Cách tự luyện giao tiếp tiếng Anh để tự tin trong 1 năm

  1. Ngoại ngữ

Trước tiên mình xin tóm tắt về lịch sử học tiếng Anh của mình:

  • Học tiếng Anh phổ thông từ lớp 1 nhưng lớp 9 vẫn mất gốc chưa biết gì. May trước khi thi tốt nghiệp THCS có thằng bạn dạy cho adj với adv là gì...
  • Lên lớp 10 quyết tâm học lại tiếng Anh từ đầu. Đến lớp 12 IELTS = 7 (2008). Xong ĐH IELTS = 8 (2011). Phần lớn tự ôn luyện.
  • Sau đó mình đi Úc học và phát hiện ra bạn không cần gì cao siêu, từ vững và ngữ pháp v.v của THPT để có bằng Thạc sĩ (tùy lĩnh vực, mình là thương mại và tài chính)
  • Sau khi về nước mình có làm Giảng viên thỉnh giảng cho môn tiếng anh Thương mại của một trường đại học, mình dạy văn bằng 2, dành cho các anh chị/cô chú U40. Và sau 1 học kì học trò của mình đã bắt đầu có thể giao tiếp.
  • Về sau mình có mấy bạn nhân viên muốn tăng cường tiếng Anh, mình đã nghĩ ra và thử nghiệm phương pháp sau. Sau 1 năm các bạn ấy đã có thể giao tiếp và có bạn người nước ngoài.

Lưu ý:

  • Phương pháp này dành cho các bạn đã nắm cơ bản ngữ pháp và từ vựng ở cấp độ phổ thông, chỉ cần bạn vượt qua các bài kiểm tra tốt nghiệp là đủ.
  • Phù hợp với các bạn có kỉ luật với việc tự học, sẵn sàng bỏ ra ít nhất 30 phút/ngày
  • Bạn có thể thử phương pháp sau, nếu có tác dụng hay có khuyết điểm nào các bạn cứ góp ý nhé. Bạn nên làm trong ít nhất 3 tháng để cảm thấy có sự thay đổi, và 1 năm để có thể tự tin giao tiếp.

1. Làm chủ phần tự giới thiệu bản thân.

Tất cả các bài thi Speaking đều bắt đầu bằng phần tự giới thiệu bản thân, phần lớn tổng thời gian giao tiếp trong lần đầu gặp mặt cũng là về bản thân. Lợi thế của phần này là:

  • Các từ vựng đều liên quan đến chính bản thân mình, nên bạn sẽ nhớ dễ hơn và lâu hơn nên giúp bạn nhanh chóng xây dựng vốn từ vựng
  • Những thông tin này thường lặp đi lặp lại khi gặp người mới nên bạn có thể học thuộc lòng nếu gặp người lạ làm bạn bối rối và quên cái bạn muốn diễn đạt
  • Khi làm chủ được phần này, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn khi giao tiếp và dám phiêu lưu vào các chủ đề khó hơn
  • Làm người nước ngoài 'tưởng' bạn có thể nói lưu loát. Người ta có câu fake it until you make it. Thú thật ngày trước mình có học tiếng Nhật 1 năm, thất bại, nhưng đối tác người Nhật của mình luôn nghĩ mình có thể nói tiếng Nhật vì mình có thể những câu hội thoại cơ bản rất lưu loát sau đó xin business card rồi về gửi email bằng... tiếng Anh.

Sau đây là cách làm, bạn tưởng tượng ra đang nói chuyện với 1 người nước ngoài và viết những gì mình muốn nói ra 1 file words (nhớ để chức năng spelling check):

  • Nếu không rõ diễn đạt bằng tiếng Anh thế nào bạn cứ viết trước bằng tiếng Việt rồi dịch lại sau.
  • Học cách tự đặt câu hỏi để kéo dài câu chuyện. Phần lớn bạn bị 'cụt ngủn' khi nói chuyện với người nước ngoài là do kĩ năng nói chuyện hơn là kĩ năng đặt câu hỏi. Hãy đặt câu hỏi cho mỗi câu bạn viết ra. VD khi bạn viết: "I enjoy reading books", bạn sử dụng 5 WH questions để tự hỏi "When do I usually read books ?", "What kinds of books do I like ?", "Who are my favourite authors ?" v.v rồi bạn tự trả lời. Kĩ năng đặt câu hỏi này còn giúp bạn 'tung hứng' với người đối diện khi nói chuyện.
  • Sau khi viết xong bạn nên xem lại bài viết và thay các mẫu câu lặp đi lặp lại bằng một mẫu câu thay thế có ý nghĩa tương đương.
  • Sử dụng chức năng Synonyms của words để thay các từ lặp đi lặp lại bằng từ đồng nghĩa (chuột phải vào từ đó -> Synonyms)
  • Nhờ một người tốt tiếng Anh giúp bạn nâng cao chất lượng bài viết và sửa các lỗi cho bạn khi nói.
  • Sau đó bạn có thể tự nói trước gương hoặc tiến tới bước 2 và đồng thời bước 3 nếu bạn đã đủ tự tin.

2. Xem các video tiếng anh trên các kênh youtube một cách có chiến lược. Một số kênh hữu ích mà mình thấy dễ sử dụng mình hay gợi ý như: 

TedEx
,
The Infographic Show
In a nutshell
SciShow
Casually Explained
Vox
the school of life
,
bill wurtz
Crash Course
Jubilee

Đặc điểm các kênh này:

  • Dễ nghe, nói không quá nhanh, nhiều trang có phụ đề chuẩn (không phải phụ đề auto thường không chuẩn)
  • Nhiều kiến thức thường thức trên nhiều lĩnh vực, giúp bạn trang bị một vốn từ khá rộng
  • Tương đối ngắn, không làm bạn cảm thấp ngợp.
  • Học cách diễn đạt tự nhiên của văn nói

Cách xem, thường bạn sẽ mất khoảng 30 phút/ngày:

  • Xem lần đầu không có phụ đề để kiểm tra khả năng hiện tại của mình đang hiểu được bao nhiêu % của chủ đề đó.
  • Xem lần thứ 2 với phụ đề tiếng Anh. Vừa xem vừa tra từ điển để hiểu nội dung của cuộc hội thoại. Các từ vựng này hãy lưu vào 1 file words nào đó, có thể phân ra theo chủ đề. Có thể xem đi xem lại cho đến khi hiểu hết.
  • Sau khi đã hiểu hết, xem lần thứ 3 với phụ đề, cố gắng không xem lại phần đã tra cứu. 
  • Cuối cùng xem lại mà không cần phụ đề.

Lưu ý: 

  • những giai đoạn xem video trên, xem càng nhiều lần càng tốt
  • khuyến khích xem các chủ đề mà các bạn hứng thú và quan tâm trước
  • mỗi ngày hoàn thành ít nhất 1 video

Bạn cũng có thể thay thế xem Youtube bằng cách nghe nhạc hoặc chơi game, xem phim theo phương pháp trên. Mình trị mất gốc hồi bé bằng cách chơi Final Fantasy...

3. Thực chiến: chỉ cần bạn lưu loát phần tự giới thiệu bản thân là bạn có thể đi chém gió được rồi. Một số nơi bạn có thể tham gia:

  • Các CLB tiếng Anh
  • Các sự kiện trao đổi ngôn ngữ như Mundo Lingo
  • Các trang kết bạn trao đổi ngôn ngữ kiểu slow mail như Interpals. Bạn có thể chat và gửi email để trao đổi, hoặc khi đi du lịch mình tìm bạn từ trước và khi đến thành phố của người ta mình sẽ hẹn đi chơi

Thực ra, ai cũng sẽ có cùng một xuất phát điểm như nhau dù sau này giỏi cỡ nào, khác nhau ở chỗ ai dám nói thôi, không ai nói chuẩn ngay từ đầu cả. Sau đây là một số hiểu lầm thường làm chùn bước nhiều bạn:

  1. Để nói chuyện lưu loát bạn cần có vốn từ vựng và ngữ pháp siêu bự
  • Sai. Mình đã học xong thạc sĩ ở 1 trường top của Úc và chưa xài hết từ vựng (tất nhiên là phải học thêm nhiều từ chuyên ngành) và ngữ pháp THPT
  • Trong giao tiếp thông thường, đặc biệt là những lần đầu gặp nhau, tự vựng và ngữ pháp thường rất đơn giản

2. Mình nói không hay người ta cười...

  • Theo thống kê của mình thì người VN cười và chê nhau nhiều hơn là người nước ngoài
  • Thường thì người bản địa nói tiếng Anh thì họ sẽ không thông thạo một ngoại ngữ khác, nên họ thường không phán xét nếu bạn nói chưa rõ. Nếu bạn nói khá, một số người nước ngoài sẽ tỏ ra hâm mộ bạn vì người ta không nói được gì nhiều ngoài tiếng Anh

3. Accent của mình phải chuẩn Anh/Mỹ mới được...

  • Nói thiệc mình tự nhận là không nói tiếng Anh hay theo bất kì một accent nào cả những chưa bao giờ gặp khó khăn gì đối với việc học thuật, đi làm, bạn bè. Theo mình tiếng Anh là 1 công cụ, trừ khi bạn là giáo viên tiếng Anh, miễn công cụ đó giúp bạn đạt được mục tiêu là được
  • Theo mình thấy giá trị nói theo accent chuẩn so với việc bạn nói lưu loát tiếng anh nhưng không theo accent nào là không đáng kể. Tất nhiên nếu đó là mục tiêu của bạn thì bạn cứ theo đuổi. Mỗi người có 24 giờ/ngày, nếu tiếng Anh của bạn còn những chỗ khác cần cải tiến thì hãy đầu tư cho nó sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn thay vì tốn thời gian với accent.
  • Bạn nào ra nước ngoài như là Úc, khi gọi điện thoại tới 1 dịch vụ nào đó VD viễn thông, ngân hàng v.v thì người bốc máy thường là Ấn Độ, họ vẫn làm công việc của mình dù accent của họ khó nghe, và người Úc vẫn trả cho họ.
  • Ông thầy kinh hoàng nhất của mình là 1 giáo sư kinh tế người Nhật. Mình luôn phải về nhà lên youtube học lại từ đâu vì không hiểu bác ấy nói gì hết.
Từ khóa: 

tiếng anh giao tiếp

,

giao tiếp tiếng anh

,

tự học

,

tự học tiếng anh

,

ngoại ngữ