Các môn học ở THPT có quá khó và xa rời thực tế?
Đây là một câu hỏi trên Noron. Vì câu trả lời hơi dài, nên tôi chuyển nó thành bài viết này.
---
Một phương pháp để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi chưa trả lời được là đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Từ câu hỏi của bạn có thể trực tiếp thấy ba câu hỏi dưới đây: (Từ đây đến hết câu trả lời này, để ngắn gọn, Toán được dùng để chỉ tất cả các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh.)
i) Có nhiều người phải sử dụng những kiến thức Toán cấp 3 để thi và học lên cao không?
ii) Chúng ta có phải sử dụng những kiến thức đó khi đi làm không?
iii) Học sinh nước ngoài có học những kiến thức như vậy không?
Tôi có vài ý kiến nhỏ thế này với chúng.
i) Tất cả những người thi đại học chọn khối có môn Toán đều phải dùng những kiến thức đó để thi. Kiến thức các môn tự nhiên ở cấp ba cần thiết cho các ngành có liên quan ở ĐH. Các ngành KHTN, kỹ thuật và kinh tế dùng rất nhiều toán. Nói cách khác, những kiến thức được dạy ở cấp ba là cần thiết với nhiều người.
ii) Tùy vào công việc của chúng ta. Người làm kỹ thuật dùng một phần lớn kiến thức đó, dù không phải tất cả. Người trông xe thì dùng một phần nhỏ những kiến thức đó. Ngành học không quyết định việc làm nên cũng không nói được gì nhiều ở đây. Có điều, cũng như những tài sản khác, kiến thức cho bạn quyền lựa chọn. Một nghiên cứu sinh có thể đi làm bảo vệ (thực ra là có khá nhiều trường hợp như vậy ở Mỹ. Một người bạn của tôi ngày trước ở Nhật cũng làm bảo vệ vào cuối tuần khi đang chờ học bổng, dù đang làm PhD.) Ngược lại, người làm bảo vệ thì nhìn chung không có nhiều cơ hội và khả năng để làm những việc mà các nghiên cứu sinh hoặc tiến sỹ thường làm.
iii) Cần phải nói rõ nước ngoài là nước nào, vì các nước khác nhau thì khác nhau. Khi so sánh với Việt Nam, tôi thấy thế này. Chương trình dự bị vào các trường lớn của Pháp khá nặng. Toán ở trình độ A level ở nhiều nước tương đồng với VN, và có phần dễ hơn. SAT thì tương đối dễ, học sinh chuyên toán lớp 10 của VN có thể làm SAT 2 mà không có vấn đề gì. Chương trình Toán phổ thông của Ấn Độ giống chương trình mà tôi đã học ở VN. Chương trình của Trung Quốc thì cũng tương tự, có điều trong phần tự chọn của họ có một số nội dung mà ở VN phải lên ĐH mới được học, hoặc thậm chí lên ĐH cũng không được học vì chúng không nằm trong phần toán cao cấp (đại cương) của chúng ta. Chương trình của Nga có vẻ cũng khó, người Nga và người TQ sang Mỹ du học thì thường trở thành những ngôi sao về toán trong lớp của họ. Nói ngắn gọn là chương trình ở VN không phải quá khó, không ít nước có chương trình tương đương hoặc khó hơn.
Quay trở lại với câu hỏi ban đầu, thì đúng là không phải tất cả mọi người học xong cấp 3 sẽ dùng những kiến thức đó, với một số người thì chúng khó và không cần thiết.
Nhưng nếu dừng lại ở đây thì chẳng có gì thú vị cả, hãy hỏi thêm một số câu hỏi nữa.
Sẽ có rất nhiều điều làm chúng ta băn khoăn. Sẽ tốt hơn cho cuộc sống của chúng ta nếu ta đặt câu hỏi để hiểu vấn đề, chứ không phải để cảm thán hay chỉ trích. Chẳng hạn, chuyện kiến thức cấp ba khó và không cần thiết với một số người thì có thật, nhưng vì sao? Nếu không giải quyết được khúc mắc này thì nhiều khả năng người hỏi câu hỏi ban đầu sẽ rơi vào trạng thái tiêu cực và luôn phê phán chứ không xây dựng, hoặc ít nhất cũng là thấy bứt rứt khó chịu mỗi khi nghĩ về "Toán cấp ba." Nếu tin rằng hầu hết mọi việc đều có nguyên nhân của nó, và mọi quy tắc hay hệ thống đều là do con người làm ra, ta có thể hỏi những câu thế này:
iv) Tại sao những người làm giáo dục lại thiết kế chương trình như vậy?
v) Nếu không phải tất cả học sinh sau này đều phải dùng những kiến thức đó, có nên thay đổi để chỉ những người cần mới phải học không?
vi) Khi chương trình đơn giản hơn, có lợi ích thiết thực gì không?
Chương trình cấp ba đang ở trình độ như hiện nay, không phải là chỉ ở mỗi VN, mà nhiều nước đều như vậy. Những người làm chương trình như thế thường là có hiểu biết. Họ không phải là những ông giáo sư sống trong tháp ngà chẳng biết gì về những nỗi khổ của học sinh. Trước hết, họ cũng từng là học sinh. Hơn nữa, ở Việt Nam nhiều người trong số họ còn trực tiếp dạy học sinh phổ thông, dù phần lớn họ là giảng viên đại học. Họ có lý do đủ tốt để làm ra chương trình như ta đang thấy. Thế lý do đó là gì?
Đến đây tôi thấy có một câu hỏi quan trọng khác:
vii) Mục tiêu của giáo dục THPT là gì?
Các nhà giáo dục dựa vào mục tiêu để làm chương trình. Vì thế, nếu ta thấy chương trình của họ rất có vấn đề, thì không cần biết ta hiểu như thế nào về mục tiêu giáo dục, có thể nói rằng cách hiểu của chúng ta khác với các nhà giáo dục. Việc họ không truyền tải được mục tiêu giáo dục cho chúng ta, để ta hiểu học để làm gì, và để ta hiểu tại sao chương trình THPT lại có vẻ khó thế, là thất bại của họ - những nhà giáo dục.
Tôi không bàn đến chuyện "Học để làm gì?" ở đây. Đó là vấn đề quá rộng. Tôi chỉ có một vài ý kiến về "Mục tiêu của giáo dục THPT." Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, hãy google "Luật Giáo dục Việt Nam 2019," bạn sẽ có thể đọc toàn văn Luật Giáo dục, với một mục về mục tiêu giáo dục ở từng cấp học.
Đầu tiên, giáo dục THPT không có mục tiêu trang bị cho học sinh những kiến thức thông thường trong đời sống. Đó là mục tiêu của giáo dục Tiểu học, hay THCS. Trong khi Việt Nam phổ cập GD Tiểu học và THCS, chúng ta không phổ cập GD THPT. Nói một cách khác, Nhà Nước muốn người dân ít nhất đạt được trình độ THCS, còn từ THPT trở lên, việc học là lựa chọn từ phía người học. Học sinh chọn vào học bậc THPT rồi than khó thì cũng giống như vì muốn thân hình đẹp mà tập gym rồi khi tập thì than mệt, hoặc muốn lương cao nên vào công ty yêu cầu cao rồi khi công việc căng thẳng lại trách công ty. Không có thứ nào thật sự tốt đẹp mà lại đến một cách dễ dàng. Ngay từ đầu đó là lựa chọn của bản thân mà thôi, không ai ép ta làm những việc ấy cả. Hoặc trong một số trường hợp đặc biệt, thì phải trách phụ huynh, gia đình, chứ chương trình đào tạo không có lỗi.
Những ai không hiểu rằng giáo dục THPT không phải là giáo dục phổ cập thì thường xem nhẹ sự danh giá của nó và có thể nghĩ rằng nó khó một cách phi lý. Nhiều người trẻ không hề có một ý niệm gì về việc ở thời của ông cha chúng ta, tốt nghiệp tiểu học đã là một thành tích. Chưa đầy một trăm năm trước, cả nước chỉ có vài trường ngang với cấp ba bây giờ, và những người học được đến cấp ba nếu không phải là những người có tài năng xuất chúng, trí tuệ hơn người thì cũng là những người chăm chỉ, giỏi giang. Khi ấy, thi qua lớp 11 đã có bằng Tú tài 1, thi qua lớp 12 sẽ có bằng Tú tài Toàn phần, đã bước vào tầng lớp trí thức trong xã hội và có thể đi dạy. Đó thật sự là một thành tích, mà chỉ một số ít người trong xã hội có điều kiện và năng lực trí tuệ để đạt được. Nếu bạn đọc các học giả trước đây của ta viết về thời họ học trung học, có thể cách nhìn của bạn sẽ thay đổi, bạn có thể sẽ nghĩ chương trình THPT đang dễ hơn trình độ mà nó đáng là. Cách mà người ta đang làm với giáo dục phổ thông hiện nay làm xã hội rẻ rúng giá trị của nó, và tất nhiên nếu có ai nghĩ rằng nó chỉ xứng đáng với những kiến thức tầm thường thì cũng có thể hiểu được. Nhưng theo tôi, giá trị của giáo dục THPT không phải chỉ như nhiều người đang nghĩ, và việc hơn 99% học sinh có thể tốt nghiệp sau lần thi tốt nghiệp đầu tiên là bất thường chứ không hề bình thường.
Thứ hai, rất nhiều thứ được dạy cho chúng ta vốn không phải để chúng ta dùng, ít nhất là trực tiếp dùng. Khi tôi học cấp ba, có lần một trong số các thầy của tôi, khi ấy đã ngoài 70, nói với chúng tôi rằng: "Các cháu học mấy cái này không phải để dùng ở ngoài đời. Các cháu học để biết cách tư duy." Đó là những lời chí lý. Không có nhiều người trong số chúng ta sau này phải biết cách tính thời gian từ lúc một giọt nước mưa hình thành cho đến lúc vận tốc rơi của nó ổn định, hay tính diện tích một bề mặt kỳ dị nào đó, nhưng nhờ học những thứ như thế suốt những năm tháng phổ thông mà chúng ta biết cách nhận định những sự việc trong cuộc sống, biết đối mặt với những vấn đề chúng ta chưa giải quyết được, và quen với việc tìm phương pháp để xử lý các vấn đề như thế.
Có nhiều học sinh cấp ba nhiều năm sau sẽ phải làm ra những con đường an toàn, xây dựng những cây cầu chắc chắn, chế tạo những robot thông minh, v.v., một số ít thậm chí phải quyết định chính sách kinh tế cho nơi họ sống, xây dựng phác đồ điều trị cho những căn bệnh chưa từng xuất hiện, v.v.. Những thầy cô của họ thời còn đi học có thể không dạy được cho họ rằng cụ thể phải làm gì trong những tình huống ấy, nhưng những kỹ năng và kinh nghiệm đã được tích lũy từ thời đi học chắc chắn sẽ có vai trò quan trọng. Những kỹ năng và kinh nghiệm ấy góp phần hình thành nhân sinh quan và hiểu biết thông thường về cuộc sống, nên nó cần thiết cho tất cả mọi người chứ không chỉ những người làm kỹ thuật hay phải quyết định việc quốc gia đại sự. Chẳng hạn, nếu bạn quen với việc suy nghĩ, bạn sẽ thấy mọi cái Ponzi Scheme, từng rất phổ biến ở Việt Nam, đều là lừa đảo. Cái đó không cần kiến thức kinh tế, chỉ cần chịu suy nghĩ mà thôi.
Nếu bạn nói những kiến thức ở cấp 3 không thực tế thì đúng, nhưng khó thì không. Ngược lại, những kiến thức và công cụ mà học sinh học ở phổ thông là quá thô sơ và không thể áp dụng được để giải quyết những vấn đề thực tế. Thậm chí kiến thức ở đại học cũng không đủ. Đó là lý do mà không ít người đoạt giải Nobel vì những nghiên cứu ở công ty của họ. Tức là, vấn đề không nằm ở kiến thức, mà nằm ở cách tư duy, là thứ mà người ta cố gắng, và nên cố gắng hướng dẫn học sinh từ phổ thông.
Tư tưởng đào tạo cho tư duy của người học về lâu dài chứ không vì mục tiêu trước mắt này được thể hiện rất rõ ràng trong câu chuyện về lực lượng Talpiot của Israel.
Nhưng trong quân đội Israel còn một đơn vị với sự lựa chọn cực kỳ nghiêm ngặt và huấn luyện hà khắc ở mức cao hơn, đặc biệt trong lĩnh vực cải tiến công nghệ. Đơn vị này là Talpiot.
Mỗi năm, 2% học sinh phổ thông xuất sắc nhất của Israel, khoảng 2000 người - được yêu cầu tham gia. Và cứ mười người thì chỉ có một người vượt qua được hàng loạt bài sát hạch, chủ yếu về vật lý và toán học. Hai trăm ứng viên này sau đó phải trải qua một cuộc kiểm tra kéo dài hai ngày về năng khiếu chuyên sâu và nhân cách. Một khi được gia nhập chương trình, học viên Talpiot phải trải qua văn bằng đại học cao cấp cho các môn toán học hoặc vật lý, cùng lúc làm quen với những nhu cầu công nghệ tại mọi chi nhánh thuộc quân đội Israel. Chương trình học thuật họ được đào tạo vượt xa kiến thức của một sinh viên đại học bình thường, ở Israel hay bất kỳ đâu - họ phải học nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn.
Tuy nhiên, cung cấp một lượng lớn các loại kiến thức cho học viên lại không phải mục tiêu cuối cùng của chương trình. Mục tiêu xa hơn, là để biến họ thành những nhà lãnh đạo có định hướng nhiệm vụ và có khả năng giải quyết các vấn đề.
Họ đạt được mục tiêu đào tạo này bằng cách liên tục giao cho học viên các nhiệm vụ với những chỉ dẫn tối thiểu. Vài nhiệm vụ rất bình thường như tổ chức hội thảo giữa các học viên, đòi hỏi sự điều phối giữa diễn giả, thiết bị và cơ sở vật chất, vận chuyển và thực phẩm. Những nhiệm vụ khác thì phức tạp hơn như xâm nhập vào mạng viễn thông của một nhóm tổ chức khủng đang hoạt động. Nhưng điển hình nhất là việc buộc học viên phải tìm ra giải pháp tổng thể cho từng vấn đề quân sự cụ thể. Ví dụ, một nhóm học viên phải giải quyết chứng đau lưng nghiêm trọng mà phi công trực thăng mắc phải do rung động từ động cơ cánh quạt.
Tuy nhiên, dù việc đào tạo Talpiot được tối ưu hóa để duy trì thế mạnh công nghệ của quân đội Israel, sự kết hợp của kinh nghiệm lãnh đạo với kiến thức kỹ thuật là rất lý tưởng nếu được áp dụng để thành lập các doanh nghiệp mới. Mặc dù chỉ có 650 người tốt nghiệp chương trình trong 30 năm qua, họ đã trở thành một trong số những học giả và người sáng lập các doanh nghiệp thành đạt hàng đầu của Israel. NICE Systems, tập đoàn quốc tế đằng sau những hệ thống giám sát cuộc gọi được 85 trong số 100 doanh nghiệp thuộc nhóm Forbes 100 sử dụng, do một nhóm “Talpion” sáng lập. Compugen cũng thế, đây là công ty dẫn đầu về giải mã bản đồ gien người và phát triển thuốc. Nhiều công ty công nghệ của Israel có mặt trên NASDAQ đều do các Talpion thành lập hoặc có cựu sĩ quan Talpion nắm giữ những vị trí chủ chốt. [...] 2/3 sĩ quan Talpiot tốt nghiệp dù làm trong giới học thuật hay các tập đoàn công nghệ cũng tiếp tục có những đóng góp to lớn cho xã hội và cho nền kinh tế, giúp củng số sức mạnh của đất nước theo nhiều cách các nhau.
Quốc gia Khởi nghiệp - Dan Senor, Saul Singer
Học sinh có tư tưởng học để thi thì dễ thấy chương trình nặng một cách vô lý. Học sinh học để trở thành người biết cách giải quyết vấn đề thì không, ngược lại, họ hào hứng với những câu hỏi hóc búa. Chương trình học quá dễ thì không thể đào tạo ra những con người có khả năng đương đầu với những vấn đề xã hội sẽ đặt ra.
Trước khi hiểu rõ rằng tư duy và năng lực giải quyết vấn đề, chứ không phải những kiến thức cụ thể, mới là quan trọng, tôi từng thấy việc sinh viên ra trường làm trái ngành là một bất cập. Tất nhiên đến giờ vẫn không thể nói đó là một việc tốt, nhưng nó không tệ như ta tưởng, và nó có lý do hợp lý để xảy ra. Trừ sinh viên một số ngành đặc thù cần rất nhiều thời gian rèn luyện và tích lũy, chẳng hạn y dược, luật, quân đội, chuyện làm việc ở ngành gần hay thậm chí không liên quan sau khi tốt nghiệp không phải là hiếm ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Nhật, chuyện học lịch sử hay văn học rồi sau đó làm lập trình viên thậm chí còn rất phổ biến. Tất nhiên, ít nhiều có một sự lãng phí các nguồn lực của xã hội khi mà sinh viên ra trường không làm đúng ngành, sự lãng phí có thể sẽ không xảy ra nếu mọi sinh viên đều có định hướng cuộc đời rõ ràng ít nhất ở mức độ như sinh viên các ngành đặc thù nêu trên. Tuy nhiên, bản chất của cuộc sống là vận động, mọi kế hoạch đều rất có thể phải thay đổi. Hơn thế, nếu chúng ta nhìn nhận đại học như nơi để con người rèn luyện tư duy, cách làm việc, và hoàn thiện nhân cách, hơn là nơi cho người ta những kiến thức để ra ngoài đời có thể làm việc ngay, thì việc nhiều người làm trái ngành học trở nên rất dễ hiểu.
Thứ ba, bộ não của chúng ta rất linh hoạt. Năng lực của chúng ta có thể thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh. Rèn luyện tư duy cũng giống như rèn luyện cơ bắp. Nếu bạn ngừng tập luyện, cơ bắp của bạn sẽ ngừng phát triển, hay thậm chí teo lại. Để duy trì trạng thái cơ thể, các vận động viên phải không ngừng tập luyện. Để mạnh hơn, họ phải tập luyện những bài tập ngày càng có yêu cầu cao hơn. Điều này cũng giống như trường hợp của bộ não của chúng ta. Nếu chúng ta quen với những thứ đơn giản, bộ não thích ứng với việc suy nghĩ đơn giản. Nếu chúng ta chỉ đọc những thứ nhảm nhí, bộ não sẽ quên đi việc suy nghĩ những điều nghiêm túc. Nói một cách đơn giản, nếu học toán đến cấp ba mà vẫn quanh quẩn với mấy thứ học sinh cấp dưới cũng hiểu được, thì chúng ta sẽ mất đi khả năng tư duy. Trong khi đó, cuộc sống luôn luôn đặt ra vấn đề để chúng ta giải quyết, và những vấn đề ấy thường không dễ như những bài toán ta được học ở cấp ba hay đại học. Các bạn đang làm những công việc mà bản thân thấy không cần dùng nhiều kiến thức, hãy nhớ lại thời đi học, có phải khi ấy các bạn nhanh nhạy hơn cả bây giờ không?
Không chỉ những vấn đề trong cuộc sống của mỗi người trở nên phức tạp hơn, mà những vấn đề của cả loài người cũng vậy. Trước đây người ta chỉ phải lo kiếm đủ ăn, giờ thì còn phải lo ứng phó với biến đổi khí hậu, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, phòng thủ trên không gian mạng, làm việc với trí tuệ nhân tạo, v.v. Không phải chỉ kiến thức của cấp học sau khó hơn cấp học trước, mà kiến thức mỗi thế hệ cần lĩnh hội trước khi bước ra đời cũng nhiều hơn thế hệ trước. Không chỉ bộ não của mỗi người biến đổi trong cuộc đời họ, mà trí tuệ của con người như một giống loài cũng tiến hóa xuyên suốt chiều dài lịch sử. Trong cuốn "Con đường dẫn đến tài năng" của Lê Nguyên Long và Thế Trường, hai tác giả có nhắc đến một bức thư từ vài ngàn năm trước. Đó là bức thư từ một bậc thầy toán học trả lời một thương gia gửi gắm con mình cho ông. Vì đã nhiều năm trôi qua, tôi không còn nhớ chắc chắn nội dung, nhưng nó có đoạn tương tự thế này: "Chúng tôi có thể dạy cho con ngài về phép cộng và phép trừ, nhưng về phép nhân thì xin ngài hãy tìm đến Ai Cập (?), vì ở đó có các bậc thầy về phép nhân." Bạn có thấy hiểu biết của con người đã tiến quá xa không?
Chúng ta không cần phải nhìn về quá khứ xa xôi như vậy để biết những điều chúng ta học đang khó lên. Bạn có thể xem thử đề thi vào MIT, một trong số những viện công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay, gần hai thế kỷ trước ở đây:
Tôi không nghĩ một có một học sinh cấp hai nào ở VN lại không làm được phần lớn đề thi này. Bây giờ, nếu bạn tìm những đề thi IMO những năm đầu tiên, và đưa cho một học sinh lớp chọn ở cấp hai làm thử bài một bài hai, thì nhiều khả năng học sinh ấy sẽ làm được. Trình độ lớp 12 của vài chục năm trước, ngày nay đã trở thành trình độ THCS. Kiến thức giống như một dòng chảy về phía trước, và nếu bạn không thể làm những con sông chảy ngược dòng, thì có lẽ sẽ không có chuyện chương trình học trong tương lai lại trở nên đơn giản hơn ngày nay.
Thứ tư, thế nào là khó? Trong khi "khó hơn" là một chuyện dễ hiểu, thì "khó," giống như mọi tính từ mức độ khác, không thể được hiểu một cách dễ dàng. Tất cả các nhận định về mức độ đều phải được dựa trên một sự so sánh. Khi ta nói một người cao, ta nói rằng người ấy cao hơn mức trung bình, và cảm nhận của ta là họ cao, chứ ta không nói đến một chiều cao cụ thể. Hiện vật áo giáp khai quật được của các hiệp sỹ châu Âu thời cổ - những người được cho là to cao - cho thấy họ có chiều cao khoảng 1m rưỡi. Cũng như thế, không có một tiêu chuẩn nào được khắc trên đá cho cái gọi là khó. Một chương trình có thể khó với người này, nhưng dễ với người khác. Việc những người làm giáo dục phải làm là xác định nên đặt chương trình ở mức độ khó nào.
Để dễ hình dung về độ khó này, hãy thử xem mô hình đơn giản thái quá ở phía dưới. Đường cong màu xanh dương thể hiện trình độ của tất cả học sinh. Càng về phía bên phải, trình độ càng cao, và đường cong ở vị trí càng cao thì càng có nhiều học sinh ở trình độ đó. Trình độ của học sinh thể hiện độ khó của kiến thức mà họ thấy thoải mái khi học, tức là có thể tiếp thu mà không phải cố gắng quá nhiều.
Theo mô hình này thì có một nhóm nhỏ học sinh có năng lực vô cùng hạn chế, nằm ở phần đuôi bên trái của đường cong, có một nhóm học sinh thiên tài, nằm ở phần đuôi bên phải của đường cong, và phần lớn học sinh thuộc nhóm gọi là bình thường, nằm ở phần giữa đường cong. Phần giữa đường cong có diện tích phía dưới lớn nhất, và có nhiều học sinh nhất. Học sinh càng giỏi, hoặc càng kém, thì càng có ít.
Các vạch thẳng đứng tượng trưng cho độ khó của chương trình học. Nếu chương trình tương ứng với vạch đỏ, thì hầu hết học sinh cảm thấy chương trình học quá dễ, không cần đi học vẫn hiểu. Ngược lại, nếu chương trình tương ứng với vạch nâu, hầu hết học sinh sẽ nghe bài giảng như nghe ngoại ngữ. Tất nhiên, vẫn có một nhóm học sinh thấy dễ. Nếu chương trình tương ứng với vạch màu cam, một nửa số học sinh sẽ thấy chương trình dễ, và một nửa sẽ thấy khó.
Lưu ý ở đây, khi một học sinh thấy chương trình khó, điều đó không có nghĩa họ không thể lĩnh hội được, mà chỉ có nghĩa họ sẽ phải nỗ lực hơn để tiếp thu. Vạch màu càng dịch chuyển về bên phải, càng có nhiều học sinh phải nỗ lực hơn, và mức độ nỗ lực của mỗi học sinh đều sẽ tăng lên. Điều ngược lại xảy ra khi vạch màu dịch chuyển về bên trái.
Theo thời gian, khi lượng kiến thức của loài người tăng lên, nếu có một thang đo tuyệt đối, đường cong màu xanh dương sẽ dịch chuyển về phía bên phải. Các vạch màu tương ứng cũng sẽ dịch chuyển theo.
Một chương trình tốt là một chương trình mà hầu hết học sinh nằm trong nhóm đối tượng của nó đều cần phải cố gắng học hỏi, nhưng không có học sinh nào rơi vào cảnh tuyệt vọng vì không thể theo kịp, cũng không có học sinh nào chán đến mức không muốn đi học vì chương trình quá dễ.
Mô hình này chỉ có tính đại khái, và tôi không biết tiêu chí của các nhà giáo dục, nhưng theo lẽ thường, độ khó ở vị trí vạch xanh sẽ được chọn. Việc làm cho phần lớn học sinh phải cố gắng là hợp lý. Người ta phải được khó khăn tôi luyện, và học sinh phải được rèn luyện bởi những vấn đề cao hơn khả năng của họ một chút.
Ở đây có một vấn đề nhỏ. Khi mà khoảng cách giữa hai "đuôi" quá lớn, không thể có một độ khó tốt. Hoặc sẽ có những học sinh cảm thấy họ học quá dễ dàng, dẫn đến việc đến trường không có nhiều ý nghĩa và họ thật sự là không rèn luyện gì nhiều, hoặc sẽ có những học sinh cảm thấy chán nản vì việc học đối với họ quá vất vả. Đó là lúc cần phải tách các nhóm học sinh ra, cho họ học ở những trường khác nhau. Khi ấy vạch nâu ở trường này sẽ rất có thể trở thành giống như vạch xanh ở trường khác. Tôi tin rằng công bằng không phải là mỗi học sinh đều được học những kiến thức như nhau, mà mà mỗi học sinh đều có cơ hội để cố gắng. Nếu bắt ô tô đua với xe đạp, thì cái ô tô không biết nó có thể đi nhanh thế nào, còn cái xe đạp sẽ thất vọng về bản thân.
Quay lại với chuyện chương trình học ở phổ thông có khó không, thì tôi xin được nhắc lại là nó khó với một số người, và dễ với một số người. Xin kể một câu chuyện nhỏ của tôi. Lần đầu tiên tôi học về dao động có lẽ là lớp 10. Một tiết học của chúng tôi kéo dài 90 phút. Sau 45 phút đầu tiên, thầy giáo nói với chúng tôi: "Bài tập các em vừa làm là đề thi đại học trước đây. Bây giờ các em đã đủ kiến thức để làm đề thi rồi nhưng đó không phải mục tiêu của chúng ta." Tôi nghĩ cả giáo viên và học sinh chuyên thường bị ghét vì sự tự tôn quá cao, nhưng họ có cơ sở. Tôi tiếp tục học về dao động ở đội tuyển thêm một năm nữa, và nhiều thứ sau buổi học đó chắc chắn là để thi đại học thì không cần. Một lần nữa, tôi nghĩ kiến thức không quan trọng bằng phương pháp tư duy mà học sinh học được thông qua những kiến thức đó.
Thứ năm, có thêm một lý do cho việc làm cho chương trình nhìn có vẻ khó cho một học sinh bình thường, đó là bậc học THPT có chức năng dự bị cho bậc Đại học.
ĐH là nơi tập trung nhiều nguồn lực, và không có đủ chỗ cho tất cả mọi người. Vì thế, một cách tự nhiên, những người có thẩm quyền muốn dành những vị trí đó cho những người xứng đáng nhất. Quá trình rèn luyện ở cấp ba giúp cho người ta có cơ sở để lựa chọn sinh viên cho đại học. Hãy lưu ý rằng, khi học sinh thi đại học, họ thi với các thí sinh khác, chứ không phải là thi với đề thi. Đề thi chỉ cần có khả năng phân loại được thí sinh ở các trình độ khác nhau, vậy là đủ. Đề thi được xây dựng dựa trên chương trình học, đó là luật. Nếu chương trình học quá dễ với nhiều thí sinh, sẽ khó để tạo ra một đề thi có tính phân loại. Một người nếu trượt đại học cũng không có nghĩa là họ không đủ năng lực học đại học, mà có nghĩa là có quá ít ghế trên giảng đường, và những người có năng lực hơn đã giành được chúng.
Ngoài lề một chút, chuyện thi với thí sinh khác chứ không thi với đề không phổ biến lắm ở VN, nhưng rất phổ biến ở Mỹ. Các giáo sư cố tình điều chỉnh thang điểm để phổ điểm của sinh viên có dạng như đường cong hình chuông mà ta đã thấy ở trên. Khi ấy thứ hạng mới quan trọng, GPA thì không. Ngược lại, ở Việt Nam, nói chung các giáo sư để sinh viên thi với đề, đặc biệt là ở ĐHQG. Qua được một mức điểm có nghĩa là qua, không cần biết các sinh viên khác có kết quả thế nào.
Giờ ta hãy xem lại những câu hỏi lúc đầu:
iv) Tại sao những người làm giáo dục lại thiết kế chương trình như vậy?
v) Nếu không phải tất cả học sinh sau này đều phải dùng những kiến thức đó, có nên thay đổi để chỉ những người cần mới phải học không?
vi) Khi chương trình đơn giản hơn, có lợi ích thiết thực gì không?
Câu hỏi iv) đã được trả lời bởi những nhận xét ở trên. Các nhà giáo dục có những lý do chính đáng để thiết kế chương trình với độ khó như hiện tại. Ở đây chỉ nói về độ khó, không nói về cách họ thực hiện. Nếu chúng ta xét đến lợi ích về mặt tư duy và sự phát triển trí tuệ của người học, thì làm cho chương trình đơn giản hơn không hẳn có lợi (câu hỏi vi). Cuối cùng, câu hỏi v) là một câu hỏi thú vị. Nhiều người từng học cấp ba, sau này sẽ làm những công việc đơn giản, chẳng hạn ngồi nhập Excel hay nói chuyện điện thoại cả ngày. Có thể những người đó không cần phải học khó như vậy.
Đã có nơi người ta giải quyết vấn đề này rồi, đó là nước Đức, và hệ thống giáo dục của Đức được đánh giá là vô cùng hiệu quả. Nếu chưa hiểu rõ về hệ thống giáo dục ở Đức thì bạn có thể xem sơ qua ở đây:
Nếu bạn thấy khó hiểu thì đơn giản là thế này, người Đức chia học sinh ra làm 4 nhóm trình độ và đào tạo các nhóm khác nhau trong các trường khác nhau, và có những tương lai khác nhau. Một học sinh khi bắt đầu học lớp 5 ở một trường Hauptschule thì con đường tương lai của học sinh đó sẽ không có đại học mà chỉ có trường nghề. Nói một cách khác, tương lai của một con người được định đoạt ở tuổi 11, 12, và người Đức làm rất triệt để. Điểm thú vị mà tôi muốn nói tới là trong khi Việt Nam chỉ có hai nhóm trường, trường thường và trường chuyên, thì Đức có tới 5 loại trường, phân theo 4 nhóm trình độ. Học sinh Việt Nam dù học ở đâu cũng có cơ hội bình đẳng vào đại học và trở thành những trụ cột của quốc gia, thì ở Đức chỉ có nhóm học sinh của Gymnasium (hoặc từ Realschule chuyển tiếp sang Gymnasium) là có cơ hội đó. Nếu thế giới có thể ca ngợi giáo dục Đức, tôi nghĩ Việt Nam cũng có thể phân chia ra nhiều nhóm trình độ hơn đối với học sinh. Câu chuyện thực tế lúc nào cũng là, trên đời có những chiếc xe nhanh hơn những chiếc xe khác, do khi mua về đã vậy hay độ lên mà thành, dù nguyên nhân là gì thì việc phân làn lúc nào cũng là hợp lý.
Các nhận xét ở đây là về các trường công lập, tình hình ở các trường tư có thể sẽ khác.
Để kết lại câu trả lời này, tôi muốn nói rằng mặc dù GD THPT của chúng ta chưa hoàn hảo, nhưng vấn đề không phải là chương trình quá khó. Các bạn học sinh hãy hiểu rằng mục tiêu quan trọng của giáo dục là phát triển tư duy và khả năng vượt qua khó khăn cho các bạn, chứ không phải là giải những bài toán. Đừng kêu khó vì khó khăn làm cho các bạn mạnh mẽ. Thầy cô không phải là những người bắt các bạn đi học cấp ba, các bạn và gia đình đã tự chọn tham gia một cuộc đua thì không nên chỉ trích nó khắc nghiệt. Tôi không làm giáo dục và đây chỉ là suy nghĩ cá nhân, nhưng tôi nghĩ nó cũng giúp các bạn trẻ hiểu vấn đề hơn một chút. Nếu bạn thấy bạn trẻ nào đang học cấp ba than học khó, mong là bạn có thể chia sẻ cho bạn trẻ ấy câu trả lời này.
giáo dục
bài viết hay. giúp mình khai sáng nhiều vấn đề. cảm ơn tác giả
Le Quang Anh
bài viết hay. giúp mình khai sáng nhiều vấn đề. cảm ơn tác giả
Trần Sơn
Cảm ơn bài viết từ tác giả.
Solitary
Bác viết như một công trình nghiên cứu vậy, kì công và kĩ càng quá. Cảm ơn bác nhiều lắm!
Độc Cô Cầu Bại