Các học thuyết tâm lý hiện đại

  1. Tâm lý học

Có nhiều cách tư duy khác nhau về hành vi của con người. Các nhà tâm lý học đã vận dụng đa dạng các học thuyết để nghiên cứu phương thức con người suy nghĩ, cảm nhận và cư xử. Một số nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào một học thuyết, như thuyết sinh lý, trong khi đó một số người lại có cách tiếp cận đa chiều hơn, kết hợp nhiều nguồn quan điểm. Không có học thuyết nào “tốt hơn” học thuyết nào; mỗi học thuyết sẽ nhấn mạnh vào những khía cạnh khác nhau của hành vi con người.

7 Học thuyết chính trong tâm lý học

https://cdn.noron.vn/2022/08/24/3199611080637-1661307529.jpg
Giai đoạn phát triển đầu tiên của tâm lý học được đánh dấu bởi sự thống trị của hàng loạt các trường phái tư tưởng khác nhau. Nếu bạn từng học tâm lý học ở trường, bạn có thể đã học về các trường phái khác nhau này rồi, ví dụ như thuyết cấu trúc, thuyết chức năng, thuyết phân tâm, thuyết hành vi và thuyết nhân văn. Tâm lý học ngày một phát triển thì số lượng và độ đa dạng của các chủ đề tâm lý cũng sẽ phát triển theo. Kể từ những năm 1960, tâm lý học đã nở rộ và tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh chóng, các đối tượng nghiên cứu tâm lý cũng vì đó mà phát triển theo, cả bề sâu và bề rộng.
Dưới dây chỉ là một số các học thuyết chính trong tâm lý học hiện đại:

1. Thuyết tâm động học

Trong tâm lý học, tâm động học/động học tâm lý là nghiên cứu về mối quan hệ của nhiều khía cạnh khác nhau về ý thức (mind), nhân cách (personality) và linh hồn (psyche), những vẫn đề này có quan hệ chặt chẽ đối với những vấn đề về tinh thần, xúc cảm, hoặc động cơ đặc biệt là ở cấp độ vô thức. Tâm động học nghiên cứu về sự thay đổi và chuyển đổi “năng lượng” tinh thần trong mỗi cá nhân/nhân cách cá nhân. Trọng tâm của tâm động học là mối quan hệ giữa năng lượng cá nhân và trạng thái xúc cảm theo những khía cạnh về cái tôi bản năng (id), cái tôi khách quan (ego) và cái siêu tôi (superego). Những khía cạnh này có quan hệ chặt chẽ đến các giai đoạn phát triển thời trẻ, ấu thơ của mỗi cá nhân. Tâm động học cố gắng lý giải và giải thích các hành vi và các giai đoạn của tâm thần theo những thuật ngữ hoặc các tiến trình về xúc cảm bên trong

2. Thuyết hành vi

Tâm lý học hành vi là một lĩnh vực tập trung vào các hành vi thu nhận được sau quá trình quan sát và học hỏi. Thuyết hành vi có sự khác biệt so với các học thuyết khác, thay vì tập trung vào trạng trái nội tâm con người, nó chỉ chú trọng đến các hành vi bên ngoài, có thể quan sát được.
Trường phái này chỉ thống trị tâm lý học trong những năm đầu thế kỷ XX, những năm 1950 trở đi nó bắt đầu suy yếu. Ngày nay, thuyết hành vi vẫn tiếp tục nghiên quá trình học tập và củng cố của các hành vi. Các nguyên lý trong thuyết này thường được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, các nhà trị liệu và tư vấn viên sẽ sử dụng các kỹ thuật này để lý giải và điều trị nhiều loại bệnh lý.

3. Thuyết nhận thức

Thuyết nhận thức nằm trong danh sách những loại học thuyết tâm lý phổ biến nghiên cứu về con người. Học thuyết này có dòng lịch sử phát triển rất lâu đời. Với những thành công mà học thuyết mang lại, con người đã có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau khi muốn tìm hiểu, đánh giá hay nghiên cứu những vấn đề liên quan đến nhận thức.
Thuyết nhận thức tập trung nghiên cứu quá trình diễn ra của hệ thần kinh con người bao gồm: ngôn ngữ, khả năng xử lý thông tin, trí nhớn, quyết định. Nhờ vào việc hiểu được quá trình này, người ta có thể dễ dàng lý giải những hình thức suy nghĩ sẽ ảnh hưởng đến hành vi của con người.
Thuyết nhận thức tồn tại có thể giúp nghiên cứu sâu sắc hơn về tư duy, hành động của con người trong từng tình huống cụ thể. Ở nhiều phương diện khác nhau, những tư duy, hành động này sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau theo chiều hướng tích cực hoặc ngược lại. Quá trình thu nạp thông tin, xử lý thông tin thường sẽ dẫn đến sự thay đổi, chuyển hóa trong tư duy, hành vi của con người. Chính vì vậy, việc nghiên cứu càng tỉ mỉ thì những phán đoán càng có tỷ lệ chính xác cao hơn.
https://cdn.noron.vn/2022/08/24/3199611080638-1661307558.jpg

4. Thuyết sinh học

Nghiên cứu sinh lý đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tâm lý học, giúp nó trở thành một ngành học tách biệt. Ngày nay, học thuyết này có tên gọi là tâm lý sinh học. Nó còn có một số tên gọi khác như sinh tâm lý học hoặc tâm lý sinh lý học, tập trung đào sâu vào nền tảng thể chất và sinh học của hành vi.
Các nhà nghiên cứu có thể tiến hành các nghiên cứu về sự ảnh hưởng của đặc tính di truyền lên các hành vi hoặc sự tác động của các tổn thương ở một số vùng nhất định của não bộ đến hành vi và tính cách. Hệ thần kinh, gen di truyền, não bộ, hệ miễn dịch và hệ nội tiết chỉ là một số đối tượng mà ngành này hướng đến.
Học thuyết này lớn mạnh và phổ biến rộng trong suốt những thập kỷ trước, đặc biệt là với sự tiến bộ trong việc khám phá và tìm hiểu não bộ con người và hệ thần kinh. Các công cụ như chụp MRI hay chụp PET cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu não bộ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Các nhà khoa học giờ có thể quan sát các hậu quả của các chấn thương não bộ, ma túy và các căn bệnh, việc không đơn giản trong quá khứ.

5. Thuyết giao thoa văn hóa

Tâm lý học về giao thoa văn hóa là một học thuyết tương đối mới, chỉ phổ biến mạnh khoảng 20 năm trở lại đây. Những nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu xem xét hành vi thông qua góc nhìn của các nền văn hóa khác nhau. Bằng việc mổ xẻ các điểm khác biệt này, ta có thể tìm hiểu cách thức mà mỗi nền văn hóa ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của chúng ta.
Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu sự khác biệt của các hành vi ở các xã hội theo chủ nghĩa cá nhân và các xã hội theo chủ nghĩa tập thể. Trong những nền văn hóa cá nhân, như Hoa Kỳ, người ta có xu hướng ít cố gắng hơn khi ở trong một tập thể, một hiện tượng có tên gọi là “tính lười biếng xã hội”. Tuy nhiên, trong những nền văn hóa tập thể như Trung Quốc thì người ta có xu hướng nỗ lực chăm chỉ hơn khi ở trong một nhóm.

6. Thuyết tiến hóa

Tâm lý học tiến hóa tập trung nghiên cứu sự ảnh hưởng của quá trình tiến hóa lên các thay đổi về sinh lý. Các nhà khoa học sử dụng những nguyên lý cơ bản của thuyết tiến hóa, đặc biệt là chọn lọc tự nhiên, áp dụng nó để giải thích các hiện tượng tâm lý. Học thuyết này cho rằng các quá trình tâm thần diễn ra nhằm phục vụ mục đích tiến hóa – giúp hỗ trợ sinh tồn và sinh sản.

7. Thuyết nhân văn

Trong suốt những năm 1950, trường phái có tên tâm lý học nhân văn xuất hiện. Chịu ảnh hưởng từ nhà nghiên cứu khoa học nhân văn nổi tiếng Carl Rogers và Abraham Maslow, học thuyết này nhấn mạnh vai trò của động lực đối với quá trình tư duy và hành vi.
Các khái niệm như “Tự khẳng định bản thân” là một bộ phận quan trọng của học thuyết này. Những người theo học thuyết này tập trung nghiên cứu các phương thức tác động vào sự sinh trưởng, thay đổi và phát triển các tiềm năng tính cách của con người. Tâm lý học tích cực là một ngành khá mới trong tâm lý học có gốc rễ từ học thuyết nhân văn.

Kết luận

Có rất nhiều cách để tìm hiểu, khám phá suy nghĩ và hành vi của con người. Các thuyết tâm lý học hiện đại đã giúp chúng ta tiếp cận các vấn để khác nhau, tìm ra những phương thức mới để giải thích, dự đoán hành vi vàtìm kiếm các cách tiếp cận điều trị mới.
----
Tài liệu tham khảo:
 
Từ khóa: 

tâm lí học hiện đại

,

tâm lý học