Các dạng đau bụng kinh khác nhau. Vì sao có những cơn đau khi hành kinh?
Những cơn đau khi hành kinh là gì?
Hành kinh, có nghĩa là các bạn nữ sẽ được “trải nghiệm” tình trạng chảy máu âm đạo mỗi tháng một lần. Nhiều bạn có cơn đau trong lúc hành kinh, có thể là đau bụng, đau nhói hoặc co thắt ở vùng bụng dưới. Ngoài ra cô gái có thể gặp các triệu chứng như đau thắt lưng, buồn nôn, tiêu chảy và đau đầu. Đau trong lúc hành kinh khác với hội chứng trước kinh nguyệt. Hội chứng trước kinh nguyệt bao gồm tăng cân, đầy hơi, khó chịu và mệt mỏi, thường bắt đầu từ một đến hai tuần trước khi hành kinh.
Vì sao lại có những cơn đau khi hành kinh?
Có hai loại đau bụng kinh: nguyên phát và thứ phát. Mỗi loại có những nguyên nhân khác nhau.
Đau bụng kinh nguyên phát là loại đau bụng kinh phổ biến nhất.
- Đó là cơn đau có nguyên nhân thường là do tử cung tiết ra chất prostaglandin quá nhiều (prostaglandin giúp co bóp cơ và mạch máu để tống máu kinh ra ngoài). Khi đó nó khiến cho tử cung bị thắt chặt, rồi giãn ra, hình thành những cơn đau.
Vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, mức độ prostaglandin cao. Khi tiếp tục chảy máu và niêm mạc tử cung bong ra, nồng độ prostaglandin sẽ giảm xuống. Đây là lý do tại sao cơn đau có xu hướng “hạ nhiệt” sau vài ngày đầu tiên của kỳ kinh.
- Cơn đau có thể bắt đầu một hoặc hai ngày trước kỳ kinh nguyệt. Nó thường kéo dài trong vài ngày, tuy nhiên ở một số bạn nữ, nó có thể kéo dài hơn.
- Bạn thường bắt đầu bị đau bụng kinh khi còn trẻ, ngay sau khi bạn bắt đầu có kinh. Thông thường, khi bạn lớn tuổi hơn, bạn sẽ ít bị đau hơn. Cơn đau cũng có thể thuyên giảm sau khi bạn sinh con.
Đau bụng kinh thứ phát thường bắt đầu muộn. Nguyên nhân là do các tình trạng ảnh hưởng đến tử cung hoặc các cơ quan sinh sản khác của bạn, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, bệnh viêm vùng chậu hoặc u xơ tử cung.
- Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản của phụ nữ. Nó xảy ra khi các tế bào niêm mạc tử cung được tìm thấy ở các bộ phận khác của cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí của niêm mạc bị lạc chỗ, có thể gây đau bụng kinh, rối loạn tiểu tiện, vô sinh, quan hệ đau, và đau trong khi đi đại tiện.
- Adenomyosis: Tình trạng niêm mạc tử cung phát triển thành cơ tử cung. Tình trạng này có thể khiến tử cung to hơn nhiều so với mức bình thường, kèm theo đó là hiện tượng chảy máu bất thường và đau đớn.
- U xơ: U xơ là khối u hình thành ở bên ngoài, hoặc trong thành tử cung. Các khối u xơ nằm trong thành tử cung có thể gây đau.
- Viêm vùng chậu, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng lây lan từ âm đạo đến các cơ quan sinh sản phía bên trong. Nó thường do nhiễm chlamydia hoặc bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục (STIs).
- Hẹp cổ tử cung: Thu hẹp cổ tử cung, hoặc lỗ mở của tử cung.
Làm thế nào để bạn biết bạn có cơn đau bụng kinh loại nào?
Cơn đau bụng kinh nguyên phát phổ biến hơn nhiều. Tuy nhiên, vì cơn đau bụng kinh thứ phát có thể nghiêm trọng và liên quan đến các tình trạng sức khỏe cần được quan tâm. Vì thế bạn nên nhận thức được điều gì đang diễn ra trong cơ thể bạn để kiểm soát cơn đau hoặc có thể gặp bác sĩ để được tư vấn.
Những câu hỏi bạn có thể tự hỏi mình, giúp xác định phần nào tình trạng của bản thân
- Cơn đau kinh nguyệt của bạn có nặng đến mức khiến bạn không thể đi học, đi làm hay nói chung là đi lại được không?
- Khi bạn có kinh, bạn có bị đau khi đi vệ sinh không?
- Có phải cơn đau khi hành kinh của bạn vẫn không thuyên giảm ngay cả khi đã dùng thuốc giảm đau không kê đơn?
- Bạn có thường bị đau ở vùng xương chậu ngoài thời gian của kỳ kinh nguyệt không?
- Bạn có cảm thấy rất đau đớn khi quan hệ tình dục không?
Nếu bạn trả lời “có” cho một hoặc nhiều câu hỏi trong số những câu hỏi này, hãy gặp và nói chuyện với bác sĩ để bạn được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Làm gì để “xoa dịu” các cơn đau bụng kinh nguyên phát?
Để giúp giảm cơn đau (nguyên phát) khi hành kinh, bạn có thể sử dụng các cách sau:
- Sử dụng một miếng đệm nóng hoặc chai nước nóng trên bụng dưới của bạn
- Tập thể dục
- Tắm nước nóng
- Thực hiện các kỹ thuật thư giãn, bao gồm yoga hoặc thiền định
Bạn cũng có thể thử dùng thuốc giảm đau không kê đơn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) bao gồm ibuprofen và naproxen. Bên cạnh việc giảm đau, NSAID còn làm giảm lượng prostaglandin mà tử cung của bạn tạo ra và làm giảm tác dụng của chúng. Điều này giúp giảm bớt tình trạng co rút ở vùng bụng. Bạn có thể dùng NSAID khi mới có triệu chứng hoặc khi bắt đầu có kinh. Bạn có thể tiếp tục dùng chúng trong vài ngày.
Không nên dùng NSAIDS nếu bạn bị loét hoặc có các vấn đề về dạ dày, cũng như bạn dang gặp tình trạng tổn thương chảy máu hoặc bệnh gan. Bạn cũng không nên dùng chúng nếu bạn bị dị ứng với aspirin.
Lời kết
Hy vọng thông tin về các dạng đau bụng kinh sẽ giúp bạn tìm hiểu điều gì là bình thường đối với bạn, cũng như bạn có thể phần nào tự mình phát hiện được những bất ổn trong cơ thể mình và gặp bác sĩ để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Chúc bạn mạnh khỏe, và an vui.
Nguồn tham khảo:
1/Dysmenorrhea trên Cleveland Clinic
2/Dysmenorrhea: Painful Periods trên ACOG
3/Period Pain trên Medline Plus
Nguồn ảnh: Thiết kế Canva
Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh
Đoan Thùy