Các giá trị và nguyên tắc trong công tác xã hội là gì ?
kiến thức chung
Sứ mệnh hàng đầu của công tác xã hội là nâng cao tình trạng khỏe mạnh của con người và hỗ trợ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của những người dễ bị tổn thương, những người cần được hỗ trợ và người nghèo trong xã hội. Bởi vì, tình trạng khỏe mạnh của cá nhân là kết quả của tình trạng khỏe mạnh của môi trường xã hội. Công tác xã hội sẽ chú trọng tới các lực tác động của môi trường nhằm giải quyết các vấn đề của tình trạng con người. Sứ mệnh nghề nghiệp này được cụ thể hóa trong bộ giá trị nghề công tác xã hội mà mỗi quốc gia có sự chú trọng và sắp xếp khác nhau trong bản quy điều đạo đức. Những giá trị được đề cập được coi là nền tảng để xây dựng nên những nguyên tắc đạo đức cho nhân viên xã hội.
Bất cứ một ngành nghề nào cũng cần có những quy định riêng để những nhân viên hoạt động trong lĩnh vực đó có định hướng và biết được quyền hạn cũng như trách nhiệm của mình. Đối với công tác xã hội cũng vậy, Nhà nước cần có những quy điều đạo đức dành cho nhân viên xã hội làm kim chỉ nam cho các hoạt động của họ.
Đối với Hội những người làm công tác xã hội quốc gia của Mỹ, những mục đích này được xác định rất cụ thể. Đó là những giá trị cốt lõi làm nền tảng cho nhiệm vụ của nghề công tác xã hội; tóm lược những nguyên tắc đạo đức bao quát phản ánh những giá trị cơ bản của nghề công tác xã hội và thiết lập những tiêu chuẩn đạo đức cụ thể cho nhân viên công tác xã hội; giúp nhân viên công tác xã hội xác định những cân nhắc quan trọng khi xảy ra mâu thuẫn trong trách nhiệm chuyên môn hoặc trong những tình trạng mơ hồ về đạo đức; cung cấp những tiêu chuẩn đạo đức để công chúng áp dụng đối với trách nhiệm nghề nghiệp của nhân viên công tác xã hội; giúp những người mới vào nghề công tác xã hội hiểu được nhiệm vụ, giá trị, nguyên tắc đạo đức, và tiêu chuẩn đạo đức của công tác xã hội; Đặt ra tiêu chuẩn để bản thân nghề công tác xã hội sử dụng để lượng định xem nhân viên công tác xã hội có hành vi vô đạo đức hay không. Hội những nhân viên công tác xã hội quốc gia có thủ tục riêng để xét xử những cáo giác hành vi vô đạo đức của hội viên. Chấp thuận nội quy này, nhân viên công tác xã hội phải hợp tác trong việc thực hành nội quy, tham dự vào thủ tục xét xử và tuân theo các phán xử của Hội. [4,tr. 256-257]
Ở một chừng mực, những mục đích này cũng phù hợp với Việt Nam khi công tác xã hội được công nhận và trở thành nghề chuyên nghiệp.
Khảo sát nội dung các bản quy điều đạo đức của hội các nhà công tác xã hội ở một số quốc gia và danh mục các nguyên tắc đạo đức quốc tế do IFSW và IASSW đưa ra năm 2004, nhìn chung, các giá trị được đề cao bao gồm: quyền con người; công bằng xã hội; nhân phẩm và giá trị con người; tầm quan trọng của các mối quan hệ con người; sự liêm chính; năng lực hay sự chuyên nghiệp. Đây là những giá trị chung mà hầu hết các hội nghề nghiệp công tác xã hội ở các nước trên thế giới đều lựa chọn. Đồng thời, đó cũng là những giá trị hết sức đặc trưng cho công tác xã hội. Ngoài ra, một số quốc gia còn đề cao các giá trị khác như Hội những người làm công tác xã hội quốc gia Mỹ thì đặt giá trị dịch vụ lên hàng đầu bởi đối với các nước mà công tác xã hội trở nên chuyên nghiệp và phát triển như một dịch vụ trợ giúp cho các khách hàng có nhu cầu thì yếu tố giá trị dịch vụ luôn được nhìn nhận một cách rõ ràng và đúng đắn. Trong khi đó, Hội những người làm công tác xã hội Canada (CASW) lại coi giá trị phục vụ cho lòng nhân đạo và giá trị về tính bảo mật trong thực hành nghề quan trọng.
Như vậy, cùng với các giá trị chung, mỗi quốc gia, với nhu cầu và đặc thù văn hóa của mình mà xây dựng nên những giá trị riêng nhất định, thể hiện ở việc lựa chọn các giá trị quan trọng đối với thực hành nghề nghiệp nước mình và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các giá trị đã lựa chọn. Điều đó không chỉ cho thấy bản sắc nghề nghiệp mà còn khẳng định bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia.
Mỗi giá trị bao giờ cũng được cụ thể hóa bằng một hoặc một số nguyên tắc nhất định để nhân viên xã hội thực hiện. Trong Quy điều đạo đức của CASW, giá trị tôn trọng phẩm giá con người được trình bày thành các nguyên tắc: tôn trọng quyền tự quyết định của thân chủ; tôn trong sự đa dạng của cá nhân. Còn tại Bản Quy điều đạo đức của NASW, giá trị này được cụ thể thành nguyên tắc đạo đức: tôn trọng phẩm giá và giá trị của con người với các biểu hiện cụ thể như: đối xử với mọi người với một thái độ quan tâm và kính trọng, tôn trọng sự khác biệt văn hóa giữa họ; cổ vũ quyền tự quyết của thân chủ trong tinh thần trách nhiệm; tìm các cơ hội phát triển và khả năng tạo ra sự thay đổi của khách hàng để thỏa mãn những nhu cầu của họ; ý thức được trách nhiệm song đôi của của mình bao gồm trách nhiệm đối với khách hàng và trách nhiệm đối với xã hội, giải quyết mâu thuẫn giữa quyền lợi khách hàng và quyền lợi xã hội với tinh thần trách nhiệm cao, phù hợp với những giá trị, nguyên tắc đạo đức và tiêu chuẩn đạo đức nghề công tác xã hội.
Trên cơ sở các giá trị và những nguyên tắc đạo đức này, các chuẩn mực đạo đức gắn liền với các phạm vi áp dụng, các tình huống nghề nghiệp, các môi trường xã hội và các mối quan hệ... đều được cụ thể hóa thành từng điểm rõ ràng trong các bản quy điều.
Nội dung liên quan
Hữu Huyền Kim