Cách dự toán chi phí khi du học
Phần lớn phụ huynh lần đầu cho con du học ƯỚC LƯỢNG SAI CHI PHÍ đảm bảo con mình hoàn thành tốt khóa học. Thường xảy ra 2 trường hợp:
1. Ước lượng quá thấp so với thực tế, có thể dẫn đến nhiều rủi ro như: không đủ tài chính để hoàn tất khóa học, con phải đi làm nhiều hơn đi học, cuộc sống vất vả 1 cách không đáng có, nguy hiểm hơn là tham gia vào các hoạt động không hợp pháp để kiếm tiền
2. Ước lượng quá cao: đôi lúc vì nhìn vào hoàn cảnh 'con nha người ta' hoặc thiếu thông tin về các lựa chọn du học phù hợp hơn như các quốc gia miễn học phí hoặc học phí rẻ, trường quốc tế, trao đổi sinh viên, thực tập tại nước ngoài, học trực tuyến v.v mà loại bỏ ngay ước mơ du học của con cái.
Mặc dù rất khó để ước lượng chính xác 100% con số này vì nhiều rủi ro khác nhau như: thay đổi tỉ giá, lộ trình học, chính sách v.v, Quý phụ huynh và các du học sinh tương lai luôn dễ dàng tính toán được gần đúng bằng cách tham khảo chi phí 5 thành phần sau đây, và từ đó tìm ra cho con du học thế nào phù hợp với túi tiền mình nhất.
Mình đã đi du học Úc, nên sẽ lấy ví dụ ở Úc, các nước khác phương pháp cũng tương tự.
- Học phí: khoản này khá dễ tính chính xác, phần lớn các trường đều công bố học phí công khai trên website và các khoản phụ thu khác.
- Tiền thuê nhà: Bạn có thể vào các nguồn sau để tham khảo
- Facebook Group của các hội du học sinh, cộng đồng người Việt Nam ở tại thành phố bạn chọn
- Các trang rao vặt và bất động sản. VD ở Úc có Gumtree
- Thời gian đầu cần ở tạm đâu đó bạn có thể sử dụng AirBnb
- Chỗ ở rẻ hơn thường xa trường hoặc xa trung tâm hơn nên chi phí đi lại có thể sẽ cao hơn, bạn cần cân đối khoản này.
3. Tiền ăn: Các siêu thị giờ đều có website và công bố giá online. Bạn thử nấu ăn ở VN rồi ghi chép lại mình đã sử dụng nguyên liệu gì, định lượng bao nhiêu, rồi sau đó tra website của siêu thị để tính toán ra giá tiền. Giá cả nước ngoài đôi lúc hơi lạ so với VN, những món VN rẻ thúi thì 1 số nơi đắt kinh hoàng (VD: rau muống, chanh) hoặc ngược lại (VD: thịt gà, sữa, trái cây bản địa nếu đúng mùa). Bạn tiếp tục dựa vào đó mà điều chỉnh Menu của mình sao cho hợp lí nhất.
4. Phí di chuyển: Bạn sử dụng Google Maps, chọn chức năng Direction và chọn phần Public Transport, Maps sẽ hiển thị bạn đi bao xa, bao nhiêu chuyến. Dựa trên cách tính phí tàu xe của từng địa phương bạn có thể tính ra phí đi của từng chuyến. Ngoài ra bạn cũng nên tham khảo coi có chính sách hỗ trợ về giá (concession) nào không. VD: đi và về trong vòng 2 tiếng thì chỉ tính 1 chiều, từ chuyến thứ 10 trở đi miễn phí, giảm giá cho sinh viên v.v
5. Tiền tiêu xài: Cái này thì tùy mức sống của từng bạn à. Bạn nên tham khảo những bạn đang/ đã ở đó. Sau đây là những lời khuyên:
- Thời gian đầu lúc nào cũng phát sinh 'tiền ngu' do chi ra nhiều thứ mình không lường trước hay không biết mua chỗ rẻ nhất. Nên trong thời gian đầu bạn nên dự trù kinh phí hào phóng xíu.
- Mang theo sẵn mì gói thường sẽ không sai ... những lúc chưa quen đường xá hay thời tiết khắc nghiệt, gói mì luôn cứu sống các du học sinh. Có lần bão lụt tới khu mình không thể đi chợ được, mình mém chết vì ngộ độc thực phẩm vì phải ăn lại đồ để quên trong tủ lạnh mấy tháng không còn sự lựa chòn nào khác, lúc đó kiểu giá như có gói mì ở đây ...
- Chích ngừa cúm: mình hay chích ngừa cúm trước khi ra nước ngoài lâu ngày, tiền y tế và thuốc men thường rất mắc, nói chung bị bệnh là xa xỉ.
- Làm răng trước tại VN: nếu bạn có vấn đề về răng miệng bạn nên xử lí hết trước khi đi. Mình thấy trình độ nha sĩ và máy móc của VN không thua gì nước ngoài trong khi giá chỉ bằng 1 góc. Thường bảo hiểm y tế ở nhiều nước không bao gồm các vấn đề răng miệng nên cực kì tốn kém.
- Mang theo thuốc dự phòng những bệnh thường gặp: nhức đầu, cảm, tiêu chảy v.v
Tất nhiên là bạn vẫn có thể tham khảo các anh chị đã đi trước, và sử dụng 5 chi phí trên để brainstorm.
Ngoài ra bạn cần phải tự cẩn trọng trước sự tư vấn của các trung tâm tư vấn du học (vì động cơ của bạn và các TT là khác nhau):
- Các TT tư vấn họ kiếm tiền nhờ việc đẩy bạn được ra nước ngoài và luôn có động lực làm việc đó nên rất nhiều chỗ kém uy tín sẽ hạ thấp số tiền bạn dự kiến phải chi trả (thường thì là 4 thành phần còn lại trừ học phí vì học phí quá dễ kiểm chứng) và vẽ ra những viễn cảnh tươi sáng như 'chỉ cần' làm thêm là có thể trang trải đủ cuộc sống và có khi việc học hành. Những tư vấn kiểu vậy có thể đúng nhưng trong điều kiện lí tưởng, và thực tế hiếm khi lí tưởng như vậy (không đủ thời gia, không đủ sức, cơ hội không dễ có v.v) nên rất nhiều du học sinh du học không ra du học (vì phần lớn tời gian đi làm để trang trải cuộc sống) và cũng không ra xuất khẩu lao động (vì cũng không tập trung kiếm tiền)
- Kiểm tra chuyên môn của tư vấn viên, rất nhiều tư vấn viên chưa bao giờ du học, một số du học nhưng khả năng cao cũng không du học ở quốc gia/ đất nước/ trường mình muốn học nên sự tư vấn có thể không dựa trên thực tế mà do công ty và trường cung cấp nhiều hơn. Và như trên, động lực của họ là sale nên thường có bias về những thông tin họ đưa bạn. Tuy vậy, họ có thể có chuyên môn tốt về xử lí hồ sơ, visa, v.v.
- Các TT tư vấn thường có một số đối tác là các trường giới hạn, hằng năm họ phải chạy đủ chỉ tiêu sale cho các trường đó. Nên họ có động lực để đưa bạn vào các trường và các chuyên ngành học có thể không tối ưu nhất cho bạn.
Điều này không có ý nghĩa phủ nhận hoàn toàn giá trị của TT tư vấn du học và đánh đồng tất cả TT tư vấn đều không trung thực. Ý của mình là: cuộc đời của bạn là trách nhiệm của bạn, bạn phải chủ động tìm kiếm và sàng lọc thông tin để có ích nhất cho hành trình của mình, không nên tin và phụ thuộc hoàn toàn vào một ai đó khác, kể cả những ý kiến trên của mình vì đều là kinh nghiệm cá nhân.
Chúc các bạn có một hành trình tuyệt vời trước mắt. Nếu bạn có thắc mắc gì thì cứ comment nhé !
du học
,du học sinh
,chi phí du học
,du học
Cảm ơn chia sẻ của anh.
Người ẩn danh
Cảm ơn chia sẻ của anh.