Cá thể hóa/cá nhân hóa giáo dục là hình thức giáo dục của tương lai

  1. Giáo dục

Khi nhắc đến giáo dục, đặc biệt giáo dục Việt Nam, chắc chắn sẽ có không ít người, cả học sinh lẫn phụ huynh, phải thở dài ngán ngẩm. Một nền giáo dục có thể nói là mang lại ít giá trị hơn là sự căng thẳng không cần thiết (chạy đua thành tích, điểm số, học thêm học bớt, lối dạy thiên về lý thuyết suông...).

Hệ thống giáo dục ở các nước đã phát triển nhìn chung có tiến bộ hơn, nhưng vẫn thừa hưởng đường lối giáo dục tập trung (khái niệm tiếng Anh là 'centralized education') vốn ngày càng được các nhà nghiên cứu giáo dục cho là đã lỗi thời. Giáo dục Việt Nam cũng như toàn thế giới cần có một sự thay đổi toàn diện.

Hình thức 'cá nhân hóa giáo dục'

Một trong những hình thức thay thế được các nhà nghiên cứu giáo dục ủng hộ chính là 'cá nhân/cá thể hóa giáo dục' (khái niệm tiếng Anh là 'customized education'). Trái ngược với hình thức giáo dục tập trung truyền thống, vốn áp đặt cùng một tiêu chuẩn giáo dục cho tất cả người học, hình thức cá thể hóa giáo dục nhìn nhận mỗi người học là một cá thể khác biệt. Vì thế, mỗi người học cần phải được thụ hưởng một phong cách giảng dạy khác nhau. Đây chính là định nghĩa cơ bản của khái niệm cá thể hóa giáo dục.

cai-cach-giao-duc

Ảnh: Internet.

Cải cách giáo dục là điều vô cùng hệ trọng

1) Mỗi người có một khả năng khác nhau

Theo các lý thuyết như thuyết 7 loại hình thông minh, thuyết 3 phương pháp học tập (visual - auditorial - kinesthetic), thuyết người thuận não trái & não phải...và nhiều lý thuyết tương tự khác: mỗi người sẽ có những điểm mạnh và yếu riêng trong học tập. Đây thực chất cũng là một điều dễ nhận ra.

Trong một lớp học, lấy ví dụ một lớp khối A, thì vẫn sẽ có những bạn đặc biệt giỏi Toán, Lý, Hóa...trong khi một vài bạn khác có thể học trung bình-tốt trải đều các môn cả tự nhiên và xã hội. Rồi lại có cả những bạn tuy học khối A, nhưng sở hữu thiên hướng học các môn xã hội tốt hơn tự nhiên...

Cá thể hóa giáo dục, thay vì chụp mũ tất cả học sinh trong một lớp thành từng nhóm, thì sẽ triển khai nhiều hình thức giảng dạy khác nhau cho những học sinh khác nhau. Ví dụ: chú trọng môn Văn, Ngoại ngữ...cho những bạn có năng khiếu và đam mê với chúng. Hệ thống giáo dục chia theo khối A, B, C, D...cần phải được thay thế bằng từng cá thể học sinh riêng biệt.

2) Tiến độ học tập mỗi người một khác

Đây cũng là một vấn đề tương đối rõ ràng: không phải người học nào cũng sở hữu khả năng cũng như tốc độ cảm thụ giáo dục giống nhau. Cùng một bài giảng, nhưng một vài học sinh sẽ hiểu và nhớ ngay trong lần nghe giảng đầu tiên. Trong khi những em khác sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Sự khác biệt này càng trở nên rõ ràng nếu xét đến những em học sinh khiếm khuyết khả năng học tập. Chắc chắn rằng những em này cần phải được giảng dạy với tốc độ hoàn toàn khác.

Sự khác biệt kế tiếp là thời gian biểu, cũng như đồng hồ sinh học của từng người. Có những người rất minh mẫn và tiếp thu kiến thức tốt vào buổi sáng, và ngược lại. Thời gian biểu của mỗi người tất nhiên cũng không thể giống nhau. Cá thể hóa giáo dục, vì vậy, cũng có thể giúp giải quyết vấn đề này.

3) Giáo viên nên trở thành một người dẫn dắt (guide)

Tức là họ đơn giản trở thành những người bạn đồng hành của các học sinh. Việc này thực chất đã và đang được triển khai tại các trường học quốc tế. Tuy nhiên, vai trò của giáo viên vẫn còn khá 'độc quyền'. Hiện nay trong các lớp học, giáo viên vẫn là người chủ đạo việc chia sẻ kiến thức.

Trong mô hình cá thể hóa giáo dục lý tưởng, các học sinh cũng cần được khuyến khích chia sẻ cho cả lớp những kiến thức mà bản thân mình đã tích lũy được. Các lớp học, vì thế, sẽ trở nên gần giống với các workshop (những buổi trao đổi kiến thức về bất cứ chủ đề nào) hơn.

ca-the-hoa-giao-duc

Ảnh: Internet.

4) Chú trọng dạy kỹ năng nghề nghiệp

Hình thức dạy lý thuyết suông nhất định cần phải được thay đổi. Nếu đã đi qua giai đoạn học trung học tại Việt Nam (và thậm chí là ở các trường đại học Việt Nam), chắc chắn ai cũng biết rằng phương pháp học thuộc lòng là không hiệu quả. Tuy nhiên, mãi mà hệ thống giáo dục nước nhà vẫn chưa chịu nhìn nhận và thay đổi phương pháp giảng dạy này.

Mục đích của giáo dục, vừa là để tạo ra những con người có đạo đức, có ích cho xã hội, vừa là để đào tạo một lực lượng lao động giỏi trong tương lai. Vì thế, chúng ta không thể không tích cực đưa những kĩ năng lao động thực tế vào chương trình giảng dạy, thậm chí là ngay từ giai đoạn trung học cơ sở/phổ thông.

Các trường học sẽ cần phải tuyển chọn những chuyên gia thực thụ trong các lĩnh vực để trở thành người dẫn dắt trực tiếp các em học sinh. Hình thức đào tạo này cũng thường được thấy ở nhiều (chưa phải toàn bộ) trường đại học quốc tế.

5) Cần có một hệ thống chấm điểm khác

Sau cùng, hệ thống phân loại học sinh theo điểm cũng cần được thay đổi. Nguyên nhân rất dễ hiểu: bởi vì mỗi học sinh vốn khác biệt về khả năng cũng như thiên hướng học tập, nên chẳng có lý do gì khiến các em phải chịu sự đánh giá dưới cùng một thang điểm, một tiêu chuẩn chung cả. Hơn nữa, việc xếp loại học sinh theo các thang điểm như 'giỏi', 'khá', 'trung bình', 'yếu'...còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự tin và nhận thức bản thân của các em.

Cá thể hóa giáo dục là một điều tất yếu, nếu đất nước ta muốn đào tạo ra các thế hệ tương lai tự tin, năng động, giỏi giang hơn. Các bạn có đồng tình với quan điểm này? Vì sao và vì sao không?

Từ khóa: 

hướng nghiệp

,

cá thể hóa giáo dục

,

cá nhân hóa giáo dục

,

customized education

,

cải cách giáo dục

,

giáo dục

Mình thích dạy theo hình thức gia sư cũng bởi có thể lắng nghe và tương tác với người học nhiều hơn, đồng thời mình cũng có thể chủ động chọn lộ trình học tập phù hợp với học sinh hơn, sau khi thầy trò đã thống nhất cùng nhau.

Trả lời

Mình thích dạy theo hình thức gia sư cũng bởi có thể lắng nghe và tương tác với người học nhiều hơn, đồng thời mình cũng có thể chủ động chọn lộ trình học tập phù hợp với học sinh hơn, sau khi thầy trò đã thống nhất cùng nhau.

Tiến bộ tư duy là điều khó thay đổi nhất trong mọi thời đại