nhờ có cái nhìn rõ ràng về những quyết định sai lầm của mình mà tôi rút ra các lối mòn tư duy và những thói quen hành vi tạo nên chúng, từ đó hạn chế để không lặp lại trong tương lai nữa.

Luôn tự nhủ bản thân không hoàn hảo là một bài tập tôi luyện sự khiêm tốn. Cảm giác khiêm tốn này đôi khi làm bạn trở nên tự ti và không mấy vui vẻ, đồng thời việc phải vẽ ra cả một tấm bản đồ sự nghiệp cho bản thân quả thực không dễ dàng, thế nhưng đó lại chính là những khó khăn giúp bạn cảm nhận được cách để chèo đi con thuyền của mình. Tự tin quá mức, thoả mãn quá mức là một cảm giác thú vị, nhưng cũng là cạm bẫy để dẫn tới lạc lối bởi ta tin rằng mình đã hình dung được mọi điều trong cuộc đời.

___________

Trong suốt đời mình, những quyết định của bạn dù đúng dù sai cũng sẽ tạo nên một con đường độc nhất để đi. Tôi sẽ không đề cập tới những nỗi sợ hãi và hối hận mà con người gặp phải khi đi trên đường đời vì thực sự chúng là những thi vị mà ai cũng đều sẽ có.

May mắn là tôi chưa từng trải nghiệm cảm giác nằm trên giường chờ chết, nhưng tôi hiểu rằng hẳn có điều gì đó khiến con người ta dường như bừng tỉnh khi đứng ở ngưỡng cuối cuộc đời. Có vẻ như việc đối mặt với cái chết khiến cho mọi tiếng ầm ĩ trong đầu ta lặng đi, chỉ còn lại tiếng lòng nội tâm đứng đó đối diện với chính bản thân mình. Tôi nghĩ những hối hận nơi cuối đời là suy nghĩ của bản thể thật nhất trong con người, khi họ hồi tưởng lại những phần cuộc đời mà họ chẳng thể sống, những phần nào đó nằm sâu trong tiềm thức mà trước đó bạn chẳng màng tới nó.

Tâm trí tôi có vẻ may mắn đã biết làm điều này từ sớm. Nhìn lại suốt quãng đường mình đã đi qua, những sai lầm khiến tôi đau đáu luôn là những thứ do người khác nhồi nhét vào đầu, khiến cho giọng nói bản ngã thật của tôi yếu ớt, bị che lấp mất. Đích đến của tôi trong tương lai không phải là tránh những sai lầm, mà là dù có sai lầm thì cũng phải thực sự là do những quyết định của mình. Đừng sống với những sai lầm do ảnh hưởng từ người khác!

Đó là lí do vì sao tôi viết ra những dòng phân tích siêu siêu dài và chi tiết trong bài này. Tôi mong rằng đây sẽ là những dòng thực sự đem lại giá trị cho cuộc đời. Những âm thanh ồn ào náo nhiệt xung quanh sẽ không ngừng khuấy động tâm trí bạn, tìm cách điều khiển cuộc đời bạn, nhưng bạn là người chịu trách nhiệm cho chính bản thân mình, cho những sinh vật nhỏ bé đang sống trong bản ngã của bạn. Hãy tìm ra đường đi đúng đắn và những vị trí xứng đáng cho chúng.

Tim Urbun of WaitButWhy.com

______________

Donee! Vậy là cuối cùng mình đã hoàn chuỗi bài Cẩm Nang Chọn Nghề này rồi! Thật là một bài dịch để đời! 05 phần với biết bao nhiêu nhân vật, bao nhiêu lần tự đọc và ngẫm xem bản thân mình đang đứng ở đâu. Mong rằng các thành viên khác trên Noron! sẽ rút ra được điều gì đó cho sự nghiệp của mình thông qua chuỗi bài viết này của WaitButWhy, đặc biệt là những ai còn đang hoang mang mịt mùng với tương lai của mình sau này. Rất dài nhưng cũng rất đáng đọc! Cảm ơn các bạn rất nhiều đã cố gắng theo dõi chuỗi bài dịch dù mình đã "ngâm" nó lâu sũng như bánh đa ướt! T_T

Loạt bài "Cẩm nang chọn nghề: Đâu là nghề phù hợp nhất với bạn?" dịch từ Wait But Why:

Và Phần 5 - Liên kết các điểm và hướng tới tương lai.

Từ khóa: 

cẩm nang chọn nghề

,

hướng nghiệp

,

chọn nghề

,

hướng nghiệp

Giá như mình biết được những bài này sớm hơn :(((

Trả lời

Giá như mình biết được những bài này sớm hơn :(((

Hay quá ạ

Mặc dù hơi dài nhưng thực sự rất bổ ích. Cảm ơn bạn

Hôm nay mới có dịp đọc series này, thật sự nó rất bổ ích. Cảm ơn bạn rất nhiều!

Mình xin phép chia sẻ bài viết này cho các bạn khác chưa biết đến nhé. Cảm ơn bạn!

Thời điểm tốt để đọc lại 4 phần :)

Cảm ơn người dịch rất nhiều vì bài dịch quá chất lượng và đã giúp em phần nào trong việc lựa chọn nghề nghiệp của mình

May mắn đã tìm được bài viết này trong thời điểm làm hồ sơ thi. Cảm ơn tác giả rất nhiều!!!!

Tuyệt vời!

Đọc xong mới thấy là việc chọn nghề, định hướng nghề nghiệp cho bản thân không hề dễ dàng chút nào