Các nguyên tắc khi tranh luận

  1. Phát triển sản phẩm

Tôi giao tiếp rất tệ. Tôi ít khi nói ra được những điều tôi muốn nói, và những khi nói thì lại thường phát ra những câu khá ngớ ngẩn hoặc là nói những thứ không ai hiểu. Tôi cố gắng hạn chế điều đó bằng cách bớt nói lại, nghĩa là tôi tin rằng nói càng ít thì sẽ càng ít rắc rối. Mà sự thật thì rắc rối lại càng nhiều hơn. Sau này thì tôi nhận ra giao tiếp cực kỳ quan trọng trong bất kỳ một mối quan hệ nào. Tuy nhiên, phải khẳng định lại là, không phải cứ những người nói nhiều là người giao tiếp tốt. Người giao tiếp tốt là người biết khi nào nên nói, khi nào nên im lặng, và khi nói thì nên nói những gì để đạt được mục đích và không làm người khác tổn thương.

Vì vậy, sau một thời gian ngắn trải nghiệm và học hỏi từ các anh các chị, tôi tự đúc kết lại một số nguyên tắc mà tôi cho là hữu ích khi tranh luận, giao tiếp với người khác nên ghi lại cho nhớ. Bạn nào có góp ý thì bình luận ở phía dưới bài viết giúp mình nhé.

1. Chỉ tập trung vào những thứ cần nói, bỏ qua những thứ râu ria.

Tôi mắc bệnh nói vòng vo, nói không tập trung vào chủ đề, và sau khi nói một hồi thì chính tôi cũng không hiểu mình đang nói gì. Để nói đúng trọng tâm, thì cần giữ vững quan điểm của mình, dùng những lý lẽ và dẫn chứng để chứng minh cho điều mình muốn nói. Không bàn tới những vấn đề nằm ngoài phạm vi tranh luận.

2. Dừng ngay tranh luận khi thấy dấu hiệu công kích, xúc phạm cá nhân.

Nhiều người khi thấy mình bị xúc phạm cũng trở nên rất hung hăng, cuối cùng thành ra hai bên công kích nhau mà không mang lại kết quả tốt đẹp gì. Trong một cuộc tranh cãi trước đây, khi bạn tôi bắt đầu nói ra những câu kiểu như: "cái loại như mày...", "mày là cái đồ...", "chúng mày sẽ phải chịu..." thì tôi biết rằng lẽ ra mình nên dừng ngay ở thời điểm đó. Trong tranh luận, khi một người chuyển sang công kích cá nhân nghĩa là họ đã đuối lý, và mục đích của họ là khiến bạn cũng sôi máu lên để quạc lại họ. Từ đó họ lại càng có cái cớ để tuôn ra những lời lẽ khó nghe hơn và phản ứng giận giữ của bạn chỉ khiến họ càng thêm thích thú mà thôi.

3. Bạn có thể tranh luận với bất kỳ ai.

Không quan trọng người bạn đang tranh luận là giáo sư, tiến sĩ hay nhà khoa học gì, bạn hoàn toàn có thể tranh luận với họ một cách bình đẳng. Người giỏi, người có địa vị, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng... không phải nói gì cũng đúng. Bởi vì ở đây là thể hiện quan điểm về những mối quan tâm chung của cả hai phía, không phải hội thảo chuyên đề. Tuy nhiên, như đã nói, để có thể tranh luận thì bạn cần có quan điểm, lập trường của riêng mình, và đảm bảo rằng bạn hiểu rõ những nguyên tắc cơ bản để cuộc tranh luận trở nên có giá trị.

4. Không mang cảm xúc cá nhân vào tranh luận.

À, hình như người ta gọi cái này là ngụy biện. Đây không phải một cuộc trò chuyện, tâm sự, nên là hãy dùng lý trí để phân tích chứ đừng mang cảm xúc vào, chỉ khiến cuộc hội thoại thêm nặng nề.

5. Đừng cố chứng minh là mình đúng.

Quan điểm thì không có đúng sai. Mỗi quan điểm thể hiện một góc nhìn. Chúng ta khác biệt chứ không đối lập. Tranh luận để chứng minh mình đúng, người kia sai là một việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Tôi nghĩ mục đích cao cả nhất của tranh luận là để tìm ra cái hay, cái tốt ở đối phương, chúng ta bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để tìm đến một cái gì đó tốt đẹp hơn, gần với chân lý hơn. Vì vậy, đừng hiếu thắng.

Nói thì dễ, làm thì khó, nhưng tôi vẫn muốn viết ra đây để tự dặn dò bản thân, có vẻ như còn thiếu, khi nào nghĩ ra thêm cái gì tôi sẽ bổ sung sau.

Từ khóa: 

tranh luận

,

cuộc sống

,

quan điểm

,

khác biệt

,

phát triển sản phẩm