Cả làng nuôi dạy một đứa trẻ (Quan điểm giáo dục của bà Hillary Clinton)

  1. Sách

Mọi người đều biết, con cháu của các nhân vật nổi tiếng thường hay có tính quậy phá, khó bảo. Thế nhưng so với con cái của mấy vị cựu Tổng thống Mỹ gần đây thì cô Chelsea con của ông bà Bill Clinton lại được dư luận Mỹ đánh giá là rất ngoan. Chelsea là con một của một gia đình vào loại nổi tiếng nhất nước Mỹ. Bố cô từng 12 năm làm Thống đốc Bang và 8 năm làm Tổng thống nước Mỹ, bà mẹ cũng nổi tiếng không kém, từng được tạp chí Luật Quốc gia chọn vào danh sách 100 luật sư có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ hai năm 1988 và 1991. Trong một gia đình cha mẹ bận rộn với công việc như vậy, con cái rất ít có điều kiện được cha mẹ kèm cặp dạy dỗ và do đó dễ chịu ảnh hưởng xấu của xã hội. Thế thì vì sao Chelsea lại ngoan?; Bí quyết là ở chỗ bà mẹ biết cách giáo dục con và biết tận dụng sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội trong việc đó. Câu chuyện nghe ra có vẻ bình thường, nhưng lại chứa đựng nhiều điều đáng để các vị phụ huynh toàn thế giới quan tâm.

Bà Hillary Rodham Clinton đã chia sẻ kinh nghiệm dạy con của mình với mọi người qua cuốn sách dày 352 trang có tên It Takes a Village (dịch nghĩa: Điều đó cần sự cố gắng chung của cả làng) do nhà xuất bản Simon and Schuster ấn hành năm 1996, được Thời báo New York xếp vào loại best seller ngay trong năm ấy.

Hillary Clinton viết sách này khi đã sang năm thứ tư trên cương vị Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ, Chelsea đã 16 tuổi – cái tuổi bắt đầu rời cha mẹ và sống tự lập, có thể đã yêu đương.

Tên sách lấy từ một câu ngạn ngữ của người Nigeria châu Phi Ora na azu nwa, dịch ra tiếng Anh là It Takes a Village to Raise a Child, nghĩa là Cần cả một làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Trong văn hóa Nigeria, từ Nwa Ora nghĩa là con cái của cộng đồng. Chắc hẳn Hillary Clinton muốn nhấn mạnh trẻ em không phải chỉ là của một gia đình mà là của cả xã hội; cộng đồng xã hội cần quan tâm đến sự giáo dục mọi trẻ em, phải huy động toàn bộ sức người sức của của cộng đồng (“làng xóm”) để làm tốt công tác giáo dục lớp trẻ.

Đây là một khái niệm vô cùng quan trọng. Nếu cộng đồng xã hội nào cũng nghĩ và làm như vậy thì mọi trẻ em dù xuất thân gia đình giàu nghèo đều được hưởng sự chăm sóc, dạy dỗ của toàn cộng đồng, do đó sẽ khó mà có những trẻ em hư hỏng từ nhỏ, lớn lên trở thành kẻ có hại cho xã hội.

https://cdn.noron.vn/2021/12/17/2c7ea55e2506f83c08c415eb5f5be838-1639749792.jpg

Hillary Rodham từ trẻ đã quan tâm đến công tác xã hội, đặc biệt là công tác trẻ em. Năm 1969, bà tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học chính trị, vào học trường Luật thuộc Đại học Yale, đồng thời làm biên tập tạp chí Luật và Hành động Xã hội của nhà trường, bà thường xuyên đến giúp đỡ trẻ bất hạnh tại bệnh viện Yale-New Haven. Năm sau bà được tài trợ để làm việc tại Quỹ Bảo vệ Trẻ em ở Cambridge, bang Massachusetts. Trong năm thứ hai tại trường Luật, bà tự nguyện làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale, tìm hiểu những nghiên cứu mới về sự phát triển não của trẻ. Bà khảo sát các trường hợp lạm dụng trẻ em ở Bệnh viện New Haven và làm việc tại văn phòng Dịch vụ Luật pháp của thành phố, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho dân nghèo. Năm 1973, Hillary Rodham nhận bằng Tiến sĩ Luật tại Yale với luận án về quyền trẻ em, rồi bắt đầu nghiên cứu theo chương trình cao học về trẻ em và y học tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em Yale, đồng thời làm luật sư cho Quỹ Bảo vệ Trẻ em. Năm 1977, bà làm việc cho Công ty Luật Rose, chuyên về các vụ án quyền sở hữu trí tuệ trong khi vẫn tiếp tục các hoạt động pháp lý bảo vệ trẻ em thiện nguyện. Năm 1978, bà được Tổng thống Jimmy Carter bổ nhiệm vào ban giám đốc Công ty Dịch vụ Pháp lý.

Do có quá trình lâu dài làm việc về chủ đề giáo dục trẻ em, sau khi sinh con (1980) bà đã áp dụng các kiến thức ấy vào việc nuôi dạy con mình. Ở cương vị Đệ nhất phu nhân, trong cuốn sách trên bà đã phát triển quan điểm giáo dục trẻ em của mình trên bình diện toàn xã hội để mọi người bình thường đều có thể tiếp nhận. Bà chỉ nói về giáo dục thông thường, hoàn toàn không nói gì tới việc giáo dục thiên tài, thần đồng. Bằng thể loại tự sự và ngôn ngữ bình dân, bà kể lại bản thân mình đã được giáo dục như thế nào và bà đã giáo dục con mình ra sao, cũng như quá trình bà giúp Tổng thống Clinton cải tiến việc giáo dục trẻ em Mỹ.

Thế giới hiện nay ngày một thu nhỏ chỉ còn là một cái làng. Máy bay, tàu hỏa siêu tốc, thông tin hiện đại, Internet và các phương tiện truyền thông đang đẩy nhanh quá trình đó. Nuôi dạy con không còn là việc của gia đình hoặc nhà trường, mà toàn xã hội, thậm chí toàn thế giới đều có trách nhiệm. Một đứa trẻ hư hỏng có thể tác động xấu tới nhiều trẻ khác, tới cả xã hội.

Hillary Rodham đề tặng cuốn sách này cho gia đình bên mẹ, bên chồng và gia đình mình. Trong mấy chương đầu, bà kể khá chi tiết về gia đình mẹ và gia đình chồng. Qua đó người ta mới biết vợ chồng bà xuất thân từ những gia đình không hoàn hảo, khác với điều mọi người từng nghĩ. Bà ngoại của Hillary Rodham mới mười mấy tuổi đã sinh ra mẹ Hillary, vì thế bà cụ không làm tròn bổn phận giáo dục con gái. May sao, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và nhà trường, mẹ Hillary trở thành một người có ý chí tự lập và kiên nhẫn vượt khó – điều này đã tác động lớn hình thành tính cách độc lập tự chủ của Hillary. Gia đình chồng (tức Bill Clinton) cũng ở cảnh bất hạnh: Bill đầu tiên mang họ bố là Blythe, nhưng ông bố bị chết vì tai nạn xe cộ ba tháng trước khi con trai chào đời. Năm Bill 4 tuổi, mẹ tái giá với Roger Clinton một người nát rượu; mãi 10 năm sau Bill mới chịu mang họ Clinton của bố dượng. Thông thường con trẻ trong hoàn cảnh như vậy dễ hư hỏng, may sao Bill nhận được tình yêu thương “như điên cuồng” của mẹ và họ hàng. Nhờ được mẹ giáo dục nghiêm khắc, Bill Clinton học giỏi và ngoan, từng tham gia đoàn học sinh đến thăm Nhà Trắng, được Tổng thống Kennedy tiếp và bắt tay. Cuộc gặp đó đã thức tỉnh ở cậu bé ý chí phấn đấu trở thành Tổng thống nước Mỹ.

Hillary Rodham và Bill Clinton đều trưởng thành rất tốt và thành đạt xuất sắc. Dĩ nhiên nguyên nhân chính là sự phấn đấu của của họ, song như Hillary nói, sự quan tâm và giáo dục của gia đình và xã hội (nhà trường, phường xóm, đoàn thể quần chúng) đóng vai trò khởi đầu cực kỳ quan trọng mà nếu không có thì chưa biết chừng số phận hai người sẽ ra sao.

Sách của Hillary có riêng một chương Trẻ sinh ra không mang theo bản thuyết minh, trong đó tác giả trình bày sự quan trọng của việc hướng dẫn phụ nữ khi mang thai và sau khi sinh con, cũng như chính sách liên quan của Nhà nước. Thời kỳ trước 3 tuổi rất quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ, ngay khi là bào thai đã cần sự kích thích từ bên ngoài như vuốt ve, trò chuyện nhằm kích thích trí não nhận thông tin. Vì thế không ít phụ nữ khi có thai là xin nghỉ việc để chăm sóc con cho tới khi trẻ tròn 3 tuổi. Nhà nước nên có chính sách ưu đãi họ về thuế thu nhập, về cung cấp thực phẩm. Tác giả không tán thành cách bắt trẻ phải học quá nhiều thứ, chẳng hạn mới 2-3 tuổi đã học chơi dương cầm, học vẽ, múa ballet. Hillary cho biết bà và ông Clinton rất hẫng hụt khi thấy Chelsea lớn lên đã tự quyết định học múa ballet chứ không thích chơi thể thao như bố mẹ cô.

Hillary viết: “Hiện nay Nhà nước ta nói trẻ em là tài nguyên quan trọng nhất, nhưng chúng ta lại đang phí phạm các sinh mạng quý giá ấy! Dường như chúng không có ý nghĩa gì nữa. Vấn đề trẻ em bị coi là một “vấn đề mềm”, chỉ thuộc về những người có tấm lòng mềm yếu (thường là phụ nữ). Nó luôn bị đặt ra ngoài lề các vấn đề kinh tế và xã hội hùng vĩ hơn.”

Hillary không tán thành thuyết Đường cong hình chuông, một lý thuyết đưa ra năm 1994 từng làm chấn động thế giới vì nó khẳng định: trí lực con người được quyết định ngay từ khi mới sinh ra, là một phần của gene, không thể thay đổi được; từ đó họ chứng minh “chủng tộc có liên quan tới trí lực”, trí lực người da đen thấp hơn người da trắng1. Để bác thuyết nói trên, Hillary chọn ra 100 trẻ sơ sinh người Mỹ gốc Phi, cha mẹ chúng nói chung chưa học hết phổ thông trung học, có IQ bình quân là 85, phần lớn các gia đình này sống nhờ trợ cấp xã hội. Khoảng một nửa số trẻ đó khi đầy 4 tháng tuổi được đưa vào các vườn trẻ, tại đấy chúng được ăn uống tốt, được giáo dục, có các đồ chơi và nhiều môi trường ngoại cảnh tốt, lại được các thầy cô giáo định kỳ đến thăm, hướng dẫn phụ huynh cách dạy trẻ. Khi trẻ lên 3 tuổi, IQ bình quân của nhóm trẻ thực nghiệm này cao hơn 17 điểm (101:84) so với một nửa số trẻ còn lại (không đi nhà trẻ). Chênh lệch này kéo dài cho tới 10 năm sau. Điều đó chứng tỏ giáo dục có thể thay đổi được chỉ số trí tuệ IQ của trẻ em, khác với thuyết Đường cong hình chuông.

Cũng vậy, Hillary còn dùng kinh nghiệm của mình kết hợp lý luận chứng tỏ sự hình thành và phát triển lành mạnh của chỉ số tình cảm EQ có liên quan nhiều tới thời kỳ đầu của trẻ. Điều đó như cảnh báo chúng ta: cho dù thuyết Đường cong hình chuông lẫn lộn phải trái song chúng ta chớ nên coi nhẹ cơ sở dữ liệu đã xây dựng nên thuyết này. Chênh lệch về giáo dục trẻ em giữa các vùng phát triển và vùng lạc hậu cũng tồn tại Hiệu ứng Matthew2, điều đó nhất trí với quan điểm tích lũy vốn văn hóa do P. Bourdieu3 trình bày. Trong khi đó người ta lại chỉ chú trọng tăng cường giáo dục cao đẳng đại học mà coi nhẹ giáo dục phổ thông, tuy rằng tại các vùng nghèo thì số học sinh thi vào đại học rất ít.

Tóm lại, cuốn sách của bà Hillary Clinton muốn nói lên một quan điểm: nuôi dạy trẻ em là vấn đề căn bản nhất của một dân tộc, một quốc gia; Nhà nước và xã hội cần tập trung công sức vào vấn đề này, chớ nên khoán trắng cho gia đình. Trong thực tế, nền giáo dục phổ thông ở Mỹ hiện nay còn nhiều thiếu sót nghiêm trọng tuy giáo dục đại học của họ đứng đầu thế giới – điều đó cho thấy lý luận giáo dục của Hillary Clinton rất đáng để người Mỹ cũng như chúng ta suy ngẫm.

Ngày nay giáo dục đã trở thành chuyện lớn nhất được cộng đồng xã hội tất cả các nước đều quan tâm. Nói chung người Việt Nam quan tâm nhiều tới giáo dục đại học (nói chính xác là chỉ quan tâm tới việc thi vào đại học) mà thiếu quan tâm tới giáo dục trước tuổi đi học (vườn trẻ-mẫu giáo). Đó là do họ chưa nhận thức được tính chất quan trọng của việc này, mặt khác cũng là do chi phí cho việc học vườn trẻ mẫu giáo hiện nay rất tốn kém, nhất là học các lớp chất lượng cao, thậm chí còn tốn kém hơn cả học đại học. Từ việc lựa chọn lớp mẫu giáo song ngữ, trường tiểu học rồi trung học, trường chuyên…, khoản chi này chiếm phần khá lớn ngân sách gia đình. Tầng lớp trung lưu châu Á gọi đó là khoản đầu tư có rủi ro cao, vì chưa thể biết trước kết quả sẽ ra sao; nhưng họ đã bắt đầu quan tâm tới giáo dục trước tuổi đi học – đây là một lựa chọn đúng hướng.

Thế nhưng các gia đình thu nhập thấp giờ đây khó lòng cho con em họ được đi vườn trẻ mẫu giáo, dù là của Nhà nước mở và chất lượng rất thấp. Do giáo dục mẫu giáo chưa được đưa vào diện giáo dục bắt buộc, hệ thống vườn trẻ mẫu giáo của Nhà nước ta hiện nay không đủ sức nhận toàn bộ số trẻ em trước tuổi đi học. Các vườn trẻ mẫu giáo tư thì thu học phí quá cao. Một số trường mẫu giáo tư ở Hà Nội đang thu học phí 200-300 USD/tháng. Đây là tình trạng chung của các nước đang phát triển. Tại Trung Quốc cũng vậy: thu nhập bình quân hằng tháng của người dân Bắc Kinh bằng 4000 RMB (Nhân dân tệ, 1 RMB đổi 0,147 USD) nhưng học phí các lớp mẫu giáo công lập ở đây là 1000-4000 RMB/tháng, đắt hơn cả học đại học; thí dụ trường Đại học Bắc Kinh thu học phí và tiền trọ của sinh viên khoảng 700 RMB/tháng. Vì thiếu các lớp mẫu giáo công lập mà Bắc Kinh năm nay có 250 nghìn trẻ phải ở nhà với ông bà (tin ngày 23/2/2010).

Nếu đồng ý với quan điểm giáo dục của bà Hillary Clinton, Nhà nước ta nên quan tâm phát triển hệ thống vườn trẻ mẫu giáo công cả về số lượng lẫn chất lượng để phần lớn trẻ em trước tuổi đi học đều có thể được hưởng sự giáo dục của xã hội, thu hẹp dần tình trạng đa số trẻ em hiện nay phải ở nhà để ông bà hoặc ô-sin trông nom.

——————–

1Thuyết này được trình bày trong sách The Bell Curve: Intelligence and Class Structure in American Life. Tác giả: Richard Hernnstein (nhà tâm lý, giáo sư ĐH Harvard) và Charles Murray (nhà chính trị học). Trong sách có đưa ra quan điểm: IQ của người da đen bằng 85% của người da trắng, và tỷ lệ nghịch với chiều dài cái penis của họ. Chủ nhân giải Nobel 1962 James Watson (nổi tiếng về thành tích đồng khám phá cơ chế gene) do tán thành thuyết này mà bị lên án mạnh, vì thế năm 2007 phải từ chức giám đốc Cold Spring Harbor Laboratory.

2 Mathew Effect: hiệu ứng có vẻ nghịch lý “Đã giàu thì càng giàu, đã nghèo thì càng nghèo, đã xấu thì càng xấu …” (The rich get richer and the poor get poore …), do nhà xã hội học Robert K. Merton đưa ra, lấy tên từ Phúc Âm Matthew trong Kinh Thánh.

3 Pierre Bourdieu (1930-2002): nhà xã hội học, triết gia, viện sĩ Pháp, viết nhiều về vấn đề tích lũy vốn văn hóa.

(nguồn: https://tiasang.com.vn/-giao-duc/ca-lang-nuoi-day-mot-dua-tre-br-quan-diem-giao-duc-cua-ba-hillary-clinton-3180)

Từ khóa: 

it takes a village

,

hillary clinton

,

sách

Phải cả gia đình - nhà trường - xã hội phối hợp thì mới bàn đến giáo dục được. Ở nhà quen thói vô phép thì đến trường sẽ hỗn hào, ở trường dạy một đằng mà ra xã hội thực tế một nẻo thì là tốn cơm gạo vô ích!

Trả lời

Phải cả gia đình - nhà trường - xã hội phối hợp thì mới bàn đến giáo dục được. Ở nhà quen thói vô phép thì đến trường sẽ hỗn hào, ở trường dạy một đằng mà ra xã hội thực tế một nẻo thì là tốn cơm gạo vô ích!