Các triều đại "chinh phục" Hồ Tây
Hồ Tây là “con đẻ” của Sông Hồng do các cuộc thăng trầm dâu bể về mặt địa chất mà thành. Xa xưa, xung quanh bờ hồ rừng tre ngà, bàng, lim, lau sậy và gỗ tầm... Một số loài thú quý cũng về quần tụ nơi đây.
Sử chép “Năm 1044, tháng 9 Vua sai đặt cũi lớn ở Dâm Đàm (địa phận Thôn Tây Hồ) lấy con voi nhà của Chiêm Thành (vừa đem cống) làm mồi nhử voi rừng vào trong ấy”. Cuối Thế kỷ XI còn có trăn hoa trườn bò trong rừng Voi Phục (Thủ Lệ).
Từ chốn rừng rậm, đầm lầy hoang hóa, qua công lao khai khẩn xây dựng của bao thế hệ, trong đó có sự đóng góp rất lớn của một số vương phi các triều đại, Hồ Tây đã trở thành một thắng cảnh văn hóa - du lịch nổi tiếng của Kinh đô Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nếu Hồ Tây được ví như nhụy hoa thì Thập tam trại (13 làng trại) là những cánh hoa đẹp tỏa hương sắc thơm lành.
Tương truyền Chùa Kim Liên được dựng trên nền cung điện của Công chúa Từ Hoa - con Vua Lý Thần Tông (1127-1138). Để phát triển cơ sở tầm tang, Công chúa Từ Hoa đã mang các cung nữ ra khu vực Hồ Tây khai hoang, lập ấp và dựng nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa cho họ. Trại Nghi Tàm là một điền trang lớn quán xuyến việc này.
Thời Trần, Hồ Tây vẫn được khai phá, cải tạo. Công chúa Túc Trinh con Vua Trần Thánh Tông (1258-1278) đã rời cung điện ra vùng Bắc Kinh thành Thăng Long rồi bỏ tiền phát chẩn, cấp giống vốn cho dân nghèo làm ăn sinh sống. “Lúc đầu chỉ chiêu mộ được 10 nhân khẩu, thấy mảnh vườn bên sông vừa đẹp lại vừa tiện đi lại nên lập ấp nhỏ ở xứ Vườn, sau dân lập thành làng đặt tên là Cổ Nhuế viên”.
Với ý thức khuyến nông và từ thiện, Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến (Vương phi của Chúa Trịnh Tạc) ở Thế kỷ XVII (triều đại Lê Trung hưng) đã mua 529 mẫu ruộng hoang hiến cho dân làng Xã Minh Cảo - Xuân Đỉnh (nay thuộc Quận Tây Hồ) cày cấy và cúng hậu vào đền chùa là 10 mẫu 2 sào 8 thước.
Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến còn cho khôi phục lại Đền Sóc (thờ Thánh Gióng) với quy mô khang trang. Theo gương mẹ, Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Lan đã mua 10 mẫu 2 sào 8 thước hiến cho Xã Minh Cảo - Xuân Đỉnh.
Khát vọng dân giàu nước mạnh
Điểm lại lịch sử có thể khẳng định một điều: Công việc khai hoang lập ấp dạy nghề của một số Công chúa Vương phi các triều đại ở Hồ Tây không chỉ là hành động của mỗi công dân thực hiện chủ trương chính sách khuyến nông của Nhà nước phong kiến đương thời mà qua đó cũng thể hiện rõ chủ trương chính sách của triều đình ban bố rất phù hợp với nguyện vọng của dân chúng.
Sở dĩ Công chúa Từ Hoa có điều kiện mở mang trại Nghi Tàm để trồng dâu nuôi tằm dệt lụa bởi nhà Lý suốt 2 Thế kỷ XI và XII rất chú trọng đến vấn đề dùng hàng dệt trong nước và người dùng khởi đầu chủ trương ấy là Vua Lý Thái Tông (1022-1054). Vua cho đón các thợ dệt giỏi từ các vùng về Kinh thành dạy cung nữ dệt, những phụ nữ bị tội đồ đều phải đi nuôi tằm.
Tại kinh thành Thăng Long Vua cho lập một xưởng dệt gấm. Các đời Vua Lý kế vị vẫn duy trì chính sách dùng hàng dệt do dân Đại Việt sản xuất. Nhờ thế nghề dệt ở Thăng Long dưới triều Lý thịnh đạt, các nghệ nhân phát huy khả năng sáng tạo những mặt hàng có chất lượng cao: lụa, là, sa, the, đoạn, quyến, gấm, nhiễu, vóc, lượt v.v... Năm 1156 nhà Lý còn tặng nhà Tống nhiều vật phẩm quý trong đó có 850 đoạn màu vàng có hoa rồng cuốn.
Thế kỷ XIII nghề dệt được cải tiến thêm một bước. Chính đoàn sứ thần nhà Nguyên sang ta năm 1280 sau khi qua các vùng quê ở Thăng Long đã ghi nhận nhiều điều về nghề dệt. Sứ giả Trần Phu đã thấy khắp nơi có vườn dâu nho nhỏ và Từ Minh Thiện đã thấy tận mắt sờ tận tay những tấm lụa ngũ sắc sợi nhỏ.
Khát vọng về dân giàu nước mạnh, nhà Trần hiểu thấu vấn đề “Có thực mới vực được đạo”, “Thực túc binh cường” nên năm 1266 (tức 8 năm sau khi chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất) Vua Trần đã xuống chiếu “Cho các Vương hầu, Công chúa, Phò mã, Cung tần khai khẩn ruộng hoang, lập thành điều trang”. Công chúa Túc Trinh cũng hòa nhập vào trào lưu ấy. Quyền sử dụng ruộng đất và việc trông coi chăm sóc, bảo vệ tài sản, ruộng đất cá nhân cúng tiến làng xóm được pháp luật bảo đảm.
Không chỉ thời Lý - Trần động viên mọi người khai khẩn ruộng đất mà thời Lê - Trịnh cũng vậy. Nhà nước còn hỗ trợ thêm cho những người làm việc thiện, có công đầu tư, bảo tồn di sản văn hóa Quốc gia.
Khi bà Vũ Thị Ngọc Xuyến - Chiêu nghi đệ nhất cung tần của Hoằng tổ Dương Vương Trịnh Tạc khôi phục Đền Sóc thờ Phù Đổng Thiên Vương thì triều đình đã cử quan Thượng thư Nguyễn Công Cơ về địa phương điều khiển công trình văn bia ở đền Sóc và các sắc phong cũng đề cao công lao của bà Chiêu nghi Vũ Thị Ngọc Xuyến trong việc hiến ruộng đất cho làng xã.
Những sự kiện khai khẩn ruộng đất, lập ấp, dạy nghề của một số Công chúa, Vương phi các triều đại ở Hồ Tây đã đạt được những thành tựu đáng kể, đã cho thấy đây là bài học kinh nghiệm hợp với đạo lý, luật pháp trong từng hoàn cảnh, thời kỳ lịch sử cụ thể để phát huy được sức mạnh vật chất, tinh thần của mỗi cá nhân và cộng đồng.
nông nghiệp
,giáo dục
,lịch sử
,văn hóa
,khoa học
Nội dung liên quan