CÁCH TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI KHẮC KỶ- Dùng triết lý cổ đại để sống đời hiện đại
Thuyết khắc kỷ không phải là một liệu pháp, mà là một triết lý sống. Đó như một con đường do nhân loại phát minh ra để phát triển một cái nhìn mạch lạc hơn về thế giới, về bản thể của chúng ta, về cách ta thích ứng với tổng thể của sự vật. Mục tiêu của cuốn sách này là để ta học được điều gì đó về cách trả lời câu hỏi cơ bản nhất: Chúng ta nên sống cuộc đời mình như thế nào?
Một cuốn sách để vận dụng chủ nghĩa Khắc kỷ vào cuộc sống thế kỷ 21.
Một trong những nguyên lý then chốt của chủ thuyết khắc kỷ là ta cần phải nhận ra và coi trọng sự khác biệt giữa điều ta có thể và không thể kiểm soát, và chỉ tập trung vào những điều có thể kiểm soát. Nét đặc trưng hơn hết ở chủ nghĩa khắc kỷ chính là ở tính thực tiễn, không phủ nhận những gì hiển nhiên. Ví dụ Epictetus nói: “Cái chết là tất yếu và không thể tránh được”, và với nhìn nhận như thế, ta đi đến câu hỏi tiếp theo: Tôi là ai, tôi đang làm gì để sửa soạn cho điểm kết của đời mình?
Sách gồm có 3 phần.
Phần thứ nhất bàn về Dục vọng, tức những điều đúng đắn và không đúng đắn mà để mang lòng ham muốn. “Ta phải tận dụng tối đa những thứ trong khả năng của ta, và chấp nhận phần còn lại mà tự nhiên ban cho.” – Epictetus.
Phần thứ hai bàn về cách cư xử trong thế giới, lý giải vì sao phái hữu khắc kỷ nghĩ rằng tính cách là điều hệ trọng nhất, bất kể cảnh huống ra sao; tại sao họ cho rằng người ta không thực sự làm điều ác mà đơn giản là có góc nhìn lầm lạc về thế giới vốn đôi khi dẫn dụ họ làm những điều tồi tệ, tại sao họ xem những tấm gương là trọng yếu trong việc giáo dục cũng như truyền cảm hứng, và làm sao để chọn những tấm gương tốt. Phần này cũng trình bày cách mà chủ thuyết khắc kỷ giúp ta vượt qua thảm cảnh, gồm cả khuyết tật cơ thể hay bệnh lý tinh thần.
Phần thứ ba sẽ tập trung về cách phản ứng tốt nhất đối với các tình huống, ví như cơn giận, nỗi âu lo và sự cô đơn, tình bạn và tình yêu. Phần này sẽ gồm 12 bài tập tinh thần có chọn lọc, để bạn đọc khởi sự trở thành một con người thiện hảo.
VỀ TÁC GIẢ:
Massimo Pigliucci là giáo sư triết học tại trường Cao đẳng thành phố New York. Ông có bằng Tiến sĩ chuyên ngành gene di truyền, sinh học tiến hóa và triết học. Ông có nhiều bài viết đăng trên các tờ báo lớn, đã viết và biên tập 10 đầu sách
TRÍCH ĐOẠN:
Ví dụ một cung thủ tìm cách bắn trúng mục tiêu. Y đã quyết định cần rèn luyện bao nhiêu và với cường độ ra sao, y đã chọn cây cung và mũi tên dựa trên tính toán về cự ly và loại mục tiêu, y đã nhắm hết sức mình, và y đã chọn thời khắc chính xác để buông mũi tên ra… Giờ câu hỏi là: Liệu mũi tên có trúng đích không? Rõ ràng việc đó đâu thuộc quyền kiểm soát của y…. nói cách khác, cung thủ khắc kỷ đó chọn nỗ lực bắn trúng đích, và y đã làm hết mình trong khả năng để đạt mục tiêu ấy, nhưng y cũng sẵn sàng chấp nhận một kết quả tiêu cực khả dĩ một cách bình thản, bởi lẽ kết quả không bao giờ hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của y.
Hãy lưu ý rằng tôi không khuyên bạn phải cam chịu… Phái hữu khắc kỷ mà ta biết chính là những vị giảng sư, chính khách, tướng quân và hoàng đế – họ khó lòng là hạng người sa đà vào trạng thái trì độn theo thuyết định mệnh. Thay vào đó, họ đủ thông tuệ để phân biệt những mục tiêu nội tại mà họ kiểm soát được và kết quả ngoại tại, vốn là điều họ có thể tác động nhưng không kiểm soát được… khả năng phân biệt đó chính là dấu hiệu của một người trưởng thành và thông tuệ.
Theo Epictetus, khía cạnh nền tảng của việc làm người chính là tính xã hội, không chỉ vì ta thích sự hiện diện của người khác, mà ý nghĩa sâu xa rằng ta thực sự không thể tồn tại mà không có sự trợ giúp của người khác; ngụ ý rằng khi ta làm những việc có lợi cho xã hội, ta thực sự (có lẽ gián tiếp) đang làm lợi cho bản thân. Đây là một lý giải sân sắc cực kỳ về nhân loại.
Socrates từng nói: “Đừng bao giờ… đáp lời người nào hỏi quê của bạn rằng ‘Tôi là người Athens’ hay ‘Tôi là người Corinth’, mà hãy nói ‘tôi là công dân của vũ trụ’”.
Người khắc kỷ tin theo Socrates, rằng tất cả đức hạnh thực sự là những khía cạnh khác nhau của cùng một đặc tính ngầm: lẽ minh trí – bởi nó là khả năng duy nhất của con người tốt ở mọi hoàn cảnh. Những điều khác chỉ tốt ở hoàn cảnh nhất định và có thể thay đổi nếu hoàn cảnh đổi thay.
…giá trị thực của con người nằm ở chỗ cốt lõi, và cốt lõi đó – tính cách của ta – vẫn còn đó mặc cho vai trò mà ta tình cờ thủ lấy trong xã hội, dù là do lựa chọn, do ngẫu nhiên hay do cần phải làm vậy. Đó là lý do việc cố gắng không chỉ để cải thiện tính cách riêng bạn mà còn để có thể đánh giá tính cách người khác, và đó là điều vô cùng quan trọng với đời sống xã hội.
Người bình thường hiếm khi phải đối mặt với những tình cảnh ngặt nghèo, và phải chứng tỏ lòng can đảm cùng sức chịu đựng lớn lao. Vậy thì việc cư xử thành thật trong cuộc sống thường nhật khó đến mức nào… và hãy hình dung thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn biết bao nhiêu nếu tất cả chúng ta can đảm hơn một chút, có ý thức công chính hơn một chút, tiết độ hơn và khôn ngoan hơn mỗi ngày.
Chúng ta cần chú trọng vào những khả năng, chứ không phải những khuyết tật. Thay vì nói “Tôi không thể làm điều đó,” hãy nói, “Tôi có thể làm điều đó theo cách này.”
Chúng ta cũng cần thực hành theo lối Socrates: Hiểu chính mình. Việc biết được khả năng thể chất và tâm lý bao gồm biết được những hạn chế của bản thân. Sự vô tri, hay tệ hơn là việc tự lừa dối về chính khả năng của mình là điều có thể rất nguy hiểm. Ta cần liên tục cập nhật và nắm bắt chính xác khả năng của ta. Điều này sẽ tùy thuộc không chỉ vào khả năng của ta mà còn vào những môi trường vật lý và xã hội cụ thể mà ta hiện diện ở những thời điểm khác nhau.
Chúng ta cũng cần phát triển một kế hoạch cho cuộc sống. Để được vậy, ta phải xem xét toàn bộ đời mình, lên kế hoạch và ra quyết định, sau khi đã cân nhắc mọi sự. Điều này không phải là ngay từ sớm ta đã biết mình muốn làm gì trong đời và rồi cứ thế tiến hành kế hoạch đó. Thay vì vậy, ta nên tạo thói quen suy ngẫm xem điều gì quan trọng đối với chúng ta và cách tốt nhất để thực hiện điều ấy, đồng thời liên tục chỉnh sửa kế hoạch cuộc đời theo những khả năng và hoàn cảnh biến thiên.
Bốn đức hạnh của Khắc kỷ:
Lẽ minh trí (thực hành): Xử lý những tình huống phức tạp bằng cung cách tốt nhất có thể
Lòng can đảm: Làm điều đúng, cả về thể chất lẫn đạo đức trong mọi trường hợp
Công chính: Đối xử với mọi người, bất kể họ ở địa vị nào, bằng lẽ công bằng và lòng nhân từ
Tiết độ: Thực hành sự điều đổ và tự chủ trong mọi phạm vi của cuộc sống.
12 bài tập thực hành để quán triệt những đức hạnh trên:
- Xem xét những ấn tượng của mình
- Tự nhắc mình muôn sự đều vô thường
- (Đặt) mệnh đề đảo ngược
- Tôi có thể dùng đến đức hạnh như thế nào, ngay tại đây và vào lúc này?
- Tạm dừng và hít thở thật sâu
- Nghĩ khác đi
- Nói ít và rõ ràng
- Chọn bạn mà chơi
- Lấy hài hước đáp trả nhục mạ
- Đừng nói quá nhiều về bản thân
- Hãy nói, chứ đừng đánh giá
- Chiêm nghiệm về ngày của bạn
______________
Nguồn: Phòng Truyền thông NXB Trẻ