Cẩm nang chọn nghề: Đâu là nghề thực sự phù hợp với bạn? [Phần 3]
Cùng tiếp tục với chuyên mục Cẩm nang hướng nghiệp: Đâu là nghề thực sự phù hợp với bạn? của Wait But Why. Hai phần trước chúng ta đã có hình dung chung về con đường sự nghiệp mỗi người hiện nay đang như thế nào, về định nghĩa và lý luận của "bếp trưởng - đầu bếp" trong sự nghiệp cũng như hiểu được để vẽ lên đường hướng của Bản đồ sự nghiệp trong tay chúng ta cần có Chiếc Hộp Mong Muốn, Chiếc Hộp Thực Tế và Bể Lựa Chọn.
Các bạn có thể đọc lại Phần 1, 2 tại đây:
Phần 1 - Cách con người tiếp cận với khái niệm "Nghề nghiệp"
Phần 2 - Xác định Bản đồ sự nghiệp
Lần này mình dịch tiếp Phần 3, chi tiết về cách mỗi người xác định Chiếc Hộp Mong Muốn trong sự nghiệp của mình.
___________
PHẦN 3 - XÁC ĐỊNH CHIẾC HỘP MONG MUỐN
Cùng phân tích Chiếc Hộp Mong Muốn
Việc khó khăn khi xác định Chiếc Hộp Mong Muốn đấy là bạn muốn quá nhiều thứ khác nhau, hay nói đúng hơn là mỗi người đều có rất nhiều khía cạnh khác nhau và mỗi khía cạnh lại muốn và sợ đủ thứ. Và vì mỗi công việc lại mâu thuẫn với nhau về mặt động lực và sở thích nên bạn không thể làm mọi thứ bạn muốn được. Quyết định đi theo một hướng có nghĩa là sẽ phải từ bỏ những hướng khác, và thậm chí phải đi ngược lại hoàn toàn với những hướng đó. Chiếc Hộp Mong Muốn là một trò chơi thỏa hiệp.
Con bạch tuộc khao khát
Để có được Chiếc Hộp Mong Muốn, bạn cần phải suy nghĩ về những gì bạn khao khát có được trong sự nghiệp của mình và gợi mở từng thứ một. May mắn thay, Con Bạch Tuộc Khao Khát sẽ giúp được chúng ta.
Mỗi chúng ta đều có một Con Bạch Tuộc Khao Khát trong đầu. Đặc điểm của con bạch tuộc với mỗi người có thể đa dạng nhưng thực ra mọi người cũng không khác nhau là mấy, và tôi cá rằng nhiều người trong chúng ta có những khao khát và nỗi sợ rất giống nhau.
Điều đầu tiên cần nghĩ đến là con người có những nhóm khao khát có thể chỉ mặt đặt tên - giả sử mỗi nhóm đó là một xúc tu của con bạch tuộc. Những cái xúc tu này thì không mấy hòa hợp với nhau.
Tình hình có vẻ tệ. Mỗi xúc tu là tổ hợp của một đống khao khát và nỗi sợ đi kèm riêng biệt, và chúng thường xuyên mâu thuẫn với nhau.
Thử quan sát kỹ hơn từng xúc tu và xem chuyện gì đang xảy ra nhé.
Xúc tu khao khát Cá Nhân có lẽ là xúc tu khó để hình dung nhất - nó khá đặc thù với mỗi người. Xúc tu này phản ánh tính cách cụ thể và giá trị của chúng ta, nó cũng mang theo gánh nặng lớn nhất, phức tạp và thử thách nhất trong nhu cầu của con người đó là: trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Xúc tu này cũng phải vẫy vùng không chỉ giới hạn với bản thân mỗi người ở hiện tại mà còn ở quá khứ nữa. Ước mơ năm 7 tuổi, nhân dạng lý tưởng năm 12 tuổi, niềm hy vọng chôn giấu ở tuổi 17 và niềm đam mê đang lớn dần của bản thân ở hiện tại đều xuất hiện đâu đó trên chiếc xúc tu Cá Nhân, thể hiện những gì cá nhân ta mong muốn và chúng có thể làm bạn cảm thấy thật sự tệ hại, thất vọng và ghê tởm chính mình nếu thất bại. Trên hết, nỗi sợ đối với cái chết của bạn cũng xuất hiện trên xúc tu Cá Nhân, chúng thúc giục bạn để lại dấu ấn của bản thân và đạt được những thành công vĩ đại nhất có thể. Xúc tu Cá Nhân trở thành động lực, là lý do tại sao bạn không thể tìm thấy bất kỳ nhà tỉ phú nào dành phần còn lại của cuộc đời họ nhâm nhi cocktail trên bãi biển. Chiếc xúc tu này không cho phép bạn được thỏa mãn với bản thân.
Chắc cũng vì vậy mà chiếc xúc tu Cá Nhân thường gặp cái kết đau thương. Nó bị ta bỏ quên, hoặc phớt lờ đi mất. Bởi vì trong nhiều trường hợp, đó là tập hợp các khao khát lớn lao nhất để quyết tâm thực hiện nhưng hệ quả của việc không thực hiện nó lại không hiện hữu ngay trước mắt mà lâu lâu lấp ló đó đây trong suy nghĩ của bạn, hù dọa bạn. Hơn thế nữa, xúc tu Cá Nhân luôn có nguy cơ bị nhấn chìm trên con đường sự nghiệp của bạn bởi những cảm xúc mạnh mẽ và hoang dã của những xúc tu khác. Việc phớt lờ xúc tu Cá Nhân có thể khiến bạn vô cùng hối tiếc về sau. Một chiếc xúc tu Cá Nhân không được thỏa mãn thường là lí do đằng sau những người rất thành công, nhưng lại không cảm thấy hạnh phúc. Họ cho rằng mình đã thành công nhưng lại ở sai lĩnh vực mất rồi.
Chiếc xúc tu khao khát Xã Hội có lẽ là khía cạnh nguyên thủy nhất, hoang dã nhất, và cốt lõi của nó bắt nguồn từ quá trình tiến hóa của chúng ta từ thời công xã nguyên thủy. Trên chiếc xúc tu này đầy những "sinh vật" kỳ lạ.
Như một bài trước tôi có đề cập (Chi: có thời gian mình sẽ dịch bài này), tất cả chúng ta đều có một chú voi ma mút khổng lồ tồn tại trong đầu, khiến ta bị ám ảnh bởi những gì người khác nghĩ về mình. Chú voi ấy khao khát được chấp nhận, được hòa nhập, được xã hội yêu thích, và tương tự cũng làm cho chúng ta sợ hãi mỗi khi bị đả kích, phán xét hay bị tẩy chay. Chú voi đó thực sự rất rất muốn hòa mình vào cộng đồng và thực sự sợ bị lạc loài.
Vậy đó, chú voi đó chính là hình thái cho một bản ngã của bạn, và thậm chí nó còn muốn nhiều hơn thế nữa cơ. Bản ngã của bạn không chỉ muốn được xã hội chấp nhận mà còn muốn được ngưỡng mộ, được thèm khát, lý tưởng nhất là được cả thiên hạ ngả mũ trước mình. Ngược lại, việc bạn bị ghen ghét còn không đáng sợ bằng việc bị cả thế giới phớt lờ. Bản ngã này luôn muốn bạn trở nên quan trọng và có sức ảnh hưởng.
Ngoài chú voi ma mút kể trên thì cũng còn những bản ngã khác xung quanh chiếc xúc tu này. Một nơi nào đó trên chiếc xúc tu xuất hiện bản ngã là một người thẩm phán, người này sẽ trở nên vô cùng khó chịu nếu có ai đó đối xử với bạn không công bằng, nếu bạn không được đánh giá đúng với những gì bạn có. Bản ngã thẩm phán này khao khát việc tài năng và trí tuệ của bạn được mọi người nhìn nhận. Thẩm phán cũng là người làm bạn luôn trăn trở, nung nấu ý định phải thể hiện bản thân trước những người không tin vào khả năng của bạn.
Cuối cùng, một số người trong chúng ta có thể tìm thấy bản ngã là một chú chó nhỏ đáng yêu bậu trên chiếc xúc tu Xã Hội, và chú ta không khao khát gì hơn ngoài việc làm hài lòng chủ nhân của mình, không thể chịu đựng được việc làm chủ nhân thất vọng. Vấn đề duy nhất với sinh vật đáng yêu này là chủ nhân của nó không phải là bản thân bạn. Đó là một người có quá nhiều sức ảnh hưởng đến tâm lý của bạn, nếu không tỉnh táo và kiên định, bạn có thể dành toàn bộ sự nghiệp của mình để cố gắng làm hài lòng họ và khiến họ tự hào (ví dụ điển hình chính là các bậc làm cha làm mẹ).
Chiếc xúc tu thứ 3 là xúc tu Phong Cách Sống, với khao khát đơn giản đó là mỗi ngày đều là một ngày vui. Vui ở đây nghĩa là sao? Vui tức là một ngày bạn có thật nhiều thời gian rảnh để chăm sóc bản thân, ung dung tự tại, nghỉ ngơi thư giãn, tận hưởng cuộc sống phong lưu.
Chiếc xúc tu này mong muốn vẽ cuộc đời của bạn thành một bức tranh hoàn hảo, bạn luôn làm được mọi thứ mình muốn, bất kỳ lúc nào, cách nào cũng được, với những người bạn yêu quý nhất. Cuộc đời là phải luôn vui tươi, giàu trải nghiệm, trôi qua trong thanh bình, suôn sẻ, không cần làm việc nặng nhọc, càng ít va vấp càng tốt.
Vấn đề là, kể cả khi bạn đặt ưu tiên hàng đầu cho chiếc xúc tu này thì không phải lúc nào cũng duy trì được trạng thái hạnh phúc tổng thể của nó. Một vài phần của chiếc xúc tu khao khát cuộc sống ung dung tự tại sẽ cản trở bạn đồ mồ hôi công sức để xây dựng con đường sự nghiệp mang lại các giá trị lâu dài về vật chất để đảm bảo cho bạn có một nếp sống phong lưu đủ đầy tiêu tiền khỏi phải nghĩ. Phần khác của chiếc xúc tu chỉ cảm thấy thoải mái nếu tương lai luôn có thể lường trước thì lại cản trở con đường tạo ra sự tự do dài hạn. Nếu bạn mong muốn một cuộc sống vô âu vô lo thì lại chẳng thể đáp ứng được khao khát muốn chinh phục những đỉnh núi vĩ đại mà ai ai cũng muốn đặt chân tới.
Xúc tu Lý Tưởng cho rằng mọi chiếc xúc tu khác đều là đồ bỏ đi vì quá coi trọng bản thân. Chiếc xúc tu này thể hiện những phần trong bạn luôn nhìn ra ngoài thế giới rộng lớn và cảm thấy có rất nhiều thứ cần phải sửa chữa. Bạn nhìn thấy những mảnh đời khó khăn, thấy tương lai của những mảnh đời đó như ngàn cân treo sợi tóc, và điều này bạn chỉ có thể tham gia sửa chữa nếu bạn gạt bỏ hết khao khát của những chiếc xúc tu khác. Trong khi những chiếc xúc tu kia hình dung về việc bạn có thể làm với cuộc đời mình nếu có 1 tỷ đô trong ngân hàng thì chiếc xúc tu Lý Tưởng hình dung về sức ảnh hưởng bạn có thể tác động lên thế giới với một tỷ đô đó.
Chẳng cần nói cũng biết, những chiếc xúc tu khác sẽ cảm thấy cậu bạn Lý Tưởng này thật không thể chịu nổi. Chúng không thể hiểu được tại sao bạn phải từ thiện, từ thiện thì được cái gì. Chúng nghĩ rằng "Những người đó không phải là mình, sao mình phải tốn thời gian và năng lượng để giúp đỡ họ?". Chúng chỉ hiểu động lực để bạn "từ thiện" cho chính bản thân mình mà thôi. Chiếc xúc tu Lý Tưởng và xúc tu Phong Cách Sống là mâu thuẫn với nhau nhiều nhất, còn lại với các chiếc xúc tu khác thi thoảng sẽ tìm thấy tiếng nói chung. Chẳng hạn xúc tu Xã Hội có thể sẽ rất ủng hộ việc từ thiện nếu điều đó giúp bạn đạt được sự coi trọng và ngưỡng mộ từ cộng đồng, thể hiện bạn đang thuộc những tầng lớp cao hơn trong xã hội, và xúc tu Cá Nhân thì đôi khi sẽ cảm thấy tự hào với bản thân nếu bạn tham gia làm từ thiện.
Đó là lí do tại sao mỗi khi làm từ thiện, bạn sẽ cảm thấy khá nhiều cảm xúc tích cực khác nhau trong tư tưởng. Một phần trong bạn cảm thấy hãnh diện vì nhận được những tán dương từ cộng đồng, một phần thì cảm thấy tự hào vì bản thân "Ôi mình thật sự là một người tốt bụng!" và một phần thì thực sự cảm thấy hạnh phúc khi thấy những người được mình giúp đỡ đã có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngược lại, việc không giúp đỡ được những người khác sẽ khiến xúc tu Lý Tưởng của bạn cảm thấy buồn rầu và tội lỗi, xúc tu Xã Hội sẽ trách móc bạn là thứ ích kỷ, và xúc tu Cá Nhân sẽ khiến cho lòng tự trọng của bạn bị giảm đi.
Chiếc xúc tu Thực Tế cho rằng mọi thứ diễn ra xung quanh bạn đều ổn, đều tuyệt cả, nhưng cũng chính nó nhắc bạn rằng: "Này, mai là cuối tháng rồi đấy và chúng ta chưa trả tiền nhà đâu, trong khi ví thì lép kẹp rồi. Tụi bây cứ liệu cái thần hồn đấy!". Cuối tháng trước, xúc tu Thực Tế cũng đã nhắc bạn như vậy, mọi chiếc xúc tu khác đều cam kết làm gì thì làm nhưng sẽ tìm mọi cách để ví bạn đủ dày vào cuối tháng nhằm trả tiền nhà, để việc đó không trở thành gánh nặng đầy áp lực mỗi tháng. Chiếc xúc tu Thực Tế chẳng thể làm gì ngoài "ghi sổ" lại rằng xúc tu Xã Hội yêu cầu trả tiền đồ uống cho chín người đã cùng bạn quẩy bar đêm thứ Bảy vừa rồi chỉ để họ nghĩ bạn thật là đẳng cấp, hào phóng; cảm thấy chán nản vì xúc tu Phong Cách Sống cứ khăng khăng phải thuê cho bằng được một căn hộ thật "xịn" để sống cho thoải mái dù ngân sách chẳng được bao nhiêu và thực sự câm nín khi biết xúc tu Lý Tưởng đã quăng hơn 2500$ ra ngoài cửa sổ chỉ bằng cách đầu tư cho công ty khởi nghiệp một đứa bạn mới thành lập. À đấy là còn chưa kể đến việc xúc tu Cá Nhân thì đang lang thang trau dồi kinh nghiệm bằng việc làm thực tập sinh ở hai nơi cùng một lúc, trong khi tiền kiếm được thì còn thua cả một anh bồi bàn quèn.
Ở mức độ cơ bản nhất, chiếc xúc tu Thực Tế mong muốn rằng bạn có thức ăn bỏ bụng, có quần áo tròng vào người, có thuốc để uống và không lang thang du thủ du thực, không nhà không cửa. Nó chẳng cần quan tâm bằng cách nào, chỉ cần bạn làm được là ok. Thế nhưng mọi chiếc xúc tu khác trên con bạch tuộc lại làm cậu bạn Thực Tế của chúng ta sống dở chết dở vì cái gì cũng muốn, cái gì cũng đòi hỏi. Cứ mỗi khi thu nhập của bạn tăng lên, cậu Phong Cách Sống sẽ quyết định nâng cao mức sống của bạn lên theo ý cậu ta, mặc kệ cho cậu Thực Tế xoay xở làm sao để bạn không tiêu pha vượt quá hạn mức tín dụng. Cậu Cá Nhân thì cứ làm đủ thứ hoạt động tốn nhiều thời gian mà lại chẳng thu về tí tiền nào cả. Và trong khi cậu Thực Tế oằn mình van xin bạn hãy đi tìm ông chú giàu có mượn ít tiền đi, túng lắm rồi thì cậu Xã Hội lại gào lên rằng "Làm thế thì nhục lắm!" và cậu Cá Nhân thì a dua "Đúng rồi, mình có thể tự xoay xở được mà!".
Phải, tình hình chung là như vậy đó. Bạn có chú bạch tuộc Khao Khát trong đầu với 5 anh bạn xúc tu (hoặc thậm chí còn nhiều hơn). Mỗi anh bạn đều có những khao khát riêng, và luôn mâu thuẫn với nhau. Thậm chí có chiếc xúc tu tự mâu thuẫn với chính nó. Và như thế vẫn chưa đủ, đôi khi với bạn còn không hiểu mình đang khao khát cái gì nữa kìa. Giống như kiểu bạn luôn khao khát được theo đuổi đam mê, nhưng lại chẳng rõ mình đang đam mê cái quái gì.
Hay là khi bạn khao khát bản thân được tôn trọng, nhưng rồi lại nhớ ra nếu nghề này nhận được sự tôn trọng của một cộng đồng trong xã hội, rất có thể lại vấp phải sự chê trách hay coi thường của một cộng đồng khác.
Hoặc đôi khi bạn nhận ra rằng một phần trong bạn muốn cống hiến cả đời để thanh lọc những vấn nạn trong nhân loại, phần đó lại cảm thấy ghê tởm với một phần muốn có được sức ảnh hưởng trên cộng đồng, và một phần khác thì cảm thấy hai phần trên đúng là tàn nhẫn và vô nhân đạo trong khi ngoài kia có biết bao nhiêu người còn chẳng có nước sạch để mà uống.
Vâng, đúng vậy đấy, con Bạch Tuộc Khao Khát của mỗi người rất phức tạp. Và không có ai trên đời này có thể thỏa mãn 100% con bạch tuộc đó của họ. Bạn sẽ không bao giờ thấy chú ta nở nụ cười mãn nguyện đâu! Những khao khát thầm kín của con người là một trò chơi đầy rẫy sự lựa chọn, hi sinh và thỏa hiệp.
Mổ xẻ con Bạch Tuộc
Sau khi đã mường tượng sơ sơ về con Bạch Tuộc, chúng ta hãy quay trở lại với Chiếc Hộp Mong Muốn. Mỗi khi nghĩ về những mục tiêu, nỗi sợ, những hi vọng và ước mơ trên con đường sự nghiệp, ý thức của chúng ta sẽ luôn quẩn quanh với những âm thanh vọng lại từ xa của con Bạch Tuộc Khao Khát, những âm thanh lớn nhất, vang nhất chứ không phải tất cả. Chỉ khi nhìn sâu trong tiềm thức của bản thân, ta mới thực sự thấy được chuyện gì đang diễn ra, hay con Bạch Tuộc thật sự đang nằm ở đâu, những chiếc xúc tu đang làm gì.
Chúng ta luôn có khả năng để làm điều này. Những suy nghĩ trong tiềm thức của bạn giống như tầng hầm của một căn nhà, không phải là không thể chạm tới, chỉ là đang đóng bụi và thường bị khóa kín mà thôi. Để tự nhìn vào tiềm thức, chúng ta chỉ cần A) nhớ rằng mỗi căn nhà đều có một tầng hầm, và B) thực sự bỏ thời gian và năng lượng để đi xuống dưới đó, dù là đi xuống đó có thể không mấy dễ chịu.
Nào, chúng ta cùng thử khám phá tầng hầm trong tâm trí của bản thân và kiếm tìm con Bạch Tuộc xem sao. Tầng hầm của bạn thường sẽ khá tối tăm, khó để tìm thấy con Bạch Tuộc, trừ khi bạn là người thường xuyên luyện tập việc nhìn nhận lại tiềm thức. Để khai sáng cho nơi tối tăm ấy, chúng ta hãy bắt đầu từ việc khoanh vùng những khao khát mà ý thức của bạn đã nhận biết, rồi dần dần gợi mở nó.
Liệu trong đầu bạn hiện tại đã hình thành một con đường sự nghiệp nào đó mà bạn muốn theo chưa? Vậy anh chàng Xúc Tu nào đang điều khiển bạn muốn đi theo con đường đó? Và anh ta đang thôi thúc bạn làm những gì?
Nếu hiện tại bạn chưa đi theo con đường sự nghiệp mà có vẻ mình đang mong muốn, vậy thì hãy lý giải tại sao lại chưa. Nếu bạn nghĩ là do bạn sợ thất bại, hãy tiếp tục bổ dọc xem mình sợ thất bại ở đâu. Nỗi sợ thất bại có thể xuất phát từ bất kỳ anh chàng Xúc Tu nào, và bạn cần đánh giá sâu hơn nữa, cần phải hiểu thật rõ ngọn nguồn của nỗi sợ. Đó có phải nỗi sợ từ anh chàng Xúc Tu Xã Hội, sợ bị mất mặt trước cộng đồng, trước những người thương yêu, sợ bị họ chê là ngu ngốc? Hay đó là anh Xúc Tu Cá Nhân sợ hủy hoại hình ảnh của bản thân, cảm thấy bất an và nghi ngờ chính mình? Liệu có xuất phát từ Xúc Tu Phong Cách Sống khi anh ta sợ phải hạ tiêu chuẩn sống của bạn xuống, sợ cuộc sống thêm stress, bất ổn định? Hoặc cũng có thể nỗi sợ giảm tiêu chuẩn sống không đến từ Xúc Tu Phong Cách Sống mà từ Xúc Tu Xã Hội, anh chàng luôn sợ hình ảnh và giá trị của bạn trong mắt những người xung quanh bị hạ thấp. Cũng có thể có những điều kiện tài chính bạn chưa thể đảm bảo ở hiện tại, vì vậy mà Xúc Tu Thực Tế của bạn đang vô cùng hoang mang không biết bạn sẽ lời hay lỗ trong "phi vụ sự nghiệp" đó? Chúng có khi nào đang gộp lẫn vào nhau và tạo ra nỗi sợ ngăn cản bạn thực hiện bước nhảy vọt?
Có thể bạn nghĩ không phải nỗi sợ thất bại đang ngăn trở bạn, mà là điều gì đó khác. Có thể đó là nỗi sợ phải thay đổi nhân dạng, cả bên trong lẫn bên ngoài, mà con đường sự nghiệp đó đòi hỏi. Có thể đó là áp lực nặng nề từ sức ì của chính bạn, cản trở mọi khao khát manh mún. Nói chung, bạn sẽ cần giải mã mọi cảm giác và tự hỏi bản thân xem thực ra chiếc xúc tu nào đang phản đối việc thay đổi bản thân, hay đang bị đè bởi quả cân sức ì.
Có thể bạn khao khát làm giàu. Bạn luôn tưởng tượng về một cuộc sống phong lưu khi làm ra 1.2 triệu đô mỗi năm và có động lực to lớn để thực hiện điều đó. Cả 5 chiếc xúc tu đều có những lí do riêng và hoàn cảnh để ham muốn vật chất. Hãy đào sâu vào những lí do và hoàn cảnh đó.
Trong khi bạn đang gợi mở những động lực kiếm tiền từ bên trong, có thể bạn sẽ khám phá ra rằng từ cốt lõi, động lực này thiên về cảm giác mong muốn được an toàn hơn là ham mê vật chất đơn thuần. Con người luôn có mong muốn được an toàn, ổn định về mặt tài chính, từ đó anh chàng Xúc Tu Thực Tế có thể làm mọi thứ anh ta muốn. Mặc dù vậy lượng vật chất đủ để an toàn không phải lúc nào cũng đáp ứng đủ cho nhu cầu của Xúc Tu Xã Hội hay Phong Cách Sống. Đôi khi bạn tự quy định mức độ an toàn của vật chất là phải đảm bảo nhu cầu cho Xúc Tu Phong Cách Sống kia. Đó là lí do bạn sẽ luôn bị áp lực bởi vấn đề vật chất dù thực tế mọi chuyện không đến mức tệ như bạn tưởng.
Câu trả lời cho mọi câu hỏi ẩn đâu đó trên những chiếc xúc tu của con Bạch Tuộc Khao Khát. Bằng cách đặt ra những câu hỏi như vậy và đào sâu để tìm ra gốc rễ của vấn đề, bạn bắt đầu khai sáng tầng hầm của mình, dần làm quen với con Bạch Tuộc đầy phức tạp của bản thân.
Bạn cũng sẽ dần hiểu khao khát nào của bản thân đang gào lên to và vang nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến những quá trình ra quyết định của bạn. Từ đó, bạn sẽ vạch ra được tháp cấp bậc các mức độ khao khát của mình. Hãy vạch rõ khao khát nào lớn nhất đang trồi lên đầu, khao khát lấp lửng ở giữa và khao khát nào có mức độ ưu tiên thấp nhất trong cái tháp này.
Tìm kiếm Kẻ Mạo Danh
Chúng ta đang có những bước tiến triển khá tốt đấy, nhưng mới chỉ chập chững bước khởi đầu thôi. Ngay khi bạn đã hình dung được một bức tranh rõ ràng về Con Bạch Tuộc Khao Khát của mình, bạn có thể bắt đầu đào sâu hơn nữa trong tiềm thức của mình, một tầng hầm thứ hai, còn sâu hơn tầng hầm trước nữa. Ở đó, bạn hãy tổ chức một buổi thẩm vấn nho nhỏ, lôi từng khao khát một ra và tiến hành kiểm tra chéo.
Bạn sẽ bắt đầu bằng việc hỏi từng nỗi khao khát ấy rằng: làm thế nào cậu lại có mặt ở đây, và tại sao cậu lại xuất hiện? Những tham vọng, niềm tin, giá trị và nỗi sợ của bạn không tự dưng mà xuất hiện đâu. Chúng phát triển và lớn dần lên theo thời gian trong tiềm thức của chúng ta thông qua những quan sát, trải nghiệm trong cuộc sống bên ngoài. Nói cách khác, chúng đều là sản phẩm mà bạn đã tạo ra, dù bạn là một "đầu bếp" hay "bếp trưởng".
Mục tiêu trong buổi thẩm vấn căng thẳng này sẽ là để xác nhận xem từng anh bạn khao khát đó có đúng là được sinh ra từ bạn không, hay chỉ là "kẻ mạo danh" bạn mà thôi.
Để khiến những "kẻ mạo danh" này lộ mặt, bạn có thể chơi Trò Chơi Tại Sao. Câu hỏi sẽ luôn bắt đầu từ "Tại sao?", "Tại sao tôi lại muốn điều đó?" và tự đưa ra một loạt các lí do cho từng khao khát của mình. Sau đó hãy tiếp tục với một loạt câu hỏi: Tại sao lí do đó lại dẫn tới những gì tôi đang muốn ở thời điểm hiện tại? Từ khi nào lí do đó bỗng trở nên có sức nặng với tôi như vậy? Rồi khi trả lời những câu hỏi đó, bạn sẽ lại tìm ra một loạt lí do sâu hơn của các lí do và nếu cứ tiếp tục, bạn sẽ tìm ra một trong ba điều sau:
- Bạn lần theo dấu vết của các lí do, về với bản chất và nguồn gốc của nó, khám phá ra rằng khao khát đó thực sự là kết quả của những suy nghĩ độc lập. Bạn sẽ xác nhận được những khao khát đó là thật, xuất phát từ chính con người bạn.
- Bạn lần theo dấu vết của các lí do, về với bản chất và nguồn gốc của nó, khám phá ra rằng khao khát đó thực ra là do một ai đó đã tiêm vào não bạn. "Tôi nghĩ tôi làm điều này vì mẹ muốn tôi làm như thế!" và bạn nhận ra bạn chưa từng thực sự đắn đo suy nghĩ xem liệu bạn có thật sự đồng ý với việc đó hay không. Bạn cũng chẳng bao giờ ngừng lại để tự hỏi mình rằng có khi nào bạn đang tự lừa mình phải tin vào những điều ấy. Trong trường hợp này, anh bạn khao khát đó chính là một "kẻ mạo danh", khiến cho bạn tưởng đó là con người bạn, nhưng thực chất là của một người khác tiêm cho bạn mà thôi.
- Bạn lần theo dấu vết của các lí do, lần hoài lần hoài nhưng rồi bị lạc trong một đống sương mù vô tường vô tỏ. Bạn chỉ biết rằng bạn có khao khát đó, nhưng lại không rõ "Đây có thật sự là của mình không?" hay lại chỉ là một phiên bản khác của "kẻ mạo danh" thôi. Có thể trong một thời điểm nào đó trong đời, bởi một ai đó, một tình huống nào đó, bạn bị tiêm vào đầu suy nghĩ ấy. Dù không rõ ràng nguồn gốc, nhưng trong thâm tâm bạn sẽ tự nhận ra suy nghĩ đó có thực sự xuất phát từ con người bạn hay không.
Ở điều số 1, bạn hãy tự hào vì mình đã phát triển và "xào nấu" bản thân như một người bếp trưởng. Đó hoàn toàn là những khao khát thật sự, những cảm xúc và giá trị thật của bản thân bạn.
Ở điều số 2 hoặc 3, bạn phát hiện ra mình đã bị lừa. Bạn đã để cho một ai đó khác lẻn vào tầng hầm, và tác động lên Con Bạch Tuộc Khao Khát trong khi không để ý. Bạn đã "xào nấu" nó như một người đầu bếp đơn thuần, sử dụng công thức của một người khác và áp dụng cho bản thân mình, một con rô-bốt được lập trình theo những ham muốn, sợ hãi, tham vọng của người khác.
Trong một vài trường hợp có thể bạn là một kẻ thông minh hơn người, khi đó con bạch tuộc của bạn được nuôi lớn và phát triển chỉ bởi chính bạn mà thôi, và nó luôn được cập nhật. Nhưng thường thì bạn cũng giống như tôi và bạn bè tôi mà thôi, trong quá trình thẩm vấn sẽ lộ ra vài "kẻ mạo danh", vài điều mơ hồ. Có khi sau khi tìm hiểu ngọn nguồn mọi vấn đề, bạn lại thấy chính mẹ bạn đang điều khiển con bạch tuộc của bạn không biết chừng.
Bạn sẽ còn lột thêm được vài cái mặt nạ nữa, để lộ ra "kẻ mạo danh" là những giá trị và quan điểm của cộng đồng bạn đang thuộc về, hay những gì được cho là đúng trong văn hóa đặc thù của thế hệ của bạn hoặc đơn giản là những điều phù hợp với nhóm bạn thân thiết bạn chơi cùng.
Đôi lúc bạn tới cuối hành trình đi tìm câu hỏi Tại Sao chỉ để tìm thấy những triết lý trong một quyển tiểu thuyết nổi tiếng hoặc đôi khi là những câu nói mà thần tượng của bạn đã nói trong cuộc phỏng vấn, hoặc một quan điểm sâu sắc nào đó mà người thầy dạy bạn khi xưa liên tục nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại.
Bạn cũng có thể sẽ tìm thấy một số khao khát và nỗi sợ được hình thành bởi chính bạn, nhưng là khi bạn còn nhỏ. Giống như một giấc mơ thuở nhỏ đã ăn sâu vào tiềm thức đến mức bạn tin rằng đó là điều bạn thực sự muốn.
Căn phòng thẩm vấn không phải lúc nào cũng vui vẻ nhưng thực sự là bõ công để dành thời gian cho nó, vì bạn không còn là chính mình năm 7 tuổi, cũng như bạn chẳng giống như cha mẹ, như bạn bè hay là đại diện cho thế hệ, xã hội bạn đang thuộc về, bạn chẳng liên hệ gì tới những quyết định hay hoàn cảnh trong quá khứ đã qua. Bạn của thời điểm hiện tại, là phiên bản duy nhất đủ tư cách để quyết định bạn thích gì, và không thích gì.
Để tôi nói rõ hơn, thực ra không phải là sai khi nghe theo những lời khuyên của ba mẹ, những người đi trước, những người bạn tốt hay nghe theo bản thân mình thời còn trẻ. Họ là những người có sức ảnh hưởng tới chúng ta, ai cũng vậy cả. Tuy nhiên điểm khác biệt ở đây là:
Những lời bạn nghe được từ những người khác ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Chỉ là một nguồn thông tin để bạn tham khảo, bạn vẫn giữ chính kiến của mình, hay bạn để cho nó lấn át suy nghĩ, và biến nó thành của mình?
Khi được nghe những điều người khác khao khát hay sợ hãi, bạn có xem xét nó dựa trên những trải nghiệm sống của bản thân, rồi mới ậm ừ "À mình cũng như vậy!" hay bạn chẳng biết họ làm những gì, cứ một mực tin theo như vậy là đúng, chẳng ngại ngần tự hỏi mình có thật là mình cũng như vậy hay không?
Nếu bạn hành xử như ý đầu, bạn là một bếp trưởng. Còn nếu hành xử như ý sau, bạn chỉ là một con rô-bốt biết nghe lời. Một con rô-bốt luôn cho rằng ý kiến của người khác luôn đáng coi trọng hơn ý kiến của chính mình.
Có một tin tốt tôi phải nói cho bạn đó là ai trong chúng ta hầu như cũng mắc lỗi này hết rồi, và điều đó có thể sửa được. Tiềm thức của bạn luôn ở đó thôi, miễn là bạn có ý muốn mở nó ra xem. Và tiềm thức luôn luôn có thể thay đổi và cập nhật. Đó là đầu óc của bạn mà, bạn có quyền làm mọi điều với nó.
Rồi nhé, giờ thì đến lúc chúng ta cần phải trục xuất vài thứ. Những kẻ mạo danh, đeo mặt nạ cần phải "biến" khỏi tiềm thức của bạn đi thôi. Mẹ ơi, ba ơi, tạm biệt nhé! Mọi người hãy ra khỏi đầu con thôi nào!
Sau khi đã trục xuất được hết những kẻ mạo danh, con bạch tuộc khao khát của bạn trông sẽ hơi tã, và trần trụi, làm bạn có cảm giác mình còn hoang mang hơn lúc ban đầu nữa. Chúng ta hay nghĩ đó là cảm giác thật tồi tệ, thậm chí nhiều người còn rơi vào khủng hoảng, nhưng đừng lo, thực ra bạn đang làm tốt hơn rất nhiều người rồi đấy.
Thay đổi từ một người tự tin đến mức ngây thơ trở thành một người khôn ngoan, thực tế và biết mình biết ta chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng, nhưng việc dừng một chiếc tàu lượn siêu tốc đang nằm trên đỉnh cao nhất của đường ray chỉ để tránh bị rơi xuống thì lại chẳng khôn ngoan chút nào. Ấy vậy mà rất nhiều người chọn đi theo cách đó. Sự khôn ngoan không tỉ lệ thuận với lượng kiến thức bạn có, mà tỉ lệ thuận với khả năng bạn hiểu lượng kiến thức của mình đang ở đâu. Khôn ngoan là khi bạn tiệm cận với đường đứt màu cam trên biểu đồ trên chứ không phải là cứ phát triển theo chiều ngang càng nhiều càng tốt. Để trở nên khôn ngoan, bạn sẽ phải chịu không ít tổn thương, nhưng đó là cách duy nhất để có sự phát triển thực sự. Điều trớ trêu đấy là, những kẻ hèn nhát luôn dừng lại trên đỉnh dốc kia luôn khiến cho những người thực sự thông minh và dũng cảm hiện đang nằm dưới thung lũng khủng hoảng trở nên tự ti, thấy xấu hổ về bản thân. Bởi vì sao? Vì họ cơ bản là chưa biết giá trị của việc hiểu rõ bản thân nằm ở đâu. Họ chưa tới giai đoạn để hiểu được điều đó.
Tìm hiểu rõ con người thật của chính mình là việc siêu siêu khó và chẳng bao giờ hoàn thành. Nhưng nếu bạn đã té xuống khỏi đỉnh dốc, bạn đã trải qua một giai đoạn quan trọng của chặng đường và bây giờ là lúc để tiến bộ. Ngay khi bạn trèo dần lên theo đường đứt màu cam, bạn sẽ bước từ từ nhưng đầy chắc chắn, bắt đầu hồi sinh con Bạch Tuộc Khao Khát của mình, con Bạch Tuộc thực sự phản ánh con người thật của bạn.
Tại thời điểm đó, có thể bạn chưa nhìn thấy thật rõ những khao khát thầm kín của mình, vì chúng nằm đâu đó rất rất sâu dưới tiềm thức của bạn. Nó nằm dưới tầng hầm của tầng hầm của tầng hầm nữa kìa, ở một nơi gọi là Nhà Tù Chối Bỏ.
Nhà Tù Chối Bỏ
Nhà Tù Chối Bỏ trong bộ não của chúng ta là một nơi phần lớn mọi người còn không biết là có nó. Đó là nơi chúng ta chôn giấu những kìm nén, những gì bị chúng ta chối bỏ, không chấp nhận là sự thật.
Những khao khát đích thực mà chúng ta có thể nhận ra được là những điều được xác nhận là thật trong căn phòng thẩm vấn, rất dễ dàng để tìm thấy trong tiềm thức, nó hiện diện gần bề mặt, chỉ nằm ngay dưới lớp vỏ của ý thức thông thường. Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra chúng vì chúng thường xuyên trồi lên trong suy nghĩ, nhắc nhở ta về chúng. Đây là những phần của mỗi người mà chúng ta có thể kiểm soát tốt được.
Thế nhưng có những phần của bạn không nằm trên con Bạch Tuộc Khao Khát, nơi mà đáng ra nó phải hiện diện. Thay vào đó, bạn tìm thấy những kẻ mạo danh thế vào chỗ của chúng. Những phần bị lạc mất này đôi khi sẽ siêu khó để tiếp cận vì chúng nằm ẩn sâu bên dưới tiềm thức mỗi người, sâu đến mức chúng ta khó mà nhận thấy chúng được.
Một số phần đó bị ta khóa chặt dưới 3 tầng hầm tiềm thức là bởi vì chúng là những sự thật khá đau đớn để thừa nhận hoặc nghĩ về nó. Đôi khi có những điều mới sinh ra trong tiềm thức thôi mà đã bị khóa chặt trong nhà tù như một sự chối bỏ phát triển, bởi chúng ta vốn là những người bướng bỉnh, cứng đầu. Nhưng cũng có những thời điểm khi vài phần của ta nằm dưới Nhà Tù Chối Bỏ vì chúng bị một ai đó khác không phải là ta khóa chặt dưới đó. Nhất là đối với những khao khát tiềm ẩn của bạn, có thể chúng bị thế chỗ bởi những "kẻ mạo danh" chúng ta đã nhắc tới ở trên. Nếu cha của bạn thành công trong việc thuyết phục bạn tiếp nối sự nghiệp của gia đình như ý ông muốn, thì cũng đồng nghĩa với việc làm cho bạn không còn tin vào khao khát trở thành một ca sĩ nổi tiếng mà bấy lâu bạn vẫn ao ước. Ở một giai đoạn nào đó trong tuổi thơ của bạn, cha đã đem khóa chặt niềm đam mê ca hát thực sự của bạn vào phía sau những song sắt tối tăm của Nhà Tù Chối Bỏ.
Vậy nên, ta cần phải thật can đảm để đi xuống nơi tối tăm đó và tìm xem chúng ta đã chôn giấu những gì.
Bạn có thể sẽ gặp phải vài phần tử không dễ chấp nhận.
Tụi này thì hãy cứ nhốt tạm ở đó đã, đụng đến bây giờ là đảo lộn hết. Giờ là lúc đi tìm những khao khát liên quan đến sự nghiệp đang bị nhốt ở đâu đó kìa. Có thể đâu đó bạn sẽ tìm thấy niềm đam mê được đứng trên giảng đường dạy học. Hoặc khao khát được nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó mà cả gia tộc của bạn dè bỉu, chê bôi. Hoặc nung nấu muốn có một thời gian rảnh thật rảnh để dành thời gian cho bản thân mà tuổi trẻ đầy năng lượng và tham vọng hồi đó của bạn không cho phép.
Đương nhiên sẽ có một vài phần trong bạn không chịu xuất đầu lộ diện. Nhà Tù Chối Bỏ có những ngóc ngách thực sự rất tăm tối. Nhưng hãy kiên nhẫn! Bạn đã dọn đường để chúng có thể trồi dần lên, cũng như đã dọn chỗ cho chúng có thể cắm rễ trên con Bạch Tuộc Khao Khát của mình thành công rồi.
Hệ thống mức độ ưu tiên
Phần còn lại trong công cuộc "tái cơ cấu" con Bạch Tuộc Khao Khát sẽ là phân cấp cho các khát khao của bạn. Việc chia mức độ ưu tiên cho những khao khát này cũng quan trọng y như việc phải tìm ra chúng. Hệ thống mức độ ưu tiên này khá dễ thấy vì nó được tiết lộ thông qua những hành động của bạn. Bạn có thể cho rằng việc khao khát muốn làm một điều gì đó táo bạo nên được ưu tiên lên đầu, nhưng đấy chỉ là bạn nghĩ, khi bạn chưa thực hiện nó thì tức là đang có những nỗi sợ hoặc một lí do nào đó cản trở đang được ưu tiên để lên trên.
Điều quan trọng cần nhớ đó là, thứ hạng của những khao khát cũng là thứ hạng của những nỗi sợ. Con Bạch Tuộc bao gồm bất kỳ thứ gì có thể khiến bạn muốn hoặc không muốn theo đuổi một con đường sự nghiệp, và mặt trái của mỗi khao khát là nỗi sợ hãi đối lập với nó. Mặt đối lập của khao khát muốn được tôn trọng là sự sợ hãi bị bẽ mặt. Đối lập với khao khát muốn khẳng định bản thân sẽ là nỗi sợ hãi bị thất vọng vì bản thân làm không tới. Trái ngược với lòng tự trọng sẽ là sự tủi hổ. Nếu như những hành động bạn đang làm không ăn khớp những gì được sắp xếp trong hệ thống phân cấp khao khát thì tức là bạn đã quên mất vai trò của những nỗi sợ đang hiện hữu của mình. Động lực để trở nên thành công của bạn thực chất có thể là động lực để không bị xã hội coi thường hay không phải ghen tị với người khác. Nếu bạn còn chần chừ thực hiện những khao khát của mình và tưởng rằng thực ra bạn không quan tâm đến nó nhiều đến mức đó, thì thực ra là bạn đang bị nỗi sợ che mắt mà thôi.
Với những khao khát và nỗi sợ cùng lúc song hành trong đầu, bạn thử hình dung xem hệ thống phân cấp bên trong đầu bạn trông như thế nào, và lặp lại một câu hỏi quen thuộc: "Ai là người đặt ra mức độ ưu tiên đó? Có phải chính bản thân mình thật không?".
Ví dụ, chúng ta cứ liên tục nghe ra rả trên các phương tiện truyền thông rằng "tuổi trẻ hãy theo đuổi đam mê". Vậy chính là xã hội ngoài kia ra chỉ thị cho bạn "này, hãy đưa những khao khát theo đuổi đam mê lên đầu hệ thống ưu tiên của mày đi". Đó là một hướng dẫn hết sức cụ thể. Rất có thể đó là một lựa chọn đúng cho bạn, nhưng cũng có khi lại là sai lầm. Bạn cần phải tỉnh táo, hết sức tỉnh táo để đánh giá điều này.
Để biến sai thành đúng, hãy cố gắng để tạo nên một hệ thống ưu tiên mới hoàn toàn, dựa trên việc ta là ai, ta đã phát triển qua từng giai đoạn như thế nào, và điều gì thực sự quan trọng với ta ở thời điểm hiện tại.
Việc này không liên quan đến chuyện xác định khao khát nào đang thúc giục nhất hay nỗi sợ nào đang hiện hữu rõ nhất vì chuyện đó sẽ khiến bạn bị đánh lạc hướng bởi các xung động trong não bộ. Người đưa ra các mức độ ưu tiên là bạn, là người đang tập trung toàn bộ tâm sức để đọc bài đăng dài mười kiếp này, là người có thể quan sát con bạch tuộc rõ nhất và có mục tiêu để đánh giá nó. Điều này kéo theo một loạt các thỏa hiệp khác. Một mặt, bạn cố gắng để khai thác mọi sự khôn ngoan mà bạn tích lũy được trong suốt cuộc đời mình để đưa ra những quyết định sáng suốt về những gì bạn tin là quan trọng. Mặt khác, đó là sự thừa nhận và đối diện với chính mình. Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp phải những khao khát mạnh mẽ không thể chối bỏ mà bạn không mấy tự hào về nó. Nhưng dù có thế nào, đó cũng vẫn là một phần trong bạn, nếu bạn chối bỏ nó, nó có thể gây ra những hiểm họa khôn lường khiến bạn trở nên vô cùng thảm hại. Sắp lại hệ thống mức độ ưu tiên là sự cho đi và nhận lại giữa những gì thực sự quan trọng và những gì thuộc về bạn. Việc ưu tiên những phẩm chất cao quý của bạn lên đầu đôi khi cũng là một mục đích tốt, nhưng đôi lúc bạn cần để cho những mặt chưa mấy hoàn hảo của mình chút không gian. Người khôn ngoan sẽ biết lúc nào có thể chấp nhận những mặt xấu của bản thân và lúc nào nên chối bỏ nó hoàn toàn.
Để sắp xếp tất cả theo thứ tự nhất định, ta cần một hệ thống hoàn chỉnh. Bạn có thể áp dụng bất kỳ mô hình nào phù hợp với bạn, nhưng tôi thì thích sử dụng mô hình giá sách:
Mô hình giá sách này chia mọi khao khát thành năm nhóm. Nhóm động lực bên trong được ưu tiên cao nhất nằm trong cái tô miễn thỏa thuận. Cái tô này là nơi chứa các khao khát rất rất quan trọng mà bạn luôn phải đảm bảo để thỏa mãn chúng, thậm chí phải hi sinh mọi khao khát khác nếu cần. Đây là lí do tại sao rất nhiều huyền thoại trong lịch sử hiểu rõ họ cần phải làm gì để đạt được mục đích. Họ luôn có một cái tô miễn thỏa thuận và rất kiên định trong việc thực hiện những khao khát trong nó, từ đó giúp họ vươn tầm thế giới, bất chấp tất cả những mối quan hệ, sự cân bằng và cả sức khỏe. Cái tô này khá nhỏ, bạn chỉ nên bỏ thật ít vào bên trong nó thôi. Có khi chỉ nên 1 hoặc 2 điều được nằm trong cái tô này. Quá nhiều điều trong cái tô miễn thỏa thuận sẽ làm giảm sức mạnh của nó, có khi sẽ mất luôn tác dụng.
Nhóm những khao khát trong tầng trên cùng hầu hết là những điều sẽ định hướng sự lựa chọn con đường nghề nghiệp của bạn. Những vị trí trên tầng này cũng nên sử dụng tiết kiệm thôi, nó cũng không quá nhiều chỗ đâu. Việc sắp xếp những tầng này ngoài ưu tiên cho những khao khát cần thực hiện, bạn đừng quên phân loại rõ đâu là những khao khát phải loại bỏ. Bạn không nên cứ chọn bừa những khao khát làm mình hạnh phúc để cho vào đây bởi vì sẽ có những khao khát bạn phải chú tâm để loại bỏ. Không cần biết hệ thống mức độ ưu tiên này của bạn trông như thế nào, sẽ có nhiều khao khát khiến bạn không vui vì bị bỏ lại, thậm chí nỗi sợ hãi đối lập đi kèm với chúng sẽ liên tục tấn công bạn cho tới khi bạn quen với nó. Điều này là không thể tránh khỏi.
Đó là lí do tại sao phần lớn các khao khát nên được xếp ở tầng giữa, tầng dưới cùng và có những điều phải quăng vào thùng rác. Tầng giữa là tầng cho những khao khát không mấy có giá trị mà bạn phải chấp nhận. Bạn vẫn cần để ý đến chúng nhưng ở một mức độ nào đó thôi. Đôi lúc chúng sẽ thường xuyên gào thét với bạn đòi bình đẳng, đòi ưu tiên, đôi lúc chính chúng sẽ hủy hoại bạn nếu bạn liên tục phớt lờ chúng.
Hầu hết phần còn lại sẽ bị xếp ở tầng cuối. Đây là chỗ cho những khao khát mà khi nghĩ tới chúng, bạn tự dặn mình: "Mình cũng muốn những điều đó, nhưng ở thời điểm hiện tại thì còn rất thứ khác quan trọng hơn. Khi nào có thời gian và thêm thông tin, mình sẽ lục lại những điều đó nếu có thể sẽ ưu tiên nó lên tầng trên sau." Bạn có thể nghĩ đơn giản thế này: càng nhiều khao khát bạn có thể thuyết phục bản thân để xếp ở tầng cuối thì bạn càng có cơ hội thỏa mãn những khao khát đang xếp ở tầng trên cùng và trong tô miễn thỏa thuận. Cũng tương tự, càng ít khao khát được bạn đặt lên những tầng đầu thì càng có khả năng bạn thỏa mãn được nó. Thời gian và năng lượng của bạn là có hạn, vì thế hãy dùng thật khôn ngoan. Sai lầm dễ thấy của một người đó là xếp quá nhiều khao khát ở cái tô miễn thỏa thuận và tầng đầu, trong khi lại tiếc rẻ những khao khát không bỏ ở tầng dưới.
Và mỗi người chúng ta luôn có một thùng rác, cho những động lực và nỗi sợ bạn cần phải từ chối thẳng thừng, những phần mà một người thông minh không bao giờ nên dành thời gian cho nó. Bạn sẽ phải đấu tranh tư tưởng rất gay gắt mỗi khi phải đẩy điều gì đó vào thùng rác, và để kiểm soát thùng rác này cần một ý chí kiên định và vững vàng. Cũng nên nhớ, kể cả việc cho vào thùng rác những điều gì thì vẫn cần phải dựa trên suy nghĩ độc lập của bạn, chứ không phải ai đó tiêm nhiễm vào đầu bạn đâu nhé.
Khi trải qua toàn bộ quá trình sắp xếp mức độ ưu tiên hết sức khó khăn này, bạn sẽ phải chống lại những tiếng gào thét đòi bình đẳng của những khao khát bị xếp thấp hơn, hãy luôn nhớ bản thân mình là sinh vật thượng đẳng nhất trong Chiếc Hộp Mong Muốn. Những khao khát và nỗi sợ hãi kia rất thiếu kiên nhẫn và không thể nhìn được toàn bộ bức tranh lớn. Kể cả những khao khát thông thái trên chiếc xúc tu Lý Tưởng cũng chẳng thể hình dung được bức tranh hoàn chỉnh như bạn. Rất nhiều người với lý tưởng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, đã bắt đầu từ việc thỏa mãn những động cơ ích kỷ cá nhân như làm giàu chẳng hạn, và đây là điều mà xúc tu Lý Tưởng ghét nhất. Con Bạch tuộc không phải sinh vật trưởng thành thông thái nhất trong chiếc hộp đâu, phải là bạn mới đúng!
Điều cùng cuối để nói ở đây là, những quyết định bạn vừa thực hiện ở trên không phải là vĩnh viễn. Ngược lại, đó chỉ là những nét phác thảo chì nguệch ngoạc trên giấy mà thôi. Đó là những giả thuyết mà bạn có thể kiểm tra và sau đó sửa đổi dựa trên thực tế khi hệ thống mức độ ưu tiên được áp dụng.
Vậy là Chiếc Hộp Mong Muốn của bạn đã hoàn thành rồi đấy. Phần sau chúng ta sẽ tiếp tục với Chiếc Hộp Thực Tế nhé!
________________
Cuối cùng mình cũng đã dịch xong phần 3. Đây thật sự, thật sự, thật sự là khoảng thời gian dài nhất mà mình từng dành cho một bài dịch. Vì còn nhiều việc khác nên mỗi ngày mình chỉ dịch thêm được một đoạn, và hậu quả là đến bây giờ hoàn thành Chiếc Hộp Mong Muốn. :(( Rất xin lỗi các bạn về sự chậm trễ này! Mong rằng các bạn sẽ tiếp tục theo dõi phần tiếp theo nhé!
Loạt bài "Cẩm nang chọn nghề: Đâu là nghề phù hợp nhất với bạn?" dịch từ Wait But Why.
Phần 1 - Cách con người tiếp cận với khái niệm "Nghề nghiệp"
Phần 2 - Xác định Bản đồ sự nghiệp
cẩm nang chọn nghề
,nghề nghiệp
,khao khát
,đam mê
,định hướng nghề nghiệp
,hướng nghiệp
Phục bạn thực sự, chăm chỉ dịch được bài dài thế này.
Hồ Khánh Linh
Phục bạn thực sự, chăm chỉ dịch được bài dài thế này.
An Nhiên
Chính thức Follow Chi hehe
Trịnh Ngọc Tú
Cảm ơn bạn vì những chia sẻ bổ ích này nhé!
Nguyễn Đức Minh
Sự chăm chỉ này đáng để mọi người ghi nhận ^^
Đoàn Linh Chi
Mình đã update toàn bộ bài dịch của Phần 3: Xác Định Chiếc Hộp Mong Muốn. Mọi người có thể vào đọc nốt nhé!
Rất xin lỗi vì đã mất quá nhiều thời gian cho phần này vì nó quá dài mà mỗi ngày mình chỉ dịch được thêm một đoạn vì còn nhiều việc khác phải làm! :((
Mong rằng mọi người sẽ tiếp tục theo dõi phần sau nhé! Mình sẽ triển khai Phần 4 về Chiếc Hộp Thực Tế nhanh nhất có thể ạ!
Dat Phan
Bài viết quá đỉnh
Cảm ơn người dịch ^^
Lê Minh Hưng
Bài này hay quá!
Sống vì bản thân thì sẽ hạnh phúc, sống vì xã hội thì sẽ thành công nhưng chưa hẳn đã hạnh phúc.
Adele Doan
Đã theo dõi nhá Chi :)
Người ẩn danh
Nguyễn Hiền
Cảm ơn chị đã dịch bài viết. Em mong chờ những phần còn lại.