Các phương thức của phát triển cộng đồng là gì ?
kiến thức chung
Một là việc đánh giá đúng mức độ nghèo.
Thông thường, người ta thường sử dụng các kết quả các cuộc điều tra xã hội học (ví dụ điều tra mức sống dân cư, điều tra tỷ lệ hộ nghèo) để thu thập và đánh giá về mức độ nghèo đói trên địa bàn. Qua đó, chính quyền các địa phương có thể lập kế hoạch và xây dựng định hướng giảm nghèo cụ thể và phù hợp. Tuy nhiên, do các cuộc điều tra, khảo sát này không được tiến hành thường xuyên nên việc cập nhật thông tin về tỷ lệ nghèo trên địa bàn đôi lúc còn chậm. Do vậy, phương pháp đánh giá nghèo đói có sự tham gia của chính người dân là rất thiết thực. Để đánh giá đúng tình trạng nghèo đói của cộng đồng, thông thường người ta có thể đánh giá nhanh tình hình nghèo thông qua các chỉ số như tỷ lệ nghèo, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ suất sinh tự nhiên….; so sánh tình hình của các địa bàn tương tự, tìm hiểu, phân tích nguyên nhân của tình trạng nghèo ở mỗi địa bàn. Từ đó rút ra kết luận và đưa ra các đề xuất cho các chương trình và chính sách giảm nghèo liên quan cũng như lập kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cộng đồng.
Hai là, lập kế hoạch phát triển cộng đồng có sự tham gia của người dân. Đây là một trong những công cụ được một số dự án, như Dự án Hỗ trợ giảm nghèo do GTZ tài trợ, áp dụng ở các huyện nghèo và bước đầu cho kết quả tích cực. Theo đó, lập kế hoạch phát triển cộng đồng có sự tham gia nhằm giúp người dân tiếp cận các tiềm năng, các khó khăn, cản trở và tìm kiếm các giải pháp phù hợp thông qua phương pháp có sự tham gia cũng như dựa vào kiến thức của người dân. Từ đó xây dựng các kế hoạch phát triển hàng năm và kế hoạch trung hạn ở cấp xã phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương; thực hiện và giám sát các hoạt động với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của các cơ quan nhà nước và các tổ chức đoàn thể, các cá nhân dựa trên phương pháp giám sát và đánh giá có sự tham gia của người dân một cách trực tiếp hoặc thông qua người đại diện.
Nguyên tắc cơ bản phương pháp này là: Tất cả các hộ gia đình đều phải tham gia vào các cuộc họp thôn/bản/ấp do trưởng thôn tổ chức, trước khi cử đại diện tham dự hội thảo lập kế hoạch ở cấp xã. Các cuộc họp thôn và các cuộc họp lập kế hoạch cấp xã (có sự tham dự của đại diện các thôn) là thành phần đưa ra quyết định cao nhất đối với việc lập kế hoạch phát triển cấp xã. Phải có tối thiểu 30% phụ nữ tham gia trong tất cả các cuộc họp. Mọi chi tiêu tài chính và các thông tin liên quan phải minh bạch và công khai cho người dân. Riêng các cuộc họp của đồng bào dân tộc thiểu số phải sử dụng ngôn ngữ của đồng bào hoặc có phiên dịch cho những người không nói được tiếng Việt.
Ba là, tăng năng lực của cộng đồng thông qua tăng nội lực và giúp cộng đồng tự lực phát triển.
Các nguồn nội lực của cộng đồng cần được phát huy gồm:
- Nguồn nhân lực, gồm sức khoẻ, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm của những lao động chính trên địa bàn có ý nghĩa quyết định trong giải quyết tốt các vấn đề của cộng đồng.
- Tài nguyên thiên nhiên: Là nguồn lực phục vụ cho quá trình phát triển cộng đồng. Đây là một trong những tiền đề để phát triển bền vững thông qua việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; chú ý đến việc trang bị kiến thức, kỹ thuật cho người dân, tìm kiếm và sử dụng nguồn tài nguyên mới có thể vừa phục vụ cho quá trình phát triển của cộng đồng vừa tạo ra tính bền vững như việc tìm kiếm và sử dụng nguồn nguyên liệu sạch từ: Gió, năng lượng mặt trời…
- Cơ sở vật chất, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng: gồm hệ thống đường xá, cầu cống, các công trình…Một số cộng đồng với sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí, vật chất của các tổ chức phát triển đã tự cải thiện được tình trạng xuống cấp và thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, điển hình như tại các địa bàn thuộc Chương trình 135 và các huyện nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã được Nhà nước và các doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng hệ thống: Điện – đường – trường – trạm là cơ sở để cộng đồng nghèo có thể tự vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
- Tài chính: Để cộng đồng phát triển, ngoài những nhân tố quan trọng trên đây, việc tổ chức, huy động nguồn tài chính đáng kể được lập lên từ chính người dân trong cộng đồng đó có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những thí dụ dụ điển hình trong thực tiễn được sử dụng khá hiệu quả là các nguồn tài chính vi mô hay quỹ tín dụng của các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân, đoàn thanh niên được huy động và thành lập trên cơ sở vốn góp của các hội viên, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi và các vấn đề tiêu cực nảy sinh.
- Mối quan hệ xã hội, tức tính liên kết của cộng đồng gắn bó hay lỏng lẻo đều có ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển của cả cộng đồng. Việc chú ý phát huy mặt tích cực, hạn chế tiêu cực trong mối quan hệ xã hội tại cộng đồng là cần thiết. Khi các thành viên trong các nhóm quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái, cùng nhau xây dựng, sử dụng và bảo quản công trình cộng đồng… thì các nguồn lực nêu trên ngày càng được củng cố, mối quan hệ cộng đồng thêm chặt chẽ và bền vững hơn.
- Tận dụng tốt các chính sách hiện hành của Chính phủ trong hỗ trợ cộng đồng như: Chính sách đầu tư và phát triển kinh tế địa phương; chính sách xóa đói giảm nghèo; chính sách tăng cường dân chủ cơ sở…là nguồn lực vô cùng to lớn mà cộng đồng có thể phát huy để tập trung cho mục tiêu phát triển.
Ngoài ra, để tăng năng lực của cộng đồng, việc mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, huấn luyện kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, các buổi hội thảo tại thôn hay hội thảo đầu bờ… nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như nâng cao kiến thức làm ăn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao năng lực, kỹ năng của người lãnh đạo cộng đồng và mỗi người dân trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn để có thể tự giải quyết các vấn đề còn tồn tại và phát sinh mới trong mỗi cộng đồng.
Và để giúp cộng đồng tự lực phát triển thì lãnh đạo cộng đồng (chính quyền xã, trưởng các thôn/bản) cần nhận thức rõ: sự giúp đỡ từ bên ngoài, của các cá nhân hay mỗi tổ chức xã hội chỉ là chất xúc tác, điều quan trọng là làm sao để bản thân người dân tại cộng đồng phát huy được các nguồn nội lực nêu trên. Nếu người dân không tự cố gắng vươn lên mà chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và của các cộng đồng khác thì vấn đề đói nghèo không thể được giải quyết một cách triệt để và bền vững được.
Nội dung liên quan
Tiến Chi Băng